Wednesday, 5 April 2017

"HỐ CHÔN 800 TRẺ" TẠI IRELAND : NHÀ NƯỚC & GIÁO HỘI BỊ LÊN ÁN (Minh Anh - RFI)




Minh Anh - RFI
Thứ Tư, ngày 05 tháng 4 năm 2017

Xứ Ailen một lần nữa phải đối mặt với một quá khứ không mấy gì vinh quang. Một phát hiện rùng rợn ở phía tây nước này. Thứ Sáu 03/3/2017, một khối lượng lớn xương người đã được khai quật bên trong khu trại tế bần, nơi đón nhận những bà mẹ trẻ độc thân công giáo ở thành phố Tuam.

Lối vào nơi phát hiện hố chôn hài cốt 800 trẻ nhỏ trong một trại tế bần Công Giáo, thành phố Tuam, Ailen. Ảnh Reuters

Các bộ xương này được tìm thấy trong một hầm ngầm của một trại tế bần do tu viện Bon Secours quản lý. Đây rõ ràng là bằng chứng vật chất cụ thể mà các nhà điều tra đã tìm thấy trong khuôn khổ cuộc điều tra được đặt tên là "hố chôn 800 trẻ" kéo dài từ ba năm qua. Đó là những đứa trẻ được sinh ra trong điều kiện bần hàn hoặc ngoài giá thú, và dường như tất cả những đứa trẻ này đã chết do bị các bà sơ phụ trách trẻ mồ côi ngược đãi trong suốt giai đoạn từ những năm 1920 đến thập niên 1960 của thế kỷ trước.

Chấn thương tập thể
Khẳng định này của các nhà điều tra đã làm sống lại những nỗi kinh hãi của người dân xứ Ailen cách nay 3 năm, khi nhà sử học, bà Catherine Corless, trong quá trình tra cứu các hồ sơ lưu trữ về một tu viện cũ ở Tuam, đã khẳng định sự tồn tại một hố chôn gần 800 thi thể trẻ nhỏ, không áo quan cũng không bia mộ.

Trả lời Fanny Leonor Crouzet, phóng viên đài RFI, nhà sử học Catherine Corless, hồi tưởng lại việc phát hiện hố chứa 800 hài cốt trẻ em ra sao :
"Tôi bắt đầu công việc bằng cách tiến hành nghiên cứu tài liệu lịch sử. Thế rồi trong quá trình nghiên cứu, tôi đã hiểu ra là những người ở trong trại mồ côi này được đối xử ra sao. Những bà mẹ trong thời gian nuôi con vừa sinh đã bị giam hãm trong trại tế bần ở đó ra sao. Thế rồi sau đó, các bà mẹ phải để lại con ở lại đó và phải ra đi. Tôi chưa từng nghe thấy những sự việc như vậy, trước khi tiến hành các nghiên cứu, tìm kiếm này."

Vẫn theo bà Catherine Corless, "càng nghiên cứu tìm hiểu, tôi càng hiểu ra là ở đó người ta đã phải chịu nhiều khổ đau. Thế rồi tôi phát hiện ra là ở bên trong khu tòa nhà này, trước đây có một nghĩa địa. Tôi tiếp tục tìm kiếm và rồi cuối cùng thì phát hiện ra rằng rất nhiều trẻ em đã chết ở nơi này, dường như do bị ngược đãi. Thế nhưng, tôi lại không tìm thấy mộ. Không có mộ phần của những đứa trẻ đó. Tôi dùng một bản đồ rất cũ của khu vực này để nghiên cứu và tôi đi đến kết luận là những đứa trẻ đó được chôn ở ngay bên trong trại mồ côi."

Thật ra người dân Tuam đã phát hiện ra hố chôn đầy ắp xương người này vào năm 1975, khi những tấm bê tông che đậy bị vỡ rời ra. Nhưng cho đến lúc có nghiên cứu của bà Catherine Corless, không ai màng đến chuyện thẩm định danh tính nạn nhân và số lượng. Thậm chí trong một thời gian dài, họ còn nghĩ rằng đó là hài cốt các nạn nhân trong nạn đói khủng khiếp ở Ailen kể từ năm 1840.

Trên thực tế, những đứa trẻ đó là trẻ nội trú của trại tế bần vùng Tuam, tiếp nhận những bà mẹ trẻ độc thân có con ngoài giá thú, bị gia đình hắt hủi và phải sống nương nhờ trong các trại tế bần Công Giáo được Nhà nước ủy nhiệm. Trại tế bần tại Tuam hoạt động từ năm 1925 đến 1961 là do các sơ Công Giáo tu viện Bon Secours quản lý.

Thông tín viên Julien Lagache tại Dublin cho hay những thông tin mới về vụ phát hiện các hài cốt đã làm dấy lên một làn sóng xúc động tại Ailen :

"Quả thực là thông tin về vụ này làm dấy lên một làn sóng công phẫn mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi. (…) Việc phát hiện các hài cốt của những trẻ nhỏ bị vứt trong một bể chứa phân cũ đã tạo ra một hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh mẽ phũ phàng.
Thủ tướng Ailen nói đó là một « buồng hầm kinh hãi » và trên internet có nhiều bình luận bày tỏ sự tức giận và ghê sợ. Đúng là ở đây ai cũng biết về sự tồn tại của các khu trại tế bần đón nhận các bà mẹ trẻ đơn độc và con cái của họ, nhưng giờ đây, câu chuyện này lại được bổ sung khía cạnh chết chóc và làm dấy lên những câu hỏi về đạo lý. Đương nhiên, có rất nhiều các lời chỉ trích và yêu cầu làm rõ vụ việc."

Trách nhiệm thuộc về Nhà nước và Giáo Hội Ailen ?
Vấn đề đặt ra ở đây là không phải Nhà nước không biết gì về điều kiện sinh sống và cách đối xử thậm tệ của những người quản lý trại tế bần đối với những người phụ nữ và những đứa trẻ bạc mệnh. Một báo cáo năm 1994 đã mô tả rõ một trại tế bần quá tải, có đến 333 người sinh sống, trong đó có 271 trẻ nhỏ và 61 bà mẹ độc thân.

Báo cáo nhận thấy đó là những đứa trẻ "ốm yếu, gầy còm và bụng ỏng" (dấu hiệu của chứng suy dinh dưỡng). Tỷ lệ tử vong ở những trại tế bần này là khá cao. Tại Ailen trong những năm 1930, ¼ số trẻ sinh ngoài giá thú đều bị chết yểu. Năm 2014, khi vụ việc được phát hiện, đài truyền hình France 24 trong một bài viết đề tựa "Vụ bê bối về những đứa trẻ của tội lỗi gây chấn động Ailen" đã thu thập được một số lời chứng.

"Veronica" ra làm chứng với tên giả, là một trong những nạn nhân của xã hội Công Giáo bảo thủ ở Ailen trong thế kỷ trước. Có chửa ngoài giá thú vào đầu những năm 70, cũng như những người khác, cô bị coi là "người đàn bà hư hỏng" và bị cưỡng bức đưa đến nhà hộ sinh Bessborough, thành phố Cork, ở miền nam Ailen, để sinh con một cách bí mật ở đó.

Sau vài tháng ở trong tu viện cùng với con gái Marie-Lucie, người ta mang con gái cô đi bệnh viện với lý do đứa trẻ được chẩn đoán là có bệnh tim. Đứa trẻ không bao giờ từ bệnh viện trở về nữa và người mẹ cũng không hề được tới thăm con. Veronica nói : "Theo họ thì con gái tôi không có mẹ. Không một ai thông báo gì cho tôi cả. Trước khi qua đời, con gái tôi không có ai bế ẵm trong tay để vỗ về an ủi cháu trong cơn bạo bệnh."

