Tuesday 8 December 2015

Tại sao du học sinh không về nước? (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 8, 2015 6:39:28 PM

Nếu chỉ nhìn vào con số tiền bạc tự động chảy vào Việt Nam mà không cần bán gì hết thì ai cũng mừng. Tổng số tiền ngoại quốc đổ vào trong nước trong năm 2015 sẽ lên đến 13, 14 tỷ Mỹ kim. Tính trung bình mỗi người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước gần 3000 đô la; mỗi người dân trong nước được hơn 150 đô la!

Trong mấy chục năm nay tiền từ người Việt ở nước ngoài chảy vào trong nước, nhưng trong cùng thời gian đó, nước Việt Nam đã mất một thứ còn quý hơn nữa, là con người, đặc biệt là những người có khả năng. Ngay sau khi chế độ Cộng Sản được đem vào miền Nam, những đợt vượt biển, ra đi tìm tự do đã là một cuộc “xuất não” lớn. Nhưng đáng lo cho đất nước hơn nữa là đến nay những du học sinh Việt Nam ra nước ngoài phần lớn đã chọn không trở về. Mỗi người chọn “ở lại” là nước Việt mất một người.

Báo mạng trong nước đang nói rất nhiều về trường hợp anh Ðỗ Lâm Hoàng, một sinh viên du học tại Úc đã chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Tâm sự của anh Hoàng có thể coi là tiêu biểu cho hầu hết các du sinh Việt Nam đang học ở Mỹ, ở Châu Âu, CANADa hay ở Úc, vân vân, đã hoặc đang phân vân muốn “chọn ở lại.”

Ðỗ Lâm Hoàng được chú ý vì anh đã chiếm giải nhất trong cuộc thi tài Olympia. Anh được thưởng 35 ngàn Mỹ kim, rồi sau 10 tháng được học bổng của một đại học Australia, nước Úc, trị giá trăm ngàn Mỹ kim nữa. Những năm sống trong môi trường đại học nước Úc, anh dần dần học được nhiều điều mới trong cách sống: “...tôi được dạy rằng, trong công việc muốn gì thì nói thẳng ra và đối xử bình đẳng với nhau trong công việc. Chúng tôi được đào tạo để đối diện và chịu trách nhiệm,...”

Sau khi tốt nghiệp Ðỗ Lâm Hoàng về Việt Nam 3 tháng. Anh cho biết bạn bè đã mách cho anh các cơ hội làm việc tốt, nhưng thiếu nhất là tính “minh bạch.”

Ai cũng dặn dò anh một câu: “Em về Việt Nam làm, có nhiều cái khác biệt so với nước ngoài. Khác biệt lớn nhất là: trong giao tiếp, có những cái em biết đôi khi em cũng không nên nói, nếu có biết cũng lập lờ làm như mình không biết... không nên thể hiện sự hiểu biết của mình.”

Làm việc ở Việt Nam phải “che giấu con người thật và hy sinh một số tự do cá nhân, một thứ rất quan trọng trong yếu tố con người.” Còn làm việc ở Úc “môi trường làm việc minh bạch, không đòi hỏi bôi trơn này nọ nên chúng tôi luôn được là chính mình.”

Trong thời gian làm việc tập sự tại Sở Giáo Dục của bang Victoria, người chỉ huy anh trao cho trách nhiệm làm một “chuyên viên mạng không dây, wireless.” Ông ta dặn dò, “có cần gì cần hỗ trợ thì cứ nói thẳng ra.” Không khí làm việc thẳng thắn, minh bạch. Có lần anh hỏi người chỉ huy tại sao ông ấy có thể giao công việc quan trọng cho một sinh viên thực tập như mình?
Ông ta nói: “Tôi thấy anh hiểu biết rất sâu vấn đề này. Tôi tin tưởng anh có trách nhiệm nên tôi rất tự tin khi giao công việc này cho anh.”

Hoàng hỏi tiếp: “Như ở nước tôi, sếp quyết định hết mọi thứ. Vậy tại sao ở đây ông không quyết định mọi thứ mà ông để cho tôi quyết định?”
Ông ấy trả lời: “Nếu có chuyện đó cũng lạ thật. Tôi muốn nói cho anh biết người quản lý không phải là người biết tất cả mọi thứ. Mà người quản lý phải là người biết trong tay họ có những nhân viên như thế nào và họ phải biết sử dụng nhân viên của họ.”
Hoàng công nhận: “Sau buổi đối thoại đó, tôi nghĩ rằng, chọn con đường ở lại có thể sẽ tốt hơn cho tôi.”

Các du học sinh ở lại có thể vì lý do kinh tế. Nhưng Ðỗ Lâm Hoàng đã nêu ra những lý do sâu xa hơn: “Nếu về mà trái ngành nghề, làm việc không có lợi cho cộng đồng, về để mà vinh thân phì gia mặc kệ cộng đồng thì thà đừng về còn hơn.”

Nói “Làm việc không đúng nghề của mình” Hoàng đã nhắc nhớ đến trường hợp một giáo sư Ðại Học Kỹ Thuật-Công Nghệ ở Cần Thơ gần đây. Ông Doãn Minh Ðăng đã đưa lên Facebook những điều bất công ông phải chịu trong nhà trường, và sau đó ông bị “xử lý kỷ luật.” Thay vì tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu, nhà khoa học này được đưa qua làm một công việc hành chánh không cần một hiểu biết khoa học, kỹ thuật nào cả!

Ðỗ Lâm Hoàng cũng nói rõ các trở ngại khác nếu về làm việc trong nước, mà vụ Giáo Sư Doãn Minh Ðăng là tiêu biểu: Không được tự do suy nghĩ. Mất tự do phát biểu. Không được sống con người thật của mình. Phải chịu luồn cúi những kẻ không hiểu biết, thiếu đạo đức, chỉ thăng tiến trong xã hội nhờ bè đảng, cái bè đảng lớn nhất chính là đảng Cộng Sản!

Phải sống trong một môi trường bất minh và không bình đẳng như vậy, người sinh viên tính trở về sẽ suy nghĩ: “Chúng tôi về là để cống hiến, để làm việc chứ không phải về nắm bắt cơ hội, để trở thành kẻ cơ hội.” Chắc phần lớn các du học sinh Việt Nam cũng đang nghĩ như thế. Họ chọn “ở lại” đóng góp cho quốc gia nơi họ du học, vì biết rằng nếu trở về cũng không có cơ hội đóng góp gì cho đất nước, vì phải sống trong một xã hội vẫn còn di sản của chế độ “hồng hơn chuyên.”

Cho nên, nước Việt Nam đang bị mất rất nhiều tài năng. Những tài năng đó, đời xưa ông Thân Nhân Trung (1419-1499), sống vào đời Lê Thánh Tông đã gọi là “nguyên khí của quốc gia.” Thân Nhân Trung viết một câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” Sau khi khẳng định điều đó, ông nói tiếp: “Bởi thế các đức Thánh Ðế, Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.”

Thân Nhân Trung là một nhà Nho, môn đồ Khổng Giáo, cho nên đã quen biết với quy tắc “cử hiền tài.” Chữ “Hiền” trong văn chương đời xưa cũng có nghĩa là người có khả năng, chứ không phải chỉ nói đến tính hạnh tốt. Trong Lễ Ký, Khổng Tử mô tả một xã hội “đại đồng,” khi “đạo lớn được thi hành,” ông viết: “Ðạo lớn được thi hành, thiên hạ đều là chung, tuyển chọn người hiền có tài năng, nói điều tín nghĩa hòa mục, cho nên người ta không chỉ thương yêu cha mẹ mình, không chỉ lo cho con cái mình,...” (Ðại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử,...)

“Cử hiền dữ năng,” nói theo lối Tây phương bây giờ, gọi là “meritocracy,” có thể tạm dịch là “chế độ cử hiền tài.” Chế độ này có thể được áp dụng trong việc quản trị một quốc gia cũng như trong các công ty kinh doanh, các tổ chức bất vụ lợi, khi cả xã hội dùng quy tắc “cử hiền tài” để chọn người nắm quyền hành trên những người khác. Theo quy tắc “cử hiền tài” thì phải chọn những người có khả năng thay vì chọn những người thân thuộc, cùng bè đảng, cùng thuộc một “giai cấp ưu đãi,” là các đảng viên đảng cầm quyền. Cử hiền tài thì trong công việc chung, dù là việc nước hay việc của xí nghiệp, của cơ quan, “người ta không chỉ thương yêu cha mẹ mình, không chỉ lo cho con cái mình” (nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử). Chắc chắn không ai chỉ “lo cho các đồng đảng của mình!” Chế độ “cử hiền tài” là căn bản cho một xã hội sống với “cơ hội đồng đều,” khi mọi công dân được “bình đẳng trong cơ hội.”

Lý do chính khiến các du học sinh Việt Nam không trở về nước là vì sẽ không được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình, mà một phần quan trọng trong nhân phẩm là quyền sống, suy nghĩ và phát biểu tự do, luôn luôn được “là chính mình” như Ðỗ Lâm Hoàng xác nhận. Lý do quan trọng khác khiến nhiều người không muốn về nước là vì họ biết khi trở về sẽ lại phải sống trong một xã hội không có “bình đẳng trong cơ hội.”

Nhiều sinh viên có thể chọn trở về vì biết họ “có gốc lớn,” nhờ xã hội bất bình đẳng mà họ sẽ được ưu đãi. Nếu những sinh viên đó chỉ cần sống “vinh thân phì gia mặc kệ cộng đồng,” thì con đường trở về là hợp lý. Nhưng với tuổi trẻ người ta còn giữ được nhiều lý tưởng, nhiều người “có gốc lớn” cũng không muốn sử dụng uy thế, tiền bạc của cha mẹ mình để tiến lên trong xã hội, họ cũng nghĩ rằng chỉ khi nào mình thăng tiến nhờ tài năng thì mới xứng đáng.

Trong một chế độ độc đảng, độc quyền, xã hội không thể có “bình đẳng trong cơ hội.” Chế độ độc tài đảng trị đang gây ra cơn “xuất não” làm hao mòn nguyên khí dân tộc Việt Nam. Ðảng Cộng Sản có thể đang vỗ bụng tự khen là họ đã thu vào được 14 tỷ Mỹ kim kiều hối. Nhưng nước Việt Nam vẫn tiếp tục mất, dòng nguyên khí của quốc gia vẫn tiếp tục chảy ra nước ngoài!

Chỉ khi nào dân Việt được sống tự do dân chủ thì mới chấm dứt được tai họa mất nguyên khí này.




No comments:

Post a Comment

View My Stats