Sunday 6 December 2015

Chia lại miếng bánh GDP cho người nghèo (Nguyễn Ngọc Quỳnh & Nguyễn Quang Đồng)





Mỹ Lệ  -  TBKTSG  (thực hiện)
Thứ Bảy,  5/12/2015, 07:17 (GMT+7)


(TBKTSG) - Chính sách cần được thiết kế như thế nào để tái phân phối hợp lý, giảm chênh lệch giàu - nghèo, giảm nghèo ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô? TBKTSG trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia về an sinh xã hội, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED).

Cùng với việc cố gắng làm sao để "miếng bánh" GDP trước khi chia lớn thêm, thì việc chia như thế nào để tránh tình trạng "kẻ ăn không hết người lần không ra" rất quan trọng. Bất bình đẳng về thu nhập, mà kéo theo đó sẽ là bất ổn xã hội, đang là mối lo lớn.

Giảm chênh lệch giàu - nghèo, nhìn từ chính sách thuế, phí

TBKTSG : Thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân tăng 18% trong năm nay, đạt khoảng 55.000 tỉ đồng. Đó là một tín hiệu đáng khích lệ về mặt cơ cấu thu ngân sách và là tiền đề để tái phân phối của cải xã hội. Liệu chúng ta có thể làm gì thêm được nữa để tăng nguồn thu này, theo ông và bà ?

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh : Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn thu quan trọng và đóng vai trò lớn trong việc tái phân phối thu nhập. Tuy nhiên, thực hiện thu nguồn thuế này vẫn còn nhiều vấn đề, thu sót còn phổ biến.
Ngoài việc hiện nay Việt Nam chưa có một hệ thống tài chính cá nhân hoàn thiện để có thể quản lý một cách hệ thống thu nhập cá nhân, thì một trong những vấn đề mấu chốt trong việc tăng nguồn thu này chính là tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách thu từ thuế thu nhập cá nhân. Khi việc sử dụng nguồn thu thuế không minh bạch thì người dân không có niềm tin và cũng không cảm thấy có trách nhiệm đối với việc kê khai thu nhập và nộp thuế.
Tôi cho rằng Chính phủ và các cơ quan thuế cần đảm bảo được tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân thì lúc đó nguồn thu này mới có thể tăng và bền vững.
*
TBKTSG : Ông và bà nhận xét gì về cách thiết kế chính sách tái phân phối hiện nay ? Có thể cải thiện những điều này như thế nào ?

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh : Có một thuật ngữ đang được sử dụng rộng rãi khi đề cập đến các khoản thu thuế cho ngân sách nhà nước là "tỷ lệ huy động từ thuế vào ngân sách". Cá nhân tôi không thích từ "huy động" này vì nó không phản ánh bản chất thực sự của thuế là tái phân phối thu nhập một cách minh bạch và hiệu quả, mà chỉ phản ánh việc Nhà nước thu thuế cho mục đích chi tiêu thường xuyên.
Tôi cho rằng các chính sách tái phân phối hiện nay chưa đảm bảo tính công bằng, và còn có bất bình đẳng giữa các thế hệ, giới tính và tình trạng kinh tế. Rất nhiều các chính sách để tái phân phối hiện nay, ví dụ như các chương trình giảm nghèo, có tác động không cao, và cũng không tạo được động lực để người nghèo ra khỏi danh sách nghèo. Bên cạnh đó, do thiết kế chính sách chưa phù hợp mà chi phí hành chính cho thực hiện các chính sách này rất cao, dẫn tới giảm tính hiệu quả.
Việc cải thiện chính sách cần phải trên cơ sở bằng chứng, và quá trình xây dựng chính sách cần phải được tính toán trên cơ sở chi phí và hiệu quả rõ ràng của các lựa chọn chính sách. Chi tiêu công của Chính phủ cần phải được công khai và phân tích trên cơ sở hiệu quả của các khoản chi tới các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, ví dụ như đảm bảo an sinh xã hội toàn dân. Quỹ dân số Liên hiệp quốc đang hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng chính sách về an sinh xã hội cho người cao tuổi, trong đó bao gồm cả việc tính toán các chi phí và hiệu quả của các lựa chọn về chính sách an sinh.

Ông Nguyễn Quang Đồng : Tệ hơn, chuyện "bao cấp ngược", trong đó nhóm thu nhập cao hơn được hưởng lợi nhiều hơn đang xảy ra.
Trong một chuyến khảo sát gần đây ở một tỉnh Bắc miền Trung, chúng tôi thấy rất rõ chính sách trợ cấp đang tập trung cho người giàu như thế nào. Tỉnh có một loạt chính sách trợ cấp nông nghiệp tập trung cho khu vực sản xuất, tuy nhiên hỗ trợ lại chỉ tập trung vào hộ khá : ví dụ, hộ chăn nuôi với quy mô lớn từ con số trăm con trở lên, hộ canh tác với quy mô lớn hơn 1 héc ta. Chính sách chưa hợp lý, thêm vào đó là sự "méo mó" trong khâu thực hiện khiến những hỗ trợ này chảy thẳng vào túi của phần lớn gia đình, người thân của cán bộ, công chức ở cấp xã.
*
TBKTSG : Cũng nghịch lý, ở một khía cạnh nữa, các quy định về nghĩa vụ thuế, phí hay giá sản phẩm dịch vụ thiết yếu hiện nay có vẻ đang được cào bằng. Người nghèo xài ít hơn/hay gây tác động ít hơn vẫn bị đánh thuế, phí như người giàu (như phí bảo đường bộ thu trên đầu phương tiện, phí bảo vệ môi trường thu qua xăng...) ?

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh : Như đã phân tích ở trên, về việc thiết kế chính sách, một cách chung nhất, Chính phủ cần giảm bớt các chính sách mang tính mục tiêu, như các chương trình mục tiêu giảm nghèo. Các chính sách mang tính mục tiêu thường khiến chi phí quản lý và hành chính tăng cao, dễ gây ra nhầm lẫn và bỏ sót, đồng thời hiệu quả không cao. Các chương trình mục tiêu về giảm nghèo còn khiến Chính phủ gặp khó khăn trong việc đề ra một một chiến lược giải thoát (exit strategy) cho các đối tượng nghèo.
Cũng tương tự như vậy với các quy định về thuế, phí và giá sản phẩm dịch vụ thiết yếu. Việc xác định các quy định về thuế cần bóc tách một cách công bằng về nghĩa vụ công dân thay vì xác định đối tượng mục tiêu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách trợ giúp cho các nhóm yếu thế thông qua các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, trong đó có đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận đến các dịch vụ xã hội cơ bản.
Vấn đề hiện nay là đầu tư cho an sinh của Chính phủ rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% GDP, và phần lớn đầu tư cho an sinh này lại tập trung vào các đối tượng có điều kiện khá giả và trong khu vực chính thức. Trong tổng đầu tư cho an sinh xã hội, đầu tư cho trợ giúp xã hội cho các đối tượng nghèo và yếu thế chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP. Như vậy, có thể thấy, mặc dù các chính sách và trách nhiệm về thuế được tính trên cơ sở ngang bằng về nghĩa vụ thì chi tiêu và đầu tư của Chính phủ để đảm bảo an sinh và tái phân phối trong dân cư lại chỉ tập trung vào nhóm già và có điều kiện khá giả mà bỏ trống nhóm nghèo và cận nghèo.

Ông Nguyễn Quang Đồng : Ngoài những nghịch lý trên, còn có một nghịch lý khác là gánh nặng thu phí, lệ phí ở khu vực nông thôn - khu vực nghèo hơn.
Rất nhiều các khoản đóng góp của các gia đình ở nông thôn là cho các quỹ, hoàn toàn không phải là các khoản phí hay lệ phí. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang dùng "quyền lực nhà nước" ở địa phương để buộc người dân phải nộp, như quỹ khuyến học, quỹ chất độc da cam, quỹ... vì người nghèo. Nhiều địa phương còn dùng loa để "bêu tên" người không đóng quỹ, không xác nhận giấy tờ nhân thân nếu không nộp quỹ... "Quỹ" đang bị hành chính hóa trong khi về bản chất quỹ này là tự nguyện - người dân vừa không được quyết định mức đóng, lại vừa bị ép buộc phải đóng.
Dự thảo Luật Phí và lệ phí đang trình Quốc hội có nhiều điểm tiến bộ nhưng không khắc phục được vấn đề vừa nêu - vấn đề nằm ở chính quyền địa phương. Một khi người dân không được tham gia vào việc tính toán các loại giá dịch vụ ở địa phương và bộ máy địa phương nặng nề (tiền "nuôi" các đoàn thể, cán bộ hội nông dân ; cán bộ hội khuyến học ; cán bộ hội cựu chiến binh... được tính vào giá dịch vụ sản xuất) thì gánh nặng cực kỳ vô lý này không bao giờ giải quyết được. Lời giải là sự tham gia của người dân vào chính sách địa phương - cơ quan dân cử địa phương phải có vai trò đại diện thực sự.

Giảm nghèo, từ chuẩn nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều

TBKTSG : Tuần rồi, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo mới được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Theo ông và bà, bức tranh giảm nghèo của Việt Nam đã và sẽ như thế nào ? Những việc cần làm để có thể giảm nghèo đa chiều ?

