Saturday 8 June 2024

NGÁO ỘP 'BÍ MẬT NHÀ NƯỚC' (Thúy Hường / Luật Khoa tạp chí)

 



Ngáo ộp ‘bí mật nhà nước’

Thúy Hường  -  Luật Khoa tạp chí

JUN 7, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/06/ngao-op-bi-mat-nha-nuoc/

 

Luật pháp đã bị sử dụng sai mục đích.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/Bi-mat-nha-nuoc.png

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

àn sóng khởi tố hình sự các cán bộ cao cấp vẫn tiếp tục. Tin tức liên quan các vụ khởi tố, bắt giam lấp đầy chuyên trang xây dựng chính sách pháp luật của Chính phủ. [1]

 

Đáng chú ý là trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bị khởi tố về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Ngoài thông tin ban đầu và các dẫn chiếu sơ sài tới pháp luật hình sự, [2] công chúng không thể biết ông Bình đã làm lộ bí mật gì và cố ý làm lộ như thế nào.

 

Bài viết tranh luận rằng Việt Nam đang đi ngược với xu thế chính phủ mở (open government) trong khu vực. [3] Thêm vào đó, việc sử dụng luật hình sự để trừng phạt cán bộ đã đi chệch khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa (quyền của người lao động trong nền kinh tế thị trường được bảo vệ). [4] Nguyên tắc dùng luật hình sự để bảo vệ quyền lao động đã bị vi phạm. [5]

 

 

Bí mật nhà nước là gì?

 

Mọi quốc gia có chủ quyền đều áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh (national security). Nhà nước có quyền quy định những thông tin nào được bảo vệ bằng cách giữ bí mật. [6]

 

Tuy nhiên, việc thiết kế luật về an ninh quốc gia phải tuân theo những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo sự cân bằng của toàn bộ hệ thống xã hội và quyền tự do dân sự.

 

Việc duy trì bí mật của nhà nước phải mang tính chính danh nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Các nguyên tắc này đã được hơn 500 chuyên gia tới từ hơn 70 nước soạn thảo, lấy tên là "Tshwane Principles". [7]

 

Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng soạn thảo các hướng dẫn để quản lý dữ liệu lớn cho an ninh quốc gia. [8] Khi có tranh chấp về quyết định của nhà nước, tòa án sẽ phán quyết liệu biện pháp bảo vệ bí mật của nhà nước là hợp lý hay không. [9]

 

Theo cách tiếp cận này, luật về an ninh quốc gia được thiết kế để phòng chống hoạt động gián điệp và/hoặc khủng bố.

 

 

Việt Nam hiện nay có hai luật riêng biệt là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng. Trong bài này, tác giả chỉ bình luận về bí mật nhà nước.

 

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định các nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 3). Đồng thời, thể hiện những ảnh hưởng nhất định từ luật quốc tế, ví dụ ghi nhận quyền tiếp cận thông tin. Việc phân chia cấp độ bí mật của thông tin (tuyệt mật, tối mật, mật) cũng theo thông lệ quốc tế.

 

Tuy nhiên, khái niệm quan trọng nhất là “bí mật nhà nước” và mối liên hệ giữa bí mật nhà nước với an ninh quốc gia không được làm rõ. Vì vậy, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm nhiều quy định mù mờ, không lý tính và thiếu chi tiết/quy trình cụ thể để thực thi. [10]

 

Nhìn một cách khái quát, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước bị ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh và quan ngại về sự can thiệp của nước ngoài. Nó đòi hỏi sự trung thành với Đảng Cộng sản [11] và rập khuôn theo mô hình bộ máy nhà nước Xô viết.

 

Sau Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thủ tướng Chính Phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực lao động và xã hội, trong đó có “báo cáo, văn bản nội dung phản ánh, đánh giá về tình hình phức tạp trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. [12]

 

Quy định này cho thấy giả định ấu trĩ của người viết luật rằng hoạt động của tổ chức người lao động cũng có thể đe dọa an ninh quốc gia, và vì thế nằm trong danh mục bí mật nhà nước. [13]

 

Điều này đi ngược lại với những nỗ lực của những chuyên gia và tổ chức đang hoạt động để cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, giúp họ có cuộc sống tốt hơn nhờ quá trình tự do hóa thương mại. [14]

 

Các khó khăn do lịch sử để lại không thể biện hộ cho chính sách lạc hậu, phi lý về bí mật nhà nước và tổ chức của người lao động của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

 

 

Quyền lao động và cam kết quốc tế của Việt Nam

 

Vấn đề quyền lao động (labour rights) ở Việt Nam phức tạp vì các đứt gãy mang tính lịch sử trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21: từ thuộc địa, tới chiến tranh, và toàn cầu hóa.

 

Tư cách thành viên của Việt Nam trong Tổ chức Lao động Quốc tế chia thành ba giai đoạn: (1) từ năm 1950 - 1976 (dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa), (2) từ năm 1980 - 1985 (tái gia nhập và rút) và (3) tái gia nhập từ ngày 20/5/1992. Trong đó, tư cách thành viên hiện nay là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa và tham gia thương mại quốc tế. [15]

 

Việt Nam đã tham gia 25 công ước quốc tế về lao động, [16] bao gồm Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể. [17] Gia nhập công ước này là một phần của việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) và song phương (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, EVFTA).

 

Tuy nhiên, việc gia nhập Công ước 98 không phải là đảm bảo cho phát triển quyền lao động ở Việt Nam. Những đối tác thương mại quan ngại rằng Việt Nam đang thụt lùi bằng cách trì hoãn việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. [18]

 

Công việc của một nhà nước hiện đại là quản trị thị trường lao động (labour governance) một cách minh bạch, tạo khung pháp lý đảm bảo quyền lao động và phát triển kinh tế (enabling regulatory environment) [19] thay vì trừng phạt cá nhân. Đây cũng là lý tưởng của chủ nghĩa xã hội nơi mọi công dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội.

 

 

Công đoàn và tổ chức đại diện người lao động

 

Cũng như vấn đề quyền lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một sản phẩm của lịch sử. Tổ chức này ra đời trong phong trào đấu tranh giải phóng thuộc địa. [20] Qua thời gian, nó trở thành một tổ chức nửa chính phủ (quasi-government) thay vì là nghiệp đoàn đại diện cho người lao động (trade unions). [21]

 

Người lao động luôn ở thế yếu hơn trong quan hệ quyền lực với người sử dụng lao động. Vì vậy, nhà nước phải tạo điều kiện để cân bằng mối quan hệ này và từ đó nâng cao hiệu suất lao động để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp nằm trong chiến lược này.

 

Lưu ý rằng diễn ngôn “chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động” (ví dụ thăm hỏi, động viên) [22] khác với “quyền lao động” (ví dụ, quyền được làm việc trong môi trường an toàn và đảm bảo sức khỏe; quyền có lương tối thiểu để duy trì chất lượng sống).

Nói thêm, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không phải là thành viên của Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (International Trade Union Confederation - ITUC). [23] Tuy vậy, ITUC đã lên tiếng bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam khi những tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm chuẩn mực lao động. Ví dụ, trước khi EVFTA được đàm phán, đại diện ITUC đã lên tiếng về chế độ sử dụng nhân công rẻ tại Việt Nam của các công ty châu Âu (export poverty wages to Vietnam). [24]

 

ITUC cũng gửi thư tới Tổng thống Hàn Quốc về việc Samsung vi phạm quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam trước chuyến thăm chính thức của ông này năm 2018. [25]

Đáng lưu ý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như báo chí trong nước hoàn toàn không đưa tin về những vấn đề này. Theo các chuyên gia, bộ máy nhà nước đã hợp tác với tư bản để duy trì điều kiện bóc lột sức lao động của công nhân. [26]

 

Trong báo cáo về Chỉ số quyền lao động toàn cầu năm 2023 của ITUC, Việt Nam nằm áp chót (xếp hạng 4/5 và 5 là mức tệ nhất) về vi phạm quyền lao động. [27] Báo cáo chỉ ra rằng việc vi phạm quyền lao động xảy ra cả ở những nước công nghiệp phát triển (ví dụ Canada, Australia), nhưng vi phạm quyền lao động ở Việt Nam mang tính hệ thống.

 

                                                           ***

 

Tóm lại, luật pháp đã bị sử dụng sai mục đích. Pháp luật hình sự đã bị áp dụng để trừng phạt cá nhân thay vì những doanh nghiệp vi phạm quyền lao động.

 

Các quy định thiếu cụ thể, rõ ràng về bí mật nhà nước trong lĩnh vực lao động không những không giúp gì cho việc quản trị lao động và tăng cường an ninh quốc gia, mà còn tự nó gây khó khăn cho chính quyền.

 

Việc đòi hỏi trung thành với những thói quen cứng nhắc thay vì mở rộng khung pháp lý cho sự bình đẳng có thể khiến bất cứ công chức nào trở thành đối tượng của trừng phạt hình sự.

 

-------------

Chú thích

 

[1] Xem: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-bat-tam-giam-vu-truong-119240509100410532.htm

[2] Xem: https://plo.vn/tu-viec-vu-truong-vu-phap-che-bo-ld-tbxh-bi-bat-the-nao-la-toi-co-y-lam-lo-bi-mat-nha-nuoc-post789912.html

[3] Xem: https://www.undp.org/vietnam/blog/people-centric-and-open-government-key-developing-inclusive-and-digital-government; https://opengovasia.com

[4] Ví dụ: Chính phủ của Đảng Lao động Australia hành động để bảo vệ quyền của người lao động bằng việc quy định hành vi ăn cắp tiền lương (wage theft) của chủ sử dụng lao động là tội hình sự. Xem: https://ministers.dewr.gov.au/burke/albanese-labor-government-criminalise-wage-theft

[5] Barnard, Catherine, and Sarah Fraser Butlin, 'Where Criminal Law Meets Labour Law: The Effectiveness of Criminal Sanctions to Enforce Labour Rights', in Alan Bogg, and others (eds), Criminality at Work (Oxford, 2020; online edn, Oxford Academic, 23 Apr. 2020), https://doi.org/10.1093/oso/9780198836995.003.0004

[6] Xem National Security Law, 7th Edition, William C. Banks (2020), Aspen Publishing; https://rm.coe.int/168067d214

[7] Xem: https://www.justiceinitiative.org/uploads/bd50b729-d427-4fbb-8da2-1943ef2a3423/global-principles-national-security-10232013.pdf

[8] Babak Akhgar, Gregory B. Saathoff, Hamid R Arabnia, Richard Hill, Andrew Staniforth, Petra Saskia Bayerl (2015), Application of Big Data for National Security: A Practitioner’s Guide to Emerging Technologies.

[9] Xem: https://rm.coe.int/168067d214

[10] Ví dụ, Điều 3 (Khoản 2) quy định bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cá nhân. Độc giả có thể đặt câu hỏi: "Tại sao cá nhân có trách nhiệm này? Làm thế nào để thực hiện trách nhiệm đó?"

[11] Nhiều học giả và tổ chức theo dõi quyền đã bình luận về Chỉ thị 24 của Đảng Cộng sản, theo đó việc thành lập tổ chức người lao động được nhìn nhận như đe dọa tiềm năng tới an ninh ninh quốc gia. Xem:https://www.aljazeera.com/news/2024/3/1/vietnam-orders-control-of-workers-unions-despite-un-pledges-watchdog-says; /https://www.scribd.com/document/709660092/Thayer-Vietnam-s-Politburo-Issues-Directive-24-on-National-Security

[12] Quyết định 1451/QĐ-TTg 2020, ngày 24/9/2020.

