Friday, 17 June 2016

DÂN HỒNG KÔNG BIỂU TÌNH SAU TIẾT LỘ CỦA MỘT NHÂN VIÊN NHÀ SÁCH TỪNG BỊ MẤT TÍCH (RFI | BBC)





Minh Anh – RFI
Đăng ngày 17-06-2016
.
Người biểu tình Hồng Kông trước Phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, ngày 17/06/2016. REUTERS/Bobby Yip

Nhiều người dân Hồng Kông đã tức giận xuống đường biểu tình sau những tiết lộ của một nhân viên tiệm sách từng bị “mất tích” trong vòng nhiều tháng. Vụ tiết lộ này có thể sẽ khiến cho Bắc Kinh nổi giận.

Được trả tự do có bảo lãnh, ông Lam Wing Kee, một trong số năm nhân viên nhà sách Hồng Kông bị “mất tích” hồi cuối năm 2015, trong một cuộc họp báo ngày 17/06/2016, đã tường thuật cặn kẽ những gì ông phải gánh chịu trong suốt mấy tháng bị giam cầm ở Trung Quốc.

Đối với ông Lam, đây là một quyết định cực kỳ khó khăn. Lẽ ra ông phải đến đại lục từ hôm qua, nhưng sau hai đêm thức trắng, ông đã chọn ở lại cựu thuộc địa Anh Quốc và cho rằng:“Nếu tôi không nói ra, Hồng Kông sẽ không thể làm được gì cả. Đây không còn là chuyện cá nhân nữa”.

Ông Lam cho biết ông đã bị ép thú tội trên đài truyền hình được phát sóng trên các kênh truyền thông Trung Quốc hồi tháng 02/2016. “Tôi đã đóng kịch trước ống kính camera. Lúc ấy có một người đạo diễn. Tôi phải đọc một bài viết sẵn. Tôi đã không biết những gì họ sẽ làm gì tôi nữa”.

Theo lời kể, tuy ông không bị những trận đòn nào nhưng phải chịu đựng về mặt tinh thần, khi phải trả lời thẩm vấn liên tục. Bàn chải đánh răng ông mang theo người bị một người canh tù giữ chặt bằng một sợi dây vì sợ ông nuốt bàn chải để tự tử.

Ông Lam cho biết đã bị bắt khi đang đi qua biên giới giữa Hồng Kông và một thành phố lân cận ở Thâm Quyến vào tháng 10/2015. Sau đó, họ bịt mắt ông và dẫn ông về Thượng Hải bằng tầu hỏa. Tại đây, ông bị giam giữ trong vòng 5 tháng trong một căn phòng bé xíu trước khi bị đưa về nhốt trong một căn hộ dưới sự giám sát chặt chẽ.

Ông Lam Wing Kee là một trong số 5 năm nhân viên nhà sách bị “mất tích” và Bắc Kinh bị cáo buộc đã tiến hành các vụ bắt bớ trái phép này. Những người này đều là nhân viên nhà sách Mighty Current, một nhà sách chuyên bán các đầu sách nói về đời tư của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay những tranh chấp chính trị trên thượng tầng lãnh đạo.

Vụ mất tích xảy ra vào thời điểm nhà sách này sắp ra mắt một quyển sách nói về đời tư của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP cho biết hiện người “mất tích” thứ năm vẫn còn đang bị giam giữ tại Trung Quốc.

------------------------------------

BBC Tiếng Việt
17 tháng 6 2016
.
Ông Lâm Vinh Cơ bị giam tám tháng ở Trung Quốc đại lục.  EPA

Người bán sách Hong Kong Lâm Vinh Cơ, 61 tuổi, đã tổ chức một cuộc họp báo tối thứ Năm 16/6 tiết lộ tất cả về chuyện ông bị giam tám tháng ở Trung Quốc đại lục.

Ông Lâm là một trong 5 người bán sách bị mất tích cuối năm ngoái. Tất cả đều liên quan đến một nhà xuất bản chuyên in cuốn sách chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc.
Từ trường hợp của họ có cáo buộc rằng Trung Quốc can thiệp vào tự do ngôn luận ở Hong Kong. Một trong số họ, Quế Dân Hải, hiện vẫn còn bị giam giữ.
Phóng viên BBC Juliana Liu chia sẻ một số điều được ông Lâm tiết lộ.
Ông Lâm, người sở hữu nhà sách Causeway Bay trước khi chuyển nhượng cho ông Quế, nói rằng ông đã bị bắt cóc ở thành phố Thâm Quyến hôm 24/10 trong chuyến thăm bạn gái.
Sau một đêm ở Thâm Quyến, ông bị còng tay và bịt mắt và dẫn giải bằng tàu hỏa đến thành phố Ninh Ba, nơi ông bị thẩm vấn và giam giữ đến tháng 3/2016.
Ông nói rằng mình bị giam riêng trong một căn phòng nhỏ, giám sát 24/24.
Ông không bị đánh đập nhưng bị khủng bố tâm lý.

'Gây ấn tượng'

Đồ đạc trong phòng được bọc nhựa để ngăn ông tự tử.
"Bàn chải đánh răng họ đưa cho dùng rất nhỏ, và buộc vào một sợi dây nylon," ông nhớ lại.

Poster về những người bán sách Hong Kong 'mất tích' cạnh cầu thang dẫn lên nhà sách Causeway Bay, tháng 3/2016 ,  EPA

"Khi tôi đánh răng, có người nắm sợi dây, và khi đánh răng xong phải nộp lại bàn chải. Có thể họ sợ tôi sẽ tự tử bằng cách nuốt bàn chải đánh răng."
"Dường như trước đây đã có ai đó làm như thế."
Tháng 3/2016, khi ba đồng nghiệp của ông được thả và trở về Hong Kong, ông Lâm được chuyển đến thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, nơi ông có chút tự do hơn.
Trong nhiều tháng, đã có tranh luận về việc liệu chiến dịch bắt giữ những người bán sách Hong Kong được lệnh của cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, hoặc có lẽ, cấp thấp hơn nhằm gây ấn tượng với chính quyền Bắc Kinh.
Một số người tin rằng việc bắt giữ những người bán sách Hong Kong xảy đến trước khi ra mắt một cuốn sách về đời tư của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Lâm cho biết, ông không chắc về điều này.
Tuy nhiên, ông cho biết mình bị người của "đội điều tra đặc biệt" bắt giữ mà những người này nhận chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh.
Nhóm này chịu trách nhiệm điều tra những nhân vật hàng đầu như Lưu Thiếu Kỳ.
Gần đây, họ được cho là chịu trách nhiệm điều tra cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.





No comments:

Post a Comment

View My Stats