Friday, 11 December 2015

Nút thắt Syria (Joschka Fischer - Project Syndicate)





Joschka Fischer  -  Project Syndicate
Trường Xuân dịch   -   Dịch giả gửi tới Dân Luận
09/12/2015

Cuộc chiến đẫm máu ở Syria kéo dài đã bốn năm. Bắt đầu là cuộc nổi dậy của lực lượng dân chủ nhằm chống lại chế độ độc tài Bashar al-Assad đã biến thành mớ bòng bong những cuộc xung đột, phần nào thể hiện cuộc đấu tranh ngấm ngầm đầy bạo lực giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Saudi Arabia nhằm giành quyền bá chủ khu vực. Cuộc đấu tranh này, như cuộc chiến ở Yemen cho thấy, có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. Đồng thời Nga, bằng cuộc can thiệp quân sự giúp Assad, đang tìm cách củng cố vị thế của nước này như một siêu cường toàn cầu trong cuộc đối đầu với phương Tây (cụ thể là Mỹ).

Cho nên cuộc xung đột ở Syria đang diễn ra ít nhất ở ba bình diện: địa phương, khu vực và toàn cầu. Và, vì người ta đã để cho cuộc chiến mưng mủ và lây lan, khoảng 250.000 người đã thiệt mạng, đấy là theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Mùa hè năm nay, Cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc nói rằng có bốn triệu người tị nạn đã chạy khỏi Syria, cùng 7,6 triệu người phải di tản khỏi nơi thường trú của mình. Trong khi đó, dòng người tị nạn Syria đến châu Âu đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu từng gặp.

Cuộc nội chiến Syria cũng đã trở thành một trong những cái nôi cho việc xuất hiện chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nguy hiểm nhất, đấy là Nhà nước Hồi giáo (IS) - phong trào này đã tiến hành những vụ tấn công ở Ankara, Beirut, Paris và vụ đánh bom một máy bay chở khách của Nga trên bán đảo Sinai. Hơn nữa, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga làm gia tăng nguy cơ là các cường quốc sẽ bị lôi cuốn trực tiếp vào cuộc chiến. Nói cho cùng, Thổ Nhĩ Kỳ, là thành viên của NATO, trong trường hợp bị tấn công, sẽ được NATO giúp đỡ về quân sự.

Vì tất cả những lý do đó, cuộc chiến tranh ở Syria phải được kết thúc càng nhanh càng tốt. Không chỉ là thảm họa nhân đạo đang xấu đi từng ngày; mà những rủi ro về an ninh xuất phát từ cuộc chiến tranh này cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris vào 13 tháng 11, cơ hội mới cho việc chấm dứt sự đau khổ của Syria đã xuất hiện, bởi vì tất cả các tay chơi quan trọng (trừ IS) hiện đã sẵn sàng ngồi lại với nhau bên bàn đàm phán. Mặc dù tất cả các tay chơi đều đồng ý là trước hết và trên hết là phải chống IS, nhưng họ có thực sự làm như thế hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Người Kurd ở miền bắc Syria và Iraq là những chiến binh hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại IS, nhưng tham vọng về việc thành lập quốc gia riêng của họ đã làm cho họ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Iran và Saudi Arabia chủ yếu đang chiến đấu với nhau để giành bá quyền trong khu vực. Nga đang đấu tranh để giành cho bằng được địa vị toàn cầu và chống lại mọi hình thức thay đổi chế độ ở Syria.

Do đó, Nga liên minh với Iran trong nhằm hỗ trợ chế độ độc tài Assad, trong khi Iran lại theo đuổi lợi ích địa chính trị của chính mình bằng cách ủng hộ phe Shia ở Lebanon – tức là lực lượng Hezbollah – đối với lực lượng này, hậu phương Syria là vô cùng quan trọng. Pháp là nước quyết tâm chiến đấu với IS hơn bao giờ hết, trong khi Đức và những nước châu Âu khác cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp nước này - và để ngăn chặn dòng người tị nạn từ khu vực.

Trong khi đó, Mỹ lại như người bị trói tay. Trước hết, tổng thống Barack Obama muốn rằng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ, Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Trong khi siêu cường chính đứng ngoài thì kết quả không thể tránh khỏi là khoảng trống quyền lực đầy nguy hiểm mà tổng thống Nga, Vladimir Putin, muốn nhảy vào.

Cụ thể, vì Hoa Kỳ từ chối dẫn đầu còn châu Âu thì lại quá yếu về mặt quân sự để có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bản thân Syria, đang có nguy cơ là châu Âu sẽ liên minh với nước Nga của Putin. Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, vì bất kỳ sự hợp tác nào với Nga cũng sẽ không ngăn chặn hay chấm dứt được cuộc chiến ở Syria: Trên thực tế, có lý do để lo sợ điều ngược lại: Bất kỳ sự hợp tác quân sự nào với Assad – đấy là mục tiêu và chi phí mà Putin phải trả - sẽ đưa phần lớn người Hồi giáo dòng Sunni vào vòng tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Người ta đã thấy xu hướng này ở Iraq. Chính phủ do người Shia giữ thế thượng phong của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki đã có vai trò quyết định trong việc làm cho người Sunni ở Iraq trở thành quá khích và biến họ thành những người ủng hộ IS. Phải là cực kỳ ngu ngốc thì mới cố tình lặp lại những sai lầm tương tự ở Syria. Thật vậy, vụ mặc cả như thế không phải là chính sách thực dụng, bởi vì không thể kết thúc cuộc chiến ở Syria khi IS hay Assad vẫn còn hiện diện trên chính trường.

Bất kỳ sự hợp tác nào của phương Tây với nước Nga cũng phải tránh hai kết quả: Liên kết Syria với Ukraine (các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân đã thành công mà không cần mối liên hệ như vậy) và hợp tác quân sự với Assad. Thay vào đó, cần phải nỗ lực liên kết sự can thiệp quân sự chống lại IS, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với thỏa thuận về quá trình chuyển hóa chính trị, từ hiệp ước đình chiến tới chính phủ đoàn kết dân tộc cho Syria và kết liễu chế độ của Assad.

Còn có những thách thức lớn khác đang hiện ra ở bên ngoài Syria: Iraq đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, có dính líu chặt chẽ với thảm họa Syria, đe dọa biến thành khu vực xung đột mới giữa Iran và Saudi Arabia. Nếu không ngăn chặn được cuộc chiến giành bá quyền khu vực, thì những cuộc chiến ủy nhiệm trong tương lai - với tất cả những rủi ro mà chúng kéo theo - là không thể tránh khỏi.

Cuối cùng, trận chiến quyết định với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ xảy ra trong cộng đồng người Hồi giáo Sunni. Hình thức Hồi giáo Sunni nào - phiên bản Saudi-Wahhabi hay hiện đại hơn và ôn hòa hơn – sẽ chiến thắng? Đây là câu hỏi quyết định trong cuộc chiến chống IS và những kẻ đồng hội đồng thuyền với chúng. Trong bối cảnh như thế, yếu tố quan trọng là cách thức phương Tây đối xử với người Hồi giáo của mình - như những công dân được chào đón với quyền và nghĩa vụ giống như những công dân khác hay như những người vĩnh viễn ở bên lề và là đối tượng cho những kẻ tuyển quân thánh chiến.

Joschka Fischer là cựu bộ trường ngoại giao và cựu thủ tướng Đức trong giai đoạn 1998-2005.







No comments:

Post a Comment

View My Stats