Sunday 6 December 2015

Tù nhân lương tâm ‘mồ côi’ và những án oan khiên nhiều năm (Huyền Trang - GNsP)





Huyền Trang  -  tinmungchonguoingheo.com  
Đăng ngày 06.12.2015 - 1:10am

GNsP (06.12.2015) – Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Quốc tế Nhân quyền, 21 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam cùng với hơn 200 cá nhân trong nước đồng kí tên vào Bản lên tiếng yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm [TNLT] Việt Nam, đặc biệt những TNLT có án oan nhiều năm.


Bản lên tiếng do các cựu TNLT trong vụ án 17 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị bắt năm 2011 khởi xướng được đăng tải trên các trang mạng xã hội vào ngày 04.12. Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai, sống ở Nghệ An, một trong những người khởi xướng cho biết nội dung chính và mục đích của bản lên tiếng này:

“Nội dung chính là muốn nhà cầm quyền VN trả tự do cho các TNLT có án dài từ 8 năm đến chung thân. Sau khi ra tù tôi tìm hiểu một số thông tin về họ thì họ là những người bị oan sai, vì họ phải chịu đựng những đàn áp về tinh thần cũng như gia đình họ [phải chịu]. Chúng tôi cũng tìm hiểu gia đình của họ bị khủng bố tinh thần rất là nhiều, bởi vậy họ không muốn gia đình họ phải đau khổ nên họ chấp nhận các bản án và không dám đấu tranh trong nhà tù. Do đó tôi nghĩ, chúng tôi cần phải lên tiếng đòi lại quyền lợi cho họ.”

Án oan

Trong Bản lên tiếng, các TNLT bị kết án nặng nề được đề cập chủ yếu là những người trong vụ án Công Án Bia Sơn thuộc giáo phái Phật phái Ân Đàn Đại Đạo, mức án cao nhất mà họ phải chịu là chung thân và thấp nhất là 10 năm tù giam. Vào ngày 28.01.2013, trong phiên tòa sơ thẩm, nhà cầm quyền tỉnh Phú Yên đã kết án 22 người được cho là đã thành lập ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ nhằm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ và tổng mức án mà những người này phải chịu trên 300 năm tù giam và trên 100 năm quản thúc. Cô Ngọc Diện, một trong những người thuộc‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’, nhận xét về những bản án này:

“Thực sự đây là những bản án nặng nề và oan sai. Đối với bản thân những người trong nhóm Ân Đàn Đại Đạo thì không làm gì tác hại đến người dân, xã hội, đất nước vì họ chỉ biết tu học trong đạo của họ mà thôi. ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ do chính ông Phan Văn Thu sáng lập từ năm 1969, với tôn chỉ giúp cho con người hiểu biết về đạo lý con người và hướng đến cuộc sống chân thiện mỹ tốt đẹp hơn. Đây đơn thuần chỉ là một tôn giáo mà thôi. Nên khi ra trước tòa, [các cơ quan bảo vệ pháp luật] không đưa ra được một bằng chứng nào để chứng minh đây là một tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nhưng bản án lại kết tội những người này âm mưu lật đổ chính quyền thì là một điều sai trái.”

Về tình trạng giam cầm, sức khỏe và tinh thần của 22 TNLT trong vụ án Công án Bia Sơn, cô Ngọc Diện cho biết: “Hiện nay những người này bị giam rất xa nhà, gia đình họ ở Phú Yên nhưng họ bị giam ở Bình Dương, Đồng Nai, 6 người vừa mới bị chuyển ra niềm Bắc. Nhà cầm quyền không tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân đi thăm nuôi được tốt. Hơn nữa, các gia đình này thuộc hộ nghèo, họ không thể đi thăm nuôi hàng tháng được. Một người thân của những người này cho tôi biết, do chúng tôi làm đơn Giám đốc thẩm nên họ mới chuyển những người này đi xa như vậy.”

“Trong trại giam, 22 người này có một tinh thần đấu tranh giành lại cái quyền của mình và đang lên tiếng cho mọi người biết sự oan khiên của họ, họ không làm những gì nhưng chính quyền gán ghép và bỏ tù họ. Người nhà cũng đang làm tất cả những gì mà Luật pháp cho phép như làm đơn giám đốc thẩm hoặc đơn kêu cứu… để công luận biết rõ hơn.Hiện nay, ông Thu rất yếu và mang nhiều thứ bệnh tật, còn những người khác đều trên 60 tuổi và sức khỏe yếu cũng yếu.” Cô Ngọc Diện nói tiếp.

Người tù mồ côi

Một nhóm khác cũng bị nhà cầm quyền cs VN kết án bất công và nặng nề nhưng chưa được công luận quan tâm đủ, đó là các Mục sư Tin Lành người dân tộc và TNLT người dân tộc Bana, Jarai… sống trong các buôn làng, xa xôi, heo hút trên các vùng núi Cao Nguyên như Gia Lai, Kotum… Họ và cả gia đình bị nhà cầm quyền đàn áp, chà đạp tín ngưỡng tôn giáo, giải tán nhiều nhóm truyền giáo và bỏ tù một cách âm thầm với những bản án nặng ‘bỏ túi’ từ 10 năm trở lên và kể cả có án chung thân là những án ‘tù mọt gông trong các cũi sắt’, với tội danh ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ theo Điều 87 BLHS. Không những vậy có những gia đình TNLT dân tộc cũng bị nhà cầm quyền đẩy vào đường cùng trở thành dân oan –mất đất, mất nhà, không công ăn việc làm…

Theo một nguồn tin đáng tin cậy và xin được giấu tên cho GNsP biết, nhiều TNLT người dân tộc bị đối xử bất công, tra tấn dã man trong trại giam khiến họ bị khuyết tật, thậm chí đột tử trong trại giam. 


Điều này cũng được Cựu TNLT Nguyễn Bắc Truyển, đại diện ‘Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam’, xác nhận: “Những tù nhân chính trị là người dân tộc thiểu số, gia đình họ có hoàn cảnh khó khăn không được thăm nuôi thường xuyên, thậm chí không được thăm nuôi trong suốt thời gian bị tù đầy mà án của họ từ 10 năm trở lên. Sau khi ra tù, tôi làm việc cho ‘Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam’, tôi nhận được nhiều thông tin của những người tù Dân tộc sống ở vùng Cao Nguyên Trung Phần, phía Bắc họ bị đày xa nhà, nên việc thăm nuôi bị hạn chế do gia đình họ khó khăn. Những TNLT ở phía Bắc bị cán bộ trại giam đàn áp vì họ cách ly với gia đình, do gia đình ít đi thăm nuôi nên không thể cung cấp thông tin ra bên ngoài.”

Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai cũng cho biết thêm: “Họ là những người không hiểu biết về pháp luật, không biết cách trình bày mong muốn và sự việc của họ, không muốn đấu tranh gì thêm nữa bởi vì họ sợ gia đình bị ảnh hưởng, bản thân họ đã nhận tội, thành ra họ cũng khát khao được giảm án để mau trở về với gia đình. Trong trại giam, họ bị phân biệt đối xử nặng nề, cụ thể về quyền lợi, họ là những người làm lụng vất vả, bị ép làm những việc nặng để được giảm án, mà chỉ được giảm từ 7-8 tháng là cao nhất. Còn những người bị kết tội ‘gián điệp cho Trung Quốc’, thì ăn chơi ngồi rồi và được hưởng rất cao về mức giảm án có thể lên đến 18 tháng. Đó là những bất công.”

Gia đình các TNLT người Dân tộc bơ vơ, sợ hãi, tũng quấn…

Nhiều gia đình TNLT dân tộc có gia cảnh cực kỳ éo le, hằng ngày, họ không đủ ăn huống chi đi thăm nuôi. Gia đình nào khá lắm thì một năm sẽ đi thăm nuôi được một lần. Thậm chí những TNLT dân tộc bị giam giữ đến 9-10 năm, mà thân nhân vẫn chưa có một lần thăm gặp, những tù nhân này được dán cho một cái tên là ‘tù mồ côi’ vì không có ai đi thăm nuôi. Đau đớn hơn có những gia đình chỉ được gặp mặt người thân lần cuối cùng từ khi bị giam cầm cho đến khi công an trại giam chở xác về nhà để lo hậu sự.

Theo như thông tin GNsP tìm hiểu, đa số gia đình của các TNLT mục sư Tin Lành dân tộc nói được tiếng Kinh rất ít, chưa hiểu nhiều tiếng Kinh, mối tương quan ít nên họ cũng không biết làm thế nào để kêu oan cho gia đình họ. Điểm đặc biệt, các gia đình này sống trong các vùng xa xôi hẻo lánh, nên rất dễ bị nhà cầm quyền địa phương đàn áp, bắt bớ bất cứ lúc nào nếu như họ liên lạc với các tổ chức nhân quyền hay các tổ chức xã hội dân sự. Họ luôn bị nhà cầm quyền địa phương đe nẹt và cấm cản liên lạc với những người bên ngoài. Cuộc sống của các gia đình này hầu như bị kiềm tỏa và chi phối bởi nhà cầm quyền địa phương.

Cựu TNLT Nguyễn Bắc Truyển bày tỏ: “Trợ giúp cho gia đình cũng gặp khó khăn do họ ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong việc đi lại, nếu có thể giúp đỡ họ thì không thể liên tục được, vì thế đây là một thiệt thòi đối với họ. Tôi luôn làm các báo cáo gửi đến các tổ chức nhân quyền cũng như các Đại sứ quán quan tâm đến tình hình nhân quyền của VN để báo động tình trạng người dân tộc thiểu số bị giam cầm một cách khắc nghiệt, bị phân biệt đối xử, bị bỏ đói…”

Còn cựu TNLT Nguyễn Văn Oai mong muốn: “Bản thân tôi mong muốn cộng đồng trong và ngoài nước can thiệp như thế nào để cho họ mau chóng được trở về với gia đình, bởi vì bản thân họ cũng giống như tôi, giống như bao các Cựu TNLT khác cho đến bây giờ nhà cầm quyền vẫn chưa tìm ra được lý do nào để kết tội chúng tôi.”

Huyền Trang, GNsP






No comments:

Post a Comment

View My Stats