Wednesday 26 December 2018

BẢN TIN NGÀY 26/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




26/12/2018

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: ASEAN luôn là ưu tiên hàng đầu trong đối ngoại đa phương. Khi được hỏi, liệu VN có thể tận dụng vai trò Chủ tịch ASEAN để “thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc và đoàn kết được ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề trên biển”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký ủy ban, cho biết, cho “dù quốc gia nào là Chủ tịch ASEAN thì COC vẫn là một quá trình thương lượng và đàm phán riêng rẽ”.

Ông Dũng nói thêm: “COC là một cuộc thương lượng, đàm phán nên không phải một phía có thể quyết định được. VN luôn là một đối tác đàm phán rất tích cực trong tiến trình COC, nhưng chúng ta không phụ thuộc vào mốc thời gian”. Nói cách khác, vai trò của Việt Nam trong ASEAN là “hữu danh, vô thực”, không thể tác động gì đến Trung Quốc.


Hội nghị Trung ương 9: Cho thêm củi vào lò?

Hội nghị trung ương 9 xem xét kỷ luật cán bộ cấp cao, theo báo Pháp Luật TP HCM. Hội nghị lần 9 khai mạc sáng 25/12. Một trong những nội dung quan trọng nhất của hội nghị này là kỷ luật cán bộ. Bài viết cũng chỉ đích danh ông Tất Thành Cang: “Cho đến nay, ở cấp này có trường hợp ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM”. Ông Cang bị kết luận vi phạm, khuyết điểm “rất nghiêm trọng… đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

VOV cũng góp phần “dọn đường” khi dẫn video trên VTC chỉ ra quy trình xử lý kỷ luật Ủy viên Trung ương Đảng. Theo đó, “Thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật Ủy viên Trung ương thuộc về Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội”. Sau khi kỷ luật về mặt đảng, nếu “củi” là đại biểu quốc hội thì sẽ thông qua Ủy ban thường vụ Quốc hội để cắt chức đại biểu quốc hội, xong đã “đủ quy trình” để cho củi vào lò. Trước đây, ông Đinh La Thăng cũng bị cho vào lò theo “quy trình” này.
VTC có clip về quy trình xử lý kỷ luật đối với Ủy viên Trung ương:


Báo Tiền Phong có bài dẫn lời cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra trung ương Vũ Quốc Hùng kêu gọi ông Tất Thành Cang nên tự rút khỏi các vị trí đang giữ. Ông Hùng cho rằng việc kỷ luật ông Cang “là điều cần làm” khi UBKTTƯ kết luận ông Cang có sai phạm “rất nghiêm trọng”. Tuy nhiên, UBKTTƯ “không có thẩm quyền thi hành kỷ luật ông Cang mà chỉ là đề nghị và Trung ương sẽ quyết định. Hội nghị Trung ương lần này sẽ xem xét và thi hành kỷ luật bằng các hình thức đối với ông Tất Thành Cang”.

Dù chuyện xử lý ông Tất Thành Cang không dễ, đụng chạm đến các lãnh đạo cấp cao trong nhóm quyền lực ở miền Nam, nhưng phe Tổng – Chủ Trọng đã quyết làm, nên ông Vũ Quốc Hùng khuyên ông Cang nên bỏ cuộc để đỡ mất thời gian.

Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 9 còn lấy phiếu tín nhiệm 21 Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo RFA. Có 3 người không có tên trong các phiếu tín nhiệm ở hội nghị lần này là ông Đinh Thế Huynh, người vẫn đang “nghỉ bệnh dài ngày” và chưa rõ sống chết ra sao, 2 người kia “mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư là ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng bày ra trò “lấy phiếu tín nhiệm” hồi năm 2015, một trong các nỗ lực hạ bệ “đồng chí X” lúc đó còn là Thủ tướng. Tuy nhiên, “kết quả lấy phiếu tín nhiệm các lãnh đạo đảng lúc đó cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất với 152 phiếu”. Lần này thì có lẽ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã nằm trong tầm kiểm soát của ngài Tổng – Chủ.  

Báo Người Việt đặt câu hỏi về một diễn biến liên quan: Mẹ con ‘Cường đô la’ chuyển nhượng hết tài sản để tháo chạy?Trong tình hình lửa từ “lò” của Tổng – Chủ Trọng cháy ở miền Nam càng lúc càng mạnh, vì liên quan đến “vụ chuyển nhượng đầy mờ ám khu đất hơn 32 hécta tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai đang âm thầm chuyển nhựơng, thu hồi tài sản để tháo chạy”.




Sai phạm ở dự án Metro Bến Thành

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Dự án metro Bến Thành: Kiểm toán kết luận hàng loạt sai phạm. Theo đó, “Kiểm toán Nhà nước kết luận hàng hàng loạt sai phạm về thẩm quyền phê duyệt, thay đổi vật tư, cách tính toán giá trị không chuẩn làm đội vốn hàng ngàn tỉ đồng ở dự án metro Bến Thành – Suối Tiên”. Trong đó, ông Hoàng Như Cương được nêu tên là người có sai phạm chính.

Ông Cương chỉ là cấp phó nhưng ký quyết định trái thẩm quyền, phê duyệt điều chỉnh dự án có quy mô trọng điểm quốc gia. Những điều chỉnh thay đổi thiết kế làm đội vốn (điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỉ đồng), và rất nhiều sai phạm khác. Tuy nhiên, nhiều ngày trước khi có kết luận thanh tra, ông Hoàng Như Cương đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Metro Bến Thành – Suối Tiên ‘dính’ nhiều sai phạm, phải xử lý tài chính gần 2.900 tỉ, theo báo Thanh Niên. Kiểm toán Nhà nước đề nghị “các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỉ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng”. Phần lớn trách nhiệm bồi thường thuộc về Ban Quản lý đường sắt đô thị (2.864 tỉ đồng), còn lại thuộc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, quận Bình Thạnh và Tổng Công ty Samco.

Báo Thanh Niên đưa tin: Bất ngờ hoãn họp báo về Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) “phát hành thư mời khẩn, gửi đến một số báo về việc họp báo vào sáng mai 26/12 để cung cấp các vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động của MAUR”. Tuy nhiên, đến chiều 25/12, Chánh văn phòng MAUR cho biết, buổi họp báo được tạm hoãn.

MAUR từng được xem là “siêu ban” bởi cơ quan này “được giao quản lý, đầu tư 8 tuyến metro của TP.HCM với tổng vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại MAUR xảy ra hàng loạt biến động lớn về nhân sự chủ chốt. Dư luận “lề dân” cho rằng, không chỉ dự án metro Bến Thành mà hầu hết các dự án giao thông lớn ở TP HCM đều có vấn đề.

Cuối tháng 11/2018, đại sứ Nhật Bản cảnh báo nguy cơ dừng thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vì thiếu vốn. Vào thời điểm đó, số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn “đã lên đến hơn 100 triệu USD”. Đại sứ Umeda Kunio viết trong thư gửi Thành ủy TP HCM: “Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12/2018, các vấn đề này không được giải quyết, tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công”.

Lúc đó, quan chức CSVN tìm mọi cách trấn an các nhà đầu tư và người dân. ĐBQH Trần Hoàng Ngân tuyên bố: “Chắc chắn dự án metro sẽ có thêm vốn”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: “Quốc hội đã đồng ý mở nguồn, còn lại quy trình rà soát, thẩm định thế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ”.

Đến nay, chưa đầy một tuần nữa là năm 2018 kết thúc, vẫn không có tín hiệu khả quan gì cho dự án metro Bến Thành, sai phạm lộ ra càng lúc càng nhiều. Trưởng ban MAUR Lê Nguyễn Minh Quang đã gửi đơn xin nghỉ việc, Phó trưởng ban MAUR Hoàng Như Cương thì trốn ra nước ngoài, hàng chục nhân sự nghỉ việc vì nhiều lý do. Đoạn kết lời hứa của quan chức CSVN trong vụ metro Bến Thành chỉ là lời hứa cuội.

Riêng trường hợp ông Hoàng Như Cương, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Ông Hoàng Như Cương ‘đi nước ngoài không phép’, sẽ bị xử lý ra sao? Liệu lãnh đạo CSVN có ý thức được rằng tình hình kinh tế, ngoại giao hiện tại của họ không cho phép lặp lại một vụ bê bối kiểu an ninh Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin nữa?



Đè dân nghèo thu thuế

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Thuế đánh vào người nghèo, có nên? PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa, Đại học Kinh tế TP HCM, đồng thuận với việc tận thu của bộ Tài Chính. Theo bộ Tài chính, cả nước hiện có 2,1 triệu người bán hàng rong, xe ôm. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, nhưng ngân sách trống rỗng vì tham nhũng, lãng phí, nên dân nghèo sẽ phải còng lưng ra nộp thuế.

Đối với đề xuất tận thu, cơ quan thuế lý giải việc đưa xe ôm, quán cóc vào “tầm ngắm”, theo báo Người Lao Động. Khi bị người dân phản ứng về đề xuất đưa xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát, chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng… vào diện quản lý, thu thuế; tổng cục thuế lý giải “chỉ đưa vào diện quản lý thường xuyên để yêu cầu nộp thuế nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm”.


Giáo dục xuống cấp thảm hại

Báo Phụ Nữ Việt Nam có bài tổng kết năm 2018: Năm của những sự việc giáo dục ‘chưa từng có’. Trong đó, vụ bê bối chấn động nhất là sự kiện gian lận điểm thi THPT quốc gia, nâng điểm cho cán bộ và con cháu cán bộ. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ bạo hành, xúc phạm học sinh liên tiếp diễn ra; Bộ Giáo dục thông qua luật cho sinh viên ngành sư phạm bán dâm dưới 4 lần; hiện tượng tăng đột biến số lượng GS, PGS. Gần đây nhất là vụ hiệu trưởng một trường nội trú cưỡng dâm các nam sinh cấp 2.

Bên cạnh đó, người dân phẫn nộ trước việc Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi thì im lặng, trốn tránh trách nhiệm, khi thì liên tiếp đổ lỗi cho người khác, hoặc buông những câu bình luận vô thưởng vô phạt trước những vụ bê bối xảy ra, như: “tôi rất buồn”, “tôi rất bất ngờ”.

Báo Kiến Thức đưa tin: Đình chỉ sinh hoạt Đảng với thầy giáo hiếp dâm nữ sinh lớp 8. Theo đó, “Huyện ủy Đức Cơ (Gia Lai) đang hoàn tất thủ tục để đình chỉ sinh hoạt đảng đối với thầy giáo Hồ Trọng Đăng – nghi can hiếp dâm nữ sinh lớp 8”. “Thầy” Đăng là đảng viên, tổng phụ trách đội, lo công tác đoàn đội của trường. Trước đó, Đăng đã lừa một nữ sinh lớp 8 ra chỗ vắng, thục hiện hành vi hiếp dâm.

Nói về những bê bối bạo lực, hiếp dâm của giáo viên đối với học sinh, một trung tá, thuộc Bộ Công an, đỗ lỗi: Mạng xã hội là một tác nhân, nguy cơ của bạo lực học đường, xâm hại tình dục, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng “để phòng chống bạo lực học đường, chống xâm hại tình dục học sinh thì kỹ năng học sinh sử dụng mạng xã hội rất quan trọng”.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an. Nguồn: Zing

Nói theo viên công an này, việc thầy cô đánh học sinh, hiếp dâm học sinh, đều do mạng xã hội gây ra, còn những tên côn đồ, dâm tặc, đội lốt thầy cô đều vô can. Ông Hiếu đang đánh lạc hướng để bao biện cho nền giáo dục nát bét, thậm chí còn tranh thủ lái vấn đề sang hướng bôi nhọ mạng xã hội.

Vụ cán bộ, giáo viên tổ chức tiệc ma túy, báo Thanh Niên đưa tin: Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ kiểm lâm tham gia tiệc ma túy. Đối tượng Phạm Đức Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vừa bị tạm đình chỉ công tác vì tham gia vào tiệc ma túy cùng 12 người khác vào ngày 21/12. Lãnh đạo ngành kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi Công an có kết luận về vụ việc, chúng tôi căn cứ vào mức độ, hành vi vi phạm và các quy định để đưa ra quyết định kỷ luật đối với ông Cường”.

***








No comments:

Post a Comment

View My Stats