Monday, 13 June 2016

BA LAN : HƠN 100 NGƯỜI VIỆT BIỂU TÌNH TRƯỚC ĐẠI SỨ QUÁN CSVN (Đàn Chim Việt)





03:57:pm 12/06/16

Trong vòng chưa đấy 1 tháng đây là lần thứ 3 biểu tình diễn ra trước đại sứ quán Việt Nam tại Warsaw. Hơn 100 người đã kéo tới đây để bày tỏ sự bất bình của mình trước việc đại sứ quán không chấp thuận kiến nghị của họ. Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ lớn nhỏ, loa đài, dụng cụ để vẽ mặt và một số đồ ăn thức uống cho trẻ nhỏ.


Buồn vui với hơn 1000 chữ ký
Trước đó, trong khoảng một thời gian ngắn, cộng đồng người Việt đã thu thập được hơn một ngàn chữ ký vào một kiến nghị chung liên quan tới môi trường biển Việt Nam. Bản kiến nghị được dự định gửi tới các ông bà Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân. Để tránh việc ‘khiếu nại vượt cấp’ nhóm chủ trương quyết định sẽ trao nó cho Đại sứ quán Việt Nam để chuyển về trong nước.


Bản kiến nghị đã liệt kê thực trạng ô nhiễm môi trường biển dẫn tới cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh miền trung Việt Nam và đưa ra yêu cầu gồm có 7 điểm:

1.Tích cực, nghiêm túc, nhanh chóng điều tra nguyên nhân gây chết cá hàng loạt với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học của các cơ quan chức năng và sự trợ giúp của các nhà khoa học, các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế.
2. Giám sát chặt chẽ việc xả thải và thực hiện qui chế an toàn môi trường của các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy luyện kim, phù hợp với luật Bảo vệ môi trường. Việc giám sát nên được thực hiện độc lập. Khi phát hiện sai phạm, cần xử lý kiên quyết và nghiêm khắc.
3. Minh bạch thông tin về quá trình điều tra nguyên nhân thảm họa cũng như việc giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường.
4. Cập nhật thường xuyên các chỉ số ô nhiễm nước biển.
5. Thi hành sát sao mọi biện pháp hỗ trợ và bồi thường thiệt hại cho người dân là nạn nhân của thảm họa.
6. Có các biện pháp cụ thể để phục hồi môi trường biển.
7. Đảm bảo quyền của người dân được lên tiếng vì môi trường, không cấm đoán, trấn áp những cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động, thuận theo điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Ghi nhận trong quá trình thu thập chữ ký cho thấy, đa số đều nhiệt thành ủng hộ. Có gia đình vợ ký, chồng ký, rồi gọi con ra ký. Vừa gọi vừa phân bua: “Con em đủ 18 tuổi rồi, cho cháu nó ký với”. Có doanh nghiệp, chủ ký xong, liền gọi các nhân viên ra cùng ký. Có người nói “Gì chứ, chuyện môi trường thì 10 tay tôi cũng ký”….
Trong khoảng thời gian chóng vánh vài ngày, loanh quanh ở mấy khu trung tâm buôn bán, nhóm chủ trương đã thu thập đủ 1000 chữ ký như mục tiêu đặt ra ban đầu, dù còn nhiều khu vực ở ngay Warsaw và nhất là các tỉnh xa, nhóm tình nguyện chưa có thời gian và điều kiện đặt chân tới. Nếu chiến dịch kéo dài hơn và được quảng bá rộng hơn, số chữ ký có thể lên tới vài ngàn. Đây là con số đáng kể so với một cộng đồng không lớn và điều đáng nói đó là lần đầu tiên có một hoạt động tập thể như vậy.
Rất nhiều những câu chuyện nho nhỏ dễ thương được các bạn tình nguyện viên kể lại, vui có, buồn có.

Khập khễnh giữa ý đảng với lòng dân
Nhưng niềm vui với hơn 1000 chữ ký ‘ngắn chẳng tày gang’. Sau nhiều lần qua các ‘kênh’ khác nhau, nhóm kiến nghị đề nghị đại sứ quán cử người tiếp nhận, nhưng những cuộc ‘đàm phán’ này bất thành.
Lúc thì sứ quán yêu cầu phải loại thành phần ‘nhạy cảm’ ra khỏi danh sách những người sẽ tới trao kiến nghị, lúc lại yêu cầu phải có mặt các đại diện cộng đồng. Nhưng các đại diện cộng đồng đều lần lượt bằng đủ mọi lý do thoái thác. Mặc dù mang tiếng là ‘đại diện’ nhưng họ hầu như không bao giờ dám không đứng cùng phe với sứ quán và bao giờ cũng phải nghe ngóng các tín hiệu từ trong nước.

Góc vẽ của các cháu nhỏ

Nhưng điều khiến nhóm xin kiến nghị bất bình hơn cả là đại sứ quán muốn họ thay đổi lại bản kiến nghị đã được hơn 1000 người đặt bút ký.
Đó là điều không thể. Vì bản kiến nghị đã được công bố công khai trên trang facebook cộng đồng nhiều ngày trước khi những chữ ký đầu tiên được thu thập.
Trong quá trình xin chữ ký, các tình nguyện viên đều đem theo bản kiến nghị để bà con đọc, thắc mắc, hỏi han và trong nhiều trường hợp phải giải thích rõ ràng trước khi  đặt bút ký. Vậy nên, việc sửa chữa bất kỳ chi tiết nào trong bản kiến nghị đều là sự phản bội lại những người đã tham gia ký kết.


Mặc dù biết rằng, bản kiến nghị không được tiếp nhận, nhưng ngày hôm nay, ngay trước cửa đại sứ quán, một số biểu tình viên – những người chưa có cơ hội ký tên trước đó – vẫn tiếp tục ghi danh vào bản kiến nghị.

“Hẹn gặp lại nhé”
Sau 2 tiếng hò hét khản cổ với những câu như “chúng tôi yêu biển”, “biển sạch, chính quyền minh bạch”, “chúng tôi chọn cá”, “thờ ơ là có tội với lịch sử”, “trả lại biển sạch cho dân, “đại sứ quán Việt Nam hèn nhát”, “không nhận kiến nghị của bà con là hèn nhát”, “đại sứ quán ăn hại”, “đề nghị đại sứ quán kéo rèm ra”, “đề nghị đại sứ quán ra tiếp bà con”, những người biểu tình ra về trong trật tự. Một số dặn dò nhau, cất áo, cất khẩu trang đi lần sau còn … dùng tiếp.


“Do zobaczenia” – hẹn gặp lại – cũng là lời chào của nhóm cảnh sát đứng trông nom cuộc biểu tình ngày hôm nay. Trong suốt sự kiện, họ luôn tỏ vẻ thân thiện, không ít lần mỉm cười. Và có lẽ họ quá mãn nguyện khi thi hành nhiệm vụ với những người biểu tình hết sức ôn hòa và ‘biết điều’ này. Những người tham dự đứng ở đúng khu vực mà họ đăng ký, không tràn qua bên đường, không đập phá hay gân hấn như thường thấy trong một số cuộc biểu tình quá kích ở Ba Lan. Điều đặc biệt, trước khi ra về, những người biểu tình dọn sạch sẽ, không còn một cọng rác.
Có thể còn lần sau chứ, tại sao không? Như một bạn nào đó vừa nhắc nhở, lần này chỉ bàn chuyện môi trường thôi, còn chuyện lạm thu, chuyện nhũng nhiễu người dân thì để lần khác, cho nó rõ ràng, minh bạch.

Ảnh của Nguyễn Hải Lan
 Ghi nhanh từ Warsaw
© Đàn Chim Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats