Tuesday, 5 May 2015

Công tố viên Marilyn Mosby (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 04/05/2015

Mới nhận nhiệm vụ tại thành phố Baltimore được bốn tháng, cô Marilyn Mosby, nữ công tố viên trẻ nhất Hoa Kỳ, đã giải quyết vụ cảnh sát giết Mỹ Đen gây xúc động lớn nhất nước Mỹ. Truyền thông ca ngợi và đề cao việc cô biến tình trạng Baltimore hỗn loạn, biểu tình chống cảnh sát, đốt nhà, đốt xe cảnh sát, đập phá tiệm buôn, trở thành cảnh thành phố thanh bình, hàng ngàn cư dân Baltimore Mỹ Đen và Mỹ Trắng tụ họp trước tòa đô chính ăn mừng, và cứ mỗi vài phút đám đông thỏa mãn lại sung sướng thét lớn khẩu hiệu tranh đấu của họ “no justice, no peace, no racist police” (thiếu công lý, không có hòa bình, chống cảnh sát kỳ thị).

Tóm lược vụ cảnh sát giết chết anh thanh niên Mỹ Đen Freddie Gray: hôm 12 tháng Tư, Gray bị cảnh sát rượt bắt, vì ngay khi chạm mắt với một nhân viên cảnh sát, anh sợ hãi bỏ chạy; cảnh sát -đang đi tuần tiễu bằng xe đạp- đạp xe đuổi theo, bắt được Gray, còng tay anh lại, rồi dùng xe thùng chở anh về bót. Sau một đoạn đường, chiếc xe ngừng lại, lôi anh xuống, lấy còng chân còng thêm, khiến anh không còn cả tay lẫn chân để chống đỡ trong lúc ngả nghiêng trong xe vì con đường dằn xóc, và vì cách lái xe của người cảnh sát tài xế. Một yếu tố khác tạo thêm tội cố sát là Gray không được cài dây nịt an toàn như luật định.
Về đến bót cảnh sát, Gray được cấp cứu hồi sinh và đưa vào bệnh viện, anh chết ngày 19 tháng Tư, một tuần sau cuốc xe giết người.

Công tố viên Marilyn Mosby (Getty Images)

Hôm mùng 1 tháng 5 sở Pháp Y công bố kết quả cuộc giảo nghiệm tử thi anh Gray, khẳng định anh chết là do bị giết. Biên bản Pháp Y đưa đến quyết định cô Mosby truy tố 6 nhân viên cảnh sát liên hệ đến việc bắt và chuyên chở Gray về bót.

Sáu can phạm bị tống giam là cảnh sát viên Caesar Goodson, trung úy Brian Rice, trung sĩ Alicia White, cảnh sát viên Garrett Miller, cảnh sát viên William Porter, và cảnh sát viên Edward Nero.
Từ trái: cảnh sát viên Caesar Goodson, trung úy Brian Rice, trung sĩ Alicia White, cảnh sát viên Garrett Miller, cảnh sát viên William Porter, và cảnh sát viên Edward Nero, bị truy tố về cái chết của Gray.

Tờ The New York Times nhận xét, “Chỉ bốn ngày sau cuộc biểu tình bạo động, tình trạng yên ổn, thoải mái của Baltimore đập vào mắt mọi người. Công tố viên Mosby đem hòa bình, yên vui trở lại Baltimore bằng quyết định truy tố 6 cảnh sát viên và nhiều người biểu tình -trong số có anh Allen Bullock, 18 tuổi- phạm tội đập phá xe cảnh sát mang số dân sự.
Truy tố cả cảnh sát lẫn những người biểu tình bạo động, nhưng Mosby lại ca tụng những người biểu tình ôn hòa, hợp pháp. Cô nói trong buổi họp báo công bố quyết định truy tố, "Các bạn trẻ của thành phố này; lúc này là một thời điểm -thời điểm của các bạn. Các bạn đang đi tiên phong bảo vệ một lý tưởng, thời điểm của các bạn là chính lúc này."

Cả 6 cảnh sát viên đều đã đóng tiền beo (bail) từ $250,000 đến $350,000 để được tại ngoại, riêng anh Bullock -người đập xe cảnh sát- còn bị giam vì không có $500,000 để đóng beo. Sở Tư Pháp Bảo Trợ -cơ quan cung cấp luật sư miễn phí cho những bị can nghèo- cho biết Bullock tự ý trình diện cảnh sát và nhận tội. Một số thanh niên biểu tình khác cũng bị truy tố, nhưng số tiền beo được ấn định nhẹ hơn.

Luật sư Natalie Finegar -phụ tá giám đốc sở Tư Pháp Bảo Trợ - và luật sư tư Warren Brown nhận xét là cách ấn định số tiền beo cho nhân viên cảnh sát và số tiền beo cho thanh niên biểu tình không được công bằng; người biểu tình bị đóng beo nặng hơn. Hai luật sư này còn nêu lên một điểm trái nguyên tắc là cho những can phạm bị truy tố về tội sát nhân được tại ngoại, trong lúc luật pháp ấn định họ không được hưởng quyền này.

Hiệp Hội Cảnh Sát Baltimore tuyên bố cả 6 cảnh sát viên bị truy tố đều vô tội. Cô Mosby cũng tuyên bố, “Tôi là con, là cháu của 5 thế hệ cảnh sát viên; bố tôi là cảnh sát viên, mẹ tôi là cảnh sát viên; nhiều cô, nhiều chú tôi là cảnh sát viên, ông nội tôi cũng là cảnh sát viên, tôi rất yêu thương cụ, nhưng cụ vừa mất.”

Lý lịch con, cháu của 5 thế hệ cảnh sát viên khiến Hiệp Hội Cảnh Sát Baltimore không thể chỉ trích Mosby là có ác cảm với cảnh sát. Thái độ cô quyết liệt bênh vực công lý còn khiến dư luận nhận ra những khác biệt giữa cô với những công tố viên khác tại New York City, Ferguson, Cleveland, và khác biệt giữa tình trạng an vui, thỏa mãn của Baltimore so với tình trạng vẫn còn căng thẳng giữa cảnh sát và cư dân Mỹ Đen tại ba thành phố đó, và nhiều thành phố khác nữa.

Công tố viên Daniel Donovan không truy tố anh cảnh sát kẹp cổ ông Garner cho đến chết.
Chưa đầy một tháng sau, sở Pháp Y New York chứng nhận ông Garner chết vì bị giết; và như vậy người cảnh sát kẹp cổ ông phạm tội sát nhân; công tố viên quận Staten Island, ông Daniel Donovan, không truy tố anh cảnh sát này cho đến lúc bị dư luận chỉ trích quá gắt gao, ông mới đưa anh ra trước một bồi thẩm đoàn để luận tội, rồi miễn tố.

Được đảng Cộng Hòa tuyển, Donovan ra ứng cử dân biểu thay thế cho dân biểu quận Staten Island -ông Michael Grimm- từ chức; Donovan tuyên bố, “Tôi quyết định truy tố hay không truy tố, không căn cứ theo sự quan tâm của truyền thông.”

Cô Mosby cũng còn được truyền thông đem so sánh với ông Robert McCulloch, công tố viên chính trong vụ cảnh sát viên Darren Wilson giết anh Michael Brown, 18 tuổi hôm mùng 9 tháng Tám năm ngoái.

Hai đặc điểm của cô Mosby là can đảm và vô cùng cu ky; cô đang một mình tranh đấu đi ngược lại hệ thống tư pháp do người Mỹ Trắng ngự trị. Nội dung cáo trạng truy tố mà Mosby công bố, rõ rệt bảo mọi người là giai đoạn dung túng cảnh sát lộng hành không thể để kéo dài lâu hơn nữa.

Việc làm của cô đáng ca ngợi, nhưng cũng chuyên chở rất nhiều triển vọng thất bại. Cô kết 6 viên chức cảnh sát này vào những tội danh từ cố sát đến ngộ sát, đả thương, giam giữ trái phép, và lộng quyền. Khó khăn đầu tiên là cô phải thuyết phục được đại bồi thẩm đoàn tin là những viên chức này phạm pháp, để đại bồi thẩm đoàn đó truy tố; cô chỉ có quyền buộc tội.

Cô chuẩn bị hồ sơ buộc tội quá nhanh -chỉ 18 ngày- trong lúc công tố viện Missouri cần đến hơn ba tháng để điều tra vụ cảnh sát viên Darren Wilson giết anh Michael Brown; hy vọng là nhanh chóng không nhất thiết có nghĩa là thiếu sót.

Điều kiện để buộc tội ngộ sát là cô phải chứng minh được bị can ý thức được việc mình làm có thể giết nạn nhân, nhưng vẫn cứ làm.

Giáo sư Jens D. Ohlin dạy hình luật tại Cornell Law School nhận xét, muốn buộc tội ngộ sát, “Công tố viện chỉ cần chứng minh là cảnh sát biết cách thức họ chuyên chở có thể giết nạn nhân, không cần chứng minh là cảnh sát muốn nạn nhân chết.”

Tội cố sát khó buộc hơn, vì phải chứng minh được là bị can muốn giết hoặc muốn gây tử thương cho nạn nhân. Làm cách nào cô Mosby chứng minh được là cảnh sát viên Caesar Goodson -người lái chiếc xe tử thần- muốn giết Gray?

Từng vị bồi thẩm đều chỉ được tuyển với sự đồng ý của luật sư của cả đôi bên; không thể nào luật sư bên bị cáo lại đồng ý tuyển chọn toàn những người không có thiện cảm với cảnh sát. Một vị giáo sư luật khác -ông David A. Harris, dạy tại trường University of Pittsburgh- nhận định, “Chỉ trong những vụ án thật quá đáng, bồi thẩm đoàn mới kết tội một cảnh sát viên; đứng trước tòa, mọi bị can đều được coi là vô tội; nhưng nếu bị can là cảnh sát, người bồi thẩm còn có thói quen coi cảnh sát là công bộc bảo vệ trật tự xã hội.

Hoa Kỳ có một vị tổng thống Mỹ Đen, một vị bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Đen, nhưng cả hai nhân vật quyền hạn này cũng chưa làm giảm được tai ách cảnh sát giết Mỹ Đen; có thể hai vị này không có quyền buộc tội như cô Mosby có quyền đó.

Nếu thành công, cô sẽ tạo thay đổi lớn trong lịch sử Hoa Kỳ; không thành công, cô cũng đã thành nhân, thành danh, được mọi người quý trọng. (nđt)

Các tin khác
• Happy Ending (02-05-2015)
• Phản bội (29-04-2015)
• Xin lỗi (28-04-2015)
• Điệp văn của Iran (22-04-2015)
•  19 đánh một (21-04-2015)
• Đòn Độc (19-04-2015)
• Tòa Án Xã Hội (14-04-2015)
• Có Công Mài Sắt (12-04-2015)







No comments:

Post a Comment

View My Stats