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh : Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên các con số thống kê cho thấy một tỷ lệ lớn dân số vẫn rất nhạy cảm với nghèo. Theo tính toán của UNFPA và ILO năm 2014, nếu tăng mức chuẩn nghèo lên 150% thì tỷ lệ nghèo lên tới gần 40%, cho thấy sự không bền vững trong việc thực hiện giảm nghèo.
Việt Nam hiện nay là nước có thu nhập trung bình thấp và có bối cảnh dân số rất đặc biệt, vừa có cơ hội dân số vàng, vừa già hóa dân số. Như vậy, mục tiêu đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế - vừa đảm bảo an sinh xã hội toàn dân ; vừa tận dụng cơ hội dân số trẻ với lực lượng lao động dồi dào - vừa chuẩn bị cho giai đoạn dân số già sắp tới.
Trong bối cảnh này cũng như nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, điều quan trọng là cần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện sàn an sinh xã hội. Trên cơ sở cách tiếp cận nghèo đa chiều và tiếp cận an sinh xã hội theo vòng đời, an sinh xã hội cần được nhìn nhận như những khoản đầu tư chứ không phải là chi phí. Các bằng chứng từ phân tích chính sách của Liên hiệp quốc cho thấy các chính sách an sinh xã hội đóng góp rất lớn vào tỷ lệ giảm nghèo. Thực hiện sàn an sinh xã hội theo hướng tiếp cận vòng đời, đảm bảo thu nhập tối thiểu và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản toàn dân nên là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Đồng : Bên cạnh việc thay đổi chuẩn nghèo, cũng cần thấy một thực tế là chính sách giảm nghèo hiện tại ở nông thôn quá nặng về trợ cấp và trợ cấp hiện tại chỉ tập trung vào nhóm sản xuất. Trong khi đó, chính sách phát triển sản xuất thực thụ lại không có : đất đai manh mún - triệt tiêu hiệu quả sản xuất ; quy hoạch vùng sản xuất một cách "hành chính" đang làm khó doanh nghiệp muốn tham gia vào nông nghiệp...
Bối cảnh đã thay đổi nhưng tư duy của chính quyền vẫn muốn bao cấp, muốn nghĩ thay (trồng cây gì, nuôi con gì...), trong khi đó là chuyện của thị trường - người dân, doanh nghiệp, thương lái. Chính sách phát triển nông thôn - qua đó giảm nghèo - cần đổi mới căn bản - không thể chỉ là "trợ cấp" nữa mà là phát triển thị trường.

Lát cắt khu vực kinh tế phi chính thức

TBKTSG : Khu vực kinh tế phi chính thức hiện nay rất lớn, trong đó người nghèo chiếm đa số. Việc giảm chênh lệch giàu - nghèo, giảm nghèo chỉ bền vững khi người nghèo có cơ hội tự làm, tự ăn chứ không phải là Nhà nước trợ cấp bao nhiêu (mà thực ra Nhà nước cũng không có nguồn lực) ? Việc trao "chiếc cần câu" thay vì "con cá" đang và nên được thực hiện như thế nào ?

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh : Năm 2014, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm 62,2% lực lượng lao động, 73% tổng việc làm (bao gồm cả nông nghiệp) và đóng góp gần 30% GDP (theo Tổng cục Thống kê). Phần lớn những người trong khu vực phi chính thức không được bao phủ trong hệ thống hưu trí và làm việc có thu nhập thấp, không ổn định, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Các chính sách cứng nhắc chưa tính đến đặc thù của nhóm lao động trong khu vực này, như tính dễ luân chuyển, làm hạn chế tiếp cận của nhóm phi chính thức đến các dịch vụ xã hội và hạn chế cơ hội giảm nghèo và thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc lạm dụng cơ chế xã hội hóa giáo dục, y tế, sự không minh bạch trong các lĩnh vực này khiến cho chi phí các dịch vụ tăng cao. Có thể thấy mặc dù nhóm phi chính thức đóng góp một phần lớn trong phát triển kinh tế và GDP nhưng đầu tư của Nhà nước cho nhóm này chưa tương xứng. Việc "trao cần câu" hiện phần lớn nhắm tới khu vực kinh tế chính thức và các nhóm lợi ích hơn là khu vực kinh tế phi chính thức.
Một số khuyến nghị về chính sách để mở rộng an sinh xã hội tới nhóm phi chính thức bao gồm : mở rộng cơ hội việc làm thông qua các chính sách và chương trình về việc làm công ; xem xét lại chính sách về xã hội hóa, giảm sự bất bình đẳng trong chi tiêu và thu nhập ; tăng đầu tư ngân sách từ thuế vào trợ giúp xã hội, cân đối lại nguồn chi cho khu vực chính thức và phi chính thức ; bỏ dần các điều kiện về hộ khẩu cho tiếp cận các dịch vụ xã hội và an sinh.

Ông Nguyễn Quang Đồng : Tại các khu vực đô thị, chính sách "hộ khẩu" và rộng hơn là quản lý theo địa bàn cư trú, đang là rào cản lớn với việc tiếp cận dịch vụ của người lao động di cư từ nông thôn, đa số là nghèo. Ví dụ, quy định cứng - học đúng tuyến trong khi "tuyến" quản lý theo hộ khẩu là rào cản người nghèo. Đặc biệt là con em người lao động ở các khu công nghiệp phải học ở nhà trẻ tư với chi phí cao hơn rất nhiều so với trường công.
Tư duy quản lý bằng hộ khẩu là hình thức quản lý rất lạc hậu. Thêm vào đó, xu hướng phát triển - tính "di động" của công việc và địa bàn cư trú, nhất là thành phố ngày càng cao. Cư dân không gắn chặt một địa bàn cư trú lâu dài và ổn định như trước đây mà "di chuyển" (mobility cao hơn.

Mỹ Lệ thực hiện



No comments:

Post a Comment

View My Stats