Tuesday, 14 June 2016

CALIFORNIA BẦU CHỌN, TỪ QUẬN CAM ĐẾN THUNG LŨNG HOA VÀNG (Bùi Văn Phú)





14.06.2016

Kỳ bầu sơ bộ hôm thứ Ba 7/6 vừa qua ở California sôi nổi hẳn lên và đã được dư luận chú ý nhiều hơn so với những lần trước.

Những ngày trước bầu cử, hai ứng viên dân chủ là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders đã chạy như thoi đưa, đến nhiều nơi ở California vận động vì chưa ai đạt đủ con số 2383 đại biểu để được đảng tiến cử ra tranh chức tổng thống vào tháng 11.

Trước đây, có đến hơn hai chục năm qua, các kỳ bầu sơ bộ ở California ít được toàn quốc chú ý và giới quan sát chính trị bình luận nhiều vì khi đến lượt cử tri California bầu chọn thì hai chính đảng cộng hòa và dân chủ đã có ứng viên đạt quá bán số đại biểu, vì thế con số đại biểu của California tuy đông nhưng cũng sẽ không làm thay đổi được gì.

  1. Bầu chọn ứng viên tổng thống

Năm nay khác. Một tháng trước khi California có bầu sơ bộ thì Đảng Cộng hòa đã biết Donald Trump sẽ được tiến cử là ứng viên tổng thống vào tháng 11 vì đã đạt trên 1237 đại biểu đảng.

Tuy nhiên Trump vẫn đến California vận động. Trong buổi gặp gỡ cử tri ở San Jose đã có bạo động giữa những người ủng hộ và phản đối ông. Một lần khác khi Trump vận động ở Quận Cam cũng đã xảy ra bạo động.

Cựu Tổng thống Bill Clinton vận động cho vợ ở Richmond, California (ảnh Bùi Văn Phú)

Bên Đảng Dân chủ, một tuần trước khi California tổ chức bầu sơ bộ, hai ứng viên Hillary Clinton và Bernie Sanders chưa ai đạt đến con số 2383. Clinton hơn Sanders chừng 300 phiếu, nhưng thiếu vài chục phiếu để đạt tới số cần có. Với số 475 đại biểu dân chủ ở California, hai ứng viên đã dồn nỗ lực đi vận động ở tiểu bang này.

Hillary Clinton đã đến San Francisco, Vallejo, Oakland, Palo Alto. Một ngày trước bầu cử, cựu Tổng thống Bill Clinton đến Hayward, Oakland, Antioch, Richmond để vận động cho vợ. Bernie Sanders đến Oakland, San Jose, San Francisco, Vallejo, Emeryville, Berkeley, Pinole tiếp xúc với cử tri, kêu gọi tham gia bầu cử và bầu chọn ông.

Dân chúng vùng Vịnh San Francisco, đa số theo đảng dân chủ, đã đón tiếp các ứng viên dân chủ đến vận động ở nhiều nơi như trong những ngày qua cũng vì các thăm dò cho thấy Clinton và Sanders được cử tri ủng hộ ngang nhau.


Riêng với cộng đồng người Việt, tại Quận Cam đến nay chưa có sinh hoạt nào để đón tiếp ứng viên cộng hòa Donald Trump. Trong khi Hillary Clinton đã có buổi tiếp xúc với cử tri gốc Việt tại Rose Center ở Westminster là thủ phủ của người Việt. Trên báo Việt ngữ trong vùng cũng có quảng cáo vận động cử tri ủng hộ Bernie Sanders.

Ở Thung lũng Hoa vàng, Nghị viên Tâm Nguyễn đã có dịp gặp ứng viên Bernie Sanders khi ông có buổi tiếp xúc với cử tri vùng San Jose. Tám năm trước trong cộng đồng người Việt ở đây đã có những vận động cho Hillary Clinton, năm nay chưa thấy có hoạt động nào.

Đêm bầu cử 7/6, kết quả đầu tiên từ tiểu bang New Jersey với chiến thắng về tay Hillary Clinton coi như xác nhận bà sẽ là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Sang đến California, trong số 7 ứng viên dân chủ, Clinton cũng thắng với 56% của tổng cộng 3 triệu 500 nghìn phiếu và được 269 đại biểu, còn Sanders được 43% và 206 đại biểu.

Bên Đảng Cộng hòa với 5 ứng viên, Donald Trump được 75% số phiếu trong tổng số 1 triệu 600 nghìn phiếu bầu của cử tri cộng hòa.

Đến giờ mặc dù còn có những bất đồng nội bộ, những ứng viên thua cuộc của hai đảng vẫn cố giữ số phiếu đại biểu của mình để có tiếng nói trong cương lĩnh đảng tương lai, khi Đảng Cộng hòa họp đại hội ở Cleveland và Đảng Dân chủ ở Philadelphia vào tháng tới.

Mỗi đảng đều kêu gọi tinh thần đoàn kết nội bộ để có thể đánh bại đối thủ trong kỳ tổng tuyển cử vào tháng 11.

Ứng viên tổng thống Bernie Sanders vận động tranh cử ở San Jose, California (ảnh Bùi Văn Phú)

Phía Đảng Dân chủ, Hillary Clinton được coi như bản sao chính sách của Tổng thống Barack Obama và bà cũng đã chính thức được Obama ủng hộ sau khi có kết quả từ California. Còn Sanders vẫn chưa hoàn toàn bỏ cuộc vì muốn nước Mỹ nghiêng về cánh tả hơn nữa, với bảo hiểm y tế cho mọi người, giáo dục miễn phí và nhà cửa giá phải chăng. Chủ trương đó đã được nhiều người tán thành bằng những lá phiếu ông đã nhận được. Ứng viên Hillary Clinton có nghiêng theo chủ trương của Sanders hay không và đến mức nào sẽ là đề tài thương lượng của ban vận động hai bên, trước khi Sanders chính thức ủng hộ Clinton.

Còn nội bộ Đảng Cộng hòa khó đoàn kết được. Trước hết là vì những phát biểu gây sốc của Donald Trump dành cho đối thủ và những lãnh đạo của đảng trong những tháng qua. Thứ nhì là vì Trump chưa bao giờ tham gia chính trường nên ít người biết và hiểu rõ được những chủ trương và chính sách của ông.

Nhưng tâm lý cử tri Mỹ thật khó đoán lúc này. Nhiều người đã chán ngán với việc hai đảng phá bĩnh, kèn cựa nhau ở quốc hội khiến cho nhiều chính sách bị ngâm tôm và Tổng thống Barack Obama vì không có sự đồng thuận của quốc hội, do Đảng Cộng hòa nắm đa số, đã phải ký nhiều quyết định hành pháp.

Vì thế tổng tuyển cử năm nay là một cuộc bầu chọn gay go, không chỉ cho chức tổng thống mà còn cả bầu chọn quốc hội và sẽ ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm một thẩm phán tối cao pháp viện thay thế cho chánh án Antonin Scalia mới qua đời.

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, tỉ phú bất động sản Donald Trump là một hiện tượng. Một năm trước, khi Trump loan báo ra tranh cử giới quan sát chính trị cho đó chỉ là cách tạo tên tuổi, cũng như trước đây Trump đã từng chạy đua vào Bạch Ốc nhưng đã bị loại ngay từ những vòng đầu.

Năm nay khác hẳn. Dù Trump phát biểu văng mạng, chẳng sợ dị nghị, mất lòng ai, chẳng sợ gây sốc với di dân, tôn giáo, ký giả hay với chánh án cũng như với đối thủ của mình. Trump không thích ai là thẳng thừng chỉ trích mạnh mẽ bằng những lời nói có khi như hàng tôm hàng cá.

Thế nhưng Trump đã đánh bại 16 ứng viên khác, là những người đầy kinh nghiệm chính trường gồm thống đốc và thượng nghị sĩ, để trở thành ứng viên sáng giá nhất được cử tri cộng hòa bầu chọn.

Nét phác hoạ chính trong chính sách của Trump là giao thương quân bình với các nước, đưa hãng xưởng trở lại Mỹ để giúp dân có việc làm tốt, mạnh về quốc phòng để chống lại những nhóm khủng bố, những quốc gia thù nghịch, xây tường biên giới với Mexico để chặn làn sóng nhập cư lậu, không ủng hộ Hiệp định Thương mại TPP, bãi bỏ chính sách bảo hiểm y tế Obamacare, cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, bãi bỏ chính sách giáo dục Common Core.

Bên Dân chủ tuy không sôi nổi như Cộng hòa, nhưng ứng viên Hillay Clinton ngay từ khi tuyên bố ra tranh cử, tưởng như con đường được tiến cử sẽ êm xuôi và dễ dàng, nhưng không ngờ đối thủ Bernie Sanders thu hút nhiều cử tri trẻ khiến bà phải vất vả cho đến những kỳ bầu sơ bộ cuối cùng trong mấy ngày qua. Sự ủng hộ dành cho Sanders cũng đã khiến bà phải đặt lại vấn đề chính sách trong một số lãnh vực chủ yếu như xét lại Hiệp định thương mại TPP, mở rộng thêm chính sách bảo hiểm y tế Obamacare, giúp sinh viên bớt gánh nặng học phí đại học, tăng lương tối thiểu.

Nước Mỹ sẽ có đổi chiều, đi vào con đường phiêu lưu với một ứng viên Donald Trump chưa bao giờ tham gia chính quyền, hay sẽ làm nên lịch sử với một nữ tổng thống đầu tiên là Hillary Clinton? Cử tri Mỹ sẽ quyết định vào ngày 8/11 tới đây.

  1. Các ứng viên gốc Việt

Trong kỳ bầu sơ bộ vừa qua, tại Quận Cam cũng như trên vùng Thung lũng Hoa vàng mỗi nơi có 6 ứng viên gốc Việt ra tranh cử.

Quận Cam có Bảo Nguyễn, đương kim thị trưởng Garden Grove và là người công khai nhận mình là đồng tính, tranh chức dân biểu liên bang Đơn vị 46 và về thứ ba trong số bảy ứng viên nên không được vào vòng hai.

Trong kỳ tổng tuyển cử vào tháng 11 tới cũng là lúc bầu lại chức thị trưởng và Bảo Nguyễn sẽ gặp chống đối từ khối cử tri gốc Việt liên quan đến quyết định của ông khi không lên tiếng phản đối thành phố Riverside kết nghĩa với Cần Thơ hồi đầu năm ngoái.

Andrew Đỗ tái tranh cử vào Hội đồng Giám sát, Địa hạt 1. Cũng ra tranh chức này có Phát Bùi, đương kim nghị viên Garden Grove, và hai ứng viên khác. Kết quả Andrew Đỗ về nhất với 21704 phiếu, đạt 36%, nên sẽ vào vòng hai với ứng viên về nhì là Michele Martinez, nghị viên thành phố Santa Ana, được 21298 phiếu, tức 35.3%.

Nam Phạm ứng cử dân biểu tiểu bang Đơn vị 72 về thứ ba nên không được vào vòng hai.
Cheri Phạm tái tranh chức chánh án Đơn vị 41 và không có đối thủ nên đương nhiên thắng cử.

Thụy D. Phạm tranh chức chánh án Đơn vị 40 và không thành công.

Vùng Thung lũng Hoa vàng có cựu phó thị trưởng San Jose Madison Nguyễn tranh chức dân biểu tiểu bang Đơn vị 27 và về nhất với 23034 phiếu, tức 35.07%. Bà sẽ vào vòng hai với Nghị viên San Jose Ash Kalra, được 12941 phiếu, tức 19.7%. Trong cuộc chạy đua này có tất cả 7 ứng viên, trong đó có hai ứng viên gốc Việt khác là Vân Lê, về thứ ba, và Đỗ Thành Công, về thứ năm.

Tranh cử vào Hội đồng Thành phố San Jose có Nghị viên Nguyễn Mạnh của Đơn vị 4 tái tranh cử. Đối thủ của ông cũng là một người Việt, luật sư Diệp Thế Lân, mà lần tranh cử trước chỉ thua có 13 phiếu nên không được vào vòng hai. Kết quả mới nhất với Nghị viên Nguyễn Mạnh chỉ hơn 17 phiếu trong số 14369 phiếu đã đếm nên đây cũng lại là cuộc bầu chọn gay go như lần trước.

Tại Khu vực 8 có luật sư Jimmy Nguyễn tranh chức nghị viên và về nhất với 4192 phiếu, tức 23.66%, nên sẽ vào vòng hai với một ứng viên gốc Mỹ Latinh là ủy viên giáo dục Sylvia Arenas, được 4096 phiếu, tức 23.12%.

Nếu Jimmy Nguyễn thắng cử vào tháng 11 thì Hội đồng Thành phố San Jose sẽ có 3 người gốc Việt trong số 10 nghị viên.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, cuộc tranh cử ở Quận Cam giữa hai ứng viên Andrew Đỗ và Phát Bùi đã được truyền thông chính mạch chú ý vì những đấu đá lẫn nhau một cách quyết liệt. Điều này cho thấy trong cộng đồng Việt, cũng như các cộng đồng sắc dân khác, luôn có nhiều phe nhóm nên dĩ nhiên có chống đối lẫn nhau, đưa ra công luận những khuyết điểm của nhau để cử tri biết mà quyết định chọn lựa.

Tuy nhiên có một phát biểu của Nghị viên Phát Bùi là đáng ghi nhớ nhất. Theo báo Người Việt, tối ngày 7/6 trong khi cùng với khoảng 100 đồng hương theo dõi kết quả bầu cử, ứng viên Phát Bùi đã phát biểu như sau: “Tôi rất hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng vì sự ủng hộ của quý vị. Đây là một cuộc tranh cử đầy cam go. Cuộc tranh cử của chúng ta là chính nghĩa, còn bên kia là bất nghĩa.”

Trong tiến trình tranh cử ở Mỹ, ai thắng cũng đều phải phục vụ dân chứ không có chuyện ai “chính nghĩa” hay ai “bất nghĩa”.

(Kết quả bầu cử ghi nhận trong bài tính đến 5 giờ chiều ngày 9/6. Tại Quận Cam, hầu hết phiếu đã được đếm. Tại vùng San Jose, 82% phiếu đã được đếm)

---------------------------
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats