Tuesday, 1 December 2015

Philippines : Coi trọng tình bạn với Trung Quốc nên mới phải khởi kiện (Hồng Thủy)





Hồng Thủy
01/12/15 11:35

(GDVN) - Chúng tôi xem Trung Quốc như một người bạn quý, và chính vì để giữ gìn tình bạn đó chúng tôi mới khởi xướng tiến trình trọng tài này.




The Straits Times ngày 1/12 đưa tin, Philippines đang nỗ lực vạch trần những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông tại phiên điều trần trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan kéo dài 5 ngày, kết thúc hôm 30/11.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, ảnh: CSIS/Gustavo Ferreira.

Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia buổi điều trần của PCA, các thẩm phán vẫn dành thời gian cho Bắc Kinh đưa ra lập luận của mình về vụ kiện đến ngày 1/1/2016. Ngoại trưởng Philippines Albert del-Rosario nói: "Chúng tôi xem Trung Quốc như một người bạn quý, và chính vì để giữ gìn tình bạn đó chúng tôi mới khởi xướng tiến trình trọng tài này".

Trung Quốc đòi yêu sách "chủ quyền" một cách vô lý, phi pháp đối với gần như 85% diện tích Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra năm 1947, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Trung Quốc biện minh cho yêu sách của mình dựa vào "quyền lịch sử", một khái niệm không hề có trong luật pháp quốc tế.

Cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Với tư cách thành viên UNCLOS, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước này ở Biển Đông và đề nghị tòa PCA tuyên bố đường lưỡi bò là không có căn cứ theo UNCLOS, do đó nó vô giá trị theo đúng quy định, thủ tục trong Phụ lục VII UNCLOS.

Trong lúc PCA thực hiện các tiến trình tố tụng theo đúng thẩm quyền và luật định, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trên Biển Đông với hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), khu vực mà Philippines cũng yêu sách.

Tân Hoa Xã nói Philippines hiếu chiến

Lăng Đức Quyền từ Trung tâm Nghiên cứu tin tức quốc tế thuộc Tân Hoa Xã ngày 30/11 bình luận rằng, Philippines nên suy nghĩ thận trọng về hành động mà ông Quyền cho là "hiếu chiến" xung quanh việc nước này có kế hoạch triển khai 12 chiến đấu cơ FA-50PH mua của Hàn Quốc trên 2 căn cứ gần Biển Đông.

Theo hợp đồng, phía Hàn Quốc sẽ hoàn tất việc bàn giao 12 chiếc chiến đấu cơ siêu âm cho Philippines vào năm 2017 và Manila sẽ bố trí chúng ở căn cứ Baasha và Subic. Tổng giá trị hợp đồng này khoảng 402 triệu USD. Ông Quyền cáo buộc Tổng thống Philippines Benigno Aquino làm tăng căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông (?) và Trung Quốc không hài lòng.

Nhận xét của ông Lăng Đức Quyền dựa trên 2 lập luận đã quá cũ và hoàn toàn không có sức thuyết phục, nhưng lại thừa mùi hăm dọa đối với nước láng giềng. Thứ nhất ông Quyền cho rằng các nước khi mua vũ khí phục vụ nhu cầu phòng thủ phải "hợp lý". 

Nhiều chuyên gia và giới phân tích quốc tế cho rằng quân đội Philippines thuộc hàng "yếu nhất khu vực" còn Trung Quốc thì đang ngày càng phô trương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông với tốc độ chóng mặt, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Chính điều này đã buộc các nước ven Biển Đông chứ không riêng Philippines, phải củng cố năng lực phòng thủ đề phòng các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là việc hết sức bình thường.

Mặt khác tuyên bố của Philippines sử dụng 12 chiến đấu cơ này vào việc bảo vệ lãnh thổ, tuần tra không phận và vùng trời mà Philippines cho là thuộc quyền của mình cũng là chuyện bình thường.

Chỉ có điều, đối với các khu vực có tranh chấp, không riêng Philippines mà tất cả các bên đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, DOC và các điều ước liên quan nhằm tránh xung đột, đối đầu, leo thang căng thẳng.

Đằng này ông Quyền dọa: "Nếu ai đó cố ý thách thức giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh, xâm phạm (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ của mình, Bắc Kinh sẽ dùng các biện pháp cần thiết. Vì vậy, lúc đó chớ đổ lỗi cho Trung Quốc về việc đã không cảnh báo trước." Cái gọi là "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc ở Biển Đông phải chăng là đường lưỡi bò đang thách thức công luận và luật pháp quốc tế?

Khu vực và quốc tế sẽ không để yên cho Trung Quốc thích làm gì thì làm. Thay vì đối thoại, giải quyết vấn đề theo khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành, bài viết của ông Lăng Đức Quyền đang khiến hình ảnh Trung Quốc ngày cảng trở nên tệ hại trong mắt cộng đồng khu vực và quốc tế, dù có trưng ra cả núi tiền cho Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 gì đó cũng không thể vãn hồi lại được.

Thứ hai, ông Quyền cho rằng Philippines "chà đạp" DOC vì đã đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra PCA với lập luận ngô nghê và ngạo ngược: Nước nào khởi kiện, nước đó vi phạm. Thiết nghĩ phán quyết của PCA về thẩm quyền thụ lý vụ kiện hôm 29/10 thiết nghĩ đã là câu trả lời đầy đủ, bởi tranh luận với những kẻ bầy hầy giả ngây giả ngô sẽ chẳng đi đến đâu.
Quan điểm đàm phán song phương trực tiếp mà ông Quyền nhắc lại đã chứng minh nó chẳng đi đến đâu, chỉ làm mất thời gian đồng thời tăng cơ hội cho Trung Quốc leo thang vi phạm luật pháp quốc tế ngoài thực địa. Cuối bài, ông Quyền đe dọa Philippines và các bên liên qua "chớ đùa với lửa" ở Trường Sa - một thái độ khiêu khích, thách thức dư luận và luật pháp quốc tế.

Vài lời bình luận

Phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario rằng Philippines coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, muốn bảo vệ sự trong sáng lành mạnh của mối quan hệ ấy nên mới phải đưa vụ việc ra tòa trọng tài là một điều hoàn toàn xác đáng, hợp tình, hợp lý, hợp pháp và rất đáng ghi nhận.

Nó phản ánh đúng thực tế diễn biến tình hình cũng như tâm trạng, suy nghĩ và chính sách đối ngoại của Philippines. Không ai tin và ngay cả bản thân Philippines cũng không "hoang tưởng" hay "rỗi hơi" đến mức vô cớ khiêu khích với Trung Quốc.

Nhưng khi thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, luật pháp và công lý quốc tế bị chà đạp, hòa bình và ổn định, an ninh ở khu vực Biển Đông bị đe dọa, Philippines không thể khoanh tay chờ trói, mà phải tìm mọi cách để bảo vệ mình, đồng thời cũng bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế.

Thay vì chạy đua vũ trang, liên minh liên kết..., Philippines chọn giải pháp pháp lý song song với việc tăng cường năng lực phòng thủ. Đó là việc hết sức bình thường của bất cứ một quốc gia nào khi đối mặt với các mối đe dọa từ nước lớn.

Philippines hay các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông, không nước nào rảnh để đi chống lại đất nước và nhân dân Trung Quốc. Nhưng với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của láng giềng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực mà nhà nước Trung Quốc đang tiến hành thì bắt buộc phải đấu tranh đến cùng.

Cách hành xử của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS với đường lưỡi bò dựa trên lập luận mơ hồ về "quyền lịch sử", đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông qua phán quyết của PCA hôm 29/10 rõ ràng là một hành động đúng đắn, văn minh, hợp pháp và góp phần bảo vệ Công ước.

Trong khủng hoảng Scarborough 2012, Philippines đã "mắc lỡm" Bắc Kinh, để mất quyền kiểm soát bãi cạn này, trong khi liên tục bị Trung Quốc sử dụng các đòn về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự để gây sức ép. Rõ ràng về thực lực Philippines không phải đối thủ của Trung Quốc, nhưng không vì thế mà khuất phục trước cường quyền.

18 năm theo đuổi đối thoại, đàm phán song phương với Trung Quốc không đi đến đâu bởi lập luận quái dị, đầu tiên phải thừa nhận "chủ quyền thuộc Trung Quốc", rồi sau đó đàm phán gì thì đàm phán, đã đẩy mọi nỗ lực ngoại giao vào ngõ cụt. Cực chẳng đã, Philippines phải đưa vấn đề ra cơ quan tài phán.

Hành động này hoàn toàn phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Đồng thời nó phù hợp với nội dung Công ước UNCLOS mà cả hai nước đều là thành viên.

Là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên UNCLOS và đang tuyên bố thúc đẩy chính sách đối ngoại hòa bình "hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện", hơn ai hết Trung Quốc cần phải làm gương trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thay vì "Trung Quốc hóa" luật pháp quốc tế, áp đặt luật chơi và quan điểm vô lý của mình lên nước khác.

Dù cho xu thế cường quyền áp đặt, cá lớn nuốt cá bé vẫn hiện hữu đâu đó trong quan hệ quốc tế hiện đại, nhưng nhân loại văn minh ngày càng nhận thức rõ cách hành xử này không thể chấp nhận được. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, thượng tôn pháp luật là yêu cầu, đòi hỏi và nhiệm vụ của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Các nước ven Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế, các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc...chắc hẳn sẽ không chịu ngồi im để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và chấp nhận cúi đầu xin phép, nộp tô cho Bắc Kinh khi tàu thuyền của họ đi qua vùng biển quốc tế trên tuyến hàng hải huyết mạch này.

Hồng Thủy






No comments:

Post a Comment

View My Stats