Tuesday, 21 June 2016

BÀN VỀ THẢM HỌA SUY SỤP MÔI TRƯỜNG TẠI TRUNG CỘNG (Nguyễn Trọng Dân)





Nguyễn Trọng Dân
Đàn Chim Việt  -  03:05:pm 20/06/16

Vào tháng Mười Hai năm 2015, hãng thông tấn Reuter đã loan báo ngân hàng phát triển Á Châu – Asian Development Bank, gọi tắt là ADB đã phải cho Trung Cộng mượn một khoản nợ 300 triệu Mỹ kim để quốc gia này có thêm chi phí cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Trung Cộng lúc nào cũng khoe khoang có cả ngàn tỷ Mỹ kim tiền mặt thặng dư mà phải đi mượn nợ vỏn vẹn có 300 triệu làm kinh phí cho các hoạt động khắc phục môi trường cho xứ sở của mình khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Trên thực tế, thảm họa suy sụp môi trường tại Trung Cộng nặng nề đến mức đã vượt ra khỏi ngoài khả năng khắc phục của Cộng đảng cầm quyền và đã đến lúc Bắc Kinh cần cộng động thế giới ra tay trợ giúp.

Thảm họa môi trường thật sự bấy lâu đã luôn đè nặng lên nên kinh tế Trung Cộng. Vào năm 2010, Bắc Kinh đã phải thừa nhận suy sụp môi trường làm quốc gia này tổn thất gần 227 tỷ Mỹ kim, tức là khoảng 3.5 % tổng giá trị sản phẩm quốc dân GDP của đất nước này; một con số mà giới chuyên gia cho rằng chỉ có tính tượng trưng. Thực tế, sự tổn thất về kinh tế do thảm họa môi trường gây ra tại xứ sở này ước tính cao hơn rất nhiều. Những gì Cộng Sản loan báo thì đâu ai tin cũng là một chuyện đương nhiên chẳng có gì làm lạ.

Bắc Kinh cũng thừa nhận buộc phải chi ra 275 tỷ Mỹ kim để làm kinh phí chống đỡ tình trạng ô nhiễm không khí cũng như 333 tỷ Mỹ kim kinh phí cho khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong tài khóa 5 năm 2014-2018. Bắc Kinh buộc phải chi ra số tiền khổng lồ như thế để chống đỡ thảm họa môi trường cho thấy hai điều quan trọng:

Một là thảm họa môi trường tại Trung Cộng trầm trọng đến mức không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà bắt đầu đe dọa đến an ninh chính trị của Cộng đảng cầm quyền. Đơn giản là vì tính mạng và sức khỏe của cả tỷ dân Trung Quốc đang bị đe dọa trực tiếp ngày một rõ hơn bởi sự suy sụp môi trướng- nhất là ô nhiễm nguồn nước và không khí. Điều này khiến cả xã hội Trung Hoa nổi giận và trút hết mọi sự bực tức lên Cộng đảng cầm quyền. Đây là điều mà Bắc Kinh muốn tránh né. Hơn thế nữa, tình trạng ô nhiễm không khí tại trên dưới 367 thành phố nặng nề đến mức không ai có thể thở nỗi khiến cả xã hội gần như tê liệt. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng tại quốc gia này cũng tác động đến xã hội tương tự như ô nhiễm không khí- tức là buộc người dân lâm vào cảnh sống bế tắt bệnh tật hoảng sợ do phải dùng nguồn nước đã bị nhiễm độc. Bắc Kinh hết đường lựa chọn mà buộc phải có tỏ thái độ đang hành động gấp rút để giải quyết tình hình nhằm giảm bớt phẩn nộ đang ngày một làn tràn khắp xã hôi Trung Cộng.

Bị đe dọa đến đường cùng về tính mạng trước tình trạng nước và không khí bị nhiễm độc nặng nề khiến cả người dân Trung Hoa không còn sợ họng súng của Cộng đảng cầm quyền nữa. Chết vì đạn bắn từ họng súng đàn áp của Cộng đảng cầm quyền vẫn êm ái nhẹ nhàng hơn là không thể thở được và chết quặn quại khi bị ngộ độc nước uống.

Nổi loạn đã bộc phát mạnh mẽ khắp nơi tại Trung Quốc vì bực tức phẩn nộ trước tình trạng an sinh xã hội môi trường suy sụp ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Quảng Đông vào tháng giữa tháng Mười năm 2015 chẳng hạn, hàng ngàn người lao ra đường chọi thẳng với lực lượng công an của Cộng đảng bất chấp sự hoảng sợ hay ám ảnh vụ tàn sát Thiên An môn vốn có bấy lâu trong lòng hay trong suy nghĩ người dân Trung Quốc. Cuộc bạo loạn vì môi trường này thật sự làm rúng động giới cầm quyền từ trung ương đến địa phương.

Sau sự cố Thiên An Môn, người dân Trung Quốc gần như không dám biểu tình nữa vì sợ bị xử bắn không cần tòa án. Trước thảm họa suy sụp môi trường đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng, nổi sợ hãi đó trong lòng của người dân bấy lâu đã không còn nữa. Những người biểu tình đã không còn đứng ngoài đường phố mà tràn thẳng vào trụ sở chính quyền tại thành phố Thanh Viễn tại Quảng Đông bất chấp Công An đàn áp bằng mọi hình thức kể cả dùng lựu đạn cay, để phản đối dự án xây khu vực thải rác ô nhiễm tại đây. Hàng trăm người tham gia bạo loạn đã bị thuơng chưa tính thuơng vong phía bên lực lượng công an của Cộng đảng được huy động để đàn áp.

Đương nhiên các cuộc bạo loạn không dừng lại tại tỉnh Quảng Đông khi sự phẩn nộ trước tình trạng môi trường suy sụp lan tràn khắp mọi ngã ngách xã hội Trung Quốc. Riêng tại thành phố Thuợng Hải, được coi là New York của Trung Cộng, hàng trăm ngàn người đã tràn ra khắp mọi ngã đường phản đối dự án xây thêm nhà máy hóa chất tại thành phố này vào cuối tháng Sáu năm ngoái. Khí thải ô nhiễm từ các nhà máy ở thành phố Thuợng Hải đã làm cho không khí ở nơi này không còn có thể thở nổi được nữa. Cả thành phố bực tức nỗi loạn vì bế tắt không lối thoát trước vấn nạn ô nhiễm không khí thở đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

Tại Côn Minh, giới chức cầm quyền hết sức lo lắng khi người dân bắt đầu sử dụng các trang mạng để kêu gọi bạo loạn chống lại chính phủ trước tình trạng môi trường bị suy sụp do khí thải công nghiệp. Lần đầu tiên, người dân Trung Quốc dám cả gan chạm trán công khai với viên chức chính phủ tại nơi này, cũng như hình thành tự lập các nhóm vận động bảo vệ môi trường bất chấp đe dọa của các viên chức tại đại phương.

Cộng đảng tại Trung Hoa duy trì quyền lực của mình bấy lâu nay dựa trên sự sợ hãi để rồi buộc người dân phục tùng. Nay bực tức dâng cao trước sự sống ngày càng bị bế tắt đe dọa bởi suy sụp môi trường khiến sự sợ hãi sẵn có bấy lâu này tan biến hoàn toàn thì rõ ràng suy sụp môi trường đang đe dọa trực tiếp đến nền tảng tồn tại chính trị của Cộng đảng. Sự đe dọa này khác với những kiểu cách đe dọa chính trị khác vì Cộng đảng không thể dùng họng súng để dẹp bỏ mà buộc phải chấp nhận cải cách toàn diện cách thức quản trị an sinh xã hội và môi trường, vốn bị coi rẽ bấy lâu.

Cái khó cho Bắc Kinh là, suy sụp môi trường cần thời gian cả thập kỷ để phục hồi trong khi đời sống của người dân đang bị đe dọa nặng nề bởi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nước uống và không khí thở, khiến bực tức phẩn nộ của người dân cứ tăng lên mỗi ngày. Liệu Bắc Kinh có né kịp cơn thịnh nộ bộc phát ngày mỗi mạnh, mỗi nhanh này của cả xã hội hay không vẫn còn là nghi vấn cho giới phân tích gia hiện nay. Hầu hết, ai ai cũng bi quan. Các cuộc bạo loạn chống chính phủ vì bực tức trước tình trạng môi trường suy sụp ngày càng mạnh mẽ lan rông hơn với cả trăm ngàn người tham dự và kéo dài nhiều ngày như cuộc biểu tình ở Thuợng Hải vào năm ngoái chẳng hạn chứ không ít ỏi vài trăm người như trước đó. Con số các cuộc bạo loạn vì môi trường cũng gia tăng mạnh dù Bắc Kinh che giấu và kiểm soát chặt chẽ thông tin. Riêng năm 2013, có khoảng trên 700 vụ bạo loạn được giới truyền thông quốc tế ghi nhận- một con số kỷ lục so với những năm trước đó.
Điều thứ hai mà mọi người có thể nhìn thấy ngay thông qua ngân sách khổng lồ cho tài khóa 2014-2018 với 275 tỷ Mỹ kim để làm kinh phí chống đỡ tình trạng ô nhiễm không khí cũng như 333 tỷ Mỹ kim kinh phí cho khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, là tình trạng môi trường suy sụp tại Trung Cộng không còn ở mức báo động mà ở mức suy sụp quá trầm trọng gần như khó có thể cứu vãn được liền ngay. Nói một cách ngắn gọn, phục hồi môi trường tại Trung Cộng đòi hỏi một ngân sách lớn hơn ngân sách hiện tại rất nhiều.
 Không phải vô cớ mà Bắc Kinh cần mượn thêm nợ từ ngân hàng ADB như đề cập ở trên để hà hơi tiếp sức vì bị đuối về tài chánh khi cưu mang nổ lực cải thiện môi trường. Bắc Kinh thật sự đang bị đuối về tài chánh khi phải dồn toàn bộ tài lực của mình để vãn hồi khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế nên tổn phí lớn lao dành cho khắc phục môi trường lại càng đè nặng lên ngân sách.

Hầu hết giới khoa học điều thừa nhận kinh phí để vãn hồi môi trường của Bắc Kinh không cân xứng với tình hình thực tế suy sụp môi trường tệ hại trầm trọng của đất nước này. Một thí dụ cụ thể là theo thừa nhận của thị trưởng Bắc Kinh Wang Anshun vào năm 2013, kinh phí cần chỉ để vãn hồi làm sạch dòng sông cung cấp nước ngọt cho 23 triệu cư dân thành phố Thuợng Hải không thôi, dòng sông mà vốn đang bị ô nhiễm nặng nề với gần hơn 16 ngàn xác con heo chết trôi trên dòng sông này do bị nhiễm siêu vi khuẩn (hay còn gọi là virus) Porcine circovirus (PCV), cũng đã phải cần đến 16 tỷ Mỹ kim là ít nhất. Đó chỉ là chi phí nạo vét và làm sạch lòng sông chứ chưa tính đến chi phí phục hồi môi trường sống của các sinh vật trong lòng dòng sông này. Nếu thế thì kinh phí để cứu vãn suy sụp môi trường nghiêm trọng đang xảy ra khắp mọi nơi ở một quốc gia quá rộng lớn như Trung Cộng kéo dài đến 5 năm (2014-2018) đâu thể nào gói gọn chỉ có 605 tỷ Mỹ kim, trong đó cải thiện tình trạng nước sạch chỉ vỏn vẹn có 333 tỷ! Điều này cho thấy rỏ ngân sách cải thiện môi trường mà Bắc Kinh đưa ra chỉ là để chữa cháy tạm thời về mặt dư luận trước tình trạng phẩn nộ của cả xã hội dâng lên quá cao; cũng như ngăn cản tạm bợ được chừng nào hay chừng nấy nguy cơ nền an sinh xã hội bị tê liệt do ô nhiễm môi trường quá nghiêm trọng- nhất là ô nhiễm nước uống và khí thở.

Hành động chữa cháy này của Bắc Kinh khiến giới phân tích gia vô cùng lo lẳng vì rõ ràng, điều này phơi bày một sự thật quá phủ phàng là những thặng dư kinh tế mà Trung Cộng đạt được trong suốt 30 năm qua đã không thể nào đủ sức bù đắp nổi những tổn thất về môi trường mà Trung Cộng đang gánh chịu.

Ngân sách mà Bắc Kinh đưa ra cho cãi thiện môi trường không làm cho tình hình suy sụp môi trường của xứ sở Cộng Sản này giảm đi mà ngược lại, môi trường sống của cả xã hội Trung Cộng vẫn đang trên đà suy sụp nghiêm trọng nhanh chóng do phát triển bừa bãi nền công nghiệp rẽ tiền gây nhiều ô nhiễm vì muốn giảm chi phí sản suất tối đa để thu lợi về nhiều hơn. Các đại công ty đầu tàu quốc doanh chạy theo lợi nhuận bấy lâu bất chấp an nguy về môi trường an sinh xã hội thì nay vẫn không thể sửa đổi quan niệm kinh doanh này. Bắc Kinh lại thiếu một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật để giám sát các vấn đề về môi trường tại các nhà máy xí nghiệp. Đào tạo đội ngũ này đòi hỏi thời gian cả thập kỷ và rất tốn kém- điều mà ngân sách eo hẹp về môi trường của Bắc Kinh khó có thể chu toàn. Khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Trung Cộng lại càng làm cho nổ lực phục hồi môi trường bị khó khăn chậm chạp.

Thế nhưng khổ một nổi Bắc Kinh lại không thể chậm chạp trong việc vãn hồi mội trường để ổn định an sinh xã hội và an ninh chính trị. Nước và không khí mà bị ô nhiễm không thể thở, không thể uống thì còn đáng sợ hơn viên đạn từ họng súng. Người dân Trung Quốc đang bực tức và Cộng đảng cầm quyền biết rõ điều đó. Thặng dư 30 năm về kinh tế của Trung Cộng rốt cuộc rồi không đủ sức để chi trả cho kinh phí phục hồi môi trường thì sự thặng dư kinh tế này chỉ là bánh vẽ.

Thành ngữ tiếng Anh “the true is in the air and in water” – tạm dịch là “sự thật phơi bày ngay trong không khí và nước uống” đang ngày càng phổ biến lan rộng trong xã hội Trung Cộng. Không có một chế độ Cộng Sản nào có thể tiếp tục tồn tại trên quyền lực khi buộc phải đối diện với sự thật mà không thể tuyên truyền láo lếu để lấp liếm che đậy. Dĩ nhiên, Trung Cộng cũng không thể thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã này, vốn đang từ từ hiện ra ngày một rõ dần.

Nguyễn Trọng Dân
© Đàn Chim Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats