Monday, 17 April 2017

[Vụ Đồng Tâm - Mỹ Dức] ĐÀM HAY ĐÁNH? (tin tổng hợp)




Sương Quỳnh
Posted by adminbasam on 17/04/2017

Câu hỏi này cho phía nhà cầm quyền hành xử thế nào trước việc người dân bị tước tài sản và công ăn việc làm, quay sang chống đối.

Trước tôi đã viết bài “VÁN CỜ WIN – WIN” thuyết phục nhà cầm quyền nên đàm phán với dân khi vụ việc người dân huyện Lộc Hà kéo lên UBND Lộc Hà đòi tiên bồi thường thiệt hại do Formosa và việc đối chất việc cho công an đánh, chém dân đêm trước. Nhưng ngay sau đó lãnh đạo Hà Tĩnh đã đưa vụ việc ra khỏi tố và vu khống người dân huyện Lộc Hà. Tôi cũng đã phải thốt lên: Nhà cầm quyền này quyết cưa bom kích nổ.

Ba ngày hôm nay nóng ở Đồng Tâm – Mỹ Đức khi bà con bị cưỡng chế đất và bị đánh đập gần chết 1 người, bắt đi 4 người thì toàn bộ dân Đồng Tâm – Mỹ Đức đã lên đến đỉnh điểm của sự phẫn uất. Họ đã bắt nhốt hơn 20 người CSCĐ được điều xuống với lệnh đàn áp người dân. Cho đến bây giờ, theo con số chưa kiểm chứng là người dân bắt gần 40 người CSCĐ và an ninh mặc thường phục.

Đó là điều tất yếu phải đến, khi người dân Đồng Tâm – Mỹ Đức đã hiểu sự tráo trở của những người đang lãnh đạo từ trên, xuống dưới. Họ không còn tin bất cứ lời hứa hẹn nào khi chứng kiến Lãnh đạo Hà Tĩnh tráo trở với với bà con Lộc Hà (đương nhiên sự tráo trở này phải được sự đồng ý cấp trên cao hơn). Nhà cầm quyền vẫn nghĩ rằng sẽ lừa dối được người dân bằng truyền thông, báo đài thì bây giờ đó chỉ còn nằm mơ mà thôi. Vì bây giờ họ đã chỉ tin vào báo lề dân trên internet với những clip đầy đủ, cụ thể tại hiện trường.

Câu hỏi Đàm hay Đánh, cho đến hôm nay vẫn chưa lộ diện trong vụ Đồng Tâm – Mỹ Đức. Nếu nhà cầm quyền quyết hạ lệnh đàn áp mà không đàm phán với dân, liệu gần 40 mạng đang bị dân giữ kia có bị hỏa thiêu như người dân đã tuyên bố không? Xin thưa: Có. Nếu quyết đàn áp dân, mặc dù bây giờ hoàn toàn nhà cầm quyền có cớ là người dân giam giữ bất hợp pháp những người “thi hành công vụ” đi chăng nữa, thì người dân ở bước đường cùng cũng sống chết theo 40 mạng kia.

Có thể nhà cầm quyền cũng thí luôn 40 mạng CSCĐ và an ninh kia, hòng để dẹp yên vụ bắt bớ này và cướp đất của dân cho bằng được. Máu sẽ đổ ra và hàng trăm hay cả ngàn người bị bắt bớ tù đày.v.v… Xin thưa, chắc chắn sau đó sẽ có hàng loạt các cuộc nổi dậy khác, khi người dân không còn thể tin vào sự công lý từ nhà cầm quyền, đã bất chấp luật pháp, chỉ bảo vệ nhóm lợi ích của quý vị, quyết hãm hại người dân bất kể sống chết ra sao. Và lúc đó thì sao? Người dân quyết liệt hơn, bạo động sẽ nổ ra. Cùng bên nọ bắt người thì bên này cũng bắt nhốt. Liệu những CSCĐ được điều đi đó, nhìn gương thí mạng của nhà cầm quyền với 40 CSCĐ kia, họ có còn như con thiêu thân thí mạng tiếp cho quý vị? Và liệu khi người dân bắt được có còn nhốt lại chờ đàm phán hay họ xử luôn không ngần ngại vì căm thù? Và liệu nhà cầm quyền có kéo quân về giết sạch được dân? Nếu không đàm phán thì chỉ có cách giết dân, chứ tù đày thì e rằng người dân không còn sợ nữa.

Và những lúc bạo động đó tôi tin rằng quý vị cầm quyền ước ao, khát khao nơi xảy ra chống đối cưỡng chế hay biểu tình đòi công lý đó có một vài cha ở chính nơi này.

Hãy nhìn lại những cuộc biểu tình ở Hà Tĩnh, Nghệ An, nếu không có các cha kêu gọi bất bạo động liệu người dân có ngoan ngoãn ngồi xuống cầu kinh Hòa Bình hay không? Và nếu như vụ vây UBND huyện Lộc Hà, nếu các ông lãnh đạo huyện không cầu cứu cha đến kêu gọi giáo dân về thì liệu giáo dân có về không? Vì sao giáo dân nghe lời các cha? Vì đó là niềm tin và chính Đức Tin đã làm cho người dân tuyệt đối nghe lời các cha. May mắn thay cho đến giờ chưa có cuộc bạo động nào của người dân chống trả quyết liệt, mặc dù quý vị đã hạ lệnh đánh đân đổ máu, đánh lén dân, tráo trở với dân…cũng vì các cha luôn đưa thông điệp Hòa Bình và bất bạo động. Vậy mà quý vị còn vu khống, bôi nhọ các cha.

Nhưng còn người dân khắp đất nước, các vùng miền không phải là Kito hữu thì sao? Thì họ sẽ như Đồng Tâm – Mỹ Đức. Và nếu nhà cầm quyền quyết đàn áp dân như kẻ thù thì sẽ đỏ lửa, sẽ đổ máu, vì người dân không còn tin cái chính thể gọi là “chính quyền” này nữa, chỉ toàn dối trá, bịp bợm và tráo trở. Sẽ nát bét Đất Nước mà chính quý vị sẽ là những người ngồi trên lửa hay đứng trước thòng lọng mà thôi. Còn người dân khi họ đước trước sống còn, thì họ bẻ gãy xiềng xích là được Tự Do, sao họ không quyết tâm chứ? Vài triệu dân, chục vùng như Đồng Tâm – Mỹ Đức là quý vị giã từ cái ghế.

HÃY ĐÀM PHÁN VỚI DÂN – ĐỪNG DẠI DỘT MÀ ĐÁNH.

Sài Gòn ngày 17-4-2017
Sương Quỳnh

* Hãy nghe clip tuyên bố này của người dân Đồng Tâm để hiểu lòng tin đối với nhà cầm quyền :

ĐỒNG TÂM - MỸ ĐỨC - HÀ NỘI VÀ LỜI TUYÊN BỐ CỦA BÀ CON NHÂN DÂN.

-------------------------


(VNTB) - Vào ngày 2/2/2017, trên báo Nhân Dân đăng tải bài viết “Luồng gió mới ở Đồng Tâm”, nội dung khẳng định, dù “trước đây” xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) là địa bàn phức tạp với cán bộ bị kỷ luật, người dân mất niềm tin chính quyền, kẻ xấu kích động nhân dân,… Nhưng giờ đây, dưới “sự chỉ đạo sát sao của huyện ủy Mỹ Đức, bộ máy chính quyền, đoàn thể ở xã Đồng Tâm hoạt động ổn định và từng bước được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ.”

Đến ngày 15/04/2017, mạng xã hội xuất hiện videoclip cảnh lực lượng công an với dùi cui và khiên chống bạo động bị người dân xã Đồng tâm chọi đá, người dân lên tiếng tố cáo hành vi tham nhũng của chính quyền cũng như sử dụng lực lượng công an để “cướp đất”, hình ảnh công an bố ráp người dân xã này; hình ảnh 20 CSCĐ bị bắt giữ tại nhà văn hóa; videoclip một đảng viên đại diện cho hàng vạn người dân lên tiếng tố cáo chính quyền xã, huyện và thành phố lấy đất giá rẻ, bán đất giá đắt. Hai ngày sau, truyền thông nhà nước lên tiếng đe dọa xử lý hình sự và đòi người dân xã Đồng Tâm thả những chiến sĩ CSCĐ.

Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng, xã Đồng Tâm đã không tồn tại cái gọi là “ổn định” và đồng thuận với Đảng – nhà nước như báo Nhân Dân đưa tin. Kinh nghiệm về cái gọi “muốn tạo dựng niềm tin cho nhân dân vào bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ phải sâu sát đời sống, phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, minh bạch, rõ ràng các thông tin” mà báo Nhân Dân đưa ra hoàn toàn chưa đạt được. Ngược lại, niềm tin của người dân xã Đồng Tâm vào chính quyền đã hoàn toàn vỡ vụn, nhất là qua sự kiện ngày 15/04, khi cuộc trao đổi – đối thoại mà chính quyền nêu ra trở thành một cuộc bắt những người nông dân, cựu chiến binh mà chính quyền coi là “cầm đầu kích động, khiếu kiện”, đồng thời điều CSCĐ về dùng đạn khói, dùi cui, giả thường dân để kích động bạo lực nhằm lấy cớ đàn áp.

Người dân phản hồi một thông điệp chắc chắn tới chính quyền: bắt lại hơn 30 người của chính quyền bao gồm nhiều cảnh sát cơ động để “đổi người” thay vì đối thoại theo cách “niềm tin với chính quyền”.

Sự kiện này là minh chứng sống động nhất để “tố cáo” toàn bộ tin bài ngày 2/2/2017 là những luận điểm thiếu cơ sở, thêu dệt, thậm chí vu khống đối với những người dân chống lại nạn cướp tư liệu sản xuất của họ.

30 người bị bắt giữ và tình hình phức tạp tại xã Đồng Tâm cũng đã cho thấy rằng, sự dối trá về mặt thông tin đã trở thành một đặc trưng của báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, hay một số tờ báo đảng khác, biến báo Nhân Dân và hàng tá báo khác trở thành tiếng nói đầy kệch cỡm của Đảng thay vì tiếng nói chân chính một nhà nước liêm chính mà Nhân dân đang cần. Những lời hoa mỹ, những lời lẽ thống thiết đầy tính cách mạng trong nội dung tin bài về “niềm tin của nhân dân đối với Đảng” trở thành một thứ ngôn ngữ phi thực tế, như cái cách mà báo tô vẽ đường lên thiên đường xã hội chủ nghĩa vậy.

Dù biết rằng, bài vở sản xuất ra của báo Nhân Dân không có nhiều người đọc, đặc biệt nó đã bị loại ra khỏi đời sống tin tức của người dân, nhưng việc đăng nội dung sai sự thật đến mức lố bịch, những ngôn từ được chiết xuất từ “ý Đảng” nhưng không phải lòng dân đó đã khiến cho nó trở thành một vây cánh, bao che, tô hồng cho nạn nhũng nhiễu tại địa phương. Nó không những là sự bán rẻ về lương tâm, trách nhiệm của người làm báo, mà nó còn trở thành một trang báo co rúm thúc đẩy tội ác tiếp tục diễn ra tại địa phương. Bởi nhiệm vụ cốt lõi của báo chí chính là phản ánh đúng thực trạng để góp phần ngăn chặn những sai trái trong xã hội, nếu đi ngược lại điều đó, nó sẽ trở thành bình phong toàn diện để các quan chức xã, huyện, tỉnh hợp pháp hóa tội ác của mình đối với nhân dân, thậm chí là đối với của công của nhà nước XHCH. Nói cách khác, cách dựng câu chuyện “ý Đảng hợp lòng dân” tại xã Đồng Tâm đã tiếp tục thúc đẩy tham nhũng ở đây một cách công khai hơn, trắng trợn hơn, khi được tờ báo của T.Ư Đảng “bảo kê”.

Người dân xã Đồng Tâm chiếm đài phát thanh xã để tố cáo chiêu lật lọng của chính quyền

Trở lại với câu chuyện xã Đồng Tâm, được sự chỉ lệnh của ban Tuyên giáo Trung ương, các trang báo bắt đầu sử dụng ngoài bút để “truy tố, lên án” người dân xã này trước khi có phán quyết của tòa án. Những lời lẽ quen thuộc như “kích động, gây mất trật tự trị an, chống đối nhà nước” đã và đang được sử dụng cho những người bắt giữ 20 CSCĐ. Nhưng liệu rằng, ai sẽ tin vào điều đó? Ai sẽ tin vào những ngôn từ tưởng chừng như rất pháp trị đó thực chất là những ngôn từ trấn áp để bảo vệ cái sai của chính quyền cơ sở? Và cũng giống như báo Nhân Dân, cái gọi là niềm tin vào báo chí nhà nước qua câu chuyện này vỡ vụn dần, không chỉ đối với người dân xã Đồng Tâm, mà đối với nhiều nhiều người khác thấu hiểu tình trạng “cướp đất” như hiện nay.

Suy cho cùng, đó cũng là hệ quả tất yếu của cái gọi là công cụ tuyên truyền của Đảng, và nhà nước Việt Nam.

-----------------------

Nguyễn Trần Sâm  -  Blog Đào Hiếu
17-4-2017

Như báo chí đã đưa tin, chiều 15 – 4, gần 30 người của chính quyền, trong đó có cả những viên cảnh sát cơ động, đã bị dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, HN) bắt nhốt tại “nhà văn hóa” xã. Mục đích việc làm này của dân chúng là đòi chính quyền phải trả tự do cho những người bà con của họ đã bị chính quyền câu lưu trước đó vì hành động được gọi là “vi phạm đất đai”.

20 Cảnh sát cơ động bị dân xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức bắt giữ.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao những công an viên này lại để cho dân “bắt” được họ? Phải chăng vì họ không đủ năng lực và phương tiện để đè bẹp lực lượng quần chúng không có vũ khí trong tay, hay chí ít là thoát khỏi bàn tay của những người dân này?

Muốn trả lời câu hỏi này thì phải nghĩ đến những câu hỏi khác. Giả dụ viên chỉ huy của đội cảnh sát cơ động (nghe nói là trung đoàn?) ra lệnh xả súng vào đám dân hoặc không nổ súng nhưng dùng báng súng, lưỡi lê hoặc dùi cui đánh tới tấp vào đám dân dám chống lại mình, còn các chiến sỹ công an thì nhất loạt tuân lệnh, thì liệu đám dân đó có bắt nổi một công an viên nào không?

Dĩ nhiên là không! Khi đó thì đám dân kia chỉ có thịt nát xương tan hoặc ít ra là bị đau nhừ tử, chứ làm sao còn có thể bắt công an làm tù binh được nữa!

Như vậy, việc có hàng chục chiến sỹ công an thuộc “lực lượng mạnh” bị dân bắt nói lên rằng chỉ huy của họ đã không dám ra cái lệnh đó, hoặc/và các chiến sỹ cũng không dám thực thi một mệnh lệnh như vậy.

Vậy lý do để chỉ huy không dám ra lệnh và thuộc cấp không dám thực thi nếu có lệnh là gì? Câu trả lời là: Họ vẫn còn tính người và tình người. Họ không đang tâm bắn vào hoặc đánh đập tàn nhẫn những người dân tay không tấc sắt. Họ biết rõ đó là những người vô tội và nghèo khổ, đã chịu bao oan trái do những kẻ có thế lực gây ra. Nghĩa là chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào những con người này. Đa số vẫn còn lương tâm. Và nhiều người trong số đó cũng có bà con, anh em hoặc xóm giềng là những người dân nghèo đáng thương. Họ từng nhiều lần chứng kiến cảnh khổ của những người thân. Và họ đã nhận ra rằng chính nghĩa không ở phía họ, nếu họ ra tay đàn áp.

Xưa nay vẫn vậy. Một khi hàng ngàn người dân bị dồn đến bước đường cùng thì họ sẽ nổi dậy. Ban đầu, những nhóm lẻ tẻ sẽ bị đàn áp. Những đám dân khác sẽ sợ và im tiếng. Nhưng khi không còn gì để mất thêm thì con người sẽ hết sợ. Họ sẽ nổi dậy đông hơn. Sẽ tiếp tục có đàn áp, nhưng rồi “một người rơi, mười người tiến”, và sẽ đến lúc có hàng triệu người đứng dậy. Sẽ đến lúc lực lượng đàn áp không thể thực thi nhiệm vụ đàn áp được nữa. Dù ban đầu, những kẻ có vũ trang này chưa nhận ra được chính nghĩa, nhưng rồi trong những cuộc cọ xát, những chiến dịch đàn áp, dần dần họ sẽ nhận ra lẽ phải. Khi đó, những mệnh lệnh đàn áp sẽ không được thực thi nữa. Lực lượng đàn áp sẽ quay súng!

Đó là quy luật!

Thật không may cho nhà cầm quyền nào không nhận thức được quy luật này, một quy luật mà chính những thủy tổ của CNCS cũng từng nói đến nhiều lần.

Vào thời kỳ trước sau năm 1980, cả nước đói khổ, dân tình ca thán. Những bài vè chế giễu nhà cầm quyền xuất hiện khắp nơi. Có cả những bài như “sấm ký”. Đó là những dấu hiệu của sự suy sụp. Nhưng vào thời đó chưa có đàn áp. Dân chưa bị đánh, chưa bị quy thành “các thế lực thù địch”. Một số người nói: Chắc sắp tiêu! Nhưng tôi nói: Đã có gần đủ các dấu hiệu, nhưng còn thiếu đàn áp dân.

Còn bây giờ thì đã có! Khắp nơi, hàng ngàn người dân bị đàn áp sau khi bị dán nhãn “các thế lực thù địch”!

Và không chỉ có vậy. Giai đoạn cuối của thời kỳ đàn áp dân đã đến. Lực lượng đàn áp đã bỏ chạy. Không chỉ ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. Việc đó cũng đã xảy ra hơn một lần ở những nơi khác, nhất là quanh Formosa Hà Tĩnh!






No comments:

Post a Comment

View My Stats