Tuesday, 11 April 2017

VIỆT NAM CÓ THỂ ĐI ĐẦU CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 : LẠC QUAN THÁI QUÁ ! (Thiên Luân - Dân Luận)



Thiên Luân
Tác giả gửi tới Dân Luận
11/04/2017

Mấy ngày qua nhiều tờ báo lớn trong nước đồng loạt đưa tin về phát biểu của ông Nguyễn Mạng Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4, ông Hùng nói:“cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.- “có thể”, từ này muôn vàn lắm, chẳng có gì là chắc chắn cả. Kiểu như nói đại, không trúng thì trật.

Ông Nguyễn Mạng Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Trước hết ghi nhận tinh thần cách mạng của ông Tổng giám đốc một tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam. Ông nói không sai, nhưng ông không hiểu lắm hai từ “cách mạng” thì phải nên ông mới nói, “cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm”. Nói thế có khác nào hiểu rằng, cuộc cách mạng tư sản Pháp không có giá trị vì nó nổ ra sau cuộc cách mạng Anh hay cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ không có giá trị vì trước đó nó đã xảy ra ở Mexico?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam là điều không có gì bàn cãi, nhưng vấn đề là chúng ta đang ở đâu trong cuộc cách mạng ấy. Với điều kiện của Việt Nam hiện tại liệu có bắt kịp hay không còn chưa biết, không dám khẳng định chứ nói gì đến việc đi đầu. Cho nên đừng có hô hào này nọ để rồi đến khi không làm được thì lại đỗ tại này, tại kia. Cứ làm được đi đã hãy nói. Đừng “nổ” kiểu như Nguyễn Tử Quảng, sản phẩm của BKIS là phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới, điện thoại Bphonne “tốt nhất thế giới”.

Nói như bà Nguyễn Thanh Huyền, TGĐ Công ty May 10 “Nói Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cuộc cách mạng này là lạc quan tếu” hay như ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Câu trả lời là "không". Cuộc cách mạng thứ 3 chúng ta cũng chưa bắt kịp. Cách mạng thứ 4 thách thức quá lớn…”. Theo tin của tờ VietTimes, khi được hỏi “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không”: 67% số người khảo sát cho rằng Việt Nam không bắt kịp được cách mạng công nghiệp, và chỉ có 33% cho rằng có thể (http://viettimes.vn/viet-nam-co-the-bat-kip-cach-mang-cong-nghiep-40-117794.html).

Mấy chục năm trước cũng tin tưởng, cũng khẳng định rằng đến năm 2020 sẽ hoàn thiện công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nhưng đến nay đã phải thừa nhận thất bại. 20 năm phát triển công nghiệp ô tô nhưng bây giờ việc tự mình sản xuất nguyên vẹn một chiếc ô tô vẫn là một giấc mơ xa vời. Sự nghiệp trồng người mấy chục năm nay thế nào mà không có một trường đại học nào nằm trong tốp 300 trường đại học tốt nhất Châu Á, ấy vậy còn kêu gọi xuất khẩu trương trình đào tạo. Ngay đến việc thiết kế tolet trên toa tàu sao cho vệ sinh, sạch sẽ mà cũng chưa làm được mà nói đón nhận và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì quả là quá hoang tưởng.

Trước kia cứ mở miệng ra là đi tắt, là đón đầu nhưng khổ nổi đi tắt như thế nào, đón đầu ra sao thì không biết. Bây giờ đón đầu chưa được nhưng lại muốn đi đầu thì không biết là đi đâu. Hay là như kiểu: Thi đua ta quyết tiến lên/Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/Hàng đầu không biết đi đâu/Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”.

Cũng vì cái chủ trương đi tắt đón đầu ấy mà mấy chục năm nay nền kinh tế cứ loay hoay, mày mò chưa biết đi đâu, về đâu. Một đất nước cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ lao động thấp nhưng lúc nào cũng muốn phát triển vượt bậc, muốn đốt cháy giai đoạn thì đúng là phi thực tế, ảo tưởng, không tự lượng.

Vì lẽ đó, đi tắt đón đầu nên không có phương hướng, rồi đi mò đến khi tìm được lối ra mới biết đi lạc, mới giật mình, thua cả Lào, Campuchia, sắp tới có thể thua cả các nước Châu Phi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu không đi tắt đón đầu biết bao giờ mới theo kịp đà phát triển của nhân loại, biết bao giờ mới xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa? Hiện tại Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Càng ngày khoảng cách càng dãn ra.

Viết đến đây, lại nhớ đến phát biểu GS.TS Đặng Lương Mô (cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong buổi gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức ngày 11/3/2016, Việt Nam sẽ thành siêu quốc gia trong 10 năm nữa: “Với thị trường, với dân số trong nước 100 triệu, chúng ta có đủ sức để phát triển bất cứ thứ gì, bất cứ nền công nghiệp nào; cả về khoa học - công nghệ, cả về giáo dục...”.

Đất nước này rất lạ, từ quan chức lớn nhỏ cho tới những vị tiến sĩ nhiều người mắc chứng bệnh thích gì nói nấy, đụng cái là phán, phán bừa, nói cứ như là đúng rồi. Nào là Việt Nam dân chủ hơn vạn lần các nước tư bản, nào là đến năm 2050 kinh tế Việt Nam vợt Hàn Quốc, nào là đến năm này Việt Nam đứng số 1, năm kia Việt Nam vợt nước này, nào là TP HCM quyết tâm giành giải Nobel y học…Sở dĩ họ hay nói bừa, phán bừa như vậy vì chẳng ai coi đó là tội. Đất nước nghèo, dân tình đói khổ, nợ công ngập đầu nhưng các vị tiến sĩ cứ toàn nói chuyện trong mơ, lãnh đạo đi đâu cũng nói những câu nghe quen quen, tỉnh này đầu tàu, tỉnh kia trong điểm, tỉnh nọ trọng tâm.

Thời sinh viên, được học môn triết học Mác – Lênin, các thầy dạy môn này luôn khẳng định với chúng tôi rằng Việt Nam bỏ qua con đường tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng chủ nghĩa xã hội chỉ xây dựng thành công khi có nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Vậy làm sao một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn như Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại như các nước tư bản ? Chúng ta phải đi tắt, phải trải qua thời kỳ quá độ, mà quá độ là cái gì thì không ai hiểu, cần bao nhiêu thời gian cũng không ai hay nhưng nhất định phải kiên trì. Cả một dân tộc mò mẫn đi tìm bến bờ ấm no hạnh phúc mà không biết khi nào mới đến, cũng không chắc nó có hay không. Vừa qua chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận rằng, cả trăm năm nữa chưa chắc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Tại sao không đường lớn mà đi, dù đi chậm cũng được nhưng có đích đến chứ cứ đi tắt, đón đầu, nhảy vọt, đi đầu rồi chẳng biết đi đâu, đến đâu?

Thiên Luân

------------------------


Ở Việt Nam, hình như đang có xu hướng chân mới đang học bò nhưng miệng đã oang oang tuyên bố biết chạy. Bây giờ, mỗi ngày đều thấy các quan chức ra rả tuyên truyền về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ Công thương, một Bộ nắm tới 60% nền kinh tế, bao năm nay vẫn còn loay hoay chưa biết lấy cái gì làm chủ lực, vừa tổ chức diễn đàn bàn về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở đó, họ nói rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này.

Ông Trần Việt Hòa, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết cuộc cách mạng này sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ cao. Ngành Công Thương sẽ tái cơ cấu theo hướng dịch chuyển sang ngành công nghệ cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao...

Công nghệ cao của họ là gì nhỉ? Là khi hàng loạt quốc gia trên thế giới từng bước từ bỏ nhiệt điện than thì ngành công thương đang hồ hởi đón nhận nó, bất chấp những âu lo của người dân về nguy cơ đe doạ môi trường, bỏ ngoài tai những cảnh báo về nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ rác thải công nghệ của Trung Quốc. Đây không phải thuyết âm mưu, đây là thực tế hiện hữu. Trong lúc chính quyền Bắc Kinh đóng cửa 600 nhà máy nhiệt điện thì ngành công thương Việt Nam hào hứng về những dự án tỉ USD. Và có tới 78% dự án điện ở Việt Nam sử dụng tổng thầu đi kèm với công nghệ Trung Quốc. Con số này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, không phải của cá nhân tôi đưa ra.

Miệng thì cũng nói về cách mạng công nghiệp 4.0 như ai, mà hành động thì toàn đi ngược với thế giới. Khi thế giới dư thừa thép, Trung Quốc đóng cửa nhà máy thép và xuất khẩu công nghệ ô nhiễm thì ngành công thương nhất quyết bảo vệ cho những siêu dự án thép mà ai cũng đã thấy rõ có bóng dáng Trung Quốc đứng sau.

Không hiểu đó là thứ cách mạng công nghiệp 4.0 kiểu gì? Công nghệ mới, vật liệu mới kiểu gì? Hay đây là kiểu cách mạng công nghiệp của riêng Việt Nam?

Một thời, người ta hùng hồn tuyên bố đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Nay mục tiêu ấy đã coi như phá sản. Và giờ họ lại khẳng định Việt Nam có thể đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rằng nó sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một thời nói về kinh tế tri thức, về công nghiệp hoá, đi tắt đón đầu, bây giờ lại ru ngủ bằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Coi chừng, cứ u mê mãi như thế thì khi tỉnh dậy, đến giấy vệ sinh cũng chẳng có mà xài.








No comments:

Post a Comment

View My Stats