Ls Nguyễn Văn Thân
22/12/2015
Trong
tháng 8 năm 2014, Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (Centre for Naval
Analyses) đã xuất bản một tập sách dài 132 trang của Raul Pedrozo, một vị giáo
sư luật quốc tế tại Naval War College. Mục đích của tập sách này là cung cấp những
luận cứ pháp lý của cả hai bên Trung Quốc lẫn Việt Nam về chủ quyền tại Biển
Đông cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhiều
lần bày tỏ lập trường là Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ
quyền nhưng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và
theo luật quốc tế.
Dựa trên những bằng chứng lịch sử và luận
cứ mà hai bên nêu ra, Gs Pedrozo kết luận rằng yêu sách chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có cơ
sở vững chắc hơn Trung Quốc.
Có
thể tóm lược phần kết luận của Giáo Sư Pedrozo như sau: từ thế kỷ 18, Việt
Nam đã rõ ràng biểu hiện ý chí thực hiện chủ quyền bằng cách thành lập các công
ty và biệt đội dưới sự bảo trợ của nhà nước khai thác tài nguyên tại các quần đảo
này. Ý chí này được thể hiện qua sự sáp nhập vào lãnh thổ và qua hình thức biểu
tượng thụ đắc chủ quyền trong thế kỷ 19 và được củng cố bởi các hành động chiếm
hữu hòa bình, quản trị hữu hiệu và liên tục của các vua nhà Nguyễn cho tới thời
kỳ đô hộ Pháp. Sau đó, Pháp đã thay thế Việt Nam quản lý những hòn đảo này và
đưa quân chiếm đóng trong thập niên 1930 cho tới khi Pháp rời Đông Dương vào
năm 1956. Sau khi Pháp rút quân, Việt Nam Cộng Hòa kế thừa và sau đó là Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tiếp tục hành xử chủ quyền ngay cả sau khi Trung
Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp một phần các hòn đảo này trong năm 1956 và toàn
vẹn Hoàng Sa từ năm 1974.
Trong
khi đó, Trung Quốc chỉ bắt đầu để ý tới Hoàng Sa vào năm 1909, 2 thế kỷ sau khi
Việt Nam đã thực hiện chủ quyền trên quần đảo này. Sự chiếm đóng của Trung Quốc
vào năm 1956 và chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974 rõ ràng vi phạm Điều 2(4) của
Hiến Chương Liên Hiệp Quốc 1945 và do đó Trung Quốc không thể xác lập chủ quyền
hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa.
Với
Trường Sa, Pháp sáp nhập quần đảo này được xem là lãnh thổ vô chủ trong thập
niên 1930. Vào thời điểm này, chiếm đóng bằng vũ lực còn là một phương thức hợp
pháp vì Hiến Chương Liên Hiệp Quốc chưa ra đời. Anh Quốc kiểm soát một vài hòn
đảo tại Trường Sa trong thập niên 1880 quyết định từ bỏ yêu sách chủ quyền sau
khi Pháp sáp nhập và chiếm đóng. Do đó, chủ quyền Trường Sa của Pháp hoàn toàn hợp lệ theo luật
quốc tế. Pháp chuyển nhượng chủ quyền sang Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên
1950.
Tới năm 1956 thì
Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng Đảo Ba Bình bất hợp pháp. Trung Quốc cũng chiếm
đóng một vài đảo bất hợp pháp từ năm 1988. Những sự chiếm đóng này vi phạm Điều
2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và do đó không thể xác lập chủ quyền cho
Đài Loan hoặc Trung Quốc. Trung Quốc không xác lập chủ quyền chỉ vì Trung Quốc đã
liên tục phản đối chủ quyền của Việt Nam được Pháp chuyển nhượng theo luật quốc
tế.
Bài phân tích của Gs Pedrozo có tầm quan trọng đặc biệt vì tính
độc lập, khách quan, tổng hợp có hệ thống và tiêu chuẩn hàn lâm của nó. Gs Pedroza đã xem xét
các công trình nghiên cứu của các học giả gồm có Ts Marwyn Samuel, Ts Greg
Austin và Gs Monique Chemillier-Gendreau. Ts Marwyn Samuel là một học giả người
Mỹ và là tác giả của quyển Tranh chấp ở Biển Đông (Contest in
the South China Sea) xuất bản năm 1982 mà trong đó ông kết luận yêu sách chủ
quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa mạnh hơn của Việt Nam nhưng với Trường Sa thì
lại đáng ngờ. Ts Greg Austin là giáo sư tại Viện Đông Tây (EastWest Institute) ở
New York xuất bản cuốn Biên giới đại dương của Trung Quốc (China's
Ocean Frontier) năm 1998. Như Ts Samuel, Ts Austin cho rằng yêu sách chủ quyền
của Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam tại Hoàng Sa nhưng nhiều lắm chỉ bằng với những
quốc gia khác đối với Trường Sa.
Bài
phân tích của Gs Pedrozo chia sẻ quan điểm của Gs Monique Chemillier-Gendreau,
tác giả của quyển Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa xuất bản
năm 2000. Bà là giáo sư danh dự của Đại học Paris Diderot về lãnh vực công pháp
quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là người dân Việt Nam có
nắm vững những bằng chứng lịch sử và luận cứ pháp lý liên quan tới chủ quyền của
Hoàng sa và Trường Sa hay không? Nếu không thì làm sao có thể bảo vệ chủ quyền
của hai quần đảo này một cách hiệu quả? Quan trọng hơn, nhà cầm quyền Việt Nam
đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ pháp lý để tiến hành kiện Trung Quốc ra tòa án quốc
tế đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hay chưa? Bằng không thì tới khi nào
sự hiện diện và kiểm soát Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Trung Quốc sẽ
trở thành một sự thật không thể thay đổi được mà thế giới phải chấp nhận như
chuyện đã rồi?
Các
hình thức thụ đắc lãnh thổ
Có
năm hình thức một quốc gia có thể thụ đắc lãnh thổ đó là khai hoang
(accretion), chuyển nhượng (cession), chinh phục (conquest), tập quán
(prescription) và chiếm hữu (occupation). Khai
hoang xảy ra khi lãnh thổ được nới rộng qua tiến trình địa lý ví dụ như
đảo mới hình thành vào cuối năm 2013 do phun trào núi lửa dưới đáy biển gần
chuỗi đảo Ogasawara của Nhật Bản đã lớn nhanh gấp 70 lần trong bốn tháng. Chuyển nhượng là khi một quốc gia kế thừa
lãnh thổ được chuyển lại từ một quốc gia có chủ quyền hợp pháp qua một hiệp ước.
Quốc gia thu nhận không thể nhận hơn được những gì quốc gia chuyển nhượng có. Chinh phục là sự xâm chiếm lãnh thổ bằng
vũ lực. Trong lịch sử thì phương pháp này được công nhận nhưng trở thành bất hợp
pháp kể từ tháng 10 năm 1945 khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Tập quán là khi một quốc gia chiếm
đóng lãnh thổ của quốc gia khác và hành xử chủ quyền đối với lãnh thổ đó một
cách công khai, hòa bình và liên tục qua một khoảng thời gian dài được xem như
là không thay đổi được. Chiếm hữu là
khi quốc gia chiếm đóng lãnh thổ vô chủ (terra nullius). Khám phá không chưa đủ
mà phải thật sự chiếm đóng như phán quyết của tòa xác nhận trong vụ kiện Island
of Palmas Case (Netherlands/USA) 1928. Chiếm hữu phải hội đủ hai yếu tố gồm có
ý chí chiếm hữu và hành động chiếm hữu thật sự bao gồm các hình thức quản lý và
cai trị như Tòa thẩm định trong vụ kiện Clipperton Island Arbitration (Mexico v
France) 1931.
Mức
độ quản trị có thể khác biệt tùy theo yếu tố địa lý và thiên nhiên. Luật quốc tế
ghi nhận trong một vài trường hợp đặc biệt, quốc gia không nhất thiết phải hành
xử chủ quyền tại bất cứ nơi nào và ở mọi thời điểm. Có lúc có thể có một sự
gián đoạn nào đó đặc biệt là với lãnh thổ xa xôi có môi trường khắc nghiệt.
Luận
cứ chủ quyền của Việt Nam
Việt
Nam lập luận rằng là Việt Nam đã chiếm hữu và liên tục thực thi chủ quyền tại
Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Việt Nam đưa ra các nguồn tài liệu chính thức
của nhà nước Đại Nam gồm có Đại Nam thực lục tiền biên (1600 -
1775), Toàn tập Thiên Nam thống chí lộ đồ thư (1680 -
1705), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính
biên (1848), Đại Nam nhất thống chí (1865 -
1882), Lịch triều hiến chương ngoại chí (1821), Hoàng
Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo luợc (1876),
nhiều bản tấu trình, dụ của các vua và hàng loạt bản đồ trong thế kỷ 17, 18 và
19.
Bằng
chứng chủ quyền lịch sử của Việt Nam được giới Tây phương xác nhận. Quyển Ghi
chú địa lý Nam Kỳ (Note on the Georgraphy of Cochinchina) của nhà truyền
giáo Pháp Monseigneur Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1837 miêu tả Hoàng Sa như
Bãi Cát Vàng và là một bộ phận của Nam Kỳ. Quyển sách thứ hai của tác giả mang
tựa đề Lịch sử và khái niệm tôn giáo, phong tục và đạo lý của mọi người"
(History and Description of the Religion, Customs and Morals of All Peoples) xuất
bản năm 1838 ghi nhận Hoàng Sa đã trực thuộc Nam Kỳ trong suốt 34 năm trước đó.
Jean-Baptiste
Chaigneau (1769-1832) là một người lính hải quân Pháp đóng một vai trò quan trọng
trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 19. Ông theo Linh Mục Pigneau de Behaine phò
Nguyễn Phúc Ánh giành lấy ngai vàng. Ông lấy tên Việt là Nguyễn Văn Thắng và
làm quan trong triều đại nhà Nguyễn từ 1794 tới 1826, lấy vợ Việt là bà Hồ Thị
Huệ và có một đứa con trai tên Nguyễn Văn Đức. Trong quyển hồi ký Memoires
sur la Cochinchina, ông ghi lại là Hoàng Đế Gia Long đã chính thức sáp nhập
Hoàng Sa vào năm 1816. Nhà truyền giáo Đức Karl Gutzlaff, tác giả của bài viết
mang tựaGeography of the Cochinchinese Empire xuất bản năm 1849 xác
nhận Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và trong đó có đoạn "Từ
ngàn xưa, có nhiều người từ Hải Nam thường xuyên ghé thăm hàng năm rồi sau đó
đi xuống tới Borneo. Chính quyền An Nam nhận thấy cần phải thu lệ phí và cho một
đơn vị đồn trú thu tiền những người thăm viếng cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt".
Ngoài
ra, luận cứ của Việt Nam cũng được một số tác giả Tây phương khác chứng thực
như Nhà thám hiểm Pháp Adophe Philibet Dubois de Jancigny, Aldrino Balbi (Ý)
tác giả cuốn The Italian Compendium of Georgraphy xuất bản năm
1850 và Khâm Sứ Pháp Le Fol trong lá thư ngày 22/1/1929 gửi Toàn quyền Pháp có
ghi rõ là Hoàng đế Gia Long đã chính thức chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816.
Phát
triển kinh tế
Tài
liệu sớm nhất mà Việt Nam đưa ra là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của
Đỗ Bá viết vào thế kỷ 17. Đỗ Bá ghi lại Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai
thác quần đảo từ thế kỷ 17. Mỗi năm vào cuối tháng mùa Đông, Chúa Nguyễn cho một
hạm đội gồm 18 thuyền đi ra đảo để thu thập vàng bạc, tiền tệ và súng đạn. Từ cửa
Đại Chiêm ra tới đảo mất một ngày rưỡi nhưng nếu đi từ Sa Kỳ thì chỉ mất nửa
ngày. Theo Sử gia Võ Long Tê, tuy sách của Đỗ Bá được viết vào năm 1686 nhưng
có trích dẫn từ quyển Bản Đồ Hồng Đức. Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh
Tông (1460-1497). Có nghĩa là Việt Nam đã bắt đầu hành xử chủ quyền từ thế kỷ
15.
Một
tài liệu quan trọng khác là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết
năm 1776. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) sinh tại làng Diên Hà, tỉnh Thái Bình. Ông dự
thi Hương và đỗ đầu giải nguyên lúc 17 tuổi. Ông làm quan thời nhà Lê và cũng
là tác giả và biên tập của hàng chục quyển sách. Trong Phủ biên tạp lục,
ông viết là "Chúa Nguyễn đã lập ra Đội Hoàng Sa gồm có 70 người. Hàng
năm họ thay phiên nhau ra đảo khởi hành từ đầu tháng Giêng. Mỗi người được cấp
6 tháng lương khô. Họ tự do bắt chim, rùa và cá để ăn. Họ tìm thấy nhiều vật
quý từ những chiếc tàu bị chìm như kiếm đồng, ngựa đồng, bạc, nhẫn và đồng bạc...
Họ trở về trong tháng 8 và ghé Phú Xuân (Huế) để trao lại những vật quý cho vào
kho. Sau đó họ được cấp chứng chỉ, thù lao và cho về nhà".
Thành
viên của Đội Hoàng Sa được miễn thuế và nhận tiền thưởng. Nhưng người nào trốn
tránh trách nhiệm thì cũng bị trừng phạt nặng nề.
Tới
đầu thế kỷ 18 thì các chuyến hải hành của Đội Hoàng Sa bị giảm từ 6 xuống 2
tháng. Lý do là thu nhập ngày càng ít.
Sau
đó, triều đại Tây Sơn (1778 - 1802) tiếp tục các chuyến hải hành tới Hoàng Sa.
Tây Sơn Thượng Tướng Công ra lệnh cho Chỉ huy Đội Hoàng Sa Hồi Đức Hầu dẫn 4
chiếc tàu đi ra Hoàng Sa để thu thập vàng, đồng, súng, rùa biển và những thứ
quý giá khác mang về kinh thành. Những chuyến đi này cũng được nhắc tới trong
quyển Hành trình tới Nam Kỳ của John Barrow (Anh) xuất bản năm 1806
ghi lại chuyến đi của Bá tước George Macartney tiếp kiến triều đình nhà Thanh.
Sự
khai thác kinh tế một cách có hệ thống tiếp tục khi Bộ Kinh tế cấp bằng khai
thác phosphate cho Lê Văn Cang vào năm 1956 tại các đảo Quang Anh, Hoàng Sa và
Hữu Nhật cho tới năm 1964. Từ 1957 tới 1962, hơn 24.000 tấn phosphate được lấy
từ các đảo này và chuyển đi cho một công ty ở Singapore (Yew Huatt). Tháng 7,
1973, Việt Nam cấp giấy phép cho một công ty Nhật khai thác phosphate tại Hoàng
Sa nhưng không thi hành được vì bị Trung Quốc tấn công và chiếm hết quần đảo
Hoàng Sa vào năm 1974.
Quản
trị hữu hiệu (effective administration)
Việt
Nam từng bước chiếm hữu và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia
Long đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và hải quân triều đình ra khảo sát, đo thủy lộ,
cắm cờ và tiến hành nghi thức thượng kỳ trên đảo chính thức chiếm hữu. Bản đồ đầu
tiên của nhà Nguyễn xuất bản năm 1830 bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh
thổ Việt Nam. Ba năm sau tức 1833, vua Minh Mạng ra lệnh trồng cây và cột trên
đảo để giúp thuyền buôn tránh bị mắc cạn. Năm 1834, vua sai Trương Phúc Sĩ dẫn
29 thủy thủ ra đảo để vẽ bản đồ. Năm 1835, vua hạ chỉ cho Đô Đốc Phạm Văn
Nguyên đặt bia đá và xây chùa trên đảo. Năm 1836, vua ra lệnh cho Phạm Hữu Nhật
đóng 10 cọc chủ quyền trên quần đảo với hàng chữ "Vua y lời tâu, phái
suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái
bia gỗ, đến nơi đó dụng làm dấu ghi". Mặt bài khắc những chữ "Minh
Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật
vâng mệnh đi Hoàng Sa trong nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ".
Sau
đó, thông tin thu thập được dùng để vẽ bản đồ chi tiết năm 1838 ghi rõ Hoàng Sa
và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng trợ cứu chiếc
tàu Gootebrok của Hòa Lan bị chìm gần Hoàng Sa năm 1634 và 3 chiếc tàu Hoà Lan
khác trên đuờng từ Nhật đến Batavia vào năm 1714. Một chiếc tàu buôn của Pháp
vào năm 1830 và tàu buôn Anh năm 1836 được chính quyền địa phương tại Đà Nẵng
và Bình Định giúp đỡ cung cấp thức ăn và chỗ ở khi tàu của họ bị đắm.
Thời
kỳ đô hộ
Pháp
tấn công Việt Nam vào năm 1858. Hải quân Pháp chiếm Đà Nẵng và Gia Định (Sài
gòn) vào năm 1858 và 1859. Hai năm sau, Việt Nam nhượng luôn ba tỉnh Biên Hoà,
Gia Định và Định Tường cho Pháp cùng với đảo Côn Sơn theo Hòa ước Nhâm Tuất
(1862). Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Pháp năm 1864. Một thập niên sau, Pháp tấn
công Hà Nội và triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi (1883) biến toàn bộ Việt Nam
trở thành thuộc địa của Pháp.
Là
nước bảo hộ, Pháp thừa kế mọi chủ quyền của Việt Nam. Tới 1920, nhân viên hải
quan Pháp thường xuyên thanh tra Hoàng Sa để ngăn chận nạn buôn lậu vũ khí và bạch
phiến. Công tác này tiếp tục trong thập niên 1930. Năm 1929, phái đoàn Pierre
de Rouville đề nghị xây cất bốn hải đăng trên đảo Tri Tôn, đảo Linh Côn, đá Bắc
và đá Bông Bay. Năm 1930, chính quyền Pháp ở Đông Dương cử phái đoàn đến treo cờ
ở Hoàng Sa. Trung Quốc lên tiếng phản đối và Pháp đề nghị đưa vấn đề ra tòa án
quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối. Năm 1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre
Pasquier sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên, Huế. Năm 1937, Pháp đưa người
ra đảo nghiên cứu việc xây cất trạm kiểm soát hàng hải và không lưu và cất hải
đăng trên đảo Hoàng Sa (Pattle Island), một trong những đảo lớn ở quần đảo
Hoàng Sa. Năm 1939, Toàn quyền Joseph Jules Brevie chia quần đảo Hoàng Sa thành
hai nhóm: nhóm An Vĩnh (Amphramite) ở phía đông bắc và nhóm Lưỡi Liềm
(Crescent) ở phía tây nam. Ngoài ra, Pháp và Việt Nam đóng quân cảnh sát thường
trực trên đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Lưỡi Liềm và đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc
nhóm An Vĩnh. Quân Pháp và Việt Nam đóng quân tại Hoàng Sa tới 1946 nhưng có
lúc bị gián đoạn vì bị quân Nhật chiếm đóng. Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp và
Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đồng ý là Pháp sẽ thay thế quân Tưởng thi
hành nhiệm vụ giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra (bao gồm cả Hoàng Sa lẫn
Trường Sa) trước ngày 31/3/1946. Quân Pháp trở lại Hoàng Sa trong tháng 6,
1946. Nhưng cuộc chiến với Việt Minh buộc quân Pháp rời Hoàng Sa trong tháng 9
năm đó.
Khi
biết được quân của Tưởng Giới Thạch vẫn chưa rời Hoàng Sa sau khi giải giới
quân Nhật, Pháp chính thức ra thông báo ngoại giao phản đối vào ngày 13/1/1947.
Tàu chiến Le Tonkinois cũng được điều đến đảo Phú Lâm nhưng khi thấy quân số ít
hơn, quân Pháp - Việt rút quân về đảo Hoàng Sa sửa chữa lại trạm khí tượng và
biến nó thành trạm điện tín quốc tế 48860 vào năm 1947. Một lần nữa, Pháp đề
nghị đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối. Lúc đó, Pháp
cũng nghĩ tới việc đơn phương kiện Trung Quốc nhưng đình lại vì cho rằng kết quả
sẽ tốt hơn khi Việt Nam có một thực thể pháp lý thống nhất. Năm 1953, Pháp đưa
tàu do thám Ingenieur en chef Girod vào Hoàng Sa để khảo sát khí tượng, địa lý,
địa chất và môi trường sinh thái.
Cùng
lúc với các hành động củng cố chủ quyền tại Hoàng Sa, Pháp cũng đưa tàu De
Lanessan tới khảo sát ở Trường Sa vào năm 1927. Năm 1930, tàu La Malicieuse đến
Trường Sa và làm lễ thượng kỳ Pháp. Đây là hành động chiếm hữu và hành xử chủ
quyền đầu tiên tại Trường Sa. Vào ngày 23/9/1930, Pháp gửi điện tín cho các cường
quốc thông báo là Pháp đã chiếm hữu Trường Sa vô chủ.
Trong
tháng 11, 1928, một công ty phosphate mới ở Bắc Kỳ xin phép khai thác phosphate
ở Trường Sa. Sau đó, Pháp gửi các tàu Alerte, Astrobale và De Lanessan tới và
thực sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa trong tháng 4 năm 1933. Một trụ sở hành
chánh được xây cất trên đảo Ba Bình trong tháng 12 và Toàn quyền Pasquier ký
Nghị Định 4762-CP ngày 21/12/1933 sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cho
xây một đài phát thanh và trạm khí tượng mang mã số quốc tế 48919 trên đảo Thị
Tứ vào năm 1938 và quản lý các phương tiện này cho tới năm 1941 khi quân Nhật đổ
quân lên chiếm đóng. Pháp cũng có nhiều công trình khảo sát khoa học hữu ích điển
hình là Báo cáo thứ 22 của Viện Khí tượng Đông Dương năm 1934. Sau Đệ Nhị Thế
Chiến, Pháp đưa tàu chiến Chevreud trở lại Trường Sa trong tháng 10 năm 1946 và
dựng bia đá chủ quyền trên đảo Ba Bình. Khi biết quân Tưởng vẫn còn trụ lại
trên đảo Ba Bình, Pháp đã gửi công hàm phản đối. Quân Tưởng rút lui nhưng lén
lút trở lại chiếm đảo Ba Bình từ ngày 8/6/1956.
Việt
Nam dần dần giành lại độc lập sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vào ngày 11/3/1945, vua Bảo
Đại tuyên bố độc lập nhưng thoái vị năm tháng sau đó vào ngày 19/8/1945, nhường
quyền lãnh đạo cho Việt Minh lúc đó kiểm soát Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày
2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Ba Đình và thành lập Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Trong tháng 3, 1946, Pháp ký Hiệp ước sơ bộ với
Hồ Chí Minh và đồng ý VNDCCH là một quốc gia độc lập trong Liên Bang Đông Dương
và Khối Liên Hiệp Pháp. Vào ngày 8/3/1949, Pháp ký Hiệp ước Elysée với Quốc trưởng
Bảo Đại công nhận Việt Nam là một nước độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp.
Vào
ngày 14/10/1950, Pháp chính thức giao trả Hoàng Sa cho Việt Nam. Lễ bàn giao do
Tướng Phan Văn Giáo chủ trì. Tại Hội Nghị San Francisco trong tháng 5, 1951, Thủ
tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu (chính quyền Bảo Đại) xác nhận chủ quyền
Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam trước đại diện 51 quốc gia mà không có ai
lên tiếng phản đối.
Quân
đội VNCH nhận lãnh trách nhiệm phòng thủ Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng 8,
1956. Hải quân VNCH đổ quân lên các đảo Hoàng Sa trong tháng 4 và Hữu Nhật
(Robert Island) trong tháng 7, 1956. Cũng trong năm đó thì Bộ Khai thác, Kỹ thuật
và Tiểu công tiến hành khảo sát các đảo Hoàng Sa, Quang Ánh, Hữu Nhật và Duy Mộng
(Drummond Island). Thủy quân lục chiến nhận nhiệm vụ phòng thủ đối với các đảo
này tới 1959 khi trách nhiệm này được chuyển sang cho Quân Khu tỉnh Quảng Nam.
Vào tháng 2, 1959, quân đội VNCH đuổi 80 ngư dân Trung Quốc cư ngụ bất hợp pháp
trên đảo Quang Hòa (Duncan island) và chiếm đóng đảo này.
Năm
1960, Việt Nam bổ nhiệm Nguyễn Bá Thước làm chỉ huy dân sự đầu tiên đến quản lý
Hoàng Sa. Sang năm 1961, quản lý hành chánh Hoàng Sa được chuyển từ Thừa Thiên
lại cho Quảng Nam và nâng lên cấp xã. Trong tháng 5, 1971, VNCH tiến hành khảo
sát đảo Tri Tôn nhưng Trung Quốc tiếp tục cho quân gây hấn buộc VNCH ra tuyên bố
chính thức xác nhận chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Vào ngày 21/1/1974, Trung
Quốc đưa hải quân xâm chiếm Hoàng Sa và đẩy quân VNCH ra khỏi nhóm Lưỡi Liềm và
chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa từ thời điểm đó.
Tương
tự như ở Hoàng Sa, Việt Nam tiếp nối chủ quyền của Pháp tại Trường Sa và sáp nhập
vào tỉnh Phước Tuy trong tháng 10, 1956. Từ 1961 tới 1963, hải quân VNCH từ các
chiếc tàu Vạn Kiếp và Vân Đồn tiến hành đóng cọc chủ quyền tại các đảo Thị Tứ,
Loại Ta, An Bang, Trường Sa, Song Tử Đông và Song Tử Tây. Sau 30/4/1975, bộ đội
Bắc Việt tiếp thu quyền kiểm soát các đảo này từ hải quân VNCH. Trong tháng 3,
1976, CHXHCNVN sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Đồng Nai.
Luận
cứ của Việt Nam là Pháp Pháp đã chiếm hữu hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa trong thập niên 1930 và sau đó chuyển lại cho VNCH. Sau 1975, lãnh thổ của
VNCH chuyển lại cho CHXNCNVN. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền hợp pháp đối
với hai quần đảo này.
Luận
cứ chủ quyền của Trung Quốc
Trong
tháng 6, 2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phổ biến văn bản mang tên Vấn đề
Biển Nam Trung Hoa (The Issue of South China Sea) chính thức bày tỏ lập
trường của Trung Quốc. Tóm tắt là Trung Quốc đòi hết chủ quyền tại Hoàng Sa và
Trường Sa bao gồm lãnh hải chung quanh các đảo dựa trên một vài yếu tố gồm có bằng
chứng lịch sử, khai thác kinh tế, quản trị hữu hiệu và sự công nhận của cộng đồng
quốc tế.
Tài
liệu mà Trung Quốc đua ra cho là bằng chứng lịch sử gồm có một số tác phẩm nhưNam
Châu dị vật chí (Những vật lạ ở Phương Nam) của Vạn Chấn thời Tam Quốc
(220 - 280) viết dưới thời Hán Vũ Đế, Phù Nam truyện của Khang
Thái viết cùng thời, Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán
(25 - 220), Lĩnh ngoại Đại Pháp của Chu Khứ Phi và Chư Phiên
Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống (960 - 1279), Đảo di chí lược của
Vương Đại Uyên đời Nguyên (1271 - 1368), Đông Tây dương khảo của
Trương Nhiếp (1618), Vũ bị chí của Trịnh Hòa của Mao Nguyên
Nghi (1628), Hải Lục của Vương Bình Nam (1820), Hải quốc
độ chí của Ngụy Nguyên (1848) và Danh hoàn chí lượccủa
Bành Ôn Chương (1848). Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập luận rằng các tấm bản
đồ từ thời nhà Đường, Tống, Nguyên, Minh đã liệt kê Hoàng Sa và Trường Sa vào
lãnh thổ Trung Quốc. Học giả Trung Quốc kết luận rằng ngư dân Trung Quốc là những
người đầu tiên khám phá và đặt chân tới hai quần đảo này.
Khai
thác kinh tế
Theo
Bộ Ngoại giao, ngư dân Trung Quốc đã đánh cá tại Biển Đông từ thời nhà Tấn (265
- 420). Các chuyến hải hành được tổ chức từ thời nhà Minh (1368 - 1644). Ngư
dân Trung Quốc sử dụng hải đồ hướng dẫn hải trình từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và
Trường Sa. Các học giả Trung Quốc cho rằng ngư dân Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức
các chuyến đi đánh cá hàng năm tại Biển Đông từ khi Trung Quốc Cộng Hòa (Trung
Hoa Dân Quốc) ra đời năm 1912. Năm 1918, Okura Unosuke (Nhật) đã viết sách mang
tựa Những hòn đảo bão tố (Stormy Islands) diễn tả
cảnh ngư dân Trung Quốc sinh sống và trồng trọt trên đảo. Năm 1933, sử gia Ling
Chungshen viết bài nhắc đến sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc trên một số đảo
tại Trường Sa. Mặc dù Bộ Ngoại giao nhìn nhận là sự hiện diện này không được
chính quyền Trung Quốc bảo trợ nhưng các hoạt động đánh cá sau đó được nhà nước
hỗ trợ. Hơn nữa, ngư dân phải đóng thuế và lệ phí để được quyền khai thác tại
Trường Sa.
Năm
1910, triều đình nhà Thanh kêu gọi đấu thầu hợp đồng khai thác các đảo tại Biển
Đông và thông lệ này tiếp diễn dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 - 1949) nhưng
chỉ diễn ra tại Hoàng Sa. Năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch
Đông tiếp tục chính sách khai thác tại Biển Đông và phần lớn là tập trung tại
Hoàng Sa. Trung Quốc đã nhiều lần và liên tục phản đối mọi sự khai thác kinh tế
từ phía Việt Nam gồm có hợp đồng khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô vào
năm 1980, giữa Petro Vietnam và Conoco một công ty năng lượng của Mỹ vào năm
1996, giữa Petro Vietnam và ONGC của Ấn Độ vào năm 2011 và giữa một nhóm công
ty dầu khí Việt Nam và Gasprom của Nga. Tháng 5, 2014, Trung Quốc đưa giàn
khoan Hải Dương 981 trong vùng tranh chấp tại Hoàng Sa với sự hộ tống của nhiều
tàu nhà nước trong đó có 7 tàu chiến.
Trung
Quốc cũng đã sử dụng lực lượng hải quân ngăn cản ngư dân Việt Nam và Phi Luật
Tân đánh cá trong vùng biển tranh chấp. Tháng 5, 2011, tàu Trung Quốc ngăn cản
và cắt đứt dây cáp tàu Bình Minh của Việt Nam. Hai tuần sau đó, tàu Trung Quốc
cố ý đâm vào tàu Viking II. Tháng 11, 2012, tàu Trung Quốc cắt dây cáp của tàu
Bình Minh 02.
Quản
trị hữu hiệu
Trung
Quốc cho rằng họ đã kiểm soát và quản trị các đảo tại Biển Đông từ thế kỷ 13.
Ví dụ trong lịch sử thời nhà Nguyên đã có những câu chuyện tuần tra của lính hải
quân trên các quần đảo này. Học giả Trung Quốc cho rằng hải quân Trung Quốc đã
tuần tra Biển Đông từ thời nhà Hán (206 trước Công Nguyên - 220 sau Công
Nguyên). Năm 43, Mã Viện chinh phục Bắc Việt và cho hải quân thám hiểm Trường
Sa. Hải quân Trung Quốc tiếp tục tuần tra Biển Đông từ thời nhà Tấn, Tống,
Minh, Nguyên, Thanh và Cộng Hòa. Năm 1279, Hoàng Đế nhà Nguyên sai Guo Shoujing
đi khảo sát Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Năm 1292, một lực lượng viễn
chinh của quân Nguyên dẫn đầu bởi Shi Bi đưa tàu đi ngang Hoàng Sa và Trường
Sa. Dưới thời nhà Minh, hải quân Hải Nam chịu trách nhiệm tuần tra ở Biển Đông.
Bia mộ của Tướng Qian Shicai có khắc hàng chữ "Quảng Đông kề cận Biển
Đông và lãnh thổ ngoài biển đều thuộc nhà Minh. Tướng Qian dẫn hơn 10000 lính
và 50 tàu lớn tuần tra hàng chục ngàn đảo tại Biển Đông". Thời nhà
Minh, Trịnh Hòa chỉ huy 7 chuyến thám hiểm và khảo sát Ấn Độ Dương cũng như tất
cả các đảo lớn tại Biển Đông. Nhà Thanh (1644 - 1911) tiếp tục công tác tuần
tra này. Bản đồ nhà Thanh cho thấy lãnh thổ Trung Quốc bao gồm các đảo tại Biển
Đông.
Ngoài
những tác phẩm, sách vở và bản đồ, học giả Trung Quốc cũng dựa vào những phương
tiện khai thác, đánh cá, dự báo thời tiết, chứng chỉ cho phép khai thác để củng
cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Một số tài liệu cũng ghi chú ý định của
nhân viên hải quan dưới thời nhà Thanh xây cất hải đăng trên một số đảo tại Biển
Đông.
Sau
cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, chính quyền Quảng Đông đặt Hoàng Sa dưới quyền kiểm
soát của Hải Nam. Quyết định này được Chính quyền quân sự miền Nam xác nhận vào
năm 1921. Bộ Ngoại giao cho rằng Trung Quốc đã hành xử chủ quyền gồm có cung cấp
cờ cho ngư dân đánh cá tại Trường Sa, tổ chức các chuyến du hành và khảo sát và
cho phép in bản đồ ghi tên của các đảo tại Trường Sa.
Năm
1928, chính quyền Quảng Đông thành lập một đội quân tiến hành các công tác khảo
sát Hoàng Sa. Từ 1932 tới 1935, một Ủy Ban được thành lập duyệt xét các bản đồ
và cộng thêm 132 địa danh từ các đảo ở Biển Đông. Năm 1936, Trung Quốc cũng tiến
hành xây cất đài phát thanh và trạm khí tượng tại Hoàng Sa.
Sau
Đệ Nhị Thế Chiến, quân của Trung Hoa Dân Quốc tiến ra Hoàng Sa và Trường Sa để
thi hành các công tác xây cất các phương tiện trên đảo. Tới năm 1950, Trung Hoa
Dân Quốc (Đài Loan) rút hết quân ra khỏi Biển Đông sau khi quân cộng sản lên tới
Hải Nam. Nhưng cộng quân không tiến chiếm các đảo Ba Bình và Phú Lâm mà Đài
Loan bỏ lại. Đài Loan quay lại chiếm đóng đảo Ba Bình từ 1956. Trung Quốc cũng
tiến chiếm đảo Phú Lâm trong thời điểm đó.
Phản
đối liên tục
Trung
Quốc cho rằng sự phản đối liên tục mọi yêu sách chủ nguyền của nước khác là bằng
chứng hành xử chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trường hợp đầu tiên là sự kiện liên quan tới một tàu khảo sát của Đức vào năm
1883. Sau khi triều đình nhà Thanh lên tiếng phản đối, Đức ngưng hoạt động khảo
sát trong khu vực. Khi Pháp chiếm hữu Hoàng Sa trong thập niên 1930, Trung Quốc
chính thức gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Pháp vào ngày 27/7/1932. Hai
tháng sau, Trung Quốc gửi thư đề ngày 29/9/1932 cho Pháp trong đó có đoạn
"chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông đã cấp giấy phép khai thác
Hoàng Sa cho công dân Trung Quốc và nghi ngờ về sự hiện diện của người Việt tại
đây từ năm 1816 và 1835. Chính quyền Trung Quốc yêu cầu Pháp cung cấp bằng chứng
về các bia đá và chùa do Việt Nam xây cất". Một công hàm khác lập luận
rằng Việt Nam không thể sáp nhập Hoàng Sa vào năm 1816 vì Việt Nam lúc đó là một
"chư hầu của Trung Quốc".
Trung
Quốc liên tục gửi thư phản đối cho Pháp từ 1938 tới 1947 nhưng từ chối đưa
tranh chấp ra tòa.
Từ
1949, Trung Quốc (Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa) tiếp tục thái độ phản đối khi
VNCH tiếp nhận đảo Hoàng Sa từ Pháp và phản ứng bằng cách đưa quân chiếm nhóm
An Vĩnh ở phía đông. Tháng 5, 1956, Trung Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của
Phi Luật tân về 7 hòn đảo tại Trường Sa.
Xác
nhận chủ quyền
Sau
khi VNCH tiếp quản Trường Sa vào năm 1956 và các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa và
Quang Ánh năm 1957, Trung Quốc tuyên bố lãnh hải 12 hải lý bao gồm các đảo
trong Biển Đông. Ngày 20/1/1974, lực lượng hải quân Trung Quốc đánh đuổi quân
VNCH ra khỏi đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc đụng độ với Việt Nam
tại Gạc Ma ở Trường Sa. Hậu quả là một số tàu Việt Nam bị đánh chìm và hơn 70 bộ
đội hải quân Việt Nam bị giết. Sau đụng độ này, Trung Quốc tiến chiếm các đá
Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi.
Năm
2009, Trung Quốc nộp hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển
Đông. Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa quản lý Hoàng Sa và Trường
Sa. Ngày 29/11/2013, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá do chính quyền Hải
Nam phụ trách. Lệnh này bắt buộc tàu của nước khác phải xin phép trước nếu muốn
đánh cá trong khu vực.
Danh
nghĩa quốc tế
Học
giả Trung Quốc đưa ra một vài dữ kiện cho rằng cộng đồng quốc tế công nhận chủ
quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ nhất, Hiệp ước Pháp - Trung 1887 phân định
biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ trong đó có đoạn "các hòn đảo nhỏ từ
kinh tuyến 105 hướng Đông của Paris, kinh tuyến 108 hướng Đông của Greenwich,
có nghĩa là đường Nam Bắc đi ngang điểm phía Đông của đảo Trà Cổ thuộc về Trung
Quốc. Đảo Cô Tô và các đảo khác ở phía Tây thuộc về An Nam". Do đó,
Trung Quốc lập luận ràng Pháp đã đồng ý nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt
Nam và Việt Nam không có gì để kế thừa chủ quyền của Pháp.
Một
vài học giả Trung Quốc cũng cho rằng Pháp đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc
tại Hoàng Sa vào năm 1921 khi Thủ tướng Aristide Briand nói rằng "vì
Trung Quốc đã thành lập chủ quyền từ 1909, Pháp không thể đặt yêu sách chủ quyền
với các đảo này". Ngoài ra, khi một công ty Nhật có tên Mitsui Bussan
Kaisha bày tỏ ý định khai thác phosphate tại Hoàng Sa và hỏi thăm dò ý kiến của
Pháp, Thuyền trưởng Remy trả lời trong bức thư đề ngày 24/9/1920 rằng "không
có văn kiện gì cho thấy ai làm chủ Hoàng Sa. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng nó
không thuộc sở hữu của Pháp nhưng đây chỉ là dựa theo trí nhớ của tôi chớ tôi
không có văn kiện nào xác nhận quan điểm này".
Năm
1909, Jean Joseph Beauvais Lãnh sự Pháp tại Quảng Châu gửi một lá thư cho Bộ
Ngoại giao nói rằng "Pháp có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa nhưng nếu
chính thức lên tiếng có thể khuấy động chủ nghĩa dân tộc gây bất lợi cho Pháp ".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng một số viên chức đề nghị Pháp từ bỏ chủ quyền
Hoàng Sa để đối lấy quyền lợi của Pháp tại Trung Quốc.
Sau
Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) nhận trách nhiệm giải giới
quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Hai bên đồng ý là Trung Quốc sẽ bàn giao lại
cho Pháp trước ngày 31/3/1946. Nhưng khi quân Trung Quốc tiếp tục đóng lại trên
các đảo Phú Lâm và Thị Tứ sau ngày 31/3/1946 thì Pháp và Việt Nam không có phản
ứng gì. Trung Quốc lập luận rằng điều này cho thấy Pháp đã ngầm công nhận chủ
quyền của Trung Quốc. Tương tự nhu vậy, Pháp không phản đối khi Trung Quốc cộng
các đảo ở Biển Đông vào Hòa ước Trung Nhật 1952. Hơn nữa, Pháp và Việt Nam
không tiến hành chiếm đóng khi Đài Loan rút quân ra khỏi Trường Sa từ 1950 đến
1956. Cho dù Pháp chiếm hữu Trường Sa hợp pháp năm 1933 nhưng đã từ bỏ chủ quyền
sau 1945. Do đó, Việt Nam không có gì để tiếp nối.
Học
giả Trung Quốc lập luận là Nhật đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng
Sa và đả kích yêu sách chủ quyền của Pháp vào năm 1938. Điều 2 của Hòa ước
Trung Nhật 1952 ghi rằng "Nhật từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền đối với Đài
Loan, Penghu cũng như Trường Sa và Hoàng Sa". Riêng đối với lời tuyên
bố của Thủ tướng kiêm Ngoại Trưởng Trần Văn Hữu tại Hội Nghị San Francisco năm
1951, Trung Quốc trả lời là họ không tham dự nên không thể phản đối lời tuyên bố
này.
Hội
nghị Hàng không Dân sự đầu tiên được tổ chức tại Manila năm 1955 với sự tham dự
của 15 quốc gia gồm có Đài Loan và Việt Nam. Hội nghị đồng thuận yêu cầu Đài
Loan theo dõi và cập nhật tình trạng khí tượng tại Trường Sa 4 lần trong mỗi
ngày. Không có ai lên tiếng phản đối đề nghị này.
Công
hàm Phạm Văn Đồng
Theo
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc
tại Việt Nam Lý Chí Dân ngày 15/6/1956, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của
Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa nói với ông rằng: "Theo dữ liệu của Việt Nam,
quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của
Trung Quốc."
Bên
cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ ra một tuyên bố khác vào năm 1965 của
miền Bắc về quy định khu tác chiến của Mỹ là "Tổng thống Mỹ Lyndon
Johnson đã chỉ định một phần lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần
đảo Tây Sa làm vùng chiến sự của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ". Ngoài ra,
tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kèm theo một tấm bản đồ thế giới do Cục
Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất bản năm
1972 trong đó ghi Tây Sa và Nam Sa theo tên Trung Quốc.
Nhưng
có lẽ văn kiện quan trọng nhất mà Trung Quốc dựa vào là Công hàm Phạm Văn Đồng.
Ngày 4/9/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc ra tuyên bố lãnh hải trong
đó có nội dung là "Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên
bố: (1) Bề rộng lãnh hải của
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý.
Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm
phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt
khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần
đảo Đông Sa, quần
đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần
đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc...". Tây Sa và
Nam Sa là Hoàng Sa và Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc.
Đúng
10 ngày sau đó vào ngày 14/9/1958, Thủ tướng VNHDCH Phạm Văn Đồng gửi công hàm
phản hồi cho Chu Ân Lai với nội dung là: "Thưa Đồng chí Tổng
lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9
năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận
12 hải lý của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng
quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để
tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời
chào rất trân trọng."
Học
giả Trung Quốc lập luận rằng rõ ràng VNDCCH đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc
trước đây nhưng bây giờ lại muốn nuốt lời. Lập trường này vi phạm nguyên tắc
estoppel của luật quốc tế là một quốc gia không được có lập trường bất nhất hoặc
tráo trở.
Đánh
giá luận cứ của Trung Quốc
Một
vài học giả quốc tế đồng ý là có nhiều bằng chứng cho thấy ngư dân Trung Quốc
có lẽ đã biết về các đảo tại Biển Đông từ thời ngàn xưa. Tuy nhiên, hiểu biết
và khám phá là hai khái niệm khác nhau. Đa số càc tài liệu cổ mà Trung Quốc đưa
ra cho thấy Trung Quốc có kiến thức tổng quát về các thực thể tại Biển Đông
nhưng kiến thức tổng quát này không có gì hữu dụng khi nói đến luận cứ pháp lý.
Hơn nữa, ngư dân Trung Quốc là những người đến sau. Hàng ngàn năm về trước, ngư
dân Nam Dương, Mã Lai, Phi và Việt đã đặt chân tới các hoang đảo ở Biển Đông.
Thủy thủ Mã Lai đã đưa thuyền buồm xuyên qua Ấn Độ Dương cả ngàn năm trước khi
Trịnh Hòa thực hành 7 chuyến thám hiểm trong thế kỷ 15. Và Đế quốc Chàm, trước
khi bị Việt Nam thôn tính trong thế kỷ 15 là những người đầu tiên xưng bá tại
Biển Đông. Lập luận cho rằng ngư dân Trung Quốc khám phá Biển Đông không có gì
đáng tin cậy.
Trung
Quốc đưa ra một số bản đồ mà họ cho rằng chứng minh chủ quyền của họ tại Biển
Đông. Thật ra theo luật quốc tế, bản đồ có giá trị rất thấp khi được sử dụng
làm bằng chứng trong các vụ tranh chấp lãnh thổ. Trừ khi bản đồ được đính kèm vào
hiệp ước hoặc một văn kiện pháp lý. Không có bản đồ nào mà Trung Quốc đưa ra có
thể được xem như là một hiệp ước hoặc văn kiện có tính pháp lý ràng buộc giữa
Trung Quốc với Việt Nam hoặc Pháp liên quan tới Biển Đông.
Khám
phá và chiếm hữu
Giả
sử như Trung Quốc có khám phá các đảo tại Biển Đông, nhưng nếu không có hành động
chiếm hữu thì sẽ không có chủ quyền. Trong vụ kiện Island of Palmas
(Netherlands/USA) 1928, Tòa Trọng tài Thường trực phán rằng chủ quyền sơ khởi
(inchoate title) qua sự khám phá phải được hoàn tất trong một khoảng thời gian
hợp lý bằng hành động chiếm hữu lãnh thổ mới vừa khám phá. Chiếm hữu gồm có hai
yếu tố: ý chí chiếm hữu và thi hành quyền lực thật sự. Hơn nữa, hành động khám
phá không thể lật ngược chủ quyền của một quốc gia khác nếu quốc gia đó đã thực
thi quyền lực liên tục và hòa bình sau một khoảng thời gian dài đối với lãnh thổ
đó.
Trung
Quốc lập luận rằng họ đã chiếm hữu các đảo ở Biển Đông từ thế kỷ 14 nhưng không
có bằng chứng gì cụ thể và khả tín. Nhiều lắm là có một số ngư dân Hải Nam đã tạm
trú trên một số đảo. Cũng không có bằng chứng gì cho thấy nhà nước Trung Quốc
tiến hành tuần tra các đảo, xây cất các phương tiện như hải đăng và trạm khí tượng.
Căn bản là không có gì đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã hành xử chủ quyền hợp
pháp, liên tục và qua một thời gian dài mà không có ai phản đối.
Dưới
luật quốc tế theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ Fisheries Case
(United Kingdom v Norway) 1951, khi xác định chủ quyền lãnh thổ, sinh hoạt tư
nhân không có giá trị trừ khi họ tiến hành khai thác kinh tế dưới giấy phép do
nhà nước ban hành. Hành động của một số cá nhân không đồng nghĩa với hành xử chủ
quyền của một quốc gia. Không có bằng chứng gì cho thấy là ngư dân Hải Nam hoặc
Trung Quốc phải xin giấy phép của nhà nước để đánh cá ở Biển Đông. Do đó, cho
dù một số ngư dân Trung Quốc có tạm trú tại các đảo ở Biển Đông không có nghĩa
là họ có thể đại diện quốc gia chiếm hữu hoặc hành xử chủ quyền dưới luật quốc
tế. Kết luận này được xác nhận bởi một bản báo cáo bí mật của quân đội Trung Quốc
vào năm 1933. Theo nhà Địa lý Pháp Francois Xavier-Bonnet, khi Pháp chiếm đóng
9 đảo tại Trường Sa, Trung Quốc lên tiếng phản đối nhưng nhầm lẫn giữa Hoàng Sa
và Trường Sa. Một bảo báo cáo mật đề ngày 1/9/1933 do Hội đồng Quân nhân Trung
Quốc soạn thảo có đoạn ghi là "Để kết luận, chúng ta chỉ có bằng chứng
duy nhất là ngư dân Hải Nam, chúng ta không có làm gì trên các đảo này. Chúng
ta cần hạ nhiệt với Pháp nhưng để cho ngư dân tiếp tục đánh cá. Hải quân của
chúng ta còn yếu và hiện tại thì 9 hòn đảo này không có hữu dụng gì...".
Sau khi nhận ra Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo khác nhau, Trung Quốc
ngưng phản đối với Pháp.
Cũng
theo Francois Xavier-Bonnet, vào tháng 6, 1937, Tư lệnh Quân khu 9 Huang Qiang
được gửi đi Hoàng Sa với hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất là điều tra tình báo về
hoạt động của quân Nhật và thứ hai là để xác quyết chủ quyền của Trung Quốc tại
đó. Theo báo cáo đề ngày 31/7/1937, Huang rời Quảng Đông ngày 19/6/1937 và tới
Hoàng Sa ngày 23/6. Huang đặt chân lên bốn đảo thuộc nhóm An Vĩnh gồm có Phú
Lâm, Đảo Đá, Linh côn và Đảo Bắc. Huang trở về Hải Nam ngày 24. Bản báo cáo mật
này được trao lại cho các sử gia Han Zenhua, Lin Jin Zhi và Hu Feng Bin khi họ
xuất bản Sưu tập tài liệu lịch sử các đảo của chúng ta ở Biển Nam Trung
Hoa vào năm 1988 nhưng họ lại không phổ biến bản báo cáo này. Nhưng rất
may là bản báo cáo mật này lại được phổ biến vào năm 1987 bởi Ủy ban Đặt tên tại
Quảng Đông trong quyển Biên tập địa danh các đảo ở Nam Hải.
Trong
bản báo cáo mật, Huang viết rằng đã mang theo 30 cọc trên tàu trong đó có 4 cọc
đề năm 1902 thời nhà Thanh và số còn lại đề năm từ 1912 đến 1921. Không có cọc
nào đề năm 1937 vì chuyến đi này hoàn toàn bí mật. Huang cùng đồng đội chôn 2 cọc
1902 và 4 cọc 1912 trên Đảo Bắc, 1 cọc 1902, 1 cọc 1912 và 1 cọc 1921 trên đảo
Linh Côn, 2 cọc 1921 trên đảo Phú Lâm và 1 cọc 1921 trên Đảo Đá. Tóm lại, chuyến
hải hành tới Hoàng Sa năm 1902 của Trung Quốc thật sự không có xảy ra trong lịch
sử mà đã được ngụy tạo. Hành động này đã lừa gạt luôn cả giới hàn lâm quốc tế
trong đó có Gs Marwyn Samuels, tác giả của cuốn Tranh chấp tại Biển
Đông xuất bản năm 1982.
Trung
Quốc nhìn nhận tiến trình khai thác kinh tế tại Biển Đông mang tính tư nhân
nhưng đến thời nhà Thanh thì công tác khai thác này có sự chấp thuận và hỗ trợ
của triều đình được đẩy mạnh dưới thời Dân Quốc qua sự thu thuế và cấp giấy
phép khai thác. Nhưng không có bằng chứng độc lập nào xác nhận việc này. Mà nếu
có thì nó cũng xảy ra 250 năm quá trễ so với những chuyến khai thác có hệ thống
của Đội Hoàng Sa do triều đình nhà Nguyễn tổ chức.
Còn
về việc tuần tra thì nhiều lắm là nó cho thấy Trung Quốc có kiến thức tổng quát
về các đảo ở Biển Đông. Tự nó không phải là bằng chứng chiếm hữu. Các chuyến hải
hành của Trịnh Hòa và Shi Bi cũng vậy. Họ căng buồm đi ngang Biển Đông không có
nghĩa là đã hành xử chủ quyền tại đó. Tóm lại, bằng chứng lịch sử của Trung Quốc
có giá trị rất giới hạn dưới luật quốc tế.
Sự
chiếm đóng của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm năm 1946 và cả quần đảo Hoàng Sa vào năm
1974 bằng vũ lực vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và bất hợp
pháp. Với Truờng Sa, lần đầu tiên Trung Quốc có phản ứng xảy ra vào năm 1933
khi Trung Quốc phản đối Pháp chiếm hữu và sáp nhập Trường Sa. Trung Quốc không
thể tạo chủ quyền chỉ vì hành động phản đối và việc phản đối không đương nhiên
tước mất chủ quyền của Pháp được thành lập hợp lệ theo luật quốc tế vì khi Pháp
chiếm hữu Trường Sa vào năm 1933, chinh phục là một phương pháp được luật quốc
tế công nhận. Chinh phục chỉ trở thành bất hợp pháp sau tháng 10, 1945 khi Hiến
Chương Liên Hiệp Quốcbắt đầu có hiệu lực. Trong khi đó, sự chiếm đóng các đảo
Ba Bình vào năm 1946 và 1956 của quân Tưởng Giới Thạch và Trung Cộng với một số
đảo tại Trường Sa bằng vũ lực không thể dẫn đến chủ quyền hợp pháp dưới luật quốc
tế.
Tóm
lại, Trung Quốc không trưng dẫn được bằng chứng đáng tin cậy là họ đã hành xử
chủ quyền hòa bình và liên tục tại Hoàng Sa và Trường Sa. Cho dù Trung Quốc có
khám phá ra các đảo này, họ đã không nghĩ tới việc thực hiện quyền lực quốc gia
trong một khoảng thời gian hợp lý để củng cố chủ quyền của các thực thể đó.
Nhưng một số học giả Trung Quốc lập luận rằng đây là một trường hợp ngoại lệ mà
luật quốc tế ghi nhận. Đó là hoàn cảnh địa lý của các đảo tại Hoàng Sa và Trường
Sa quá xa xôi và có môi trường khắc nghiệt. Dựa vào phán quyết của Tòa Trọng
tài trong vụ Clipperton island Arbitration (Mexico v France) 1931, Trung Quốc lập
luận rằng họ chỉ cần chứng minh là có hành xử chủ quyền có tính biểu tượng.
Đúng
là luật quốc tế có ghi nhận trường hợp ngoại lệ nhưng Trung Quốc không áp dụng
được đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trước hết, vụ Clipperton đòi hỏi quốc gia
liên hệ phải có hành xử chủ quyền. Sự tiếp xúc, viếng thăm, tạm trú thỉnh thoảng
của ngư dân trong tư cách cá nhân không đồng nghĩa với tầm vóc hành xử chủ quyền
của một quốc gia. Không có bằng chứng gì đáng tin cậy là nhà nước Trung Quốc có
những hành động cụ thể nào thực thi chủ quyền trên các đảo này – một sự thật mà
bản báo cáo mật ngày 1/9/1933 của chính Hội đồng Quân nhân Trung Quốc xác nhận.
Hơn
nữa, trong vụ kiện Eastern Greenland (Norway v Denmark) 1933, Tòa án Công lý Quốc
tế phán rằng hành xử chủ quyền biểu tượng có thể áp dụng khi không có quốc gia
khác chứng minh chủ quyền tốt hơn. Như đã trình bày, lần đầu tiên Trung Quốc có
hành xử liên quan tới Hoàng Sa diễn ra vào năm 1909. Nhưng Việt Nam đã chính thức
chiếm hữu Hoàng Sa khoảng 100 năm trước đó vào năm 1816.
Thiên
triều và chư hầu
Trung
Quốc cho rằng vào năm 1816, Việt Nam là một nước chư hầu của Trung Quốc và do
đó không thể xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Lập luận này hoàn
toàn không có cơ sở. Dưới Đế chế phong kiến, Hoàng đế Trung Hoa cai trị thiên hạ
là con người chớ không phải lãnh thổ. Lãnh thổ và biên giới có thể thay đổi rất
nhanh khi các tiểu quốc chư hầu đụng độ xâm chiếm lẫn nhau. Việt Nam trở thành
một phần của nhà Hán vào năm 111 trước Công Nguyên và bị Trung Quốc đô hộ trong
1000 năm. Nhưng Việt Nam đã giành lại độc lập vào năm 939 và nhiều lần thành
công đánh bại các cuộc xâm lăng của Trung Quốc trong hơn 900 năm cho tới khi bị
Pháp đô hộ. Tuy đã giành độc lập nhưng Việt Nam tiếp tục triều cống với Hoàng đế
Trung Hoa để giữ hòa khí với nước láng giềng mạnh và lớn hơn cả trăm lần. Khi
vua Gia Long chính thức chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816, quan hệ thiên triều và
chư hầu không ngăn cản Việt Nam hành xử chủ quyền gồm có mở mang bờ cõi và biên
giới. Theo định nghĩa, quan hệ chư hầu có nghĩa là Trung Quốc nắm quyền kiểm
soát bang giao của Việt Nam và các nước khác nhưng Việt Nam vẫn có quyền hành xử
chủ quyền nội địa gồm có quyền mở mang hoặc thu nhận lãnh thổ.
Thoả
thuận quốc tế
Lập
luận của Trung Quốc là Pháp đã đồng ý nhượng các đảo tại Biển Đông cho Trung Quốc
gồm có Hoàng Sa và Trường Sa dưới Hiệp ước Pháp - Trung 1887 không có lô-gích.
Tiêu đề của Hiệp ước này là phân định biên giới và chia một số đảo giữa Trung
Quốc và Bắc Kỳ (Tonkin). Nếu sự diễn giải của Trung Quốc là đúng thì tất cả các
đảo ở phía Nam thành phố Huế cũng thuộc chủ quyền của Trung Quốc – một kết luận
khá điên rồ. Hơn nữa, Pháp đã trao công hàm ngoại giao đề ngày 16/8/1933 cho
Trung Quốc xác nhận là Hiệp ước Pháp -Trung 1887 không áp dụng cho Hoàng Sa.
Chính Gs Zou Keyuan của Trung Quốc cũng đồng ý là "đường gạch đỏ trên bản
đồ là đường phân chia các đảo trong vịnh Bắc Bộ chớ không phải là biên giới
lãnh hải giữa hai nước". Kết luận này phù hợp với sự việc là Bạch Long
Vĩ được Mao Trạch Đông trao trả lại cho Việt Nam để thể hiện "tình đồng
chí" giữa hai nước. Kết luận của Gs Zou cũng được áp dụng trong Hiệp ước
phân định Biên giới trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết
trong năm 2000.
Các
lập luận khác cho rằng Pháp đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn mâu
thuẫn và trái với sự thật vì chính Pháp đã có những hành động chiếm hữu cụ thể
tại Hoàng Sa và nhất là Trường Sa. Còn Hòa ước Trung - Nhật 1952 chỉ nhắc tới
Đài Loan và Penghu chớ không liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa,
Trung Quốc đã đồng ý trao Hoàng Sa lại cho Pháp sau khi giải giới quân Nhật.
Không thể nuốt lời rồi kết luận là Pháp đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại
Hoàng Sa. Về Hội hghị Hàng không Dân sự tại Manila 1955, lý do mà 15 quốc gia đồng
ý giao trách nhiệm theo dõi thời tiết cho Đài Loan là vì Đài Loan thích hợp nhất
về mặt địa lý. Không thể đồng hóa tiêu đề khí tượng với chủ quyền lãnh thổ.
Công
hàm Phạm Văn Đồng và nguyên tắc estoppel
Không
có bằng chứng độc lập nào xác nhận câu nói của Thứ trưởng Ung Văn Khiêm với Lý
Chí Dân là theo bằng chứng lịch sử thì Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của
Trung Quốc. Mà giả sử như là có đi nữa thì lời nói đó cũng không có giá trị
pháp lý gì. Nhân nhượng chủ quyền lãnh thổ là một sự kiện vô cùng nghiêm trọng
liên quan tới vận mệnh của một quốc gia. Không có bất cứ cá nhân viên chức nào
kể cả Thứ trưởng có thể tùy tiện quyết đoán.
Tương
tự như vậy, Việt Nam lập luận rằng tuyên bố về khu tác chiến, bản đồ do Cục Đo
đạc và Phủ Thủ tướng cùng với công hàm Phạm Văn Đồng phải được hiểu theo bối cảnh
chính trị và chiến tranh thời đó. Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc quyển kiểm
soát của VNCH. Bắc Việt hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc
trong cuộc chiến với VNCH. Tất cả những lời tuyên bố này đều mang màu sắc chính
trị và không diễn ra trong một bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung
Quốc. Do đó, công hàm Phạm Văn Đồng không có ý nghĩa là Việt Nam vĩnh viễn từ bỏ
chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy
nhiên, Trung Quốc lập luận rằng nguyên tắc estoppel ngăn cản Việt Nam đi ngược
lại với lập trường bày tỏ trước đây. Tuy estoppel được luật quốc tế công nhận
và đã được áp dụng trong một vài vụ kiện liên quan tới tranh chấp chủ quyền,
khi phân tích kỹ lưỡng thì nguyên tắc này không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Trong vụ kiện Temple of Preah Vihear (Cambodia v Thailand) 1962, Tòa án Công lý
Quốc tế phán rằng estoppel áp dụng khi (1) quốc gia A qua những lời tuyên bố hoặc
cung cách hành xử bày tỏ lập trường rõ ràng và nhất quán với quốc gia B và (2)
quốc gia B đã bị thiệt hại hoặc quốc gia A đã hưởng lợi khi quốc gia B dựa vào
những lời tuyên bố hoặc cung cách hành xử đó. Trung Quốc không đưa ra đủ bằng
chứng để thỏa mãn hai yếu tố này.
Thứ
nhất, công hàm Phạm Văn Đồng bày tỏ sự tán thành với lời tuyên bố lãnh hải 12 hải
lý của Thủ tướng Chu Ân Lai. Lúc đó, luật quốc tế còn chưa rõ ràng phạm vi lãnh
hải là 3 hoặc 12 hải lý. Việt Nam tuyên bố là sẽ tôn trọng lãnh hải 12 hải lý.
Do đó, không thể lập luận rằng công hàm Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền Hoàng
Sa và Trường Sa của Trung Quốc một cách "rõ ràng và nhất quán". Hơn nữa,
không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc bị thiệt hại vì đã dựa vào lời tuyên bố
này. Có thể Trung Quốc sẽ lập luận là vì lời tuyên bố này mà Trung Quốc mới viện
trợ cho Việt Nam và do đó Việt Nam đã hưởng lợi. Nhưng cho tới nay, phía Trung
Quốc chưa đưa ra bằng chứng nào cho thấy đó là sự thật hoặc là họ sẽ quyết định
cắt viện trợ cho Việt Nam nếu không có công hàm Phạm Văn Đồng.
Tương
tự như vậy, bản tuyên bố liên quan đến khu vực tác chiến của Hoa Kỳ năm 1965
không hội đủ điều kiện để áp dụng nguyên tắc estoppel. Trong vụ Pedra Branca
(Malaysia/Singapore) 2008, Tòa án Công lý Quốc tế phán rằng estoppel không áp dụng
được ngay cả khi có một bên đã tuyên bố xác nhận là họ không đòi hỏi chủ quyền
của một hòn đá đang bị tranh chấp. Vụ kiện này liên quan tới chủ quyền của
Pendra Brabca/Pulau Puteh, Middle Rocks và South Ledge. Ngày 12/6/1953, Thư ký
Thuộc địa Singapore viết thư gửi Cố vấn Anh của vua Johor hỏi thăm về tình trạng
chủ quyền của hòn đá Pedra Branca cách Singapore khoảng 40 hải lý. Trong thư,
Thư ký Singapore viết: "Chúng tôi muốn hiểu rõ tình trạng của Pedra
Branca. Tôi rất biết ơn nếu qúy vị cho biết có văn kiện nào chứng minh hợp đồng
thuê mướn hoặc trao tặng hoặc có sự chuyển nhượng bởi chính quyền Johore hay
không".
Khoảng
ba tháng sau, Xử lý Ngoại Trưởng Johor gửi thư trả lời ngày 21/9/1953 là "về
sự thắc mắc nêu ra trong thư ngày 12/6/1953, tôi xin trả lời là chính quyền
Johor không đòi hỏi chủ quyền của Pedra Branca".
Singapore
lập luận rằng thư trả lời là bằng chứng từ bỏ chủ quyền hoặc nguyên tắc estoppel
áp dụng và là một lời hứa có tính ràng buộc pháp lý. Nhưng Tòa không đồng ý và
phán rằng thư của Johor đơn giản là một câu trả lời đáp lại yêu cầu tìm hiểu
thông tin của Singapore và sự phủ nhận chủ quyền diễn ra trong hoàn cảnh đó.
Tòa sẽ rất khắt khe khi diễn giải văn kiện liên quan tới chủ quyền. Hơn nữa,
Singapore không chứng minh được là đã dựa vào thư trả lời đó mà bị thiệt hại.
Chiều
hướng nguyên tắc estoppel ngày càng khó áp dụng trong các vụ kiện tranh chấp chủ
quyền được tòa xác nhận trong vụ kiện gần đây giữa Bangladesh và Miến Điện mà
Tòa Án Quốc tế về Luật Biển ban hành phán quyết vào năm 2012. Trong đó, Tòa bác
bỏ luận cứ của Bangladesh là Miến Điện bị ràng buộc bởi nội dung biên bản phiên
họp giữa hai phái đoàn khi thương lượng và giải quyết tranh chấp lãnh hải vì
trưởng phái đoàn đàm phán không đủ tư cách quyết định chủ quyền của một gia
cũng như Bangladesh không chứng minh được thiệt hại thế nào khi dựa vào nội
dung của biên bản họp. Tóm lại, nguyên tắc estoppel chỉ được áp dụng một cách
giới hạn trong những trường hợp đặc biệt khi lời tuyên bố phủ nhận chủ quyền diễn
ra trong bối cảnh thương lượng hoặc tranh chấp chủ quyền giữa hai quốc gia và lời
tuyên bố này phải do những người có đầy đủ thẩm quyền quyết định vấn đề chủ quyền
của quốc gia đó. Có nghĩa là không có đủ điều kiện để Trung Quốc áp dụng nguyên
tắc estoppel với công hàm Phạm Văn Đồng cũng như các lời tuyên bố tương tự.
Kết
luận
Dựa
trên bằng chứng và luận cứ mà hai quốc gia đưa ra, yêu sách chủ quyền của Việt
Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng mạnh hơn của Trung Quốc. Chủ quyền của Việt
Nam tại Hoàng Sa có đầy đủ cơ sở về mặt lịch sử và pháp lý. Từ đầu thế kỷ 18,
Việt Nam đã bày tỏ ý chí hành xử chủ quyền khi chính quyền nhà Nguyễn thành lập
công ty khai thác kinh tế tại Hoàng Sa. Ý chí này được xác nhận bởi hành động
và biểu tượng sáp nhập vào lãnh thổ đầu thế kỷ 19 với một hệ thống quản trị
hành chánh liên tục và hòa bình của các vua nhà Nguyễn cho tới khi Pháp xuất hiện.
Pháp đã kế thừa và tiếp tục cai trị và thật sự chiếm đóng Hoàng Sa trong thập
niên 1930. Sau đó, Pháp liên tục khẳng định chủ quyền cho tới khi rời khỏi Đông
Dương vào năm 1956. VNCH kế thừa chủ quyền từ Pháp và chưa bao giờ từ bỏ ngay cả
sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974.
Trong
khi đó, lần đầu tiên Trung Quốc có hành động đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa diễn ra
vào năm 1909 tức 200 năm sau khi Việt Nam đã thành lập chủ quyền hợp pháp tại
quần đảo này. Hơn nữa, sự chiếm đóng đảo Phú Lâm năm 1956 và toàn bộ Hoàng Sa bằng
vũ lực vào năm 1974 vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc không thể
ban cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp.
Đối
với Trường Sa, Pháp đã sáp nhập các đảo này trong thập niên 1930 như là lãnh thổ
vô chủ. Vào thời điểm này, chinh phục là một phương pháp hợp lệ được luật quốc
tế công nhận. Anh Quốc có kiểm soát một số đảo tại Trường Sa trong thập niên
1880 nhưng quyết định từ bỏ chủ quyền sau khi Pháp sáp nhập và chiếm hữu. Do
đó, chủ quyền của Pháp tại Trường Sa hoàn toàn hợp pháp. Chủ quyền này được
chuyển nhượng sang VNCH. VNCH (và CHXHCNVN sau đó) tiếp tục quản trị mặc dù Đài
Loan chiếm đóng đảo Ba Bình bất hợp pháp vào năm 1956 và Trung Quốc đánh chiếm
một số đảo và đá vào năm 1988. Sự chiếm đóng đảo Ba Bình của Trung Hoa Dân Quốc
vào năm 1946 và 1956 cùng với sự xâm lăng của Trung Quốc tại Trường Sa vào năm
1988 rõ ràng vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và do đó không thể ban hành chủ
quyền hợp pháp cho Đài Loan hoặc Trung Quốc tại Trường Sa. Trung Quốc cũng
không thể kiến tạo chủ quyền chỉ vì Trung Quốc liên tục phản đối chủ quyền của
Việt Nam mà Việt Nam kế thừa chính đáng từ Pháp. Do đó, yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc tại Trường Sa rõ ràng là không có cơ sở pháp lý.
Chắc chắn là Trung Quốc
sẽ không từ bỏ tham vọng chiếm hết Biển Đông. Việt Nam không còn con đường nào khác
mà phải chuẩn bị ngay hồ sơ pháp lý và tiến hành đơn kiện Trung Quốc trong một
thời điểm sớm nhất và thuận tiện nhất. Chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt
Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cần được phổ biến rộng rãi trong quần chúng và nên
nằm trong chương trình giảng dạy ngay từ cấp trung học, nhưng không phải qua
hình thức tuyên truyền một chiều của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam vì
những thứ đó không có giá trị trước tòa án hoặc công luận quốc tế. Người dân Việt
Nam đặc biệt là thế hệ trẻ phải được cơ hội tiếp cận lịch sử một cách trung thực,
khoa học và khách quan để xây dựng lập luận có giá trị thuyết phục. Môn lịch sử
ở Việt Nam đã bị lạm dụng làm công cụ chính trị phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt
Nam quá lâu với quá nhiều dối trá điển hình là câu chuyện Lê Văn Tám đến nỗi học
sinh chán ghét lịch sử nước nhà. Khi thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử nước nhà
thì dân tộc đó phải đối diện với nguy cơ và hiểm họa diệt vong đánh mất độc lập
chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Và cá nhân hay đảng phái nào làm cho giới trẻ
có thái độ thờ ơ với lịch sử và vận mệnh dân tộc sẽ là tội đồ muôn thưở của tổ
quốc Việt Nam.
N.
V. T.
Sydney,
tháng 12/2015
Tham
khảo
Alexander
Ovchar, "Estoppel in the Jurisprudence of the ICJ: A principle
promoting stability threatens to undermine it". Bond Law Review Volume
21 Issue 1, 2009
Francois
Xavier-Bonnet, "Geopolitics of Scarborough Shoal". Research
Institute of Comtemporary Southeast Asia, November 2012
Francois
Xavier-Bonnet "Archaeology and Patriotism: Long Term Chinese Strategy
in the South China Sea" The Institute for Maritime and Ocean Affairs
2015
Hong
Thao Nguyen, "Vietnam's Position on the Sovereignty over the Paracels
& the Spratlys: Its Maritime Claims". Journal of East Asia
International Law V JEAIL (1) 2012
Monique
Chemiller – Gendreau, "Chủ quyền trên Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa" Người dịch: Nguyễn Hồng Thao, Hiệu đính: Lưu Văn Lợi & Lê Minh
Nghĩa, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1998
Phil
C.W Chan, "Acquiescence/Estoppel in International Boundaries: Temple of
Preah Vihear Revisited". Chinese Journal of International Law (2004) 3
(2)
Raul
Pedrozo, "China versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in
the South China Sea", CNA August 2014
Tác
giả gửi BVN.
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:13
No comments:
Post a Comment