Wednesday 1 June 2016

HẬU OBAMA ? (FB Đặng Xương Hùng)






Liệu sẽ có một thời kỳ hậu Obama, khi đó Việt Nam sẽ đi hẳn với Mỹ và các nước dân chủ, quan hệ Việt Trung sẽ suy giảm một cách không đảo ngược được. Giả thiết này quả thật là mong muốn của bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Nhưng liệu giả thiết này đã có đủ nhân tố để trở thành hiện thực hay chưa? Liệu có hơi lạc quan khi đưa ra giả thiết này không? Tôi muốn đưa ra một vài lập luận để chúng ta cùng nhau suy nghĩ tiếp. 

1. Sự xích lại gần nhau giữ Mỹ và VN là sự chuyển hướng của cả hai bên do áp lực của tình hình. Đối với Mỹ, việc thúc đẩy mạnh quan hệ với VN rõ ràng là nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ. Mỹ đã tạm gác sang một bên một bên những yếu tố một thời là rất quan trọng với Mỹ, như nhân quyền, cấm vận và thể chế chính trị, để ưu tiên kế hoạch quay trở lại châu Á TBD. Mỹ có đầy đủ sức mạnh và sự hỗ trợ của đồng minh trong khu vực để đối phó với TQ kể cả khi không có VN. Nhưng với VN, sự tính toán của Mỹ có thể là: Mỹ xếp VN vào loại nửa mỡ nửa nạc, tức 50% là có thể là đồng minh, 50% vẫn là quốc gia cần quan tâm.
Trong tính toán đó, Mỹ thấy thúc đẩy phần 50% đồng minh thì hay hơn là ngược lại. Do đó, ta dễ nhận thấy những động thái của Mỹ gần đây hầu như là nhằm thực thi tính toán này của Mỹ. Thực tế cho thấy Mỹ đã tỏ ra rất chiều chuộng và muốn làm hài lòng VN trong hầu hết các đòi hỏi của VN: đón ông Trọng, tiếp tại nhà Trắng như một nguyên thủ quốc gia, gạt sang một bên những trở ngại để tiến gần TPP cho VN, bỏ cấm vận vũ khí, nhẹ nhàng thậm chí làm ngơ về nhân quyền cho VN. Nói chung là Mỹ thật lòng mong muốn kéo VN ra khỏi o bế của TQ. Tuy nhiên, Mỹ không hẳn là không giữ khoảng cách nào đó để dễ dàng xoay chuyển khi VN tỏ ý lật lọng. Mỹ chỉ giữ mối quan hệ này ở mức đối tác toàn diện, trong khi VN nài nỉ nhiều lần nâng lên thành đối tác chiến lược (qua mấy chuyến đi của Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng ). Chuyến đi của Obama vừa rồi, ngoài vấn đề nổi bật vũ khí và một vài tín hiệu về Cam Ranh và căn cứ Biên hòa (nói chung nặng về quân sự, phục vụ chính chiến lược nói trên của Mỹ), thì các vấn đề khác vẫn dàn trải và còn nhiều ở dạng hứa cam kết. Có lẽ Mỹ thiên về phần tập trung hướng tới một thế hệ tương lai trẻ của VN, (đại học Fulbright), khuyến khích VN chuyển dịch dần dần về phía dân chủ, tự do. 

Tóm lại, Mỹ đã tạm gác vấn đề thể chế chính trị, chứ chưa hẳn Mỹ đã dốc mọi ưu tiên cho VN. Mỹ thực lòng mong muốn kéo VN vào thế đồng minh với Mỹ. Nhưng Mỹ biết rằng điều này còn phụ thuộc vào tính toán của VN, mà những tính toán này của VN còn luôn bất ổn. Mỹ làm mọi điều để tỏ thiện chí, nảy cả Kiều để làm VN dễ rung động hơn. 

2. Với VN, những diễn biến mới đây trong quan hệ với Mỹ mới dừng ở mức những bước đi sách lược. Chưa có dấu hiệu nào để người quan sát có thể kết luận đây là chiến lược của VN. Thường thì những thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại của VN, xảy ra sau một cuộc đấu đá nội bộ gay gắt trong đảng cs VN, như thời Nguyễn Văn Linh, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch. Hiện nay, chưa thấy có gì là cọ xát trong nội bộ đảng cs để có thể sinh ra một chiến lược mới với Mỹ. Toàn bộ nhóm thân Trung vẫn tại vị. Có thể có một vài lãnh đạo gọi là thân Mỹ, nhưng mới ở dạng thân Mỹ trong đầu chưa ra đến miệng chứ chưa nói là ra đến hành động. Đảng cs VN vẫn dè chừng với diễn biến hòa bình của Mỹ, điều này thể hiện rất rõ trong quan điểm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về Mỹ. Do vậy, sự xích lại gần với Mỹ, chỉ là một giải pháp hy vọng nới lỏng phần nào vòng kiểm tỏa của TQ. 

Qua quan sát, ta có thể dễ dàng nhận thấy VN chưa thực lòng trong quan hệ với Mỹ. Họ chỉ muốn tiền của Mỹ, hình ảnh của Mỹ, hiện diện của Mỹ, chứ chưa muốn thuận lòng với Mỹ và nghiêng về phía Mỹ. Ta có thể hình dung việc VN muốn ve vãn Mỹ như việc VN vào WTO và TPP, họ không hướng tới nhiều về mục đích kinh tế, mà lại có phần nghiêng về mục đích chính trị, tạo hình ảnh VN hội nhập với thế giới bên ngoài. Vào chỉ để có mặt, chứ ít thấy vào để đưa mình vào khuôn phép làm ăn đàng hoàng với thế giới bên ngoài. 

Việc chưa thực lòng cũng thể hiện ở một số động thái cắt xén phát biểu, ngăn cản người đến gặp Obama. Mấy ông chóp bu cũng chưa chắc thích thú lắm khi hình ảnh của Obama và nước Mỹ lại quá mạnh như vậy đối với nhân dân VN đâu.

Ngoài ra, ta phải đặt quan hệ VN-Mỹ trong bối cảnh của quan hệ Việt-Trung. Hãy cứ mở lại tuyên bố chung Việt Trung trong chuyến đi của Tập sang Việt Nam để thấy VN đã bị chôn sâu trong quan hệ này như thế nào để khó có thể đi xa hơn trong quan hệ với Mỹ.

Hơn nữa, cả bốn vị lãnh đạo chóp bu của Việt Nam bây giờ trình độ tương tự như dạng Made in Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Họ là những con người vừa kém cỏi, ít được đào tạo hẳn hoi, hầu như không có kiến thức gì về điều hành đất nước nên rất tham lam, đôi khi đã trở nên tàn nhẫn. Họ đều suy nghĩ ngắn hạn. Chẳng ai có tầm nhìn xa để lựa chọn Mỹ như là một nhân tố cốt yếu đưa đất nước ra khỏi vũng lầy hiện nay.

Phải chăng cuối cùng rồi thì Việt Nam bắt buộc phải đi theo thế giới dân chủ và tự do, để mở ra một thời kỳ hậu Obama, nhưng có lẽ chưa phải lúc này, cũng chỉ vì những tính toán hẹp hòi, thiển cận của giới lãnh đạo hiện thời tại VN.

Đặng Xương Hùng
1/6/2016





No comments:

Post a Comment

View My Stats