Friday 24 June 2016

CỬ TRI ANH QUỐC BỎ PHIẾU THUẬN CHO BREXIT (RFI | BBC | VOA)





Đăng ngày 24-06-2016

Theo kết quả chính thức được uỷ ban bầu cử công bố sáng nay, 24/06/2016, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 51,9% cử tri Anh Quốc đã bỏ phiếu thuận cho Brexit, tức là cho việc nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đây được coi như là một trận động đất làm rung chuyển không chỉ lục địa châu Âu, mà còn cả thế giới.

Như vậy là bất chấp những cảnh báo về thảm họa kinh tế trong trường hợp Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đa số cử tri nước này đã tin vào lời hứa giành lại độc lập từ Bruxelles và qua đó ngăn chặn làn sóng di dân từ các nước khác trong Liên Hiệp, một trong những đề tài chủ yếu trong chiến dịch vận động vừa qua.

Trước khi có kết quả trưng cầu dân ý xác nhận xu hướng Brexit thắng thế, lãnh đạo của đảng bài châu Âu Ukip, Nigel Farage đã « mơ đến một nước Anh độc lập ». Về phần thủ tướng David Cameron, người đã vận động cho việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu và cũng là người đề nghị lấy ý kiến người dân, ông đã tuyên bố sẽ từ chức để nhường chỗ cho một người khác thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về việc ra khỏi khối này.

Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ giữ chức này cho đến mùa thu năm nay và cho đến khi đảng bảo thủ của ông chỉ định một lãnh đạo mới trong kỳ đại hội vào tháng 10. Ông Cameron cũng trấn an các thị trường và các nhà đầu tư là nền kinh tế Anh Quốc về căn bản vẫn rất vững chắc.

Nhưng nguy cơ trước mắt đó là Vương quốc Anh có thể bị tan rã, vì nữ thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon vừa tuyên bố là muốn vùng này nằm trong Liên Hiệp Châu Âu, hé mở khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland đối với Vương quốc Anh.

Tại Bắc Ireland, đảng Sein Fein, chủ trương ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một nước Ireland thống nhất.

----------------------
VOA Tiếng Việt
24.06.2016
.
Nhân viên làm việc tại một trung tâm chứng khoán ở Đức đang theo dõi tin tức về Brexit khi Thủ tướng Anh loan báo việc từ chức ngày 24/6/2016.

Riêng lần này, sự khoa trương của giới truyền thông trùng hợp với thực tế. Quyết định của Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây chấn động khắp thế giới và chấn động ban đầu đánh vào các thị trường tài chính. Đồng bảng Anh sụt xuống các mức chưa từng thấy từ năm 1985 và trị giá của các công ty Anh và Âu châu mất đi hàng tỷ đôla.

Với thị trường sụt mạnh và đa số người Anh bỏ phiếu chống EU, Thủ tướng David Cameron đã loan báo từ chức nhưng sẽ ở lại đảm nhận công tác cho đến khi đảng Bảo thủ Anh chọn được người thay thế trong 3 tháng nữa.

Câu hỏi quan trọng nhất tiếp theo cuộc trưng cầu dân ý không phải là ai sẽ lên thay thế ông, mặc dầu có phần chắc sự kiện này sẽ châm ngòi cho một cuộc nội chiến bên trong đảng Bảo thủ. Khắp châu Âu, các chính trị gia đang nêu thắc mắc liệu Liên hiệp châu Âu có thể sống còn sau “Brexit”, là từ được dùng để chỉ việc Anh rút ra khỏi khối này, hay là quyết định của Anh sẽ là động cơ thúc đẩy cho hiện tượng các nước thành viên khác cũng rút ra?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đón nhận kết quả một cách thất vọng. Ông nói: “Đây là một ngày buồn thảm cho nước Anh và cho EU”. Nhưng đó không phải là quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của châu Âu. Ngay trước cuộc trưng cầu Brexit, những người chủ trương dân túy ở Đan Mạch, Pháp, Italia, Hà Lan và Thụy Điển đã vận động đòi mở các cuộc trưng cầu dân ý tại nước họ. Có phần chắc nay họ sẽ phấn khích hơn trong cuộc vận động này.

Chính trị gia cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, đã nhắn tin qua Twitter rằng quyết định là một “chiến thắng của tự do”.

Trong khi cố gắng tỏ ra can đảm trước kết quả cuộc trưng cầu, chủ tịch Ủy hội châu Âu Donald Tusk tuyên bố “Cái gì không giết ta sẽ làm cho ta mạnh hơn”. Ông nói thêm rằng 27 thành viên còn lại trong EU “quyết tâm duy trì sự đoàn kết. Châu Âu là khung sườn cho tương lai chung của chúng ta”. Nhưng ông thừa nhận rằng sẽ có một ảnh hưởng nghiêm trọng về ý nghĩa cuộc bỏ phiếu về cách thức vận hành của Liên hiệp châu Âu.

Thắc mắc không phải chỉ được nêu ra về tương lai của EU . Đối với một số người, sự sống còn của chính Liên hiệp Anh cũng bị nghi ngờ.

Bất kể lời hoan nghênh của người vận động cho chủ trương Anh quốc rời khỏi EU, ông Nigel Farage, nói rằng “đây là bình minh của một Vương Quốc Anh độc lập…”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland cảnh báo rằng có phần chắc họ sẽ mưu tìm một cuộc trưng cầu dân ý khác để tách ra khỏi Anh Quốc. Scotland đã ồ ạt ủng hộ phe chủ trương ở lại EU với 62% người Scotland bỏ phiếu muốn ở lại EU.

Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6/2016.

Tại Bắc Ireland, phần duy nhất của Anh có chung biên giới trên bộ với một nước EU khác, đảng Cộng hòa Sinn Fein của Ireland đã có phản ứng gay gắt và tức thời. Chủ tịch đảng Declan Kearney cảnh báo rằng chính phủ Anh đã “phản bội mọi sứ mạng đại diện cho lợi ích của dân chúng ở bắc Ireland trong các tình huống mà miền bắc bị lôi kéo ra khỏi châu Âu do kết quả của quyết định rời khỏi khối”.

Người đồng sự trong đảng và là đệ nhất phó ban hành pháp, ông Martin McGuinness, kêu gọi mở cuộc thăm dò về biên giới cho một nước Ireland thống nhất.

Trong khi các chính trị gia và các thị trường phản ứng về kết quả, ông Peter Mandelson, một nhà chính trị của đảng Lao Động Anh và là chủ tịch công ty tham vấn sách lược Global Counsel, nói mấy năm sắp tới sẽ đầy bất định và khó khăn cho Anh Quốc và châu Âu. Ông nói: “Sẽ phải mất hai năm để chính phủ Anh thương lượng với các nước từng là đối tác của chúng ta. Sẽ phải dành thêm nhiều năm nữa để thương lượng về tương lai quan hệ của Anh với châu Âu”.

Ông lập luận rằng thời kỳ bất định nên được rút ngắn càng nhiều càng hay và nói chính phủ Anh quốc, dưới sự lãnh đạo của bất kỳ ai, nên châm ngòi cho tiến trình cách ly chính thức càng sớm càng tốt.

Thông báo việc từ chức sáng sớm 24/6, ông Cameron nói ông sẽ để cho người thay thế ông quyết định khi nào bắt đầu những người thương lượng chính thức cho việc cách ly. Các nhà phân tích nói triển vọng là một chính phủ Bảo thủ sẽ có luận điệu chống EU nhiều hơn và do đó có thể dẫn tới những cuộc đàm phán gay gắt hơn. Các nhà lãnh đạo EU và các giới chức cảnh báo trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý rằng Anh Quốc sẽ phải trả một cái giá cho sự ra đi, nếu không phải vì một lý do nào khác hơn là ngăn cản bất cứ thành viên nào khác cứu xét việc rút khỏi khối.

Bảng điện tử hiện các chỉ số chứng khoán tại một trung tâm chứng khoán ở Nhật ngày 24/6/2016, thời điểm nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý.

Đối với chính phủ Anh và các chính phủ khắp châu Âu, các mối quan ngại cấp thời hơn đang được tập trung vào hậu quả kinh tế to lớn của cuộc trưng cầu dân ý. Ông Carl Weinberg của công ty tham vấn đầu tư High Frequency Economics, hôm 23/6 cảnh báo khách hàng rằng nếu “các tài sản với mệnh giá đồng sterling – như vàng, trái phiếu và chứng khoán công ty – rớt xuống như một hòn đá ngay lập tức... thì động cơ đó có thể châm ngòi cho những lỗ lã trầm trọng trong các cơ quan tài chính”.

Trong tình hình hỗn loạn tài chính đang sôi động, các nước EU sẽ bị đặt dưới sự giám sát kỹ lưỡng của thị trường và một số nhà phân tích đã bày tỏ sự quan ngại rằng các nước đầy nợ nần như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia sẽ bị đặt dưới áp lực ngày càng tăng.
Báo Financial Times của Anh hôm 24/6 cảnh cáo: “Brexit sẽ gây thiệt hại cho sự đoàn kết, tin tưởng và thanh danh của EU trên trường quốc tế, làm suy yếu trật tự kinh tế và chính trị cấp tiến của phương Tây”.

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói với đài Sky News rằng sẽ có “những hậu quả rất lớn”. Ông gọi kết quả trưng cầu là một “thảm kịch” và nói rằng những người vận động đòi rời khỏi EU là “tìm cách đưa đất nước trở lại một thế giới không còn tồn tại nữa”. Ông cảnh báo rằng: “Ta có thể cưỡi một làn sóng dân túy phẫn nộ nhưng nó không đem lại những câu trả lời” cho các vấn đề và những thách thức của sự toàn cầu hóa.

LIÊN QUAN :

-------------------------
BBC Tiếng Việt
24 tháng 6, 2016
.
Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu

Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu:
"Đây không phải là thời khắc để có phản ứng mất bình tĩnh. Hôm nay, nhân danh 27 nhà lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng ta quyết tâm duy trì đoàn kết như một khối 27 nước.
"Cho đến khi nào Liên hiệp Vương quốc Anh chính thức rời EU, luật của EU vẫn tiếp tục áp dụng với Anh và tại Anh, và điều đó có nghĩa bao gồm cả các quyền lợi và nghĩa vụ."
"Mọi quy trình cho việc rút ra khỏi EU của Anh Quốc đều đã được đề ra trong các hiệp ước. Để thảo luận các chi tiết, tôi sẽ đề nghị gặp gỡ không chính thức với 27 nước bên lề cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tuần tới. Tôi cũng sẽ đề nghị chúng ta bắt đầu quá trình nhìn lại rộng lớn hơn về tương lai liên hiệp của chúng ta."
"Những năm qua đã là những năm tháng khó khăn nhất trong lịch sử Liên hiệp nhưng cha tôi thường nói với tôi rằng: Điều gì không giết hại được con sẽ làm con mạnh hơn lên."

Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu
"Chúng tôi tôn trọng kết quả. Chúng tôi hiểu rõ về việc để Anh đi đường riêng của họ.
"Nay là thời điểm chúng ta phải hành xử nghiêm túc và có trách nhiệm. Ông David Cameron có trách nhiệm với đất nước của ông, chúng ta có trách nhiệm với tương lai của EU. Quý vị có thể thấy những gì đang xảy ra với đồng bảng Anh trên thị trường. Tôi không muốn điều tương tự xảy ra với đồng euro."

Geert Wilders, Lãnh tụ đảng Tự Do Hà Lan
"Hoan hô Anh Quốc! Giờ tới lượt chúng tôi. Đã tới lúc cho một cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan!"

Marine Le Pen, Lãnh tụ đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu tại Pháp
"Thắng lợi của tự do! Như tôi đã đòi hỏi nhiều năm nay, giờ là lúc chúng ta cần có một cuộc trưng cầu dân ý tương tự tại Pháp và ở các nước khác của Liên hiệp Châu Âu."

Mateo Salvini, lãnh tụ Liên đoàn Miền Bắc bài di trú của Ý
"Hoan hô can đảm của những công dân tự do! Trái tim, khối óc và niềm tự hào đã đánh bại những lời dối trá, đe dọa và tống tiền.
"CẢM ƠN ANH QUỐC, giờ tới lượt chúng tôi."

Sebastian Kurz, Ngoại trưởng Áo
"Không thể loại bỏ ảnh hưởng dây chuyền lên các nước khác. "
Ông nói với đài phát thanh Áo rằng EU là tổ chức thống nhất sẽ tồn tại sau sự kiện này.

Mariano Rajoy, Thủ tướng Tây Ban Nha
"Tây Ban Nha sẽ cam kết ở lại với EU."

Jose Manuel Garcia-Margallo, Ngoại trưởng Tây Ban Nha
Phát biểu trên đài Tây Ban Nha, ông nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh có thể dẫn tới việc Gibraltar trở về dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha lần đầu tiên kể từ thế kỷ thứ 18.
Ông cho biết điều này cho phép vùng lãnh thổ nhỏ bé này của Anh Quốc tại miền nam Tây Ban Nha được duy trì quyền hoạt động trong thị trường chung châu Âu.

Fabian Picardo, Bộ trưởng Gibraltar
"Chúng ta đã vượt qua những thách thức lớn hơn. Đây là thời điểm cho tinh thần đoàn kết, bình tĩnh và tư duy hợp lý. Đoàn kết và thống nhât chúng ta sẽ tiếp tục đi tới thịnh vượng."

Chính phủ Ireland
"Kết quả này rõ ràng có những ảnh hưởng rất quan trọng cho Ireland, cũng như cho Anh Quốc và cho Liên hiệp châu Âu. Chính phủ sẽ họp sáng nay để nhận định về kết quả này. Theo sau cuộc họp, Thủ tướng Ireland sẽ có tuyên bố trước công chúng."

Mark Rutte, Thủ tướng Hà Lan
"Sự bất mãn mà quý vị thấy tại Anh Quốc cũng hiện diện ở các nước khác, trong đó ở chính nước tôi. Nó phải là động lực để có thêm cải tổ và thêm phúc lợi." Ông cho biết quá trình rút ra khỏi EU sẽ là một quá trình dài.
"Trước hết Anh Quốc phải quyết định khi họ muốn bắt đầu tiến trình rút khỏi LH châu Âu này."

Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức
"Tin từ Anh Quốc là thực sự nghiêm túc. Nó giống như một ngày đáng buồn cho châu Âu và cho Anh Quốc."


Tin liên quan :

3 giờ trước






No comments:

Post a Comment

View My Stats