Sunday, 20 December 2015

Chất xám về hay ở chung qui là giằng dai lợi ích (Nguyễn Công Nghĩa - VietNamNet)






Nguyễn Công Nghĩa  -  VietNamNet
Cập nhật : 01:00 | 20/12/2015

Nếu có bệ phóng thì việc trở về là một lựa chọn tuyệt vời. Nhưng nếu không có cơ hội, thì lời hiệu triệu trở về để cống hiến là lỗi thời trong một thế giới phẳng.

Mong muốn đóng góp, cống hiến khi trở về nước là hoàn toàn có thực, nhưng những rào cản và khó khăn trong việc hòa nhập trở lại với Việt Nam thực sự là đáng kể. Đây là những ví dụ. Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, khi dự cuộc hội thảo thường niên của du học sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) cách đây 10 năm, ngoài những lời khuyên truyền thống như học tốt, quan hệ tốt, ông khuyên họ hãy dành dụm tiền để phòng ngừa những rủi ro khi trở về quê hương, bao gồm cả xin việc. Lời khuyên của ông rất chân tình và thực lòng.

Để có thể giúp các du học sinh thêm tính chủ động và tạo mạng lưới kết nối khi quay về Việt Nam, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đã đưa ra một sáng kiến, một thảo luận rộng rãi với nhiều khách mời là các quan chức, những lãnh đạo các ngành, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp... trong tất cả các cuộc hội thảo hàng năm tại Mỹ và Việt Nam. Tên của sáng kiến là “Đường về Tổ quốc”.  Rất nhiều các phát biểu lời hay ý đẹp, các tham luận truyền lửa, nhưng chẳng có giải pháp nào là cụ thể, và kết quả rất hạn chế.

Có thể nói, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đã rất thành công khi đưa đi đào tạo gần 300 tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, nơi mà ngay cả những sinh viên xuất sắc khắp nơi trên thế giới đều thèm muốn. Ngay trên đất Mỹ, những người này đều có những thành công và đóng góp nhất định cho khoa học. Nhưng khi quay về, nhiều người loay hoay tìm một chỗ đứng, một vị trí công chức nghiên cứu hay giảng dạy, số khác chật vật với khởi nghiệp (cái không phải sở trường), hay chuyển sang làm cho các tổ chức nước ngoài.
Và một số tìm đến một quyết định khó khăn là lại ra đi. Câu nói vui phổ biến trong hội thảo là các học sinh VEF có đủ tố chất, chỉ thiếu bệ phóng, nhưng mà nếu đã có bệ phóng, có khi du học lại chẳng còn cần.

Chế độ đãi ngộ chỉ là một vấn đề nhỏ. Thiếu thốn cơ sở vật chất để làm việc cũng chỉ là vấn đề nhỏ. Vấn đề lớn nhất nằm ở sự minh bạch của môi trường làm việc, bình đẳng trong cơ hội đóng góp và thăng tiến khoa học. Câu hỏi rất đơn giản: Làm gì, ở đâu và ai cần họ? Những người trở về không có sẵn bệ phóng phải làm quen và vượt qua các quan hệ chằng chịt của Việt Nam về “hậu duệ, quan hệ, và tiền tệ”.

Họ không được huấn luyện về những kỹ năng này, cũng như các kỹ năng làm vừa lòng cấp trên và đồng nghiệp. Họ cũng đã bỏ lỡ những cơ hội “phấn đấu vào Đảng”, được xét biên chế, được “phát hiện, bồi dưỡng và quy hoạch”, và chờ đợi được đề bạt “đúng quy trình” lại là một câu chuyện khác.

Cơ hội được cống hiến và cơ hội thành công đều không lớn, trong khi cơ hội cho một con đường dù nhiều thách thức nhưng vẫn quen thuộc, bình an và ít hoang phí chất xám hơn vẫn còn, họ sẽ chọn điều gì? Và với đất nước Việt đã có sẵn 9000 GS/PGS và 24,000 tiến sĩ, sự có mặt của họ có thêm được gì nhiều không? Nhất là khi đã có những trao đổi rằng Việt Nam có thể xuất khẩu tiến sĩ cho đỡ phí phạm chất xám, như ai đó đã từng nói.

Câu nói vui này rất phổ biến trong cộng đồng du học đã ở lại “Hiện tại thì đóng góp lớn nhất của mình là bớt đi cho đất nước mấy miệng ăn của gia đình mình”. Ai ở lại, ai về là một câu hỏi muôn thuở, và quyết định nào cũng có ủng hộ và chỉ trích. Nếu đã có bệ phóng, trở về là một lựa chọn tuyệt vời, nhưng nếu không có gì là cơ hội, sự kêu gọi trở về để cống hiến cũng đã lỗi thời và bảo thủ trong một thế giới phẳng.

Một số nhà khoa học Việt đã thành danh ở nước ngoải, một số người nước ngoài lại thành danh ở Việt Nam, như Victoria Kwakwa, người Ghana, học đại học tại Ghana, sau đó là thạc sĩ và tiến sĩ tại Canada, hiện là Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương, Chất xám không chảy máu đi đâu cả. Chất xám chảy về nơi người ta cần. Và Việt Nam cũng vậy thôi.

Nguyễn Công Nghĩa,Tiến sĩ, Bác sĩ tại Đại học Waterloo, Ontario, Canada

-----------------------------

Du học sinh : Về hay ở ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats