Friday, 24 June 2016

TRƯỚC MỘT HỌA DIỆT VONG (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ năm, 23 Tháng 6 2016 03:39

Không thể để cho sự xúc động và phẫn nộ sau thảm họa Formosa lắng xuống. Đó đã là sự thức tỉnh phải có, dù muộn, trước một họa diệt vong đã liên tục sừng sững đến từ vài thập niên qua nhưng chúng ta vẫn có tình làm ngơ: sự hủy hoại nhanh chóng một cách đáng sợ của môi trường sinh sống.

Cuộc biểu tình đầu tiên, ngày 01-05, sau khi biển miền Trung bị nhiễm độc làm cá gần như chết hết đã chỉ qui tụ khoảng 10.000 người trên cả nước. Những cuộc biểu tình sau đó còn thưa thớt hơn và bị giải tán không chút nể nang. Đáng lẽ một thảm họa với tầm vóc và mức độ nghiêm trọng như thế đã phải tức khắc làm nổ bùng lên khắp nơi những cuộc biểu tình liên tục của hàng triệu người.


Thảm họa này đã và sẽ còn cướp mất nghề sinh sống của nhiều triệu người trong các ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và nước mắm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, v.v. Nghiêm trọng hơn nó còn đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người đã hoặc sẽ tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc. Nó còn có thể để lại những di hại không lường trước được cho tương lai, những trẻ thơ dị dạng và trì độn. Tuy vậy sau gần ba tháng chính quyền cộng sản vẫn chưa công bố một giải thích chính thức nào, chưa nói những biện pháp cứu trợ các nạn nhân và ngăn ngừa một thảm họa mới. Và dĩ nhiên cũng không một lời nhận lỗi với nhân dân. Dù ai cũng đã biết thủ phạm của thảm họa môi trường chưa từng có này là công ty Formosa và nó đã xảy ra do cách quản lý đất nước cực kỳ tồi tệ và vô trách nhiệm của chính quyền. Tất cả những gì chính quyền này đã làm là đàn áp những người biểu tình bày tỏ một cách rất ôn hòa một quan tâm rất chính đáng trước một biến cố vô cùng nghiêm trọng. Tai họa đã rất kinh khủng và cách ứng xử của Đảng Cộng Sản cũng kinh khủng không kém. Họ không tự coi là một chính quyền Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng và thống trị không có bổn phận nào với nhân dân Việt Nam cả.


Ý thức về môi trường chưa đủ mạnh

Nhưng tại sao phản ứng của nhân dân Việt Nam lại yếu như thế?

Giải thích đầu tiên là sự hung bạo của chính quyền cộng sản. Họ không cho phép người dân có quyền bày tỏ thái độ nào khác ngoài cúi đầu. Điều này chúng ta đều đã biết. Nhưng đó không phải là lý do chính. Nhân dân Việt Nam không đến nỗi khiếp nhược như thế, họ chỉ chưa được động viên đúng mức thôi và nếu nhân dân Việt Nam thực sự quyết tâm bày tỏ sự phẫn nộ thì Đảng Cộng Sản cũng bất lực. Họ biết là họ hoàn toàn sai và cũng không thể đi đến tận cùng của sự hung bạo.

Lý do quan trọng hơn nhiều là ý thức về môi trường của chúng ta chưa đủ mạnh. Điều này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã có thể nhận thấy. Từ vài thập niên qua, trong các dự án chính trị liên tục được cập nhật, chúng tôi đã là tổ chức chính trị duy nhất coi môi trường là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhưng chúng tôi đã chỉ lôi kéo được một sự chú ý rất khiêm tốn. Trong dự án chính trị  Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai phát hành tháng 5-2015 chúng tôi đã nhấn mạnh ba nguy cơ nghiêm trọng nhất của đất nước là tham nhũng, sự hủy hoại của môi trường và sự lệ thuộc Trung Quốc, trong đó tham nhũng được coi là nguy cơ lớn nhất vì ngoài những tác hại khác nó góp phần quyết định hủy hoại môi trường và khiến chúng ta ngày càng lệ thuộc Trung Quốc. Như vậy môi trường tự nó là nguy cơ lớn nhất. Và chúng tôi đã nói với lời lẽ thống thiết: "Đất nước trước hết là đất và nước, nếu đất nước cằn cỗi và ô nhiễm đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau" (*).Chúng tôi đã hầu như không nhận được một bình luận nào, dù tán thành hay phản bác. Ngay trong vụ Formosa cho đến khi thảm họa xảy ra đã chỉ có những phản biện về những đặc ân quá lớn dành cho Formosa so với các nhà máy thép trong nước hoặc về lợi ích kinh tế của dự án. Không ai nói đến môi trường mặc dù sự ô nhiễm đáng sợ gây ra bởi các nhà máy thép Lào Cai và Hòa Phát không còn là một bí mật với bất cứ ai.


Chính quyền có một số viện nghiên cứu ít nhiều liên hệ tới môi trường nhưng họ hoàn toàn không có ảnh hưởng nào trong chế độ công an này. Ngoài ra cũng có cả một Bộ Tài Nguyên và Môi Trường với bốn tổng cục, mười cục và nhiều vụ nhưng bộ này hoàn toàn vô tích sự, chỉ có để làm đồ trang sức thôi. Khi xảy ra vụ cá chết họ không biết gì và cũng không làm gì. Việc phát giác công ty Formosa xây đường ống xả thải ngầm dài 1,5 km đường kính 1,4 m dưới biển là do ngư dân; thứ trưởng nói rằng việc Formosa xả thải thẳng xuống biển là hợp lệ, để rồi bộ trưởng nói lại rằng Formosa làm như thế là phi pháp. Tại sao phi pháp mà trong cả năm trời khi Formosa thiết lập đường xả thải này bộ Tài Nguyên và Môi Trường không hề biết? Vì không có quyền giám sát? Như thế thì bộ này có để làm gì?


Rõ ràng môi trường cho tới nay không phải là quan tâm của nhiều người, trong cũng ngoài chính quyền, mặc dù chúng ta là một nước đất hẹp người đông và do đó môi trường lành sạch đáng lẽ phải được dành quan tâm lớn nhất. Hơn nữa mọi người đều biết môi trường đã xuống cấp một cách nghiêm trọng, sông không còn cá, hạn hán kế tiếp ngập lụt, người thành phố ra đường phải đeo khẩu trang.

Quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã thay đổi hẳn

Không phải vì người Việt Nam coi nhẹ môi trường. Trái lại. Chúng ta coi thiên nhiên là Trời, là đấng tối cao. Chúng ta cũng là dân tộc duy nhất trên thế giới gọi quốc gia là "nước". Hay "đất nước", nghĩa là đất và nước. Chúng ta cũng gọi quốc gia là "non sông", "sơn hà", "giang sơn", v.v. Tất cả đều là những tên gọi gần gũi với môi trường. Trong suốt dòng lịch sử dài hàng ngàn năm người dân Việt Nam, mà tuyệt đại đa số là nông dân, sống với thiên nhiên và sống nhờ thiên nhiên, lấy thực phẩm từ thiên nhiên bằng cố gắng tay chân. Họ hiểu môi trường là tất cả. Nhưng những người nông dân mộc mạc đó chỉ có thể có một cảm xúc của kẻ chịu đựng bất lực. Họ không tác động được lên thiên nhiên và cũng không có cả khả năng lẫn quyền lực để nói lên những quan tâm phải có khi thực trạng đất nước, đặc biệt là quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đã thay đổi. Đó là công việc của các trí thức. Điều bất hạnh là trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm được vai trò lãnh đạo xã hội. Họ là hậu duệ của giai cấp nho sĩ ngày xưa và vẫn chưa trút bỏ được di sản văn hóa đó, họ vẫn tự coi là dụng cụ của chế độ, cùng lắm là những dụng cụ có tâm tư, hơn là những người có trách nhiệm vạch ra và áp đặt những ưu tiên của đất nước. Một trong những hậu quả là, mặc dù người dân ở nhiều địa phương đã kêu than, chúng ta vẫn thụ động trước sự hủy hoại liên tục và nhanh chóng một cách đáng sợ của môi trường sinh sống trong ba thập niên qua.

Hình :

Giai đoạn lịch sử khó khăn gần đây cũng khiến nhân dân ta, quần chúng cũng như trí thức, luôn luôn bị cuốn hút vào những đe dọa cá nhân dồn dập và tức khắc trong chiến tranh, rồi dưới một chế độ toàn trị tùy tiện lúc nào cũng có thể cướp đất, bỏ tù, trù dập, sách nhiễu. Không ai còn lòng dạ nào để lo lắng cho môi trường và ngay cả có quan tâm cũng bất lực vì chính quyền giành quyền làm tất cả nhưng chỉ đập phá. Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng là một tai họa. Nó không chỉ sai mà còn thô sơ. Nó chỉ biết đến "quan hệ sản xuất" và "đấu tranh giai cấp". Môi trường – cũng như văn học, nghệ thuật, tình cảm, tâm linh, đạo đức, trách nhiệm,  v.v. - hoàn toàn vắng mặt hoặc chỉ được nhắc tới như những giá trị của "giai cấp tư sản bóc lột". Cần nhắc lại và nhấn mạnh là cho tới nay tất cả mọi chế độ cộng sản, không loại trừ một ngoại lệ nào, đều đã là những thảm họa cho môi trường.

Kết quả là chúng ta vẫn cố tình làm như không biết rằng thực tế đã thay đổi hẳn. Đầu thế kỷ trước chúng ta là một nước nông nghiệp với 20 triệu nông dân canh tác bằng tay chân với cày bừa, trâu bò và phân tự nhiên. Con người chỉ chịu đựng chứ không thể tác động lên môi trường. Ngày nay chúng ta là một nước với gần 100 triệu người chen chúc trên một lãnh thổ chật hẹp. Chúng ta canh tác bằng máy cày và sử dụng hàng năm hàng triệu tấn phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trụ sinh. Các nhà máy xả hàng triệu mét khối khói độc lên bầu trời và hàng triệu tấn chất thải chưa xử lý xuống xuống mặt đất, các ao hồ, các dòng sông và biển, dù tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ mới bắt đầu và bắt buộc phải được đẩy mạnh hơn nữa. Quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã thay đổi hẳn, con người ngày nay có thể giết chết môi trường, và cùng với môi trường giết chết chính mình.

Một nhu cầu khẩn cấp

Chúng ta không còn chạy trốn sự thực được nữa. Thảm họa Formosa Vũng Áng đã có tác dụng lôi đầu con đà điểu ra khỏi đống cát. Nó đã khẳng định môi trường phải được coi là mối nguy lớn nhất, nghiêm trọng nhất, khẩn cấp nhất.

Báo động hơn, nó cũng vừa chiếu một ánh sáng mới trên hai mối nguy rất lớn khác. Với cách quản lý kém cỏi và vô trách nhiệm như hiện nay mà chúng ta vừa thấy một thảm họa bùn đỏ gần như chắc chắc sẽ xảy ra tại miền Trung nếu dự án Bôxit Tây Nguyên vẫn tiếp tục và một tai nạn nguyên tử làm chết nhiều triệu người và cắt đất nước làm hai cũng khó tránh khỏi nếu dự án xây 14 lò điện hạt nhân không bị đình chỉ.

Đất nước đang đứng trước một họa diệt vong thực sự. Sức khỏe và tính mạng của mọi người đang bị đe dọa. Một đồng thuận dân tộc phải lập tức thành hình. Người Việt Nam phải phản ứng để tự cứu mình. Chúng ta không còn gì để mất. Thụ động không chỉ là tự sát mà còn có lỗi với tổ tiên và có tội với con cháu.

Chúng ta cần khẩn cấp một tổ chức xã hội dân sự bảo vệ môi trường.

Hiện đã có một vài tổ chức có quan tâm tới môi trường nhưng các tổ chức này chưa phải là những tổ chức bảo vệ môi trường đúng nghĩa. Chúng đều do những người đấu tranh cho dân chủ thành lập ra nhân một biến cố thời sự, như dự án Bôxit Tây Nguyên và vụ chặt cây tại Hà Nội. Môi trường không phải hay không còn là quan tâm chính. Điều mà chúng ta cần khẩn cấp là một tổ chức xã hội dân sự chỉ nhắm một mục đích duy nhất là bảo vệ môi trường với ba mục tiêu cụ thể lớn là đòi đóng cửa nhà máy thép Formosa Vũng Áng, đình chỉ dự án Bôxit Tây Nguyên và dự án xây các lò điện nguyên tử.

Tổ chức này sẽ điều nghiên tình trạng môi trường trên cả nước, phát hiện và báo động về những tác hại, cảnh báo về những nguy cơ đang đến và đòi hỏi những biện pháp khắc phục. Nó sẽ liên kết với các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường trên thế giới để có hậu thuẫn và để học hỏi những kinh nghiệm bảo vệ và phục hồi môi trường và rút ra những bài học cho nước ta. Nó sẽ hướng dẫn các cuộc thảo luận và tăng cường ý thức của quần chúng về sự nguy ngập của môi trường. Sau một thời gian nó sẽ trở thành trung tâm của những hiểu biết về tình trạng môi trường của nước ta. Nó sẽ không ngừng động viên quần chúng cảnh giác về môi trường và, nếu cần, phát động và điều hợp những cuộc biểu tình cần thiết để lên án các vi phạm hoặc ủng hộ các sáng kiến đúng. Nếu có một tổ chức như thế thì các cuộc biểu tình sau thảm hoạ Vũng Áng đã có tầm vóc hơn hẳn và chính quyền cũng không thể hành xử như chúng ta đã và đang thấy.

Tổ chức này sẽ kêu gọi và hoan nghênh sự tham gia của tất cả mọi người dù dân chủ hay cộng sản, đối lập hay thân chính quyền. Nó sẽ không từ chối một ai bởi vì sức khỏe và tính mạng của tất cả mọi người đang bi đe dọa. Công an hay phản kháng ngộ độc cũng lâm nguy như nhau.

Tổ chức xã hội dân sự bảo vệ môi trường này sẽ hoàn toàn phi chính trị và chỉ quan tâm đến môi trường. Các thành viên có những quan tâm chính đáng khác -dân chủ, nhân quyền, chủ quyền quốc gia, văn hóa, giáo dục v.v.- có thể đồng thời tham gia các tổ chức khác và tranh đấu cho những mục tiêu này trong các tổ chức đó.

Chính quyền cộng sản sẽ không thể cấm

Khó khăn đầu tiên trong việc thành lập tổ chức này là phải bắt đầu gần như từ số không. Chúng ta chưa có những khuôn mặt có uy tín về môi trường, Các chuyên gia về môi trường cho tới nay quá thận trọng và sự im lặng quá lâu của họ, kể cả trong thảm họa Formosa, cũng không phải là một chỉ dấu lạc quan về sự tham gia tích cực của họ trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường không quá phức tạp mà chỉ đòi hỏi quyết tâm là chính, vả lại những người tranh đấu cho môi trường vẫn có thể sử dụng những nghiên cứu của họ.

Có thể sẽ có nhiều tổ chức ra đời cùng một lúc, nhưng việc phối hợp và thống nhất hành động giữa những tổ chức thực sự chỉ nhắm bảo vệ môi trường sẽ không khó bởi vì không có những khác biệt quan điểm lớn như trong hoạt động chính trị.

Chính quyền cộng sản chắc chắn sẽ bằng mọi cách ngăn cản sự ra đời của tổ chức bảo vệ môi trường này ngay cả nếu nó tuyệt đối phi chính trị. Họ có phản xạ toàn trị và không muốn có bất cứ một kết hợp nào độc lập với họ. Nhưng họ sẽ không ngăn cản được bởi vì cái giá phải trả để đàn áp một tổ chức phi chính trị đáp ứng một nguyện vọng chính đáng và khẩn cấp của tất cả mọi người Việt Nam và được cả thế giới ủng hộ sẽ nhiều lần lớn hơn là chấp nhận sự hiện hữu của nó, nhất là vào lúc này khi, một cách miễn cưỡng nhưng bắt buộc, họ đã phải thay đổi định hướng đối ngoại.

Chỉ có qua mà không có lại

Điều quan trọng nhất là tổ chức phải hoàn toàn phi chính trị và chỉ nhắm bảo vệ môi trường. Thái độ đúng và phải có của các tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ là ủng hộ mà không tìm kiếm một sự hồi đáp nào. Sự ủng hộ sẽ phải một chiều, chỉ có qua mà không có lại.

Không thể khác. Bảo vệ môi trường tự nó phải được coi là nhu cầu sống còn khẩn cấp nhất của đất nước. Bởi vì nếu đất nước bị hủy hoại đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng không còn gì để nói với nhau và vấn đề dân chủ hóa cũng không còn đặt ra nữa.

Nguyễn Gia Kiểng
(06/2016)







No comments:

Post a Comment

View My Stats