Thursday, 9 April 2015

VN chưa chủ động trước các đại cường (Quốc Phương - BBC Việt ngữ)





Quốc Phương
BBC Việt ngữ
9-4-2015

Việt Nam còn thiếu chủ động trong quan hệ với các đại cường, theo ý kiến của nhà phân tích từ Hà Nội nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc.

Hôm thứ Năm, 09/4/2015, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu về Trung Quốc và quan hệ quốc tế nói với Bàn tròn của BBC rằng dường như trong quan hệ Việt - Trung, Trung Quốc là người nắm thế chủ động.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói:
"Nếu chỉ so sánh năm ngoái thôi, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc, thì mặt lạnh như tiền, chỉ một năm thôi đã khác biệt như thế rồi.
"Điều này tôi muốn nghĩ xa hơn là có lẽ người dẫn dắt quan hệ Việt - Trung là phía Trung Quốc chứ không phải Việt Nam, phía Việt Nam, chúng ta chưa có sự chủ động.
"Trung Quốc muốn lạnh nhạt, thì nó lạnh nhạt, mà muốn nồng ấm thì nó nồng ấm.
"Vấn đề tôi muốn nói là ở chỗ đó, cho nên không phải chúng ta (Việt Nam) vui mừng trước sự đón tiếp trọng thị của Trung Quốc như vậy.
"Chúng ta cám ơn, chúng ta đánh giá tốt, thế nhưng mà chúng ta phải nhìn vào thực chất sự trọng thị đó có đưa lại kết quả không?
"Trong một bài phát biểu gần đây, tôi có nói là tôi mong muốn quan hệ Việt - Trung sau chuyến đi của này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được những kết quả thực chất," TS. Vũ Cao Phan nói với Bàn tròn của BBC.

'Vội vàng, bất ngờ'

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đặt câu hỏi với Bàn tròn về sự 'vội vàng' của chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu quan điểm:
"Tôi không biết chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng có chuẩn bị kỹ càng không, hay là đi gấp là vì ông Tập Cận Bình mời đi gấp, bởi vì ông phản ứng đối với vấn đề Mỹ và mời ông Nguyễn Phú Trọng?
"Và nếu mà gấp, thì tại sao đi sang bên đó rồi ký, hay có một bản Thông cáo chung đi vào những vấn đề rất chi tiết, nói về chuyện kinh tế, nói về chuyện tiền tệ, nói về những thứ mà đáng lẽ một ông đứng đầu Đảng không nên nói mà để cho cơ quan của chính phủ bàn luận vấn đề này với Trung Quốc, thì tôi hỏi rằng không biết tại sao lại như thế?"

Tiến sỹ Vũ Cao Phan đáp lại: "Về chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có bất ngờ, bởi vì lời mời mà phía Trung Quốc đưa ra cũng đã lâu rồi và họ cũng nhắc lại một, hai lần.
"Có thể đối với mọi người thì thời điểm hơi bất ngờ, bởi vì thời điểm này được đưa ra và được thực hiện vào sau khi đã có sự kiện khẳng định Tổng Bí thư Trọng sẽ đi thăm Mỹ vào tháng Năm, theo lời mời của Tổng thống Obama...
"Nhưng mà những người quan sát chính trị nói chung ở Việt Nam, cũng như tôi nghĩ ngay cả những người ở trong đoàn đi cũng hơi bất ngờ vì sự đón tiếp có thể dùng cái từ là quá trọng thị của phía Trung Quốc...
"Kiểu đón tiếp như thế này hình như nó chỉ diễn ra dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông...," nhà nghiên cứu Trung Quốc từ Hà Nội nói.

'Kỳ vọng từ Mỹ'

Từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu nhận xét về kỳ vọng chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng nhìn từ Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu bang giao quốc tế nói:
"Về chuyến đi của một nhà lãnh đạo một Đảng, mà ở Việt Nam, trên nguyên tắc ông ấy là lãnh đạo cao nhất, chuyến đi như vậy, thường thường phải chuẩn bị kỹ lắm.
"Vấn đề đặt ra là Việt Nam đã chuẩn bị kỹ đến mức độ nào? Và những vấn đề quan trọng còn lại, tồn đọng giữa Mỹ và Việt Nam, liệu chuyến đi này có giải quyết được không?
"Ông Trọng có tạo được một sự đồng thuận trong nước? Để khi mang đi có một tín hiệu gì, bởi vì nội dung trao đổi hai nước, nó quan trọng liên hệ tới hình thức tiếp đón.
"Nếu mà không có gì cả, đi nghi thức thôi, thì chuyện tiếp đón, nó sẽ không được long trọng như là muốn."

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận xét với Bàn tròn của BBC rằng hiện nay, Việt Nam là quốc gia cộng sản duy nhất mà người đứng đầu đảng lãnh đạo lại không phải là người đứng đầu nhà nước.
Hiện tại, tại Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Lào, nguyên thủ quốc gia đồng thời là người lãnh đạo đảng và đứng đầu nhà nước, như ý kiến một số nhà quan sát.

'Quan hệ tay ba'

Khi được đề nghị bình luận về việc có ý kiến trong giới quan sát và dư luận ở Việt Nam cho rằng có thể Trung Quốc 'không mong muốn' quan hệ Việt - Mỹ 'nồng ấm' hơn, với hai bên 'xích lại gần nhau' nhanh hơn vì có thể điều này 'gây bất lợi' cho Trung Quốc và vị thế của Trung Quốc ở khu vực, PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, nói với Tọa đàm của BBC:
"Tôi cho rằng về cơ bản chuyện này cũng rõ ràng, bởi vì quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.
"Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ lui về phía Đông, còn phía Hoa Kỳ muốn trở lại với châu Á.
"Tôi cho rằng đấy là mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh rõ ràng rồi.
"Việt Nam thì ở giữa mối quan hệ này, có thể là nếu Việt Nam chèo lái được tốt trong quan hệ của mình, thì tôi cho rằng là cũng có thể tạo một mối quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng như là có thể là tạo một mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ, với tinh thần hoàn toàn tôi nghĩ là xây dựng một đối tác, tôi nghĩ rằng tinh thần đó phục vụ cho quốc gia.
"Tất nhiên Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam và Hoa Kỳ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng tôi cho rằng mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng của lợi ích và quan hệ quốc tế nói chung, tôn trọng nhau, quan trọng là đối tác.
"Thì tôi cho rằng quan hệ đó hoàn toàn có cơ sở để tồn tại và phát triển," nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói.

'Chủ động thế nào'

Trao đổi với Bàn tròn, nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng ban BBC Tiếng Việt, nêu quan điểm Việt Nam có thể và nên 'chủ động' ra sao trong quan hệ trước các đại cường.
Nguyễn Giang nói:
"Tôi nghĩ chủ động hay không là tùy, mình gọi là trí khôn dân tộc, người Việt Nam có những lúc, tùy vào lãnh đạo thôi, chứ tôi nghĩ tầm vóc quốc gia, số lượng dân không quan trọng.
"Singapore là nước nhỏ nhưng họ vẫn chủ động lĩnh vực nhất định.
"Không phải tất cả, đấy là quy luật chung quốc tế thôi.
"Một nước ở Trung Âu như là Ba Lan cũng phải lựa cách làm sao chủ động trong quan hệ với Nga, với Đức, với EU và với Hoa Kỳ chẳng hạn.
"Cái đấy gần như là bài ngửa rồi, nước nào cũng như nước nào thôi.
"Nếu Việt Nam có nội lực tốt, có khả năng nội trị tốt, thì tự nhiên tính chủ động sẽ tăng lên.
"Tại vì chúng ta phải có sức lực thì mới chủ động được.
"Nếu không thì rõ ràng sẽ bị chèo kéo theo hết bên này, bên kia, và tác động bên ngoài vào sẽ mạnh hơn," nhà báo Nguyễn Giang nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 09/4.

Tin liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats