Wednesday, 19 April 2017

XỬ LÝ VỤ ĐỒNG TÂM PHẢN ÁNH BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ (Bùi Quang Vơm)




Bùi Quang Vơm
19/04/2017

Đúng hoàn toàn với những gì người dân đã dự báo, nhà cầm quyền tại Hà Nội đã lựa chọn một kịch bản tồi tệ, đúng với bản chất một chính quyền cai trị. Nó lột tẩy sự giả dối của Hiến pháp khi công bố rằng "chính quyền của dân, do dân và vì dân".

Trước đó, chúng ta đã dự đoán: "Hà Nội sẽ tìm moị cách, kể cả giả vờ nhân nhượng, giả vờ xoa dịu, để dập tắt lửa, tước khí giới của dân, nhằm trước hết giải phóng các Cảnh sát cơ động đang bị dân giam giữ, và sẽ dùng moị thủ đoạn để đàn áp, trừng trị...".

Sự thật đang diễn ra như vậy.

Ngày 18/04/2017, báo Vnexpress.net đưa tin, " Phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định cho biết, thành phố đang tìm mọi biện pháp giải quyết tình hình. Ưu tiên số một của Hà Nội là đưa toàn bộ người còn bị giữ trái pháp luật ra ngoài an toàn".

Vị Thiếu tướng này có lối tư duy đặc trưng của chế độ, là lối tư duy cai trị, là lối tư duy quyền phán xét công lý thuộc về nhà cầm quyền, lẽ phải, công lý luôn phải thuộc về chế độ, người dân phải đương nhiên sai và luôn là những kẻ vi phạm pháp luật.

Nếu đúng là chính quyền của dân và vì dân, thì phản ứng trước tiên của người đại diện pháp luật, của người cầm nắm trong tay công cụ của công lý, phải suy xét nguyên nhân xuất xứ của sự kiện. Giải toả xung đột phải bằng cách truy nguyên và giải quyết tận gốc nguyên nhân tạo ra xung đột, trong đó phải không loại trư sự bất cập, thậm chí bất chính của chính bản thân luật pháp.

Ông Thiếu tướng chỉ biết hiện tượng bắt giữ những người thi hành công vụ theo lệnh của những người đại diện chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật, và sẽ chỉ đơn thuần áp dụng luật pháp để trừng trị các hành vi vi phạm đó, nhưng ông ta không giải quyết nguồn gốc của việc vi phạm, ngay cả xét tới bản thân luật pháp có vấn đề bất cập hay không.
"Chúng tôi sẽ giải quyết mọi việc theo pháp luật, trên tinh thần xử lý nghiêm những người cố tình kích động, có hành vi giam giữ, bắt người trái pháp luật".

Và ông ta cố tình xuyên tạc sự thật, bóp méo bản chất của sự việc: "Người dân không có yêu sách, chỉ là một số đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật và có kẻ gây rối, cố tình làm nóng tình hình, kích động việc vi phạm pháp luật kéo dài". Đó là phẩm chất của những quan chức đại diện cho công cụ quyền lực của chế độ.

"Với tư cách thủ trưởng cơ quan điều tra Công an Hà Nội, tôi khẳng định việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương", Ông Thiếu tướng Định nói như vậy và ông còn nhấn mạnh sẽ "cương quyết xử lý những người cầm đầu, xuyên tạc sự thật để kích động gây rối". Đây là cách dạo nhạc, chuẩn bị cho những hành động đàn áp sau đó, không ngoài những thủ đoạn thường thấy, không ngoài những dự đoán của dân chúng.

Chính quyền sẽ bất chấp thiện chí của người dân. Việc bắt giữ những nhân viên thuộc Cảnh sát Cơ động và một số các phần tử thuộc chính quyền địa phương, chỉ là kết quả của sự hoang mang, hoảng sợ bị đàn áp và nguyện vọng của dân sẽ không được chính quyền tôn trọng và lắng nghe. Đó một mặt là do uy tín của các viên chức đại diện chính quyền không có, mặt khác là niềm tin vào sự công minh của pháp luật đã không còn.

Vẫn theo VnExpress, việc trả tự do cho 15 cảnh sát cơ động diễn ra êm thấm, những cảnh sát này đi bộ ra khỏi thôn, được xe đón về. "Họ được đối xử lịch sự, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ". Một trong 15 cảnh sát được trả tự do tối qua chia sẻ: "Tôi mạnh khỏe, tinh thần không vấn đề gì, được đối xử tốt". Trước đó, giải thích về lý do bắt giữ 38 người thực thi công vụ, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, họ muốn chính quyền thả người trong xã đã bị bắt ngày 15/4. "Nguyện vọng của dân các thôn trong xã muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định".

Đó chính là nguyện vọng chính đáng của người dân nghèo đói và thấp cổ bé họng. Và đó chính là nguồn gốc của xung đột giữa dân và chính quyền, trước hết và trực tiếp là chính quyền xã và huyện.

Nếu luật pháp được làm ra để trước hết và trên hết bảo vệ  quyền và lợi ích của những thành phần yếu thế và thiệt thòi nhất trong xã hội, như mọi luật pháp công lý của loài người tiến bộ, của các quốc gia dân chủ đích thực, thì việc làm trước tiên của vị Thiếu tướng công an này phải là đình chi việc thu hồi đất, kiến nghị chính quyền Hà Nội lập ủy ban điều tra xác minh quyền lợi của người dân có bị vi phạm không, có hiện tượng tham nhũng không. Tất cả những sự kiện khác sẽ xét từ nguồn gốc phát sinh sự kiện đó.

Nhưng vẫn một lối tư duy thù địch với dân chúng, một ngày sau, Thành ủy Hà Nội ra thông điệp kêu gọi thả những người thực thi công vụ, "đề nghị chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật". Nhà cầm quyền chỉ thấy khía cạnh vi phạm pháp luật của người dân, nhưng không quan tâm tới nguồn gốc phát sinh xung đột. Dẫu có bỏ tù tất cả xã, mà không được làm rõ cái gốc của sự kiện là việc chiếm đọat và đền bù đất đai không minh bạch, có yếu tố tham nhũng của chính quyền, thì nguồn gốc xung đột sẽ không được gỡ bỏ, và ổn định thật sự sẽ không bao giờ có.

Đoàn Văn Vươn, vụ án Hải Phòng và Đặng Văn Hiến, vụ án Đắk Nông cùng bị xử tù vì tội giết người thi hành công vụ, nhưng không hề có ý nghĩa răn đe và giáo dục pháp luật, không có tác dụng tăng cường ổn định xã hội, chỉ vì nguồn gốc của "hành vi giết người" đó là sự bất chính của luật sở hữu đất đai. Thực tế đã chứng minh. Sau Đồng Tâm này sẽ còn nhiều Đồng Tâm khác nữa.

Người ta sẽ bất chấp quyền và lợi ích của dân, người ta sẽ sử dụng công cụ bạo lực của quốc gia được nuôi dưỡng bằng tiền thuế của dân, để quay lại trấn áp dân nhằm bao che, bảo vệ lợi ích của số ít những tập đoàn tham nhũng. Những kẻ như vị Thiếu tướng Định này sẽ được ghi vào lịch sử.

6000 người dân xã Đồng Tâm rồi cũng sẽ như tất cả moị người dân nghèo khổ bị tước đoạt nguồn sống khác, lần lượt sẽ bị chế độ kết án và bỏ tù. Nhưng nếu chính quyền không thể bỏ tù hết cả gần 50 triệu nông dân, thì không có con đường nào khác là chế độ phải được thay đổi.

18/04/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

*
Phụ lục:

15 cảnh sát bị bắt giữ tại Mỹ Đức được thả tự do

Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động sau 3 ngày bị bắt giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) đã được thả, 3 người khác tự giải thoát.
Trong số 38 người bị giữ tại thôn Hoành, 18 người đã được tự do. Hiện, 20 người khác gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, cán bộ thôn và công an huyện vẫn bị giữ tại nhà văn hóa.
"Họ vẫn được cung cấp thức ăn, đồ uống và những điều kiện sinh hoạt tối thiểu", một nguồn tin nói.

Phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định cho biết, thành phố đang tìm mọi biện pháp giải quyết tình hình. Ưu tiên số một của Hà Nội là đưa toàn bộ người còn bị giữ trái pháp luật ra ngoài an toàn.
"Chúng tôi sẽ giải quyết mọi việc theo pháp luật, trên tinh thần xử lý nghiêm những người cố tình kích động, có hành vi giam giữ, bắt người trái pháp luật", ông Định khẳng định và cho biết thêm "sẽ khoan hồng với những người nhận thức được hành vi, có ý thức khắc phục hậu quả".
Trả lời câu hỏi của VnExpress về đề nghị thả những người bị cảnh sát bắt hôm 15/4 tại Mỹ Đức, Thiếu tướng Bạch Thành Định nói: "Người dân không có yêu sách, chỉ là một số đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật và có kẻ gây rối, cố tình làm nóng tình hình, kích động việc vi phạm pháp luật kéo dài".
Tuy nhiên ông cũng cho hay, công an Hà Nội đã thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do: "Những người này đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".
"Với tư cách thủ trưởng cơ quan điều tra công an Hà Nội, tôi khẳng định việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương", Thiếu tướng Định nói. Ông cũng nhấn mạnh sẽ cương quyết xử lý những người cầm đầu, xuyên tạc sự thật để kích động gây rối.
Theo nguồn tin của VnExpress, việc trả tự do cho 15 cảnh sát cơ động diễn ra khá êm thấm, những cảnh sát này đi bộ ra khỏi thôn, được xe đón về. Một trong 15 cảnh sát được trả tự do tối qua chia sẻ: "Tôi mạnh khỏe, tinh thần không vấn đề gì, được đối xử tốt".
Trưa 18/4, các ngả đường vào thôn Hoành vẫn bị chặn lại bằng những đống sỏi và các phiến gỗ lớn. Trên tuyến liên xã không còn tập trung nhiều nhóm người, họ cũng không quyết liệt ngăn người lạ đi vào thôn như trước mà thay bằng thái độ dò xét. Nhiều phụ nữ trùm khăn bịt mặt và đàn ông đeo khẩu trang, kể cả lúc nói chuyện. Trên con đường liên xóm rẽ vào thôn Hoành dù khá rộng nhưng không thấy có ôtô đi lại.
Một số người bày tỏ mong muốn tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo có trách nhiệm của Hà Nội; được chính quyền giải quyết tận gốc rễ các vấn đề liên quan đất đai tại khu vực đồng Sênh, nơi có nhiều tranh chấp; tiếp xúc với ông Lê Đình Kình (82 tuổi) - được cho là đang bị giữ.
Theo nguồn tin từ Công an Hà Nội, ông Kình đang được chăm sóc tại bệnh viện vì vấn đề sức khỏe.
Cuối giờ chiều nay, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trả lời HTV cho biết Hà Nội đã phân công Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình.
Tuy vậy, việc đối thoại với người dân mới chỉ thực hiện được "qua các kênh thông tin bằng điện thoại". Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai "sẽ được xem xét một cách thỏa đáng" và ưu tiên lúc này là đảm bảo an toàn cho 20 người đang bị giữ và an toàn cho cuộc sống của người dân.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trả lời về sự việc ở Mỹ Đức.

Theo Thành ủy, gần đây tại xã Đồng Tâm liên tục xảy ra tình trạng vi phạm đất đai và "ngày càng trở nên nghiêm trọng".
Ngày 30/3, Công an thành phố khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng. Ngày 15/4, cơ quan điều tra bắt 4 người tại Mỹ Đức với cáo buộc liên quan vụ án. Quá trình thực thi, cơ quan công vụ gặp phản ứng từ nhiều người dân, dẫn đến 38 người trong đó có nhiều cảnh sát cơ động bị bắt giữ đưa về nhà văn hóa thôn Hoành.
Một ngày sau, Thành ủy Hà Nội ra thông điệp kêu gọi thả những người thực thi công vụ, "đề nghị chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật".

Nhóm phóng viên






No comments:

Post a Comment

View My Stats