Tuesday, 11 April 2017

HÙ DỌA VỀ THƯƠNG MẠI CỦA TRUMP BUỘC VIỆT NAM PHẢI XOAY TRỤC (Bloomberg)



Nguyễn Diệu Tú Uyên và John Boudreau  -  Bloomberg
DCVOnline dịch
Posted on April 8, 2017 by editor — 0 Comments

Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã được Tập đoàn Phú Tài Việt Nam, sản xuất đồ nội thất cho cửa hàng của Wal-Mart xem là một cú đấm nẩy lửa. Cú đấm knock out có thể xảy ra nếu ông Trump tiếp tục đi theo chính sách bảo hộ thương mại như đã đe doạ.

Từ việc có thể có thuế biên giới đến thuế nhập cảng cao hơn, nỗ lực của Mỹ để thiết lập lại mối quan hệ thương mại đang làm cho nền kinh tế nhỏ của Việt Nam rơi vào vùng nguy hiểm. Phú Tài, trụ sở đặt tại một tỉnh miền trung, có 40% số doanh thu từ Hoa Kỳ, và một phần có thể bốc hơi nếu những bàn ghế phòng ăn và bàn ghế ngoài trời trở nên quá đắt.

Ông Nguyễn Sỹ Hoè, Phó Tổng giám đốc của công ty nói, “Nếu chủ nghĩa bảo hộ tăng lên ở Mỹ, nó sẽ làm tổn thương các nước dựa vào xuất cảng như Việt Nam. Chính phủ cần giúp đỡ các công ty.”

Việt Nam bán một phần năm lượng hàng xuất cảng của mình sang Mỹ, trở thành một trong số ít quốc gia châu Á coi Mỹ là thị trường lớn hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại trị giá 32 tỷ USD của Việt Nam với Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào tầm ngắm của Toà Bạch Ốc sau khi Trump ra lệnh nghiên cứu để xác định bất kỳ nước nào “lạm dụng thương mại” gây ra thâm hụt cho Mỹ.

Trump cũng tuyên bố ủng hộ một khoản điều chỉnh thuế biên giới nhằm khuyến khích sản xuất hàng hoá ở Mỹ và giảm bớt động cơ khuyến khích công ty di chuyển ra nước ngoài.

Theo chuyên viên kinh tế thuộc Credit Suisse Group AG Santitarn Sathirathai và Michael Wan, thuế nhập cảng của Mỹ sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam xuống gần 0,9%, ảnh hưởng bất lợi nhất đối với bất kỳ nước nào ở Châu Á.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam

Ông Alexander Vuving, một người phân tích chính trị của Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết: “Nếu Mỹ tạo ra một làn sóng bảo hộ mới, Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương.”

Ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết Mỹ sẽ điều tra các quốc gia gây thâm hụt thương mại song phương lớn nhất cho Mỹ để đánh giá mức độ nguyên nhân có phải vì “lừa đảo hoặc hành vi không phù hợp”.

Tuyên bố đó đang gây ra tiếng báo động ở Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với nội các rằng chính sách bảo hộ của Mỹ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu và đầu tư của nước ngoài.

Samsung, Intel

Tuyên bố này diễn ra trong một giai đoạn không thích hợp cho Việt Nam khi những người khổng lồ công nghệ như Samsung Electronics Co., Intel Corp. và LG Display Co. đã thành lập cửa hàng. Các công ty đã chuyển các nhà máy của họ từ TQ sang Việt Nam trong những năm gần đây vì tại TQ chi phí gia tăng và lực lượng lao động đang giảm.

Kể từ khi đưa ra những thay đổi “đổi mới” theo định hướng thị trường vào những năm 1980, Việt Nam ngày càng gắn chặt với thương mại toàn cầu, giúp chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp thành một trung tâm sản xuất tất cả mọi thứ từ giày dép đến điện thoại thông minh.
Xuất cảng đã tăng lên mức kỷ lục 177 tỷ USD hồi năm ngoái, với số khách hàng Mỹ chiếm khoảng 42 tỷ USD – tăng hơn gấp đôi so với 5 năm trước. Điện thoại di động và phụ tùng chiếm khoảng 27%.

Số liệu GDP gần đây nhất cho thấy mức độ Việt Nam đã trở nên phụ thuộc vào thương mại. Văn phòng thống kê quốc gia cho biết quyết định của Samsung về việc không sản xuất điện thoại thông minh Galaxy Note 7 hồi năm ngoái đã làm sụt giảm 11% tổng số các lô hàng điện thoại và phụ kiện.

Chỉ một quyết định đó của Sámung đã tác động đến việc kéo mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước xuống 5,1% so với một năm trước, với ước tính trung bình của những chuyên viên kinh tế được Bloomberg tham khảo là 6,25%

Theo một bản tin đăng ngày 3 tháng 4 trên trang web của chính phủ, ông Phúc gọi mức tăng trưởng chậm hơn “rất đáng lo ngại” và yêu cầu các bộ ngành tìm ra “giải pháp phù hợp”. Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm nay.

Thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam.

Chỉ cần mối đe dọa bằng rào cản thương mại của Mỹ là xuất khẩu giảm sút cho một số nhà sản xuất nội địa. Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Thể thao Delta Sport có trụ sở tại Thanh Hoá Nguyễn Trọng Thau cho biết họ mất 20% đơn đặt hàng của Mỹ mua trang phục thể thao của công ty trong quý I.

Wal-Mart, Mizuno

Theo website của hãng Delta Sport, năm ngoái, các chuyến hàng đến Hoa Kỳ chiếm khoảng 40% lượng hàng Việt Nam xuất cảng, hoặc tương đương với số doanh thu 30 triệu đô la. Khách hàng của Delta Sport gồm có Wal-Mart Stores Inc. và Mizuno Corp.. Ông Thau nói,
“Một số khách hàng của chúng tôi ở Mỹ đang lo lắng về sự không ổn định về chính sách của chính quyền mới. Chúng tôi hơi lo lắng về triển vọng xuất cảng sang Mỹ.”

Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có lợi cho Việt Nam bằng cách giảm hoặc, trong một số trường hợp, xóa bỏ thuế nhập cảng của Hoa Kỳ. Nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ (với TPP), Việt Nam đang xoay sang Kế hoạch B.

Giới chức chính phủ đã thề sẽ đẩy mạnh những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế theo yêu cầu của thỏa thuận TPP, gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ. Họ cũng đẩy các ngành nông nghiệp và sản xuất để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Bộ khoa học và công nghệ gần đây đã tổ chức chuyến công tác đến Hoa Kỳ cho các công ty Việt Nam để gặp gỡ những khách hàng tiềm năng và chính phủ đang giúp bán sản phẩm của họ.

Đàm phán song phương

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, “Trong môi trường hiện nay, điều quan trọng là phải nâng cao khả năng cạnh tranh.”-

Ông Michael Michalak, giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Asean-Mỹ và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói rằng Hà Nội có thể tìm cách để giữ TPP sống động ngay cả khi không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Ông nói, một giải pháp thay thế sẽ là các thỏa thuận song phương hoặc giữa nhóm nhỏ với các nước láng giềng hoặc với các nước châu Mỹ Latinh dựa trên cơ sở các cuộc đàm phán trước đó.

“Tôi không nghĩ rằng họ muốn bỏ phí sáu năm đàm phán đó. Và có nhiều cơ hội để xây dựng trên những kết quả đã có.”

Đó là những gì nhà sản xuẩt đồ gỗ Phú Tài đang cố gắng làm. Ông Hoe nói, họ đang chi khoảng 140 tỷ đồng Việt Nam (6,2 triệu đô la) xây một nhà máy ở ven biển tỉnh Bình Định để nâng cao năng suất và giảm giới trung gian họ đã dùng cho Wal-Mart. Hôm thứ sáu, cổ phiếu Phú Tài tăng nhiều nhất trong tuần.

Ông nói, “Điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí. Chúng tôi phải có sức cạnh tranh hơn để đối phó với những gì chủ nghĩa bảo vệ có thể đưa đến.”

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

*
Nguồn: Trump Trade Threats Force Export-Dependent Vietnam to Pivot. Nguyen Dieu Tu Uyen and John Boudreau, Bloomberg, April 6, 2017.



No comments:

Post a Comment

View My Stats