Saturday, 18 June 2016

CÂU CHUYỆN TỬ TẾ (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, June 18, 2016 2:57:31 PM 

Tuần này là tuần lễ của hận thù và chết chóc. Ở Orlando, Florida, 49 người vô tội bị thảm sát trong khi ở một thị trấn nhỏ ở Anh, một dân biểu đầy nhiệt tình bị sát hại. Có lẽ hai vụ này không có gì chung nhau cả nhưng ở một khía cạnh nào đó nó tiêu biểu cho thời đại của chúng ta.

Vụ thảm sát ở Orlando đã được một viên chức của Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) diễn tả vừa là một tội ác thù hận vừa là một hành động khủng bố, một nhận xét hoàn toàn đúng và được hơn 57 phần trăm dân chúng Hoa Kỳ đồng ý. Cuộc tấn công này, do một người chỉ vài phút trước khi nổ súng, thề trung thành với tổ chức khủng bố ISIS, nhưng lại tấn công vào một câu lạc bộ đồng tính, đã nằm trong một lãnh vực không rõ trắng đen của chính trị Hoa Kỳ. Hai vấn đề đối nghịch nhau này có nghĩa là không phải chỉ có một mà có hai cuộc tranh luận chính trị lại tái tục: Làm sao chặn bắn tập thể và làm sao chặn tấn công của khủng bố.
Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy, Dân Chủ-Connecticut, người đại diện cho tiểu bang mà vết thương về cuộc thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook vẫn còn chưa lành, đã trải suốt ngày thứ tư cho đến rạng sáng ngày Thứ Năm thực hiện một cuộc “filibuster” không cho thượng viện làm việc cho đến khi nào các vị đồng viện đồng ý đem ra bỏ phiếu một dự luận nhằm ngăn cản bán súng cho những người có tên trong danh sách coi chừng có thể là khủng bố. Hành động của ông Murphy đáng kính nể và giúp giải quyết cả hai mục tiêu, vừa ngăn ngừa bắn tập thể vừa chống khủng bố.

Nhưng trong khi đó, chuẩn ứng cử viên của đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump lại chỉ nhất định chống khủng bố. Bất chấp ý nghĩa của mục tiêu của cuộc tấn công, cũng như bất chấp sự việc là nhà chức trách chưa tìm thấy liên hệ gì giữa tên bắn người ở Orlando và khủng bố Hồi Giáo, ông Trump khẳng định với ủng hộ viên của ông là nếu Hoa Kỳ không tỏ ra cứng rắn hơn và khôn ngoan hơn, “chúng ta sẽ không còn một đất nước nữa, sẽ không còn gì hết.” Ông cáo buộc Tổng Thống Barack Obama là đã quá gượng nhẹ trong cuộc chiến chống khủng bố bởi ông có cảm tình với Hồi Giáo. Ông cáo buộc bà Hillary Clinton là “muốn cho khủng bố Hồi giáo đổ vào đất nước chúng ta.” Không ngần ngại gì cả, ông cho toàn thể cộng đồng Hồi Giáo ở Hoa Kỳ là một nhóm lực lượng thứ năm, ủng hộ ngấm ngầm hay đồng tình với khủng bố, và ông cho là di dân là một nguồn nguy hiểm. Ông lớn tiếng đòi hỏi “Những người Hồi Giáo phải hợp tác với chúng ta,” cáo buộc những người Hồi Giáo là biết đến những người xấu trong cộng đồng và không đưa họ cho chính quyền. Ông khẳng định “Họ biết những gì xảy ra” và đe dọa là ai không giúp đỡ các cơ quan công lực sẽ gặp “hậu quả lớn.”

Rồi ông cáo buộc kẻ bắn người ở Orlando là “chào đời là người Afghan với cha mẹ Afghan,” thành ra “điều căn bản là đó là lý do tại sao kẻ giết người đang ở Hoa Kỳ, bởi vì chúng ta cho gia đình hắn đến đây. Đó là một sự thật và đó là một sự thật mà chúng ta cần nói đến.” Ông bất chấp sự việc mà bà Clinton đã nhắc đến trước những tiếng cười mỉa mai của cử tọa là “Người ấy sinh ra ở Queens, New York, cũng như chính Donald vậy. Thành ra cấm và cải tổ di dân không chặn hắn. Những biện pháp đó sẽ không cứu được một mạng người ở Orlando.”

Điều mỉa mai hơn nữa là Omar Mateen là đời di dân thứ hai nhưng ông Trump cũng chỉ mới là đời thứ ba. Ông nội ông, Frederick Christ Trump, đến Hoa Kỳ từ Đức vào năm 1885. Cha ông đã là ngang đời với Mateen, sinh ra ở Hoa Kỳ. Vả lại toàn thể nhân dân Hoa Kỳ hiện nay, ngoại trừ những người da đỏ bị nhốt trong các khu “reservation” đều là di dân cả. Tờ The Economist còn thêm “Gia đình kẻ sát nhân đến Hoa Kỳ khi ông Ronald Reagan đang còn là tổng thống - khiến cho nói chuyện về sự hiện diện của người này ở Hoa Kỳ trở thành ra lý thuyết trừ phi có thể có được một cái máy vượt thời gian để ngăn không cho bố mẹ của y được vào Mỹ.”

Câu chuyện ở bên Anh thì khi chúng tôi viết dòng này vẫn chưa ngã ngũ. Điều chúng ta biết là bà Jo Cox, 41 tuổi, dân biểu thuộc đảng đối lập, đảng Lao Động, đã là một người thường xuyên lên tiếng ủng hộ cho việc Anh Quốc ở lại Liên Hiệp Âu Châu. Bà là một nhà tranh đấu tận tâm cho dân quyền và nhân quyền. Trong nhiều năm bà làm việc cho các tổ chức thiện nguyện của Anh, từ Oxfam, Save the Children và NSPCC. Chính vì lý tưởng, bà đã tham gia tình nguyện làm việc cho ban vận động của Tổng thống Barack Obama năm 2008. Sinh ra trong một gia đình bình thường, bà học giỏi, vào trường grammar school, một thứ mà trong nước nay gọi là “trường điểm” dành cho học trò nghèo ưu tú. Bà theo học chính trị và xã hội học ở viện đại học Cambridge, người đầu tiên trong gia đình bà đi học đại học. Bà là một nhà tranh đấu nhiệt thành cho nạn nhân chiến tranh, cho phụ nữ, và cho di dân. Từ thập niên 1990, bà đã là người vận động hàng đầu cho nhóm áp lực ủng hộ Âu Châu mang cái tên “Britain in Europe.” Bà và ông chồng, cũng là một nhà tranh đấu nữa, có hai con. Họ sống rất giản dị. Khi bà về Luân Đôn để làm việc, hai vợ chồng thuê một cái nhà bè trên sông Thames, vốn rẻ hơn là nhà thường. Khi lương của các dân biểu được tăng, bà bảo sẽ dành số tiền đó cho các tổ chức thiện nguyện.

Chưa biết lý do tại sao bà bị hạ sát. Có người nói là bà can thiệp vào một cuộc tranh cãi, nhưng hành động của kẻ sát nhân, như được nhân chứng tả lại, bắn nhiều lần vào bà, rút dao đâm bà, và còn đá vào bà khi bà ngã gục xuống đất, cho thấy đây cũng là một vụ án mạng của hận thù. Cũng may Anh quốc cấm sở hữu súng nên nghi phạm chỉ có một khẩu súng hoặc là cũ kỹ hoặc là tự chế, chứ không thì ít nhất cũng có vài người nữa chết oan. Nhờ cấm sở hữu súng nên một ông cụ 77 tuổi, cương quyết nhảy vào can gián, chỉ bị mấy vết dao, và thương tích không trầm trọng. Nhân chứng cũng nói đến là tay súng đã la lớn “Britain First,” đó có thể là một khẩu hiệu ủng hộ ra khỏi Âu Châu, nhưng cũng là tên của một tổ chức bài Âu Châu cực hữu.

Điều làm cho cái chết của bà Cox và của 49 người ở Orlando giống nhau chính là vì họ đều bị giết vì hận thù. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đao tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đã đúng khi ngài nói “Hòa bình không có nghĩa là sự thiếu vắng bạo động. Hòa bình sâu xa hơn. Thành ra hòa bình thực sự chỉ xuất hiện khi có hòa bình nội tâm.”

Thời đại của chúng ta đang đi vào một giai đoạn mà sự bùng nổ nhiều khi chỉ trong gang tấc. Đây là giai đoạn như trước Thế chiến thứ nhất khi một phát súng ám sát đã gây nên chiến tranh. Đây là giai đoạn trước Thế chiến thứ hai khi mà càng nhượng bộ cho kẻ xâm lăng thì sẽ làm cho cuộc chiến càng gần kề hơn. Nhưng ngoài cái chiều hướng chính trị và tình hình thế giới, thời đại của chúng ta, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra, là thời đại mà con người thù ghét con người.

Người ta thù ghét Hồi Giáo vì hiện nay đang có một số kẻ lợi dụng Hồi giáo để tìm cách trả thù cho những mối hận từ nhiều đời nay. Họ là những nhà trí thức Hồi Giáo vẫn còn cảm thấy sự nhục nhã khi Tây phương xâm chiếm những đế quốc văn minh của họ rồi chia phần nhau để tha hồ khai thác. Đến khi không còn giữ được nữa, họ chia những vùng đất đó thành nhiều tiểu quốc với những vấn đề có sẵn. Ở Iraq, ở Saudi Arabia, ở Jordan, và trên khắp vùng Trung Đông, những quốc gia được dựng lên với thiểu số cai trị đa số, gây sẵn một mầm mống của bất mãn và bạo động.

Cũng như người Trung Hoa ngày nay cương quyết giành lấy Biển Đông chỉ vì mối hận là đã bị Âu châu xâm chiếm, bắt nhượng đất đai, mấy trăm năm sau mới hồi phục lại được.

Cũng như người Anh tức tối với Âu châu vì nhớ đến thời hoàng kim khi Đế Quốc Anh là một đế quốc không bao giờ mặt trời lặn trải khắp toàn cầu, hay ngược lại chỉ muốn được là một nước Anh nhỏ, không thèm chơi với ai khác.

Ngay chính từng người trong chúng ta cũng đầy hận thù và kỳ thị. Tôi đã từng nghe một số người trong cộng đồng thản nhiên gọi Tổng Thống Obama là “thằng nhọ nồi!” Tôi cũng đã từng nghe những người khác nói đến “con mụ Hillary.”

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tìm được “hòa bình nội tâm” như Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu.

Và muốn đạt được điều đó, trước hết chúng ta phải học tử tế với nhau. Thành ra câu chuyện của bà nội một anh chàng tên là Ben John là một bài học cho chúng ta. Google đã cảm ơn bà cụ 86 tuổi người Anh vì cụ chứng tỏ là cung cách đối xử lịch sự vẫn có một chỗ đứng trong thế giới điện tử khi cụ đánh máy “please” và “thank you” vào một cuộc tìm kiếm trên internet. Cậu cháu nội Ben của cụ bà May Ashworth đã bật cười khi thấy bà nội mình đánh hàng chữ “Làm ơn dịch hộ tôi những chữ số La mã này MCMXCVIII. Cảm ơn.” Cậu Ben, điển hình cho thế hệ của mình, đã đưa nó lên chia sẻ với bạn bè. Theo Ben, bà nội tin là đằng sau Google search là nhiều nhiều người trả lời cho cụ nên cụ thấy phải tử tế với họ. Và ngay cả đến ông khổng lồ internet Google cũng đã phản ứng “Bà nội Ben thân mến. Hy vọng cụ khỏe. Trong một thế giới có nhiều tỷ sự tìm kiếm, search của cụ đem lại cho chúng tôi nụ cười. Ồ, và chữ đó là 1998. Thank you” Và ngay sau khi Google UK gửi thông điệp đó, Google ở tổng hành dinh bên Hoa Kỳ viết “ Dear Grandma, Đâu cần cảm ơn.” Rồi một khuôn mặt emoji cười toe toét. Và hàng chữ lễ phép “Sincerely, Google.”

Chỉ một chút tử tế thôi là đủ. 

---------------------------

Người Việt
Saturday, June 18, 2016 11:46:13 AM 

*
VOA Tiếng Việt
18.06.2016

*
VOA Tiếng Việt
19.06.2016





No comments:

Post a Comment

View My Stats