Sunday, 16 April 2017

VĂN HÓA CỦA . . . KHỈ (Hiệu Minh)




15-4-2017

Sờ thức ăn rồi ngửi ngửi là văn hóa của loài khỉ. Trước khi ăn gì, khỉ luôn sờ sờ, đưa lên mũi ngửi, rồi mới ăn. Gãi đít cũng ngửi, xoa lưng, bắt chấy cho bạn cũng ngửi. Nhưng đó là loài khỉ.

Sờ vào hiện vật

Một lần, tôi đưa người bạn từ Hà Nội đi thăm viện Bảo tàng Smithsonian tại Washington DC. Ở đây có rất nhiều tranh và tượng cổ quí giá. Những bức tranh nổi tiếng của Picasso hay Renoir được treo nhưng không có kính bảo vệ.

Có vài tượng thiếu nữ bán thân hở ngực tuyệt mỹ bằng đá cẩm thạch để giữa lối đi lại. Trông bắt mắt quá, anh bạn không kìm được tò mò muốn chạm tay vào. Tôi nhắc, ở đây người ta không cho động chạm vào tranh hay tượng nhưng anh vẫn không nghe và đùa “sờ cái cho biết”.

Anh đưa tay xoa lưng bức tượng thì chợt nghe tiếng lạnh đanh phía sau của người bảo vệ da đen to lực lưỡng:”Xin lỗi, nếu sờ vào bức tượng, chúng tôi không có cách nào khác đành phải mời ông ra khỏi đây. Đã viết rõ trong hướng dẫn vào thăm bảo tàng là không sờ vào hiện vật”.

Người bạn đỏ bừng mặt và xin lỗi. Tuy vậy, anh vẫn lầm bầm bằng tiếng Việt “Sờ tý thì mất gì của “bọ”. Bọn Tây này lắm chuyện”.

Sang thăm bảo tàng không gian (Space Museum) có một miếng đá bé bằng đồng xu do những nhà du hành vũ trụ Mỹ mang từ mặt trăng về đặt trên một bệ kim loại rất trang trọng. Họ đề rõ “Bạn có thể sờ vào miếng đá mặt trăng này”.

Ai đi qua cũng cho ngón tay trỏ sờ vào miếng đá lành lạnh. Tuy là thiên thạch rắn hơn cả titan nhưng nó cũng đã mòn và bóng loáng vì hàng ngày có cả trăm ngàn người qua lại sờ mó.

Rất lạ, anh bạn tôi không thích miếng thiên thạch này. Có thể anh đã sợ “sờ”. Có thể vì đây là miếng đá vô tri vô giác chứ không phải là tượng thiếu nữ khỏa thân. Hoặc anh có thói quen, chỗ cho sờ thì không thích, chỉ thích chỗ cấm.

Đi du xuân, lễ chùa, dân ta thi nhau xoa đầu tượng, sờ đầu rùa để cầu may. Thử tưởng tượng, sờ tượng gỗ thì mồ hôi tay và với cách  miết các ngón tay vào thì chẳng mấy chốc những chỗ sờ nhiều sẽ lõm vào, sơn tróc ra và pho tượng mất gin. Nếu là tượng đồng với vết tay xoa liên tục cũng làm phần đồng đó vàng ra như mới và lõm lại. Càng bóng, càng lõm, càng nhiều người tò mò và càng thích … sờ.

Rùa đá trong Văn Miếu phải rào lại trông rất phản cảm bời hàng ngày có hàng ngàn khách du lịch qua lại và ai cũng thích sờ đầu rùa. Rùa được tạc bằng đá vôi, xoa tay lâu cũng sẽ mòn, nhiều “cụ rùa” có đầu bóng loáng.

Về sở thích “sờ mó” thì tây hay ta đều thế cả. Xem tranh hay tượng, máy bay hay tên lửa, người ta đều thích mó tay vào mới thỏa mãn. Với văn hóa “sờ” của dân du lịch, các pho tượng kể cả bằng đá hay kim loại cũng chẳng mấy chốc mà mòn vẹt.

Tượng ông Harvard bằng đồng trong khuôn viên trường mang tên ông có mũi giầy bóng loáng do giới trẻ mơ ước vào trường và đồn rằng, sờ giầy sẽ được học ở đây.

Mất vệ sinh sờ vào thức ăn

Có đồng nghiệp Á châu vào ăn ở nhà hàng tự chọn trong World Bank tại Washington DC. Cầm cái kẹp thức ăn lấy một miếng sushi cho vào đĩa của mình, nhưng nghĩ sao, cô lại bỏ xuống.

Bà quản lý nhìn thấy cầm luôn cả đĩa sushi còn nguyên đổ luôn vào thùng rác trước mặt người khách và sự sửng sốt của mọi người xung quanh.

Hỏi ra thì bà bảo, đã chọn thì cho vào đĩa của mình, không thích thì vứt vào thùng rác dù rất phí. Cho lên đĩa rồi bỏ lại trông thiếu vệ sinh.

Ai mà bới bới đĩa thức ăn chung cũng như vậy, bà đổ luôn cho tới khi khách không còn bới bới, chọn chọn, đưa lên bỏ xuống. Cái mình không ăn thì không để người khác chọn.

Cuối tuần rồi tôi đi Lotte mua đồ ăn. Tới quán bánh mỳ nóng hổi thấy một nàng xinh đẹp, mặt hoa, da phấn, môi đỏ chót, ngón tay búp măng đang sờ sờ nắn từng cái bánh mỳ.
Tôi nhắc, sao chị lại sờ vào bánh mỳ. Sờ đề biết nóng hay lạnh, mềm hay cứng. Nhưng tay chị bẩn, vừa vịn cầu thang đủ loại vi trùng, sờ linh tinh, đi vệ sinh, mà không rửa rồi sờ bánh mỳ, đồ ăn và không mua, người khác mua thì sao.

Có mà bác tay bẩn mới nghĩ thế, tay đằng này lúc nào cũng sạch, chị cãi lấy được. Nói rồi chị ngúng nguẩy bỏ đi.

Trong quán ăn sáng buffet tại khách sạn 4 sao, một quí bà ăn mặc đẹp từ đầu đến chân, sang trọng, cầm cái kẹp thức ăn tách một miếng thịt băm nướng, đưa lên mũi ngửi, lấy tay sờ sờ, ngắm nghía, rồi bỏ lại.

Một người nhắc, sao chị làm thế, người khác sao dám ăn. Chị cãi, chỉ muốn biết bên trong như thế nào, trước khi ăn phải biết là thứ gì.

Dạ, chị xem tên thức ăn đề rõ ràng là thịt lợn băm nướng đây, sao còn tách ra, ngửi rồi bỏ lại, trông bẩn chết đi được.

Dường như chị kia hiểu ra, tức giận, phản ứng buồn cười, miệng lầm bầm “A mô a di đà phật” rồi bước nhanh, không dám ăn sáng. Phật đâu có sống bẩn như chị.

Vào chùa chiền sờ tượng, văn bia, cái gì cũng sờ, thức ăn đưa lên mồm cũng sờ. Một thói quen rất xấu cần phải bỏ.

Dân ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”, nhưng cần có văn hóa “sờ” đúng lúc và đúng chỗ nếu không đi xứ người bị cho là loài khỉ.

HM. 15-4-2017






No comments:

Post a Comment

View My Stats