Tuesday 18 June 2024

VIỆT NAM - NGA CẦN GÌ Ở NHAU TRONG CHUYẾN THĂM SẮP TỚI CỦA PUTIN? (RFA)

 



Việt Nam - Nga cần gì ở nhau trong chuyến thăm sắp tới của Putin?

RFA

2024.06.13

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/putin-visits-vn-2024-06132024084542.html

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam dự kiến diễn ra trong hai ngày 19 và 20/6 ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/putin-visits-vn-2024-06132024084542.html/@@images/1e11b256-3250-4bc8-bc4b-c68dd8065212.jpeg

Tống thống Nga Putin gặp Tổng bí thư Việt Nam hồi năm 2018.   (AFP)

 

Chương trình nghị sự chính

 

Reuters, hôm 10/6, dẫn lời một quan chức Việt Nam nói như vậy và cho biết thêm rằng chương trình nghị sự vẫn đang được bàn bạc.

 

Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam nhận định, về phía Nga, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin gồm có các mục tiêu chính:

 

“Đầu tiên, Nga muốn chứng minh cho liên minh phương Tây phản đối sự can thiệp của nước này vào Ukraine rằng Nga không bị cô lập.

Thứ hai, Nga và Việt Nam sẽ tìm cách củng cố quan hệ kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ ba, Nga sẽ thúc đẩy Việt Nam cam kết mua sắm vũ khí.

Thứ tư, Việt Nam và Nga sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng quan hệ Nga - Trung sẽ không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.”

 

Theo The Diplomat, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga đã được thảo luận vào cuối tháng ba. Trong một cuộc điện đàm của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Putin, “Tổng Bí thư Trọng đã gởi lời mời Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam trong thời gian tới và Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời”.

 

Ông Putin đã có bốn chuyến thăm Việt Nam kể từ khi ông nắm quyền. Lần gần đây nhất là dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.

 

 

Tập trung tăng cường hợp tác kinh tế

 

Tờ Vedomosti của Nga dẫn lời đại diện thương mại của nước này tại Việt Nam cho biết vào tháng trước rằng vấn đề thương mại cp bách nhất giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng để giải quyết các khoản thanh toán.

 

Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia an ninh quốc phòng, nhận định rằng về kinh tế, Nga mong muốn được đa dạng hoá đối tác của họ với hi vọng thoát khỏi cấm vận và sức ép kinh tế từ phương Tây nên sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, kinh tế và thương mại với Việt Nam. Trước hết là tăng cường hơn nữa hiệu lực của Hiệước Thương mại Tự do Liên minh kinh tế Á Âu:

 

“Thứ hai là thảo luận về các cơ chế tài chính làm sao cho các công ty của cả hai bên được thanh toán với nhau dễ dàng hơn. Rõ ràng là Nga bị cấm vận thì vấn đề thanh toán đang rất là khó.

Ngoài ra còn những thỏa thuận về khoa học công nghệ khác, ví dụ như về hạt nhân, hàng không vũ trụ chẳng hạn. Vậy thì Việt Nam sẽ tập trung nói nhiều về vấn đề phi an ninh và quốc phòng nhiều hơn.”

 

 

Việt Nam vẫn cần vũ khí của Nga

 

Theo Bloomberg, Việt Nam và Nga có mối quan hệ từ nhiều thập kỷ trước. Moscow là nhà cung cấp viện trợ quân sự chính cho Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ. Quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó đã phụ thuộc vào Nga về vũ khí quân sự, bao gồm máy bay và tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel. 

 

Moscow hiện cũng là bên đối tác chính trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Vietsovpetro, liên doanh giữa Việt Nam và Nga, điều hành một trong những mỏ dầu lớn nhất Đông Nam Á tại Bạch Hổ, đã hoạt động được khoảng bốn thập kỷ qua.

 

Ông Phương nói, lần này, hai nước sẽ thúc đẩy mạnh hơn về hợp tác năng lượng và an ninh quốc phòng:

 

“Hai mảng này có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Vai trò và sự hiện diện của các công ty dầu khí Nga và các lô dầu khí ở Biển Đông giúp cho Việt Nam có một cái thế cân bằng so với Trung Quốc.”

 

Theo ông Thế Phương, dù Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vũ khí vào Nga, nhưng thực tế là Việt Nam vẫn đang dựa vào vũ khí của Nga, đặc biệt là các loại vũ khí lớn:

 

“Việt Nam muốn giảm phụ thuộc vấn đề vũ khí vào Nga không thể một sớm một chiều là thực hiện được.

Nói về hợp tác an ninh quốc phòng thì thực ra không chỉ có buôn bán vũ khí, mà còn có những thứ khác nữa, như là tình báo, chia sẻ kinh nghiệm chiến trường hoặc là buôn bán những cái không phải là vũ khí lớn…

Và cái nữa là một số vũ khí của Việt Nam rất khó tìm được nguồn thay thế nên Việt Nam vẫn phải dựa vào Nga trong một số mặt hàng vũ khí cụ thể.

Đó là lý tại sao an ninh quốc phòng vẫn là một trong những lĩnh vực mà hai bên tiếp tục đào sâu hơn.”

 

Ông Phương cũng lưu ý thêm rằng nếu Việt Nam có mua thêm vũ khí từ Nga thì cả hai bên cũng phải tập trung thảo luận tạo ra cơ chế để Việt Nam có thể chuyển tiền cho Nga. Bởi vì bây giờ việc chuyển tiền bằng đồng đô-la Mỹ thì khó đối với Nga do liên quan tới cấm vận.

 

 

Tiềm năng phát triển mối quan hệ

 

Theo giáo sư Carl Thayer, do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây dành cho Nga, kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Việt Nam đã hạn chế mua vũ khí từ Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây: 

 

“Việt Nam cũng đã tuyên bố chuyển chính sách, từ bỏ phiếu trắng trong ba phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và bỏ phiếu phản đối nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, sang lập trường trung dung, khiêm tốn.

Việt Nam tán thành các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi các bên liên quan… kiềm chế, ngừng chiến đấu, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

 

Thạc sỹ Thế Phương cũng cho rằng Việt Nam hiện nay đang rất cân nhắc đặt mối quan hệ giữa mình với Nga như thế nào để nó không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam với một số nước phương Tây. Dù vậy, xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Nga vẫn là thân thiết:

 

“Việt Nam cũng khá cần Nga trong việc cân bằng mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Bởi vì cả Trung Quốc và Mỹ thì Việt Nam đều có vấn đề nhưng mà với Nga thì không có vấn đề gì. Không có tranh chấp lãnh thổ cũng không có sức ép về dân chủ, nhân quyền.

Việt Nam và Nga đã có mối quan hệ bạn bè truyền thống từ xưa đến giờ, cho nên Nga là một đối tác, dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Việt Nam, là đóng vai trò then chốt để Việt Nam có thể cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc.”

 

Hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy bắt vì liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo giáo sư Carl Thayer, do Việt Nam không phải là quốc gia thành viên Công ước Rome về thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế; do đó, Việt Nam không có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin.

 

---------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P2 - Cơ hội & thách thức

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P1 - Chú trọng kinh tế hơn an ninh quốc phòng?

Bang giao của Việt Nam với Mỹ và phương Tây sẽ ra sao nếu VN “xích gần hơn” với Nga?

Phần 2: Lợi - hại cho Việt Nam nếu nâng cấp quan hệ với Mỹ

Chuyên gia: VN nên nâng cấp quan hệ với Mỹ càng sớm càng tốt

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats