Monday 3 April 2017

TẢNG BĂNG CHÌM ĐÃ NỔI (Trung Bảo - Nhịp Cầu Thế Giới)




Trung Bảo  -  Nhịp Cầu Thế Giới
Thứ hai - 03/04/2017 04:31

(NCTG) “Nhiều người biết chính các nhân viên phụ trách truyền thông ở các doanh nghiệp sẽ là người duyệt lại lần cuối trước khi bài viết xuất hiện trên các trang nội dung của báo, chứ không chỉ trên các chuyên trang quảng cáo”.

Nhà báo bắt tay với doanh nghiệp đưa thông tin sai trái để mưu lợi: scandal nước mắm của báo “Thanh Niên” - Ảnh chụp màn hình

Chắc hẳn với nhiều người, không chỉ làm trong lĩnh vực báo chí, không còn ai ngạc nhiên khi biết tin một bản tin sau khi đăng lên báo rồi bị Ban Biên tập tờ báo đó âm thầm gỡ xuống. Bây giờ, ở Việt Nam, không cần phải liên quan đến các vấn đề chính trị vốn bị chính quyền xem là “nhạy cảm” như biểu tình, xã hội dân sự, môi trường ô nhiễm... mà chỉ cần đó là những thông tin liên quan đến các doanh nghiệp lớn thì đều có thể bị/được gỡ bỏ, xóa vết ngay. Những thông tin mà Ban Giám đốc các công ty này cho là bất lợi với hình ảnh của doanh nghiệp họ.

Nghề báo giờ đây có một “quy trình” đáng buồn sau: Sáng đăng - Trưa gặp - Chiều gỡ. Thậm chí, người viết bài này khi còn làm việc cho một tờ báo trong nước đã nhận một cuộc điện thoại của vị phó tổng biên tập yêu cầu ngưng viết một bản tin có liên quan đến tình trạng nợ nần của một tập đoàn lớn, ngay chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về thông tin đó chứ chưa bắt tay vào viết. Sự liên lạc của bộ phận truyền thông của doanh nghiệp với Ban Biên tập đã khăng khít tới mức họ có thể yêu cầu Ban Biên tập ngưng cả việc tác nghiệp của phóng viên từ khi bản tin chưa ra đời. Một ví dụ khác là câu chuyện chặn mất con đường bộ lên núi Bà Nà bởi một doanh nghiệp nọ cũng bị ngăn chặn quyết liệt đến độ cũng vị phó tổng biên tập này thậm chí đòi lập Hội đồng Kỷ luật nếu chúng tôi tiếp tục tác nghiệp, đưa tin động đến doanh nghiệp kể trên.

Họ là đối tác quan trọng của báo ta” là lời tuyên bố công khai trong một cuộc họp tòa soạn giữa chúng tôi - những biên tập viên cấp cao có quyền quyết định đăng tải một số đề tài mà không cần thông qua Ban Biên tập. Và trong cuộc họp đó, vấn đề của những “đối tác” được đưa vào danh sách các đề tài phải báo cáo Ban Biên tập trước khi cho đăng.

Sự tham nhũng trong lĩnh vực báo chí bây giờ được che giấu dưới mỹ từ hợp đồng truyền thông. Khởi đầu, những hợp đồng này chỉ quy định việc đăng các mẫu quảng cáo thiết kế sẵn và có thể thêm những bài viết khen ngợi gián tiếp sản phẩm hoặc dịch vụ. Giờ đây, những hợp đồng này còn tiến tới việc quy định những bài viết có “tác động xấu” đến hình ảnh của doanh nghiệp sẽ không được xuất hiện trên mặt báo. Thậm chí, nhiều người biết chính các nhân viên phụ trách truyền thông ở các doanh nghiệp sẽ là người duyệt lại lần cuối trước khi bài viết xuất hiện trên các trang nội dung của báo, chứ không chỉ trên các chuyên trang quảng cáo.

Những vụ việc có động chạm đến các doanh nghiệp kiểu này chỉ còn cách xuất hiện trên các tài khoản mạng xã hội hoặc những tờ báo ít người đọc chưa được ký “hợp đồng truyền thông”. Hợp đồng truyền thông chính là miếng phô-mai bên trong cái “bẫy” mà hầu hết các Ban Biên tập tự nguyện đút đầu vào. Những bức xúc, nhu cầu của bạn đọc bị bỏ lơ, vùi dập với những lý do cao đẹp là phải làm “kinh tế báo chí”.

Sự dễ dãi với nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc gỡ đi những sự thật để đỡ gây bất lợi cho các ông chủ lớn, nghề báo giờ đây còn xuống một cấp thấp hơn của sự suy đồi: nhà báo bắt tay với các doanh nghiệp đưa ra thông tin sai sự thật để mưu lợi, thậm chí sẵn sàng tiêu diệt sinh kế của một bộ phận dân chúng yếu thế để thu lợi. Có thể thấy rõ qua scandal nước mắm vừa qua. Vụ hợp tác bất lương để vu cho nước mắm truyền thống có mang chất thạch tín là một ví dụ còn quá mới, hẳn chưa ai trong chúng ta quên.

Khi bắt tay vào tìm hiểu và thu thập thông tin về vụ nước mắm, tôi biết sẽ không có tờ báo chính thống nào trong nước chịu đăng tải. Việc sử dụng facebook như một kênh thông tin không ngờ lại tạo được những tác động đến cấp cao nhất. Một nguồn tin cậy cho tôi biết ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Việt Nam, cũng theo dõi rất sát sao những diễn biến về vụ việc này thông qua mạng xã hội qua đó yêu cầu cấp dưới phải vào cuộc. Điều này dẫn đến việc một phó tổng biên tập báo “Thanh Niên”, một tờ báo lớn nhất nhì Việt Nam, phải rời nghề báo.

Báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng đều phải vật lộn trong thế yếu từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, báo chí còn gặp khó khăn bội phần khi vấp phải sự kiềm chế của những yếu tố liên quan đến chính trị. Nhưng, như một Tiến sĩ Báo chí đang giảng dạy tại Anh - ông Nguyễn Đức An thì báo chí Việt Nam đang đứng trước sự bế tắc không chỉ với những triết lý báo chí hiện đại mà còn ở các nguyên tắc chuyên nghiệp, sự ý thức của từng nhà báo về bảo vệ sự toàn vẹn và vai trò của báo chí.

Không thể nào có chuyện một nhà báo vừa phụ trách nội dung lại có quyền hưởng phần trăm (%) trên giá trị hợp đồng quảng cáo mà họ mang về. Sự xung đột về lợi ích cơ bản nhất giữa các nguyên tắc nghề nghiệp và các món tiền lớn hơn mức lương và nhuận bút như vậy đã tồn tại rất lâu và được xem như hiển nhiên để bù đắp lại thu nhập cho các nhà báo. Chắc chắn không một nhà báo nào vừa nhận 20-25%, hoặc hơn, hoa hồng từ hợp đồng quảng cáo và truyền thông với một hoặc nhiều công ty mà lại có thể giữ sự ngay thẳng cho ngòi bút và sự công tâm khi quyết định đăng tải điều gì đó gây bất lợi cho công ty đó, dù sự thật này mang lại lợi ích cho dân chúng.

Một sự so sánh cá nhân giữa nền báo chí và sức khỏe của một con người. Sự chuyên nghiệp, tận tâm của báo chí có thể so với tinh thần của một con người và tình hình kinh tế được coi như sức khỏe của một cơ thể. Làm sao có được một tinh thần minh mẫn khi cơ thể suy nhược? Nhưng lẽ nào để có sức khỏe thể chất thì con người đó lại không từ một việc xấu nào mà không làm để bổ sung sức khỏe cho mình mà mặc cho tinh thần ngày càng suy đồi, bệnh hoạn? Và, công chúng bạn đọc - thành tố quan trọng nhất của nghề báo sẽ ở đâu trong sự so sánh này? Câu trả lời, họ chính là các “vitamin” cần thiết cho “cơ thể báo chí” khỏe mạnh.

Không thể khi có chuyện người ta sẵn sàng nhét tiền cho nhà báo để nhờ đưa cho được sự việc của mình lên báo với sự thiên lệch có lợi nhưng sau đó cũng chính họ lại lên án, khinh khi nghề báo. Sự hư hỏng của nhà báo đến từ bản thân người làm báo nhưng cũng đến từ những người dùng tiền để mua cho được điều lợi. Hãy nhìn một ông giám đốc truyền thông của một hãng xe, người từng làm báo, ngày thường vẫn luôn lên mặt tỏ ra đạo đức với người làm báo nhưng khi có thông tin bất lợi cho hãng xe này thì cũng ra tiền gỡ bài, cũng thậm thụt gọi điện khắp nơi nhờ tháo status.

Để cứu lấy nền báo chí đang đi dần vào sự suy đồi thì đòi hỏi sự liêm chính, ý thức giữ cho sự toàn vẹn nghề nghiệp của nhà báo là đúng nhưng chưa đủ nếu mỗi độc giả từ chối trách nhiệm của mình. Tảng băng báo chí Việt Nam đã nổi lên đầy đủ những mặt xấu của nó và liệu còn phần chìm nào sẽ phát lộ trong tương lai? Chúng ta sẽ thấy sớm thôi khi nhà báo lẫn độc giả tự coi thường vai trò của chính mình.

Trung Bảo, từ TP. HCM



No comments:

Post a Comment

View My Stats