Friday 25 December 2015

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Cách chính phủ đối đãi với nhà khoa học (Kiều Phong thực hiện - VNTB)





Kiều Phong thực hiện  -  VNTB  

(VNTB) Cổ địa từ (Paleomagnetism) là môn nghiên cứu các dấu vết lưu giữ từ trường Trái Đất thời quá khứ trong các đá núi lửa, trầm tích, hoặc các di vật khảo cổ học. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một nhà Địa Vật lý thuộc thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người thiết lập nên Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cổ Địa từ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tác giả và Ts Nguyễn Thanh Giang

Kiều Phong: Thưa tiến sĩ, ngành Cổ Địa Từ học ra đời là một cuộc cách mạng trong các khoa học về Trái Đất. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là người đặt nền móng cho ngành Cổ Địa Từ ở Việt Nam và có ba mươi năm công tác ở Tổng cục Địa chất. Xin tiến sĩ kể về những khó khăn khi làm công việc này ở thời điểm đó.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Tôi là người ở trong lứa địa lý đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi có một quá trình rất dài công tác ở Tổng cục Địa chất. Do đỗ Primaire từ 1947, tôi không những đọc được sách Liên Xô mà còn đọc được sách tiếng Pháp và tiếng Anh nên tôi phát hiện được Cố Địa từ là một môn khoa học rất mới lúc bấy giờ. Tôi đặt vấn đề với nhà nước cho thí điểm ứng dụng khoa học này vào Việt Nam. Lúc bấy giờ không nhiều người hiểu và ủng hộ tôi. Nhưng rất may rằng là ông Trần Đức Lương - sau này là chủ tịch nước, hiểu được tôi, rất quý mến tôi và hoàn toàn ủng hộ tôi. Nhưng mà khi mà Trần Đức Lương ủng hộ, việc mà tôi khai triển cả một công việc hoàn toàn mới, có thể nói mênh mông bể Sở, vì không phải chỉ là vấn đề tính toán trên lý thuyết mà phải thành lập cả một phòng thí nghiệm nghiên cứu cổ địa từ, phòng thí nghiệm đó phải tạo ra hàng loạt thiết bị để rửa từ. Anh biết, khi đất đá sau khi tạo thành hàng triệu năm như vậy thì trong quá trình tồn tại, nó không những giữ được từ dư nguyên sinh mà còn phải đeo hàng loạt từ dư thứ sinh như từ dư hóa học, từ dư thời gian… Phải tạo ra được một cái phòng thí nghiệm với hàng loạt các thiết bị hoàn toàn mới như vậy, không những cần tiền mà còn có công sức để giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, phải huy động một lực lượng anh em giúp sức về cơ khí... Sau khi có phòng thí nghiệm cổ địa từ thì phải đi lấy mẫu cổ địa từ trên khắp đất nước, phải tạo ra những chuyến công tác, mà tôi đã từng suýt chết khi đi lấy mẫu ở gần biên giới với Cao Miên, lúc bây giờ Fulro nó đang hoạt động rất mạnh mẽ. Tôi từng phải “thức ngày cày đêm” ròng rã. Là giám đốc Địa Vật lý của Cục Bản đồ Đia chất, ngày lo điều hành cơ quan tôi còn phải thức đêm thức hôm. Không bao giờ tôi được ngủ trước mười hai giờ, thức cho đến một, hai giờ sáng để đọc tài liệu, để cùng anh em thiết kế cả một thời gian dài. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu một sức lực nào cho tôi có thể vượt qua khó khăn như thế, tạo ra một phòng thí nghiệm nghiên cứu cổ địa từ đầu tiên ở Đông Nam Á và hoàn thành được mấy công trình nghiên cứu góp phần làm cho thế giới phương Tây biết đến Việt Nam.

Kiều Phong: Được biết tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là nhà khoa học đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học ngay tại Việt Nam. Bằng Phó Tiến sỹ do Bộ trưởng Bộ Đại học lúc đó Nguyễn Đình Tứ ký và cấp chính thức vào năm 1981. Luận văn của tiến sĩ Giang còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, nhưng trong cuốn “Tiến sỹ Việt Nam hiện đại” do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành tháng 9 năm 2004 lại không hề có tên của tiến sĩ. Xin tiến sĩ kể thêm về câu chuyện bảo vệ luận án phó tiến sĩ và cho biết rằng việc bỗng dưng thiếu tên tiến sĩ trong cuốn sách đó là do vô tình hay do cố ý?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: (Cười). Cái này có lẽ, mà hầu như chắc chắn, là sự cố ý. Vì khoảng thời gian đấy, trước khoảng thời gian mà tôi bảo vệ luận án phó tiến sĩ thì trong giới khoa học kỹ thuật thì tôi đã gần như có thể nói là người nổi tiếng hoạt động khoa học kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực. Và tôi đã được mời đi thuyết trình ở rất nhiều bộ, ngành cũng như thư viện quốc gia, chủ yếu về vấn đề khoa học kỹ thuật chứ không có vấn đề chính trị . Việc được bảo vệ luận án đặc cách của một nhân sỹ như tôi làm cho giới khoa học trong nước khá là ngạc nhiên nên rất nhiều người biết. Chuyện không được ghi danh trong cuốn “Tiến sỹ Việt Nam hiện đại” không cay đắng bằng việc họ cố tình xóa tên tôi trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, có thể các anh đã biết là tôi đã từng đi bộ đội chống Pháp, đã từng đi làm du kích, đào hầm bí mật. Đến lúc khi mà công tác ở Cục Bản đồ địa chất, tôi đã vào dân quân tự vệ (1) được xem là dân quân tự vệ tiên tiến, là chiến sĩ thi đua nhiều năm và được đề nghị phong anh hùng lao động. Nhưng khi có chỉ thị làm trong sạch đội ngũ dân quân tự vệ cơ quan thì mấy ông ở trên trung ương xuống đọc lý lịch rồi ra lệnh đuổi tôi ra khỏi dân quân tự vệ. Chỉ vì họ thấy bố tôi và gia đình tôi đang ở bên Mỹ. Họ đuổi tôi ra khỏi lực lượng dân quân tự vệ chỉ vì lý do ấy. Lúc bấy giờ là đang chống Mỹ đã đành, sau này một việc cay đắng nữa, cuối năm 2013, tôi có một tập thơ mang tên “Những mẩu quặng dọc đường”. Thơ thì hoàn toàn không có “hạt sạn” nào, chỉ ca ngợi đất nước và nghề địa chất... Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam dám nhận xuất bản cho tôi. Ban Tuyên Giáo Trung Ương thấy rằng không bẻ họe được gì về nội dung thơ của tôi, nhưng khi đọc đến năm người góp ý bình luận về tập thơ, năm người đó đều là những người cộng sản tiếng tăm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, ví dụ như nhà thơ Thanh Thảo- phó chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam, nhà thơ Đình Hải, từng được giải về văn học nghệ thuật nhà nước, tác giả phần thơ của bài “Trái Đất này là của chúng mình”, mà nhiều nhà lãnh đạo chóp bu bấy giờ hồi trẻ từng hát bài đó. Hoặc là nhà thơ Ngô Văn Phú tứng là giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tất cả đều ca ngợi tôi, không những ca ngợi về thơ mà còn ca ngợi về thành tích cách mạng kháng chiến, ca ngợi về tư chất của tôi. Thế thì Cục xuất bản nhận lệnh của ban Tuyên Giáo Trung Ương, gửi công văn xuống nhà xuất bản Hội Nhà văn yêu cầu phải thu hồi tập thơ đó. Không đả động đến phần thơ mà chỉ nói rằng xuất bản tập thơ sao lại có lẫn lộn văn xuôi (Cười). Họ ra lệnh phải thu hồi để xé bỏ phần văn xuôi. Mà phần văn xuôi không có tội tình gì, chỉ có tội khen Nguyễn Thanh Giang. Những chuyện kỳ thị, ghét bỏ, vùi dập tôi một cách cay đắng thì còn rất nhiều, xin hãy tìm đọc thiên Tự truyên “Người Đội Số phận” dầy ngót nghin trang của tôi.

Kiều Phong: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng được các tổ chức khoa học nước ngoài rất nhiều lần mời xuất ngoại, nhưng lần nào tiến sĩ cũng gặp khó khăn. Tiêu biểu nhất là lần đầu tiên tiến sĩ ra nước ngoài là vào năm 1982, Tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc mời ông sang Kualalumpur dự Hội thảo Cổ Địa Từ Quốc tế. Tại sao chuyến đi này của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang bị nhiều cản trở nhiều?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Lúc bấy giờ việc đi nước ngoài, mà lại đi nước tư bản là việc khó khăn chung của tất cả mọi người. Đối với tôi lại càng khó khăn hơn vì họ bảo là tôi có gia đình ở Mỹ, cho tôi ra nước ngoài khác nào “thả hổ về rừng”. Hoặc là bỏ tổ quốc ra đi, hoặc là làm việc gì có tính chất gián điệp. Công an ra sức ngăn trở. May mà một việc hiếm hoi tôi được Liên Hợp Quốc mời đích danh, chứ nếu mời chung chung thì tôi dứt khoát không được chọn đi, nhưng đây chính họ mời đích danh, họ đài thọ mọi thứ để tôi đi. Thế nhưng họ ngăn trở quyết liệt. May sao là hồi ấy giáo sư Tạ Quang Bửu đã từng xuống tận Như Quỳnh thăm phòng nghiên cứu cổ địa từ của tôi. Giáo sư hết sức quý mến. Nói cách láo xược thì giáo sư rất kính nể tôi. Nói thế hơi láo xược nhưng phải nói là Giáo sư thương mến tôi lắm. Khi tôi phản ánh tình hình đó thì Giáo sư sai con gái tên là Tuyết Mai, trùng tên vợ tôi, cầm thư tay của Giáo sư giới thiệu tôi với thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ruồi vào cái đó và đưa về Tổng cục Địa chất. Nhưng mà công an vẫn tiếp tục gây khó dễ cho tôi . Đến nỗi, đến lúc còn ba ngày nữa hội nghị khai mạc tôi mới lấy được hộ chiếu. Họ cho như vậy để chiếu lòng cấp trên nhưng chắc chăn tôi không đi được. Không ngờ nhờ sự hỗ trợ không chỉ của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng mà cả Văn phòng Ban Bí thư… nên chỉ sau ba ngày tôi lấy được Visa, việc công an không thể ngờ tới. Lúc tôi lấy được visa và đi ra sân bay lên máy bay rồi họ mới phát hiện ra, thế rồi họ điện sang sứ quan ta ở Lào. Hồi ấy đi sang Kualalampur - Malaysia để dự hội nghị ấy thì phải đi từ Việt Nam sang Viêng Chăn, rồi từ Viêng Chăn sang Bangkok rồi Bangkok mới sang Kualalampur dự hội nghị được. Vali đưng tư trang và báo cáo khoa học của tôi bị giấu ở Viêng Chăn. Đến lúc sang Bangkok mới phát hiện ra mất vali, lúc ấy ông Hoàng Bảo Sơn đại sứ tại Thái Lan bấy giờ quý mến tôi lắm. Ông tỏ ra rất sung sướng hãnh diện. Thời ấy có một nhà khoa học Việt Nam được Liên Hợp Quốc mời trình bầy công trình khoa học là “chuyện xưa nay hiếm”. Ông Hoàng Bảo Sơn gọi điện thoại ngay sang cho sứ quán Viêng Chăn, may quá chỉ sau 1 ngày vali sang được Bangkok và tôi sang dự được hội nghị chậm một ngày. Chậm một ngày nhưng họ vẫn sắp xếp cho tôi đọc báo cáo.

Vì bị gây khó quá mức nghiệt ngã, đến mức tôi phải buông xuôi, nên cũng không sốt sắng chuẩn bị đi lắm. Lúc bấy giờ đi hội nghị quốc tế thì phải lên Ban Tài chính Trung Ương mượn giày và complet vì bấy giờ hầu như không ai mặc complet với đi giày. Đến lúc nhận được hộ chiếu và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng nhắc nhở, 12h đêm tôi phải đi ra ông thợ giày ở chợ Mơ để đập cửa nhờ ông đánh xi và làm cho đôi giày há mõm của tôi ngậm mõm lại! 12h đêm ông ngồi hỳ hục làm đôi giày. Sang đến nơi, mấy ông đại sứ Thái Lan nói: “Nhà khoa học Việt Nam qua nước ngoài mà trông tội nhỉ”. Sang đấy người ta quý mến, tôi làm được việc là đem lại vinh dự cho nhà nước này. Nhưng mà khổ hết sức. Đến lúc đi về rồi và làm nhiệm vụ tổ quốc rất tốt đẹp, giữ được tư chất rất nghiêm chỉnh của nhà khoa học Việt Nam. Hôm từ Hôi nghị về qua Thái Lan thì Bộ Công nghiệp Thái Lan cử người đến tận đại sứ quán Việt Nam mời tôi đi sang Bộ Công nghiệp Thái Lan để tư vấn cho Thái Lan xây dựng bộ môn nghiên cứu Cổ địa từ. Họ đem ô tô đến đón tôi, thế nhưng ông đại sứ Hoàng Bảo Sơn bảo: “Anh không cần đi xe của họ”. Đại sứ ta xuất một cái xe sang trọng nhất, ông đại sứ huy động cho tôi bộ quần áo và một giày rất sang trọng, ngồi một cái xe sang trọng đến làm khách của Bộ Công nghiệp Thái Lan. Thế mà rồi về nước tôi vẫn bị hành hạ ghê gớm lắm. Công an phao rất nhiều tin chết người: Tôi đem bản đồ phóng xạ toàn quốc bán cho Mỹ. Họ làm như kiểu tôi đi chuyến đó là làm gián điệp nọ kia. Tôi xiểng liểng suốt mấy năm trời, ngồi chơi xơi nước, không có khoa học kỹ thuật gì nữa. Phòng Thí nghiệm Cổ Địa Từ cũng tan hoang.

Kiều Phong: Khi xem tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang báo cáo tại hội nghị cổ địa thì giáo sư-tiến sỹ Michael Fuller ở trường đại học Illinoi Chicago rủ tiến sĩ sang Hoa Kỳ cộng tác ở một viện nghiên cứu Cổ Địa Từ, ngoài ra còn hứa sẽ bố trí cho ông được sử dụng các thiết bị hiện đại, có độ chính xác cao hơn, miễn là ông giúp trường đại học Mỹ khai thác các tài liệu bằng tiếng Nga. Ông Gia Nia Hong cũng rủ tiến sĩ sang Trung Quốc làm việc . Vì sao tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang lại từ chối cả hai cơ hội này?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Lúc bây giờ, không chỉ người ta rất quý mến con người khoa học của tôi mà còn vì lý do chính trị. Hai phe vẫn còn chiến tranh lạnh. Mỹ muốn tôi cung cấp những kiến thức, sách vở, tài liệu của Liên Xô, đóng góp vào trong bộ môn rất mới, muốn tôi nhận nhiệm vụ khai thác tài liệu của Liên Xô, đóng góp những kỹ thuật của Liên Xô vào phòng thí nghiệm của Illinoi. Các giáo sư, tiến sĩ rất tha thiết mời tôi. Thế còn Trung Quốc, lúc bây giờ Việt Nam- Trung Quốc đang là kẻ thù của nhau, chắc bấy giờ Trung Quốc với tâm lý một phần về khoa học kỹ thuật, vấn đề là mới, họ muốn khai thác của mình, hai nữa có thể vấn đề chính trị, họ muốn kéo chất xám sang bên kia.
Nhưng mà tôi từ chối, bởi vì thế này: tinh thần dân tộc từ ông cha đã nhiễm ở trong tôi để tôi thấy không nơi nào đáng yêu, đáng quý hơn tổ quốc Việt Nam của tôi. Tinh thần đó nhiễm cả vào các con tôi. Anh con trai tôi Nguyễn Giang Vũ là một trong bốn nghiên cứu sinh ở xứ Việt Nam Cộng sản đầu tiên sang Mỹ. Con gái tôi là Nguyễn Mai Thủy cũng làm thạc sỹ ở Ấn Độ. Tuy lúc bây giờ trong nước đời sống rất khó khăn, nhưng tôi không cho con ở lại Mỹ và Ấn Độ mà đều cho con trở về Việt Nam. Vì là của hiếm lúc bấy giờ nên các anh chị đó dều được mời vào làm cơ quan nhà nước. Ví dụ con trai tôi được mời vào Viện Khoa học Dầu khí Việt Nam, con gái tôi được Nguyễn Thị Hằng - thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội đến tận nhà đón ngay lên làm thư ký. Thế nhưng khi tôi bị giam tù thì con cái tôi đều bị làm khó đễ phải bật ra khỏi cơ quan nhà nước. Nhưng mà may quá, con cái tôi do dược trang bị các văc-xin tốt nên đã miễn dịch được tai ương. Con trai tôi bỏ phí mất khối lượng kiến thức chuyên môn Địa Vật lý quý giá nhưng con gái tôi bây giờ làm cho Liên Hợp Quốc thì thu nhập của nó cao gấp 10 lần lúc nó làm thư ký Thứ trưởng.

Kiều Phong: Năm 1999, chính phủ bỏ tù tiến sĩ vì lý do chính trị mà không cần bản án. Họ cũng không dám tước bằng của tiến sĩ. Từ những trải nghiệm sống qua nhiều chế độ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định thế nào về thái độ đãi ngộ của chính phủ đối với nhà khoa học?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Về sự kỳ thị, về sự đày ải của chính phủ cộng sản Việt Nam đối với tôi phải nói là quá tệ. Tôi bị một lần bị bỏ tù, khoảng chín lần khám nhà rất tàn bạo, tàn bạo hơn là hồi Pháp khám nhà mấy chiến sĩ cộng sản. Họ xộc cả vào thùng gạo, xộc cả vào nhà vệ sinh, lật tung giường đệm … Gọi đi thẩm vấn hoặc đến nhà thẩm vấn thì vài ba chục lần, họ hành hạ tôi phải nói là hết sức tàn bạo, dã man. Trong khi tôi không hề có tội tình gì. Bây giờ khi kiểm điểm lại, người ta đọc tôi thì ai cũng ái ngại thương cảm cho tôi. Bây giờ giở thư viện online của tôi, tôi viết khoảng 4000- 5000 trang chính luận. Trong những người làm dân chủ ở Việt Nam bây giờ, số trang số chữ của tôi viết chính luận phải nói hàng đầu, không có ai viết chính luận được nhiều như tôi. Người ta nói rằng vì tôi có tâm huyết và tư duy khoa học nên bài viết của tôi rất thuyết phục, hết sức dễ hiểu. Những điều tôi nói trước đây 15-20 năm, bây giờ mới thấy báo Đảng nói theo tôi. Tôi chưa bao giờ kêu gọi lật đổ đảng cộng sản Việt Nam, tôi chưa bao giờ viết một cái gì làm lộ bí mật nhà nước. Cho nên họ không dám đưa tôi ra tòa mặc dù những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam rất thù ghét tôi, rất muốn hãm hại tôi. Mà họ đã hãm hại tôi bằng nhiều cách, không những khám nhà, còn tông xe dọc đường, còn cho trẻ con ném gạch ném đá vào nhà, thuê du côn đóng giả thương binh biểu tình trước của rồi xông vào nhà uy hiếp hành hung… đủ các thứ. Nhưng mà người ta không bao giờ dám đưa tôi ra tòa bởi nếu đưa tôi ra tòa thì họ vỡ mặt (cười)

Kiều Phong: Vâng, xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Hà Nội ngày 24 tháng 12 năm 2015

(1) Thời đó, trong mỗi đơn vị nhà nước đều thành lập một đơn vị dân quân tự vệ, gồm các thành viên của đơn vị đó.








No comments:

Post a Comment

View My Stats