Wednesday, 22 June 2016

VIỆC LÀM TỪ THIỆN Ở VIỆT NAM (Hoàng Dung - RFA)





Hoàng Dung, thông tín viên RFA
2016-06-19

Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài các tổ chức, cá nhân đi làm từ thiện cho những vùng dân tộc khó khăn, còn có những cá nhân, tổ chức hỗ trợ cho bà con dân oan, bên cạnh đó cũng có những hội đoàn tôn giáo cũng đi làm từ thiện.

Vào ngày 05 tháng 06 năm 2016, trên đài truyền hình VTV đã phát chương trình làm từ thiện để làm gì? Do MC Tạ Bích Loan dẫn chương trình, sau chương trình đó cư dân mạng đã phản đối kịch liệt chương trình và cho rằng ngay cả câu hỏi thì MC Tạ Bích Loan cũng đã định hướng cho chương trình và lên án những người làm từ thiện. Bên cạnh đó có nhiều phát ngôn của những vị khách mời là tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES) đã làm người xem căm phẫn tột độ và hàng chục ngàn ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội phản ứng dữ dội về phát biểu của ông ta là làm từ thiện mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau 2 chương trình 60 phút mở do MC Tạ Bích Loan dẫn chương trình thì nhiều người đã lên án chương trình đó và cho rằng chương trình đó không mang lại lợi ích cho khán thính giả.

Hỗ trợ cho dân oan

Hiện nay, ngay tại thủ đô Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan quyền lực cao nhất của chính quyền cộng sản Việt Nam, thì cũng có rất nhiều bà con dân oan từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam tập trung để đi khởi kiện. Họ đi khởi kiện thì có người bị chính quyền các cấp lấy hết ruộng nương, nhà cửa không được đền bù hay đền bù không thỏa đáng, có người thì đi khởi kiện để tìm lại công bằng cho người thân của mình khi người thân của họ bị chết một cách không minh bạch trong nhà tù cộng sản…

Những người đi khởi kiện ở thủ đô Hà Nội đa số là đã mất tất cả không còn gì, họ phải sống trong những ngôi chòi tự làm ngay giữa thủ đô, có nhiều người đi kiện từ rất lâu những vẫn chưa được chấp nhận. Và để có thể hỗ trợ cho những người đi kiện khi đã mất tất cả thì nhiều người đấu tranh ở thành phố Hà Nội đã tập hợp thành một nhóm đó là nhóm cứu giúp dân oan, nhóm này đã tuyên bố tan rã từ giữa tháng 02 năm 2016 với lý do là áp lực của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Nhưng bên cạnh nhóm cứu lấy dân oan đứng ra để nắm giữ và điều phối tài chính từ các nguồn hỗ trợ thì có rất nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng hỗ trợ cho nhóm dân oan.

Anh Từ Anh Tú, một người đấu tranh ở tỉnh Bắc Giang cho biết, trong thời gian còn tham gia học ở Hà Nội thì anh luôn đồng hành sát cánh cùng với bà con dân oan, anh cho rằng việc làm từ thiện cho bà con dân oan vừa là hoạt động từ thiện nhưng cũng là hỗ trợ cho họ. Anh cho rằng mình làm từ thiện để giúp cho cuộc sống của họ khi họ đã mất tất cả, mình cũng hỗ trợ để họ đòi lại được công bằng cho họ dù đây là việc của cá nhân, nhưng anh cũng cho rằng hôm nay mình hỗ trợ cho họ biết đâu mai này mình sẽ trở thành nạn nhân và khi đó sẽ có người hỗ trợ cho mình.

Anh Tú chia sẻ:
“Cũng vừa là từ thiện cũng vừa là hỗ trợ, thực ra mình làm cái gì cũng có mục đích, thứ nhất góp 1 phần nhỏ mang tính chất từ thiện, thứ hai chủ yếu là mình hỗ trợ cho những người oan khuất mà người ta muốn đấu tranh, đó cũng là việc giúp cho cá nhân người ta, những cũng giúp cho phong trào đấu tranh chung phát triển lên, mục đích của người ta chủ yếu đấu tranh đất đai, những nỗi oan cá nhân nhưng cũng liên quan đến cái chung.”
Anh Nguyễn Nam Trung cũng chia sẻ, về việc làm từ thiện cho dân oan thì bao gồm cả từ thiện và việc hỗ trợ, tuy nhiên anh hỗ trợ và đồng hành nhiều hơn, vì làm từ thiện cần phải có 1 nguồn tài chính dồi dào, nhưng bên cạnh đó cứ đến các dịp lễ lớn như tết Nguyên Đán anh cũng hay kêu gọi mọi người hỗ trợ cho dân oan.

Anh Trung chia sẻ:
Nếu nói hỗ trợ cho bà con khiếu kiện đất đai chỉ là 1 phần thôi, vấn đề là cả từ thiện trong đó nữa, nếu mà hỗ trợ đất đai thì phải có nguồn ổn định, còn bọn mình thì làm từ thiện nghĩa là nếu không có nhà tài trợ thì bọn mình cũng lên tiếng kêu gọi, như đợt tết trời lạnh rét thì mình kêu gọi áo ấm, chăn màn, đồ ăn đem lên cho bà con, nói chung bao gồm cả làm từ thiện và hỗ trợ bà con đấu tranh.

Nhóm cứu lấy dân oan đã tuyên bố giải thể vào tháng 02 năm 2016 và lý do được biết là do chính quyền làm khó dễ thì đối với những người đồng hành và hỗ trợ cho nhóm bà con dân oan cũng gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi mọi người hỗ trợ hay là giúp đỡ bà con.
Anh Trung chia sẻ:
“Mình chỉ làm từ thiện đơn thuần thì đơn giản hơn, nhưng nếu mình hỗ trợ thêm cho bà con thì những thời điểm nóng thì chính quyền không cho.”

Mục đích làm từ thiện của các cộng đồng tôn giáo

Ngoài các cá nhân tổ chức hay làm từ thiện của xã hội hay là của chính quyền cộng sản Việt Nam, thì ở Việt Nam các cộng đồng tôn giáo cũng có những tổ chức, nhóm, cá nhân để hỗ trợ cho những người gặp thiên tai, bệnh tật.

Trong các tôn giáo ở Việt Nam thì rõ ràng nhất là Công Giáo khi ở mỗi giáo phận đều có ủy ban bác ái Caritas, ban này là để hỗ trợ, giúp đỡ cho những người gặp yếu thế không những cho con cái của giáo phận mình mà còn cho những người lương dân.

Bên cạnh mỗi giáo phận đều có ủy ban bác ái Caritas, thì mỗi khi thấy nhiều người cần giúp đỡ thì các linh mục đều kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức để hỗ trợ cho những người đang gặp hoạn nạn.

Hiện nay, tại khu vực miền Trung, nhất là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình là nơi nhiều ngư dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của sự việc cá chết hơn 2 tháng nay, thì nhiều linh mục ở giáo phận Vinh đã kêu gọi chung tay góp sức để hỗ trợ cho các ngư dân ở đó. Trong đó có cha Hùng hiện đang quản xứ Phúc Lộc, giáo phận Vinh, không những kêu gọi mọi người chung tay góp sức để chia sẻ cho bà con ngư dân mà trong suốt thời gian qua, cha cũng thường kêu gọi mọi người chung tay góp sức để xây dựng nhà cửa cho nhiều người trong địa phương của cha, mà không có nhà cửa, hay nhà cửa bị hư hại nghiêm trọng. Chia sẻ về vấn đề này cha cho biết việc làm từ thiện đó là một cách truyền giáo, theo đức tính bác ái của Kitô giáo bất kể lương giáo.

“Trước hết họ không có gạo ăn thì mình cho họ ăn, đó là 1 cách truyền giáo, bất kể lương giáo, đó là bác ái của Kitô giáo. Bác ái cũng là 1 cách truyền giáo.”

Bên cạnh đó thì vẫn có nhiều bạn trẻ đã tự hình thành cho mình những nhóm nhỏ, với số tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ các em ở trung tâm khuyết tật, các ông bà già cả, neo đơn.

Chia sẻ về động lực để các bạn trẻ làm được như vậy, chị Mai - một trong nhóm những bạn trẻ ở Nghệ An chia sẻ, các em làm vậy là với cái tình người muốn chia sẻ tình thương, niềm vui đến với những người bất hạnh hơn các em.

“Đến với người nghèo thực sự đó là 1 cái lòng, cái tình người, một cách hồn nhiên, là một người trẻ thì cũng muốn san sẻ tình thương cho người nghèo, giúp đỡ người bệnh tật, chăm sóc trẻ mồ côi như ông cha ta nói lá lành đùm lá rách.”

Cha Hùng cũng chia sẻ với chúng tôi, cha có phát gạo mấy lần cho ngư dân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhưng đi đến đâu cũng bị chính quyền xã, huyện làm khó dễ trong khi người dân lại không có cái mà ăn, không biết truyền thống lá lành đùm lá rách của ông cha để lại có bị mai một ở thời kỳ xã hội cộng sản này hay không.

VIDEO :
Chuyện làm từ thiện ở Việt Nam





No comments:

Post a Comment

View My Stats