Do đó, kết luận ban đầu này của các nhà điều tra đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích. Nhưng nhắm vào ai ? Thông tín viên Julien Lagache cho biết tiếp :

"Đương nhiên là nhắm vào những định chế lớn của Ailen như Nhà nước và Giáo Hội Công Giáo. Chính quyền bị cáo buộc đã phó thác cho những cơ sở tôn giáo việc quản lý những phụ nữ trẻ và con cái của họ bị người thân ruồng bỏ mà không hề kiểm tra xem các trại tế bần này hoạt động ra sao. Thế nhưng, những lời chỉ trích và câu hỏi này đặc biệt nhắm vào những giá trị đạo lý, cội nguồn của thực trạng thời đó.
Quả vậy, những bà mẹ độc thân và những đứa con sinh ngoài giá thú của họ, bị coi là hậu quả của tội lỗi, đã bị xã hội thời đó lên án. Những bà mẹ trẻ độc thân và con cái của họ chỉ còn biết bám víu vào những trại tế bần này, bởi vì gia đình và người thân của họ cảm thấy rất khó xử.
Do vậy, đây cũng là một tấm gương để cả nước ý thức được là có một sự vô trách nhiệm tập thể và nhận thấy, đối với giới luật, người ta đã nhắm mắt cho qua các trại tế bần tồi tàn, thiếu thốn, hòng che giấu sự tồn tại của những con người bị ruồng bỏ và đôi khi cả cái chết của những đứa trẻ không được xã hội chấp nhận."

Giải quyết sòng phẳng quá khứ
Một thời lịch sử phũ phàng của Ailen. Trước áp lực mạnh mẽ đòi làm rõ sự thật, cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục. Người dân mong muốn chính phủ quan tâm chú ý những người còn sống sót từ các trại tế bần, cũng như các đòi hỏi của các nạn nhân này.

"Đúng vậy. Thậm chí đó là một đòi hỏi của toàn quốc. Rất nhiều tiếng nói, nhất là từ phía các nạn nhân, đòi làm sáng tỏ mọi việc trong thời kỳ đen tối này…Rất nhiều bà mẹ hoặc những đứa trẻ sống sót được từ các trại tế bần này đã bị chia lìa hoặc không có đủ điều kiện để tìm lại gia đình mình.
Nhiều hiệp hội của các cựu thành viên nội trú trong các trại tế bần này muốn được các bộ phận liên quan tiếp và giải thích. Họ hy vọng sẽ nhận được lời xin lỗi chính thức. Các nạn nhân cũng đòi ủy ban điều tra, thành lập từ năm 2014, về các hoạt động của những trại tế bần đó, mở rộng phạm vi điều tra, nhắm vào tất cả các cơ sở tôn giáo kiểu này đã từng tồn tại ở Ailen.
Nhìn chung, rất nhiều người, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông, đòi phải có một sự chất vấn lương tâm, kể cả cách thức thực hiện các chính sách xã hội hiện nay. Bởi vì rất nhiều người trẻ, nghèo khó, không bằng cấp hoặc ốm đau, không hề tìm được lối thoát nào trong xã hội đương đại. Và một số nhà trí thức cho rằng hiện nay, còn nhiều việc mà Ailen phải làm để giải quyết sòng phẳng quá khứ."

Việc phát hiện ra 800 bộ xương trẻ em làm cho người ta nhớ lại một vụ bê bối khác cũng liên quan đến những bà mẹ sống độc thân. Trong giai đoạn từ 1922 đến 1996, hơn 10 ngàn thiếu nữ và phụ nữ trẻ đã phải làm việc không công trong các xưởng giặt tẩy, do các bà sơ quản lý kinh doanh tại Ailen. Những phụ nữ nội trú này – được gọi là "Magdalene Sisters" là những cô gái mang thai ngoài giá thú hoặc là những người có hành vi bị đánh giá là vô đạo đức tại một đất nước có truyền thống Công Giáo nặng nề.

Đương nhiên với phát hiện mới lần này, một lần nữa xã hội Ailen bị chấn thương mạnh mẽ và hình ảnh của Giáo Hội nước này ít nhiều cũng đã bị sứt mẻ, vốn dĩ đã bị sa lầy trong các vụ tai tiếng ấu dâm và bỏ rơi con trẻ.

Nhưng "muộn còn hơn không". Trong lúc chờ đợi chính phủ và Giáo Hội có những lời xin lỗi chính thức, một cuộc vận động quyên tiền đã được tiến hành nhằm xây dựng một tấm bia tưởng niệm, trên đó có khắc tên những đứa trẻ đã qua đời. Âu cũng là cách duy nhất để "chuộc lỗi" và an ủi những linh hồn bất hạnh.

------------------------

CÁC TIN KHÁC















No comments:

Post a Comment

View My Stats