[13] Vấn đề quan hệ lao động (labour relations) và đình công tự phát (wildcat strikes) ở Việt Nam đã được nhiều học giả quốc tế và Việt Nam nghiên cứu từ bốn thập niên qua. Các công trình của họ đều được xuất bản. Ví dụ, xem:

·        Wolff, P. (1999). Vietnam - The Incomplete Transformation (1st ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9781003243465;

·        Lee, C.-H. (2006). Recent Industrial Relations Developments in China and Viet Nam: The Transformation of Industrial Relations in East Asian Transition Economies. Journal of Industrial Relations, 48(3), 415-429. https://doi.org/10.1177/0022185606064794;

·        Cox, A. (2015). The pressure of wildcat strikes on the transformation of industrial relations in a developing country: The case of the garment and textile industry in Vietnam. Journal of Industrial Relations, 57 (2), 271-290;

·        Angie Tran, Jennifer Bair and Marion Werner. "Forcing Change from the Outside? The Role of Trade-Labour Linkages in Transforming Vietnam’s Labour Regime" Competition & Change Vol. 21 Iss. 5 (2017) http://works.bepress.com/angie-tran/8/;

·        Buckley, J. (2021). Vietnamese Labour Militancy: Capital-labour antagonisms and self-organised struggles (1st ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9781003177241;

·        Sicurelli, D. (2021). The EU as a partner of ILO in trade negotiations. Explaining labour reform in Vietnam. Journal of Contemporary European Studies, 30(3), 461–473. https://doi.org/10.1080/14782804.2021.1909544;

·        Tu Phuong Nguyen (2021), Workplace Justice: Rights and Labour Resistance in Vietnam;

·        Angie Ngọc Trần, Contradictions of Multi-stakeholder Labor Relations in Vietnam in Routledge Handbook of Contemporary Vietnam (2022);

·        Tu Phuong Nguyen (2023), Law and Precarity: Legal Consciousness and Daily Survival in Vietnam, Cambridge University Press.

[14] Xem: https://melbourneasiareview.edu.au/podcasts/as-vietnam-scales-the-global-value-chain-what-does-it-mean-for-its-workers; 

[15] Xem: https://normlex.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=1000:11110:0::NO:11110:P11110_COUNTRY_ID:103004

[16] Xem: https://normlex.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=NORMLEXPUB:11200:0::NO

[17] Xem: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cong-bo-gia-nhap-cong-uoc-so-98-cua-ilo-558654.html

[18] Xem: https://www.dw.com/en/vietnams-labor-rights-make-two-steps-forward-one-step-back/a-56653076

[19] Ví dụ, xem https://betterentrepreneurship.eu/en/guidance-note/guidance-note-legal-and-regulatory-framework

[20] Xem http://congdoan.vn/home

[21] Xem https://melbourneasiareview.edu.au/podcasts/as-vietnam-scales-the-global-value-chain-what-does-it-mean-for-its-workers; Về bản chất, mục đích, chiến lược hoạt động của nghiệp đoàn, xem https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0950017014568142; https://www.lawteacher.net/free-law-essays/employment-law/the-importance-of-trade-unions-law-essay.php

[22] Xem: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/khang-dinh-nhiem-vu-dai-dien-cham-lo-bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-lao-dong-653651.html

[23] Xem: https://en.vietnamplus.vn/intl-confederation-to-support-vietnam-trade-unions-post101416.vnp

[24] Xem: https://www.ituc-csi.org/european-multinationals-position

[25] Xem: https://www.ituc-csi.org/IMG/pdf/presidentmoon_ituc200318.pdf

[26] Xem: https://melbourneasiareview.edu.au/podcasts/as-vietnam-scales-the-global-value-chain-what-does-it-mean-for-its-workers; 

[27] Xem: https://files.mutualcdn.com/ituc/files/2023_ituc_global_rights_index_en.pdf

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats