Wednesday 8 April 2015

Thường Đức : Trận đánh quyết định số phận của miền Nam ! (Lữ Giang)





Được đăng ngày Thứ tư, 08 Tháng 4 2015 06:38

THƯỜNG ĐỨC 1974 - Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm ở phía tây Đà Nẵng, 

Nói đến ngày 30/4/1975 và những ngày cuối cùng của Miến Nam Việt Nam mà không nói đến trận đánh Thường Đức là một thiếu sót rất lớn, vì đây là trận đánh quyến định số phận của miền Nam Việt Nam.

Người Pháp, chính phủ Ngô Đình Diệm và người Mỹ đều thấy rất rõ rằng nếu không giữ được cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng, quân cộng sản sẽ từ vùng rừng núi cao ở Thừa Thiên đổ xuống Quảng Nam theo con Đường 14 do Pháp thành lập dọc theo dãy Trường Sơn, rồi tiến đánh Cao nguyên Trung Phần và toàn miền Nam, do đó họ đã thiết lập và duy trì những căn cứ rất vững chắc ở Thường Đức, không cho quân cộng sản đi lọt qua. Lúc đó, muốn đi vào Cao Nguyên hay miền Nam, quân cộng sản phải làm con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào rồi đổ xuống vùng Tam Biên hay Kampuchia. Đây là con đường rất dài, hiểm trở và không thể đặt ống dẫn dầu… nên khó chuyển quân và tiếp liệu nhanh để đánh lớn được.

Chi khu Thường Đức và hậu cứ Tiểu đoàn 79/Biệt động quân (1974)

Nhưng sau khi Mỹ đi rồi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I Chiến thuật, không có tầm nhìn chiến lược nên coi thường cái chốt Thượng Đức. Các tài liệu được tiết lộ sau này còn cho thấy Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không quyết tâm giữ Thường Đức mà còn muốn bỏ mất cái chốt này để quân cộng sản có thể đưa lực lượng xuống miền Nam, làm nhẹ áp lực quân sự tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, nơi ông đang có trách nhiệm bảo vệ !

Sơ lược kế hoạch của Hà Nội

Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, các tài liệu cho biết sau khi ký Hiệp định Paris, Hà Nội đã lập ngay kế hoạch đánh chiếm miền Nam, kế hoạch đó có thể được tóm lược như sau : đưa quân vào Phước Long và Bình Long rồi đánh thẳng vào đầu não của miền Nam là Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn đưa quân vào hai tỉnh này, Hà Nội phải cho khai thông con Đường 14 từ Nghệ An đến Phước Long dài khoảng 1.380 km. Hà Nội cho biết nếu phải vận chuyển bằng con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào, từ Nghệ Tĩnh vào đến Pleiku, quân đội miền Bắc phải mất ít nhất 6 tháng. Trái lại, nếu vận chuyển bằng Đường 14, thường được gọi là đường Đông Trường Sơn, trên lãnh thổ miền Nam, chỉ mất có một tháng. Trong cuốn "Đại Thắng Mùa Xuân" xuất bản năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng đã viết :

"Một vấn đề then chốt là phải có hệ thống đường cơ động tốt. Công trình xây dựng con đường chiến lược Đông Trường Sơn bắt đầu từ năm 1973, hoàn thành đầu năm 1975 được xúc tiến với nhịp độ hết sức khẩn trương nối liền từ Đường số 9 (Quảng Trị) vào đến miền Đông Nam Bộ là công trình lao động của hơn 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong, đưa tổng số chiều dài đường chiến lược và chiến dịch, cũ và mới, làm trong suốt cuộc chiến tranh lên hơn 20.000 kilô mét...
Dọc theo đường chiến lược Đông Trường Sơn là hệ thống 5.000 kilômét ống dẫn dầu kéo dài từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, vượt cả sông, suối sâu, núi cao, có ngọn hơn 1.000 mét, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục ngàn xe các loại vào, ra trên đường.."..

Muốn thực hiện kế hoạch này, công việc đầu tiên là phải phá bỏ cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng, sau đó là cái chốt Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuột.

Tầm quan trọng của Thường Đức

Khúc Đường 14 từ Thừa Thiên vào Quảng Nam - Đà Nẵng rất hiểm trở, phải đi qua hai thung lũng và vực sâu thuộc A Lưới và A Shau (còn gọi là A Sao hay A Sầu) thuộc tỉnh Thừa Thiên, nằm kẹp giữa dãy Động Ngài ở phía đông với độ cao trung bình trên 1.000m và dãy A Bia ở phía tây cao gần 2.000m. Độ cao của hai thung lũng này cách mặt biển khoảng 800m.

Biên giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng dài khoảng 112 km tính từ biên giới Lào đến Biển Đông. Phần biên giới giáp với Quảng Nam dài 56,66 km, chận ở giữa là hòn Hói cao 1.166 m. Phần giáp với Đà Nẵng dài 55,82 km có các đỉnh của dãy Bạch Mã ở phía nam quận Phú Lộc cao 1.712 m và gần Lăng Cô cao 1.528 m.

Muốn từ Thừa Thiên vào Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ có hai con đường : Muốn đi vào Đà Nẵng phải đi theo Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân nằm sát biển. Con đường này đang do quân đội Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Muốn xuống Quảng Nam quân cộng sản phải đi từ thung lũng A Lưới, A Shau, đến A Đớt thì vòng qua lãnh thổ Lào khoảng 10km rồi quẹo vòng lại và vượt đèo A Yên trên Trường Sơn để vào A Tep (bản đồ Mỹ ghi là Ai Yin Young) thuộc tỉnh Quảng Nam. Qua khỏi A Tep là thung lũng Hiên (người Pháp gọi là Prao) và Giằng. Phía tây Hiên có núi cao đến 1.644 m. Hiên và Giằng cách nhau khoảng 40 km. Nay khúc Đường 14 này đã được Hà Nội sửa lại, cho chạy qua hai hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 để chui qua Trường Sơn rổi xuống A Tep, không phải đi qua đất Lào như trước nữa. Ngoài hai con đường đó, không còn con đường nào khác.

Hiên và Giằng lúc đầu thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thời Pháp thuộc, khi làm con Đường 14 đi sát chân dãy Trường Sơn, Pháp nhận thấy Hiên và Giằng là điểm chiến lược quan trọng để bảo vệ an ninh, nên đã thiết lập Liên tỉnh lộ 4 dài khoảng 40km, nối Quốc lộ 1, khúc Điện Bàn, với Giằng ở ngã ba Quốc lộ 14 để khi hữu sự có thể điều quân một cách nhanh chóng. Năm 1937, Pháp đã lập Căn cứ số 6 (Poste n° 6) tại đây và làm thêm Liên tỉnh lộ 13 dài khoảng 50 km, vượt qua một con đèo quanh co khoảng 20 km giữa những cánh rừng nguyên sinh, nối liền Giằng với cửa khẩu Dak Ta Ooc nằm giữa biên giới Lào - Việt, ở độ cao 1.200m, để chế ngự cả vùng phía tây và tây bắc của Quảng Nam - Đà Nẵng. 
Sau khi Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng miền Nam để đánh chiếm miền Nam, ngày 31/7/1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký Sắc lệnh số 162-NV tách tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh là Quảng Nam và Quảng Tín để bảo vệ an ninh. Tỉnh Quảng Nam gồm 9 quận và tỉnh Quảng Tín 6 quận. Tại tỉnh Quảng Nam, chính phủ quan tâm đến vùng Hiên và Giằng thuộc quận Đại Lộc, nên đã tách hai vùng này ra khỏi quận Đại Lộc và thành lập một quận riêng gọi là quận Thường Đức (trong văn kiện chính thức là Thường Đức chứ không phải Thượng Đức). Quận lỵ và Chi khu quận Thường Đức được đặt tại thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, nơi ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cạnh Liên tỉnh lộ 4. Sở dĩ chính phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập quận này là để cắt đứt con Đường 14, không cho quân cộng sản di chuyển vào Nam.

Không cần có sự đồng ý của chính phủ Phan Huy Quát, ngày 8/3/1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ 1.500 thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng và ngày 7/5/1965 đưa thêm 3 tiểu đoàn nữa đến lập căn cứ Chu Lai. Quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa quan tâm ngay đến việc củng cố căn cứ Thường Đức. Một hệ thống công sự liên hoàn đã được xây tại đây gồm 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt sắt hai tầng với hàng chục lô cốt tiền đồn và ụ súng nửa chìm nửa nổi ở chung quanh. Khi cuộc chiến xảy ra, mọi hoạt động đều có thể được vận hành ở dưới mặt đất.

Hoa Kỳ không phải chỉ thành lập những tiền đồn để chận quân cộng sản ở Thường Đức, mà còn lập ở nhiều tiền đồn ở thung lũng A Shau, A Lưới trong tỉnh Thừa Thiên, nơi khúc Đường 14 đổ xuống Hiên và Giằng. Trước đó, chính phủ Ngô Đình Diệm đã cho mở Đường 12 từ Huế lên A- Lưới dài khoảng 40 km. Quân lực Mỹ đã chiếm điểm cao 935 ở A Shau, có tên là đồi A Bia, và xây dựng căn cứ hỏa lực Ripcord tại đây với 1 đại đội pháo 105 mm và 1 đại đội cối 106,7 mm. Hai tiểu đoàn 2/502 và 2/506 thuộc Sư đoàn Không vận 101 được đưa tới hợp với quân lực Việt Nam Cộng Hòa giữ các cứ điểm này. Hai phi trường quân sự đã được xây dựng, một ở A Lưới và một ở A Shau. Tại đồi 935, thường được người Mỹ gọi là "Hamburger Hill" (Đồi Thịt Băm), đã xảy ra một trận đánh gay cấn giữa quân đội Mỹ và Sư đoàn 324B của phe cộng sản miền Bắc từ ngày 1 đến 23/7/1970. Cựu Ngoại trưởng Colin Powell của Mỹ, lúc đó là Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đóng tại A Shau, đã bị sập hầm chông tại đây. Sau khi rãi chất da cam làm trụi lá, B.52 cũng đã được điều động hằng chục lần đến rải thảm bom phá nát khu rừng hai bên Đường 14 từ A Lưới đến Thường Đức.
Một vài nét về địa hình và lịch sử nói trên cũng đủ cho chúng ta thấy khúc Đường 14 từ A Lưới, A Shau và cái chốt Thường Đức quan trọng như thế nào đối với chiến tranh Việt Nam. Nhưng sau Hiệp định Paris, nhất là sau khi quân đội Mỹ rút đi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Ngô Quang Trưởng không có tầm nhìn chiến lược, đã bỏ ngỏ con Đường 14 từ Đồng Hà đến Thường Đức và coi thường cái chốt Thường Đức.

Chuẩn bị đánh Thường Đức

Trong hai năm 1969 và 1970 quân cộng sản đã hai lần tấn công Thường Đức nhưng không kết quả, vì lúc đó lực lượng Việt Nam Cộng Hòa còn được Mỹ yểm trợ.

Vào tháng 6/1974, lúc đó kẻ viết bài nầy và một số ký giả đang ngồi uống cà phê ở Sài Gòn thì một tùy viên quân sự Mỹ đến và nói họ muốn đưa chúng tôi ra Đà Nẵng để quan sát một mặt trận quan trọng sắp xảy ra. Họ đưa chúng tôi lên máy bay đi Đà Nẵng rồi từ phi trường Đà Nẵng được trực thăng đưa lên Thường Đức. Tại một hầm chỉ huy, chúng tôi được ngồi nghe trình bày về các hoạt động của quân cộng sản chung quanh căn cứ Thường Đức. Sau này chúng tôi mới biết đó là hầm của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 79. Tiếp theo, chúng tôi được trực thăng chở bay quanh Thường Đức một vòng để chỉ cho thấy những vùng quân cộng sản đang làm đường và đặt ống dẫn dầu... Chúng tôi có hỏi tại sao không phá đi thì được trả lời rằng đã cho phá nhiều lần, nhưng phá xong chúng lại làm lại. Chỉ có B.52 mới phá hủy hết được, nhưng B.52 không còn. Thì ra tùy viên quân sự Mỹ đã dùng các ký giả để báo động cho Quân đoàn 1 biết quân cộng sản sắp đánh Thường Đức, nhưng Tướng Ngô Quang Tưởng hình như chẳng quan tâm gì.

Thường Đức có địa hình rất hiểm trở, ba bề là núi cao, dốc đứng hay song bao bọc. Phía tây dựa vào dãy Trường Sơn với nhiều vách đá dựng đứng, phía nam và đông bắc được bao bọc bởi hợp lưu của sông Vu Gia và sông Côn. Mỹ đã xây sẵn các tiền đồn ở xa để bảo vệ và phát hiện quân cộng sản từ xa.

Lực lượng phòng thủ Thường Đức được đóng trên hai ngọn đồi nằm kế cận với nhau như hình con số 8, bên lớn bên nhỏ, theo trục đông tây. Quận lỵ Thường Đức đóng ở đồi nhỏ phía tây do một các toán quân địa phương bảo vệ. Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng mới 30 tuổi làm Quận trưởng và Đại úy Vũ Trung Tín làm Phó quận. Tiểu đoàn 79 thuộc Liên đoàn 14 Biệt động quân đóng ở đồi lớn phía đông, sau lưng quận lỵ. Đây là một căn cứ do quân đội Mỹ thiết lập trước đây để làm nơi xuất phát của những đơn vị Nhảy toán. Đến ngày 14/11/1970, sau khi Mỹ rút, căn cứ này được chuyển giao cho Tiểu đoàn 79 Biệt động quân. Vì là hậu cứ nên ít khi quân của tiểu đoàn này có mặt tại đây. Thỉnh thoảng mới thấy các đại đội của tiểu đoàn này về đây nghĩ dưỡng quân vài tuần sau những cuộc hành quân khắp Quân khu 1. Tiểu đoàn thường chỉ để lại đây một trung đội với khoảng vài chục binh sĩ để quản trị hậu cứ.

Tiểu đoàn 79 Biệt động quân do Thiếu tá Hà Văn Lầu 35 tuổi làm Tiểu đoàn trưởng, thuộc quyền điều khiển của Trung tá Chương Thanh Tòng, Liên đoàn Trưởng Liên đoàn 14 Biệt động quân. Khi nghe tin quân cộng sản sắp tấn công Thường Đức, cả 4 đại đội của Tiểu đoàn 79 được lệnh trở về hậu cứ. Nhưng Trung tá Tòng quyết định giữ lại 50 người của Đại Đội 1 để bảo vệ an ninh Bộ chỉ huy Liên đoàn đang đóng tại Núi Đất, nên Đại đội 1 trở thành đại đội thiếu. Điều này chứng tỏ Tướng Ngô Quan Trưởng chẳng chủ ý gì đến việc bảo vệ Thường Đức.

Trận đánh Thường Đức

Dựa trên tài liệu "Vietnam from Cease-Fire to Capitulation" (Từ Đình chiến đến Đầu hàng) của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ do Đại tá William E. Le Gro biên soạn, và dựa trên sự tường thuật của các nhân chứng của cả hai bên, chúng tôi xin tóm lược về trận đánh chiếm Thường Đức như sau :

Tài liệu của quân cộng sản cho biết lực lượng tham chiến ở Thường Đức chủ yếu là Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9) do Thượng tá Lê Công Phê làm Sư đoàn trưởng, được tăng cường bởi Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 219 Công binh, hai Đại đội Tên lửa A72 và B72 của Quân đoàn 2, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, một tiểu đoàn đặc công của Quân khu 5, sau đó được tăng cường thêm một đại đội bộ binh có xe tăng và hỏa lực pháo binh. Quân đoàn 2 quân cộng sản đã tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng Sư đoàn 304 do Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn phụ trách. Như vậy Đại tá Hoàng Đan là người chỉ huy mặt trận.

Lực lượng phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gồm có Tiểu đoàn 79 Biệt động quân, 1 đồn biên phòng, 1 đại đội bảo an, 17 trung đội dân vệ, 1 trung đội pháo binh 105 mm, 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 1 trung đội thám báo. Toàn bộ lực lượng khoảng 950 người do Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng chỉ huy.

Nhìn tương quan lực lượng chúng ta có thể thấy Thường Đức sẽ bị thua, nhưng vì các công sự ở đây được xây rất vững chắc và các binh sĩ quyết tâm chiến đấu nên việc đánh chiếm không dễ. Lực lượng trong hậu cứ của Tiểu đoàn 79 được phối trí như sau : Đại đội 2 đối phó ở hướng tây bắc, Đại đội 3 hướng đông-bắc và Đại đội 4 hướng đông-nam, nơi giáp lưng với Văn phòng Quận và là Chi khu Thường Đức. Trên ngọn đồi kế cận nhỏ hơn, về hướng tây, là nơi đóng quân của Đại đội 1.

Lúc 5 giờ sáng ngày 28/7/1974 quân cộng sản bắt đầu pháo kích dữ dội vào Thường Đức. Mặc dầu quân cộng sản chuyển quân cấp sư đoàn rất rầm rộ, có cả chiến xa và xe vận tải, không có tin tình báo nào dự báo quân cộng sản có thể tấn công Thường Đức vào ngày đó và cũng không có lệnh tăng cường phòng thủ Thường Đức.

Buổi tối trước ngày bị tấn công là ngày Trung đội 1 của Đại đội 1 đến phiên trực có nhiệm vụ đi ra nằm tiền đồn bên ngoài phạm vi phòng thủ, cách nơi Đại đội đóng khoảng 1 km. Ở đây chỉ có năm ba cái hầm nổi được bao bọc chung quanh và trên đầu bằng những bao cát. Nhiệm vụ của tiền đồn là quan sát và báo cáo tình hình. Ngay từ cuộc pháo kích đầu tiên, trung đội này bị tấn công nặng, không rút lui được. Phải đợi dứt pháo mới rút dần về.

Sáng 30/7/1974, Đại úy Chi khu phó Thường Đức bị thương do pháo kích, nhưng các cuộc tấn công của quân cộng sản đều bị đẩy lui. Sau đó, phi cơ quan sát của Không quân nhìn thấy một đoàn xe của quân cộng sản đang di chuyển trên Liên tỉnh lộ 4 ở phía tây Thường Đức, liền gọi phi cơ đến oanh tạc, phá hủy được 3 chiến xa và nhiều xe vận tải khác.

Ngày 31/7/1974, quân cộng sản bắt đầu cho bộ đội tấn công vào Thường Đức. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 79 gọi pháo binh bắn trọng pháo vào ngay Bộ chỉ huy của tiểu đoàn. Điều này chứng tỏ quân cộng sản đã tràn ngập căn cứ của tiểu đoàn. Được tin này, Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3, quyết định cho Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn này đang ở phía tây Đại Lộc tiến theo Liên tỉnh lộ 4 đến giải cứu Thường Đức, nhưng không tiến được. Tướng Hinh phải đưa đại bác 175 ly vào Hiếu Đức để bắn yểm trợ cho Thượng Đức, trong khi đó Không quân cho máy bay đến oanh tạc vòng đai quanh Thượng Đức. Quân cộng sản đã thất bại nặng trong đợt tấn công này. Chúng ta hãy nghe một đoạn trong bài"Trận Thượng Đức" của tác giả Trần Hoàng Tiến đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân :

"Ta bị thương vong nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 66 bồi hồi : "Khi mở cửa, đơn vị bị tổn thất khá nặng nề. Một số thương binh nằm ngay trước cửa mở, có anh em hy sinh, người nằm vắt trên hàng rào của địch. Càng đau xót, càng căm thù địch sâu sắc, quyết tâm chiếm bằng được mục tiêu, trả thù cho đồng đội".

Sau đó, quân cộng sản đã thay đổi chiến thuật bằng cách đưa pháo chống tăng loại 76,2 mm và cao xạ 37 mm lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ Châu mai giống như khi đánh Điện Biên Phủ. Để làm được việc này, quân cộng sản đã huy động 300 dân và bộ đội đưa pháo lên điểm cao 500 mét. Đến nửa đêm 5/8/1974, lúc đầu, các khẩu đại pháo và hỏa tiễn đa nòng đã bắn vào căn cứ Tiểu đoàn 79 như mưa. Các binh sĩ trong căn cứ đã lui vào cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt… Quân cộng sản liền ra lệnh cho các pháo trên đồi hạ tầm và bắn thẳng vào các lỗ Châu mai. Ngay từ loạt đạn đầu, Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã bị trúng đạn và bị thương nặng. Chúng ta hãy nghe các chiến binh của Tiểu đoàn 79 kể lại : 

"Từ trên cao độ, Cộng quân cho pháo bắn thẳng xối xả vào những hầm hố nào còn nhô ra trên mặt đất. Gồng mình hứng trận đòn thù. Lần này chúng tôi có cảm giác họ muốn chôn sống những ai còn lại. Họ muốn dùng hầm hố và giao thông hào làm mồ chôn chúng tôi.
Dù có thành đồng cốt sắt cũng không làm sao có thể đứng vững trước sự tàn phá khủng khiếp này. Lần lượt, từng cái hầm bị sụp đổ. Từng đoạn giao thông hào bị san bằng. Một trái pháo nổ ngay trên bờ hầm của Trung úy Tẩm, Đại đội trưởng Đại đội 1, máu từ đầu ông chảy xuống che khuất một bên mắt.."..

Tiểu đoàn 79 có nhiều người bị thương nên đã yêu cầu cho trực thăng đến chuyển thương, nhưng Không quân trả lời rằng chỉ khi nào diệt xong các ổ súng phòng không của quân cộng sản quanh Thường Đức, trực thăng mới có thể hạ cánh được.

Điều đáng ngạc nhiên là trong khi mặt trận đang diễn biến, Quân đoàn I có một phi đoàn rất lớn ở Đà Nẵng, có những toán thám báo hoạt động rất xuất sắc..., nhưng khi quân cộng sản sử dụng trên 300 dân làng và bộ đội kéo pháo lên núi quanh Thường Đức cao 500 m để tấn công Tiểu đoàn 79, Bộ chỉ huy Quân đoàn không hay biết gì hết. Điều này chứng tỏ Bộ chỉ huy Quân đoàn 1 ít quan tâm đến trận Thường Đức. Khi thấy tình hình nguy ngập, Tướng Ngô Quang Trưởng mới đưa ra biện pháp đối phó, nhưng quá muộn và không hiệu quả : Ra lệnh cho một Chi đội Thiết giáp M-48 đang đóng ở Tân Mỹ, Thừa Thiên, di chuyển ngay vào Đà Nẵng để giải cứu Thường Đức. Ngày 1/8/1974, khi Chi đội M-48 vừa đến Đà Nẵng, Tướng Hinh liền cho thiết lập một lực lượng đặc nhiệm gồm có Trung đoàn 2 Bộ binh và Thiết đoàn 11 Kỵ binh đi tái chiếm Thường Đức, nhưng lực lượng này không tiến lên được.

Ngày 5/8/1974, Tướng Hinh liền cho Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 2 và Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 57 tiến chiếm Đồi 52, nhưng khi còn cách đồi này khoảng 4 cây số thì phải dừng lại vì pháo của quân cộng sản quá mạnh. Trong khi đó, Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 của quân cộng sản bắt đầu tấn công vào Thường Đức. Tiểu đoàn 79 cho biết đạn dược và lương thực bắt đầu cạn. Một chiếc A-37 đến thả xuống một gói đồ tiếp tế nhưng bị bay ra ngoài. Chiếc máy bay này quay trở lại thì bị bắn rơi.

Ngày 6 và đêm 7/8/1974, quân cộng sản pháo khoảng 1.200 trái pháo vào căn cứ Thường Đức, sau đó cho bộ đội tràn vào. Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7/8/1974, Tiểu đoàn 79 thông báo không còn giữ căn cứ được, phải rút lui và cắt đứt liên lạc. Thường Đức hoàn toàn bị thất thủ. Thiếu tá Hà Văn Lầu và Phó quận Vũ Trung Tín bị bắt sống. Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng tự sát. Sau đó Đại úy Vũ Trung Tín cũng tự sát.

Một số binh sĩ của Tiểu đoàn 79, Nghĩa quân, Địa phương quân, Cảnh sát, Cảnh sát Dã chiến, Nhảy toán... đã chạy thoát được và di chuyển xuống làng, dân chúng thấy liền chạy theo. Đến bờ sông Côn thì không thể di chuyển được nữa. Hai chiếc ghe chở hai nhóm quân nhân qua sông trước làm đầu cầu. Một số nhỏ quân cộng sản đang đuổi theo nên phải vừa đi vừa đánh, dân chúng và những người bị thương theo sau… Ba ngày sau mới đến được Hà Nha. Ở đây rất bình yên, gần như không biết đang có chuyện gì xảy ra. Trên đoạn đường từ Hà Nha về tới Đại Lộc, chẳng thấy một sự kiện nào chứng tỏ rằng đang có những toan tính tiếp viện hay giải vây Chi khu Thường Đức.

Chủ trương của Tướng Ngô Quang Trưởng ?

Sau khi chiếm được Thường Đức, quân cộng sản khai thông Đường 14, sửa chữa đường, làm cầu, đặt ống dẫn dầu, chuyển quân và vũ khí vào Cao nguyên và miền Nam bằng xe. Theo con Đường 14, từ Thường Đức đi qua mật khu Hiệp Đức, đến Khâm Đức (Phước Sơn) thì vòng lên Kontum, nhưng đến Ngọc Hồi ở phía bắc Kontum, quân cộng sản phải dừng lại. Tại đây Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang đóng trên Quốc lộ 14 từ Ngọc Hồi đến Ban Mê Thuột. Quân cộng sản phải mở con đường khác ở trong rừng được gọi là Đường 14B vào gần sát biên giới Lào để chuyển quân xuống Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuột. Lúc đó quân cộng sản có thể chuyển quân qua Vùng I Chiến thuật từ Khe Sanh đến Khâm Đức như chỗ không người !

Như chúng tôi đã nói ở trước, Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không nhận ra được tầm quan trọng của việc giữ chốt Thường Đức mà còn muốn mở thông con đường này cho quân cộng sản chuyển xuống miền Nam để Vùng I của ông khỏi bị áp lực nặng !

Một phi công A-37 đã cho chúng tôi biết khi anh đang bay đi oanh kích trên vùng Thường Đức, anh thấy một đoàn xe của quân cộng sản đang di chuyển trên Đường 14, anh đã cho máy bay lao xuống bắn cháy, nhưng sau đó anh bị Tướng Trưởng ra lệnh phạt trọng cấm. Trong cuốn "Cảnh sát hóa, quốc sách yểu tử của Việt Nam Cộng Hòa" xuất bản 2002 (trang 243) và trong bài "Từ phi trường Đà-Nẵng ra sân bay Gia-Lâm", ông Lê Xuân Nhuận, Chánh Sở cảnh sát Khu I, cũng đã kể lại lời tiết lộ của Đại tá Hoàng Mạnh Đáng, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 như sau :

"Ngồi ở phòng giấy của đại tá Đáng, chúng tôi có dịp nghe và thấy thêm được đôi điều. Tỷ như có lần, đầu năm 1975, nghe điện thoại xong, ông bảo bên kia chờ máy, để ông vào trình Trung tướng. Ông qua phòng giấy Tướng Ngô Quang Trưởng, trình xong, về trả lời người bên kia :
- Trung tướng chỉ thị anh em Không Quân, khi thấy xe tăng, xe tải, bộ đội của chúng di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, dù ở trong tầm oanh kích của ta thì cũng đừng hành động gì, cứ để cho chúng tiếp tục chuyển quân vào Nam.."..

Một vài nhà quân sự đã nhận định rằng Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy từ cấp Trung đoàn trở xuống rất xuất sắc. Nhưng việc chỉ huy một Quân đoàn đã vượt khỏi tầm nhìn và khả năng của ông.

Năm 1981 Hà Nội đổi quận Thường Đức thành huyện Giằng và thành lập thị trấn Thạnh Mỹ nằm dọc theo Quốc lộ 14, cách Bến Giằng khoảng 10 km. Quận lỵ Thường Đức cũ nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Năm 1999, Hà Nội biến vùng Hiên - Giằng thành 3 huyện : Hiên thành Đông Giang và Tây Giang, còn Giằng là Nam Giang. Thường Đức không còn nữa.

Ngày 5/4/2015
Lữ Giang







No comments:

Post a Comment

View My Stats