Wednesday, 23 December 2015

Washington Post viết về đội bóng No-U FC (RFA | Dân Luận)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-12-23

Đội bóng No-U FC.   Photo: facebook nguyen tuong thuy

Ngày 20 tháng 12 năm 2015, tờ Washington Post đăng bài phỏng vấn đội bóng No-U FC tại Hà Nội với các câu hỏi về lý do hình thành và mục tiêu của đội bóng đặc biệt này. No-U FC là hình thức của một tổ chức xã hội dân sự tập trung những người cùng chính kiến hoạt động công khai, bất bạo động với mục tiêu rõ ràng là chống lại đường chín đoạn cũng như các hành động lấn chiếm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.

Mặc Lâm tìm hiểu thêm chi tiết qua lời kể của anh Nguyễn Chí Tuyến, người trả lời cuộc phỏng vấn với ký giả Simon Denyer của tờ Washington Post.

Trước tiên anh Tuyến cho biết:
Người phóng viên phỏng vấn chúng tôi là Simon Denyer, ông ấy là trưởng văn phòng của báo Washington Post tại Bắc Kinh. Ông ấy trực tiếp gặp chúng tôi và hỏi chuyện, phỏng vấn chúng tôi về đội bóng No-U và những hoạt động của các hội nhóm xã hội dân sự và những quan điểm, ý kiến của người dân Việt Nam đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Mặc Lâm: Anh có ngạc nhiên và hỏi ông ấy xem tại sao tờ báo lại biết tới hoạt động của đội bóng No-U FC không?
Nguyễn Chí Tuyến: Tôi cũng có hỏi sơ qua nhưng ông không trả lời rõ việc tại sao ông nghe tên của đội bóng chúng tôi. Ông nói là báo Washington Post cũng làm một loạt bài không chỉ về Việt Nam mà tất cả các nước chung quanh. Ông ấy kể một số nước như Kazakhstan, Lào, Việt Nam, Miến Điện là những nước có chung đường biên giới với Trung Quốc và có quan hệ với họ. Việt Nam là nước đầu tiên ông ta thực hiện chuyến đi làm loạt bài này. Còn lý do tại sao họ biết No-U FC thì ông không nói rõ với chúng tôi và tôi cũng thấy không nên hỏi ông kỹ quá về chuyện đấy.
Tôi đoán là ông ấy biết vì có bài báo trước đây người ta có viết về No-U FC vì đội bóng có liên quan đến chuyện những người lên tiếng phản đối hoặc những người xuống đường biểu tình. Gần nhất là việc phản đối ông Tập Cận Bình. Cũng có thể qua các bài báo khác có liên quan nhưng tôi không rõ tại sao cho tới khi họ liên hệ và muốn gặp mặt chúng tôi tại Hà Nội.

Mặc Lâm: Trong khi trao đổi thì Washington Post có tìm hiểu về mục tiêu mà đội bóng đang theo đuổi cũng như lý do mà cái tên No-U FC được sinh ra hay không?
Nguyễn Chí Tuyến: Dạ có, họ có hỏi chúng tôi về cái tên của đội bóng cũng như việc hình thành và hoạt động ra sao. Chúng tôi đã trả lời về bối cảnh thành lập đội bóng và những thành viên đầu tiên là những người từng quen biết và cùng xuống đường chống Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.
Sau đó dần dần chúng tôi trở nên quen biết nhau. Tháng Tám 2011 nhà cầm quyền ra văn bản không dấu, không số, không người ký không cho phép chúng tôi biểu tình. Mỗi người có đi đâu thì rất nhiều người trong lực lượng công an người ta đi theo để ngăn cấm, cản phá chuyện gặp mặt của mọi người cho nên chúng tôi kể lại chuyện đội bóng xuất phát từ bối cảnh đấy.
Đội bóng vừa mang tính hợp pháp và phải công khai để mọi người có lý do gặp nhau. Mặc dù không làm gì, không đi biểu tình nhưng cũng gặp nhau để biết vì trước đấy không ai biết ai cả. Chúng tôi cũng có nói bối cảnh ấy cho ông ấy biết mà đề cập tới trong bài báo.

Mặc Lâm: Từ năm 2011 tới nay các hoạt động chống Trung Quốc của đội bóng vẫn tiếp tục không biết chính quyền có cản trở hay sách nhiễu anh em trong đội nữa hay không?
Nguyễn Chí Tuyến: Từ năm 2011 tới nay cũng có lúc căng lúc giãn, lúc căng lúc chùng. Họ cũng cho chúng tôi biết người ta đang theo dõi giám sát đội bóng nhưng tùy theo thời điểm hay liên quan đến một vấn đề nào đó thì họ sẽ gia tăng chuyện cản phá, đàn áp. Gần nhất là hôm 30 tháng 10 vừa rồi chúng tôi kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập đội bóng. Chúng tôi dự định đá trên sân bóng và tổ chức bữa tiệc trong nhà hàng thì họ đã ra lệnh cho nhà hàng và sân bóng không cho chúng tôi thực hiện việc đó. Thế nhưng sau đó mấy hôm, đúng ngày 30 thì chúng tôi vẫn tổ chức cuộc gặp mặt thì họ đến đập phá cái nhà hàng cho chúng tôi thuê. Họ cho người vào đập phá và bao vây rất đông. Gần đây vẫn tiến hành các  sinh hoạt của đội bóng còn sắp tới không biết sẽ như thế nào. Chúng tôi thì việc ai nấy làm dùng sinh hoạt thể thao để gặp mặt mọi người.

Mặc Lâm: Và những điều anh vừa nói có được các anh trình bày cho phóng viên Washington Post?
Nguyễn Chí Tuyến: Chúng tôi cũng nói một chút cho ông ấy biết là chúng tôi bị sách nhiễu và nói ví dụ gần nhất về ngày 30 tháng 10 vừa rồi. Chúng tôi cũng cho ông ấy biết chúng tôi bị cản phá liên tục.

Mặc Lâm: Được một tờ báo có uy tín toàn cầu chú ý và viết bài, tâm trạng của riêng anh và toàn đội bóng như thế nào? Cảm thấy được khuyến khích, hỗ trợ trên công luận hay cũng chỉ bình thường như các lần phỏng vấn khác?
Nguyễn Chí Tuyến: Bọn tôi rất vui bởi vì có mặt trên quốc tế nhất là những tờ báo mà trước đây như Reuters và bây giờ là Washington Post. Chúng tôi biết họ là những tờ báo rất lớn và nổi tiếng thế giới. Được họ quan tâm thì đội bóng không chỉ đơn thuần mang tính thể thao mà nó còn góp phần làm những công việc của xã hội dân sự rất sơ khai và mới mẻ tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui vì được nhắc tới, nhất là các tờ báo lớn của quốc tế. Chúng tôi nói chung rất là vui vì anh em cùng trả lời trực tiếp, nói chuyện với phóng viên như vậy thì thấy là một niềm động viên, giúp chúng tôi đưa thông tin liên quan đến Việt Nam ra với thế giới để nhiều người hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

--------------------

DL lược dịch
21/12/2015

Ngày 20/12, tờ Washington Post vừa có bài viết giới thiệu Đội Bóng No U, được biết đến như là nơi tập trung của những người bất đồng chính kiến.

Theo thông tin từ tờ báo này, sau những cuộc biểu tình chống sự bành trướng thế lực của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình chịu sự đàn áp, sách nhiễu, thậm chí bắt bớ từ phía chính quyền. Không thể tụ tập ở những quán cà phê, vậy nên họ có một ý tưởng rất sáng tạo, đó là thành lập nên đội bóng No U FC.

No-U mang ý nghĩa phản kháng lại "đường chín đoạn" hình chữ U mà Trung Quốc áp đặt lên Biển Đông để khẳng định chủ quyền. Sau 4 năm thành lập, hiện nay, nhóm đã có hàng trăm thành viên trên khắp cả nước.

Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, những người bất đồng chính kiến lại cùng nhau đá bóng, cùng nhau nói về các vấn đề chính trị.

Từ đây, các tổ chức xã hội dân sự tuy nhỏ nhưng đã được dần hình thành, phát triển và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ quyền đất đai cho đến vận động thả các tù nhân chính trị và tôn giáo.

Ngoài ra, để tạo mối liên hệ và nhân rộng phong trào trong cộng đồng, họ bắt đầu làm các hoạt động từ thiện như xây trường học, góp phần vào chiến dịch phản đối chính quyền chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội. Tháng 11 vừa qua, No-U đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam.

Các thành viên No-U cho biết tất cả mọi việc đều có sự liên kết, Đảng Cộng Sản Việt Nam không bảo vệ lợi ích của đất nước trên Biển Đông vì ĐCS VN phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc để củng cố quyền lực của mình.

"Những người lên tiếng chống lại Trung Quốc không chỉ riêng vấn về Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là dân chủ -. Dân chủ đa đảng, tự do và một xã hội bình đẳng hơn"

Chính vì vậy mà chính quyền Việt Nam luôn đàn áp, sách nhiễu phong trào này. Ông Nguyễn Chí Tuyến đã bị an ninh thường phục đánh đổ máu khi tham gia phong trào phản đối chặt cây xanh tại Hà Nội.

Vào kỷ niệm sinh nhật lần thứ 4 của No-U, tất cả đèn trong nhà hàng bỗng nhiên tắt vụt, một nhóm thanh niên bất ngờ xông vao đập phá đồ đac, bàn ghế nhằm đe dọa các thành viên No-U.






No comments:

Post a Comment

View My Stats