Sunday, 6 December 2015

LƯỢM LẶT TỪ NHỮNG CUỘC CHUYỆN TRÒ (Gs. Tương Lai)





CHỦ NHẬT, NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2015

Tôi nhận được mấy cái email liền sau bài viết “Hãy nhìn sang Myanmar” với cùng một câu:“Này ông TL, vậy thì ông định nói ai là Theinsen ai là Aung San Suu Kyi của Việt Namđấy!”. Cùng thời điểm, phóng viên của hai hãng tin nước ngoài cũng truy vấn tôi đúng câu ấy.

Chỉ có liều mạng một cách ngu ngốc mới đưa ra câu trả lời cụ thể khi mà cuc diện“chính trị của Việt Nam vẫn là hộp đen” như cách nói của Jonathan London. Nhưng cũng không thể theo kiểu thầy bói nói dựa, đưa ra những đáp số ỡm ờ, hiểu thế nào cũng được.

Tôi chọn cách trả lời đúng theo mạch tư duy của chính mình, dựa vào logic của cuộc sống mà tôi đã trải và đã nghiệm: họ, tức là những “Theinsen, Aung San Suu Kyu của ViệtNam” đang ở trong khối vĩ đại của hơn 90 triệu người Việt Nam yêu nước thương nòi”.

Khi nói câu này, trong đầu tôi vẫn hiện rõ mồn một lời của một học giả Pháp “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”. Hiện rõ, không phải chỉ vì câu ấy được ông Eduard De Penguilly phát biểu trong một tham luận tại một Hội thảo khoa học cách nay đã hơn 30 năm tại Viện Xã Hội học do tôi chủ trì. Mà chủ yếu là do ý nghĩa đúc kết sâu sắc của nhà khoa học Pháp am hiểu về lịch sử Việt Nam. Không chỉ ý nghĩa sâu sắc mà còn có sức khái quát mang tính quy luật. Và đấy cũng là điểm tựa để tôi đưa ra lời giải đáp cho chính mình.

Mới đây thôi, trả lời phỏng vấn của Mạc Lâm, đài RFA, thiếu tướng Lê Văn Cương vắn tắt nêu lên những con số thú vị mà tôi tìm ra ở đó điểm tựa cho lập luận của mình: “Năm 938 Ngô Quyền dành độc lập trong trận Bạch Đằng thì lúc ấy sức mạnh nhà Tống là hai mươi mà Việt Nam chỉ có một. Cái trận Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1077 khi ấy phương Bắc là ba mươi mà ta chỉ một. Trận Xương Giang Chí Linh năm 1426 Lê Lợi, Nguyễn Trãi khi ấy triều đại rực rỡ nhất Trung Quốc cũng là ba mươi ba với một nhưng Việt Nam cũng vẫn thắng đấy ạ.
 Đấy là chưa nói trận nhà Thanh năm 1789 với Nguyễn Huệ … khi ấy nhà Đại Thanh đang ghê gớm lắm ta vẫn thắng cơ mà”.

Ý chí quyết đánh và quyết thắng là điểm tuyệt đối giống nhau. Nhưng cả năm cuộc chiến chống ngoại xâm tướng Cương dẫn ra thì không có trận nào giống trận nào, từ chiến thuật và triển khai thế trận cho đến cách xử lý chiến trường mà nhiều nhà viết sử, đặc biệt là những cây bút bình luận về tài thao lược của ông cha ta trong việc“tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” đã từng viết. Tìm được, còn vì ông cha ta không “bị một cái bóng ý thức hệ nó đè lên lợi ích dân tộc” như hôm nay mà tướng Cương lưu ý. Có lẽ phải viết rõ ra là cái “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” tai hại cần phải dứt khoát vứt bỏ thì mới thật tường minh. Còn phải viết thêm là vì kẻ thù của chúng ta thuở ấy chỉ nghe thấy tiếng nói của những Trần Bình Trọng với hai chữ “Sát Thát” khắc ghi trên cảnh tay, một biểu tượng của “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, mà không “ngửi thấy mùi chúng ta đang lùi và đang lùi thì họ tiến thôi. Không phải bây giờ mà cách đây mười, mười lăm năm đã lùi rồi” [với những Nguyễn Văn Linh] như tướng Cương trả lời RFA!

Hèn nhát tìm đường thoả hiệp để cố bám giữ cái ghế quyền lực rệu rã thì lấy đâu ra “giải pháp độc đáo cho các vấn đề gặp phải” từ những cái đầu đang quay cuồng trong những toan tính và thủ đoạn thanh toán lẫn nhau để chiếm lĩnh ngôi vị được đeo cái mặt nạ mị dân đã rách nát. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ sống động kiểu ấy qua những triều đại dài ngắn thịnh suy rồi tự cáo chung để cho cuộc sống mở đường đi tới. Chỉ trong sự vận động không ngừng nghỉ của cuộc sống lam lũ, nhẫn nại vốn trầm tích truyền thống quật cường bất khuất của ông cha bao đời dựng nước và giữ nước mới có thể ấp ủ để nảy sinh những nhân tố đột biến làm xuất hiện những con người đáp ứng đòi hỏi của lịch sử.

Thời thế tạo anh hùng để rồi đến lượt anh hùng tác động đến thời thế khi họ quy tụ và kết tinh được ý chí, khát vọng, trí tuệ của đông đảo những người lam lũ và nhẫn nại kia để làm nên lịch sử. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc, của cuộc sống con người Việt Nam ta,"Nước, tức thể cộng đồng siêu làng, đã mất nhưng hình ảnh của nó vẫn còn trong những người dân của làng. Lại bắt đầu một cuộc vận động đưa mối liên hệ làng – liên làng gắn bó trở lại, nhằm khôi phục cộng đồng siêu làng đã mất. Chỉ có sự cố kết thể cộng đồng mới tạo ra “sức mạnh chống xâm lược”. Ý thức cộng đồng này là điểm xuất phát, là cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc". Kiến giải sâu sắc này của học giả Hà Văn Tấn đã làm sáng tỏ cái mà tôi gọi là quy luật nói trên.

Không thể hiểu được chiều sâu của những sự kiện đang diễn ra nếu không hiểu đươc hành trình của dân tộc trước sức uy hiếp thường trực của chủ nghĩa bành trướng phương Bắc để từ đó hiểu những bài học lịch sử đúc kết bởi ông cha ta. Trở về những toạ độ cũ là để tìm lại những giá trị đã bị vùi lấp song vẫn ủ kín trong lòng đất, chờ thời điểm thuận lợi sẽ bật dậy để xua đi những rơm rác mà một thời cứ ngỡ là cứu cánh nhưng hoá ra là những ảo giác tai hại đã kìm hãm hành trình của đất nước.Từ đó mà một lần nữa khẳng định rằng"chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc” là cái nôi nuôi dưỡng hiền tài và những anh hùng dựng nước, cứu nước. Đây mới là cội nguồn của "những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”.
Rõ ràng là, “giải pháp độc đáo” phải là sản phẩm đặc thù của mỗi dân tộc trong những điều kiện lịch sử cụ thể của sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ấy. Bê nguyên xi những giải pháp đã thành công của nơi khác áp đặt vào nước mình là hạ sách mà thất bại sẽ là điều dễ hiểu. Nhưng, nhạy bén với những sự kiện mang tầm vóc của những bước ngoặt để biết vận dụngsáng tạo tương thích với điều kiện lịch sử cụ thể của mìnhnhằm tạo ra bước đột phá đưa dân tộc bứt lên,thì sự kiện Myanmar là một gợi ý tuyệt vời.

Cách đây mấy hôm, trong một cuộc trò chuyện với một nhà ngoại giao Vương quốc Anh, ông Philip Malone, người am hiểu sâu sắc về các nước Đông Nam Á vì từng là Đại sứ ở Lào và nay phụ trách khu vực ASEAN của Bộ Ngoại giao Vương Quốc Anh, ông đã lưu ý tôi về các tướng lĩnh Myanmar vốn am hiểu về thể chế chính trị dân chủ của phương Tây và Mỹ do phần lớn đã được đào tạo từ các trường đại học hàng đầu ở Tây Âu và Hoa Kỳ. Tuy họ từng thiết lập chế độ quân phiệt, đàn áp dân chủ và các đảng đối lập mà trước hết là đảng NLD của bà Suu Kyi nhưng đừng quên là họ yêu nước họ. Họ hiểu rõ cái gọng kìm Trung Quốc đang siết chặt cổ đất nước và nhân dân họ. Nếu không sớm thoát khỏi quỹ đạo kiềm toả của Trung Quốc, đất nước và cả chính bản thân họ, quyền lợi của gia đình họ sẽ bị uy hiếp. Mặt khác, họ cũng nhận ra cái xu thế không thể đảo ngược được của ý chí nhân dân và khát vọng dân chủ mà bà Suu Kyi là biểu tượng. Nếu họ bắt tay, thoả hiệp với đảng NLD của bà Suu Kyu thì quyền lợi của họ vẫn được duy trì. Cần thấy cho rõ chiều sâu này của sự kiện Myanmar để hiểu hơn về thắng lợi vang dội của Aung San Suu Kyu, hiểu hơn về Theinsen, những nhân vật đã đi vào lịch sử Myanmar thật chói sáng.

Tôi hỏi Philip “Nếu vừa rồi Myanmar không có Theinsein thì sao”? Nhà ngoại giao nở nụ cười điềm tĩnh và nhẹ nhàng đáp “Thì tôi chắc sẽ có một Theinsen khác, có thể kém ngoạn mục và hấp dẫn hơn, nhưng chiều hướng chung thì chắc không mấy trái ngược. Hàng ngũ tướng lĩnh có tương thuận thì ông Theinsen mới có thê có ứng xử tuyệt vời như vậy”.  - “Cho dù có như thế thì dấu ấn cá nhân cũng giữ một vai trò quan trọng chứ ạ”, tôi chen vào một câu. Và Philip cười thoải mái “Tất nhiên, tất nhiên”!

Tôi nhớ đã đọc đâu đó rằng việc bổ nhiệm Thein Sein là do lãnh đạo chính quyền quân sự Than Shwe dàn dựng, vì Than Shwe muốn có một gương mặt được các bên chấp nhận trong quá trình chuyển tiếp. Còn Thein Sein thì cũng nói rõ là quân đội Myanmar sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị nước này. Ông không đưa ra lời xin lỗi về các hành động trong quá khứ của quân đội như là cầm tù các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến. Ông chỉ nói: “Họ hành động theo niềm tin của họ, còn chúng tôi theo niềm tin của chúng tôi. Mỗi người đều hành động vì đất nước theo cách của riêng mình”.

Tôi cứ muốn nói với nhà ngoại giao Anh rằng “còn vì các tướng lĩnh Myanmar cũng như bà Suu Kyu không cần biết và cần có “mười sáu chữ và bốn nguyên tắc cùng chung “ý thức hệ” bịp bợm mà Tập Cận Bình đang thân thiết khoác vào cổ một số các người cầm quyền Việt Nam đang ngoan ngoãn thần phục hắn ta với cái mồi ý thức hệ độc hại đó”. Nhưng rồi cũng kịp tự kiềm chế để chỉ nói thêm với Philip rằng đường biên giới đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc [2.185 km so với 1.281 km) và Myanmar đã từng một thời được gọi là nước chư hầu của Trung Quốc. Phải có những tiền đề được tạo ra để Myanmar thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc thì tiến trình dân chủ hoá do NLD của Aung San Suu Kyu thúc đẩy mới giành được những thắng lợi vang dội. Cần phải thúc đẩy mạnh mẽ để cho những tiền đề ấy định hình thật rõ nét là cái mà chúng tôi đang cần và đang xúc tiến mạnh mẽ.

Thì đây, trước mắt là bài viết của ông Nguyễn Mạnh Can vừa gửi cho tôi : “Bây giờ là cơ hội lớn để vứt bỏ vòng kim cô kép, tiến lên cùng thế giới”. Ông chỉ rõ “Sự hội tụ các yếu tố trong nước, ngoài nước, trong Đảng ngoài Đảng, cùng với hồn thiêng sông núi, anh linh của các tiền nhân đã tạo nên CƠ HỘI LỚN CHƯA TỪNG CÓ  để đổi mới văn hoá chính trị, VỨT BỎ VÒNG KIM CÔ KÉP “Ý THỨC HỆ” và “LỆ THUỘC NGOẠI BANG”.

Ông cũng viết rõ “Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói: “TỪ BỎ CHỦ NGHĨA MÁC- LÊNIN, CẮT CÁI ĐUÔI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (ví như thôi “kinh tế thị trường có định hướng XHCN”, thực sự tiến hành kinh tế thị trường), trở về với tư tưởng đoàn kết, với chính thể Dân chủ, Cộng hoà, để THOÁT VÒNG LẠC HẬU, TIẾN CÙNG THẾ GIỚI  là tâm nguyện của tôi và tuyệt đại đa số người dân Việt Nam”.

Quả thật, những ý tưởng mang tầm vóc của những đột phá về tư duy được trình bày thật gọn ghẽ, nổi bật và công khai minh bạch có sức công phá mãnh liệt vào thành trì của giáo điều bảo thủ được sự bảo kê của “người láng giềng cùng chung ý thức hệ”.

Nhìn bức ảnh của vị lão tướng vừa tròn 100 tuổi đời, 77 năm tuổi đảng, nguyên là Uỷ viên dự khuyết BCHTƯĐCSVN, Đại sứ của nước ta tại Trung Quốc tươi cười bên ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên là Phó Ban Ban Tổ chức Trung Ương của ĐCSVN được in trên bìa cuốn sách, tôi như nhớ lại hơi ấm từ đôi bàn tay của cụ truyền sang tôi trong những dip tôi đến thăm cụ và trong buổi nói chuyện thân tình với ông Can [đã có dịp nói đến trong “Mênh mông thế sự 17”].

Không hẹn mà gặp, trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23.11 vừa rồi, ông Võ Viết Thanh, nguyên Uỷ viên BCHTƯĐCSVN, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TPHCM nhắc lại những ý ông đã viết trên báo “Tuổi Trẻ” trước đó một tháng, ngày 27.10.2015: 
“Không cần nói nữa về những tiêu chuẩn “tài, tâm, đức” mà đã có hàng vạn, hàng triệu người dân đòi hỏi. Tôi muốn thêm vào một tiêu chuẩn: nên lựa chọn người có dũng khí, quyết đoán để trong lúc cần sự quyết liệt họ sẽ có được quyết định có lợi cho quốc gia, dân tộc. Và không nên chọn những người bảo thủ, giáo điều, nói nhiều làm ít, không dám đột phá. Những cán bộ như vậy không nên bầu, chức quyền của họ càng cao thì tác hại cho dân, cho nước sẽ càng nhiều”.

Tối hôm kia, 1.12.2015, anh Mạnh Can đã trao đổi qua điện thoại những điều tôi góp với các anh về nội dung ấn phẩm sắp ra mắt cũng đề cập đến chính vấn đề ông Bảy Thanh vừa nêu. Tôi thật xúc động khi nhận được cuốn sách in màu rất đẹp của Trung Tâm Xây dựng Môi trường Văn hoá mới do anh làm Chủ tịch chuyển qua email với những lời tâm huyết của anh: “Thân gửi anh Tương Lai để cùng chia sẻ những suy tư và trách nhiệm trước sự tồn vong củaĐảng, sự phát triển bền vững của đất nước. Chúc mọi sự tốt lành cho dân tộc ta và tất cả chúng ta. Mạnh Can”.

Đúng là tiến trình đấu tranh cho khát vọng dân chủ hoá đất nước gắn làm một với thoát ra khỏi cái gọng kìm tai ác của Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ. Đó là một xu thế không thể đảo ngược được. Chính xu thế ấy đang tác động quyết liệt đến sự phân hoá của các thế lực cầm quyền. Một mặt nó lay tỉnh những đầu óc mụ mị vì mớ giáo điều mọt ruỗng đã bị cuộc sống vứt bỏ nhưng lại được hà hơi tiếp sức bởi sự lừa mị “cùng chung ý thức hệ XHCN” bịp bợm đang vừa vung cây gậy của “con quái vật Frankenstein thế kỷ XXI” nhằm đe doạ kẻ yếu bóng vía, vừa đưa củ cà rốt để mua chuộc người đang “…dùng dằng đi chẳng dứt, đi thì cũng dở ở không xong”đang trăm bề lúng túng.

Mặt khác, xu thế mạnh mẽ này cũng đánh thức những ai còn chìm đắm trong bối cảnh của những rối ren, chao đảo của trắng đen lẫn lộn, thật giả khó phân. Cuốn sách anh Nguyễn Mạnh Can chuyển cho tôi có đoạn nhắc đến một câu rất đáng chú ý khác của tướng Cương tại cuộc toạ đàm ngày 24/11/2012, tại Viện SENA “ngày xưa hầu hết thất bại của Việt Nam trước xâm lược phía Bắc đều xảy ra trong thời bình, do lãnh đạo yếu hèn và cấp cao có nội gián” [tr.27]. Cũng trong cuộc tọa đàm ấy, trả lời về đề nghị chuyển những ý kiến trên cho lãnh đạo, ông N.V.A. trả lời: “Các ý kiến tâm huyết ở đây, tôi đã trao đổi đầy đủ. Ngoài ra, tôi đã phản ánh với đồng chí lãnh đạo nhiều người dân nói: Trong các đồng chí, có người PHÁ NƯỚC” có người “BÁN NƯỚC” [tr.28].

Thì ra, những bước tiệm cận của lương tri, lương năng trong lương tâm mỗi đời người thường hội tụ về một điểm thật gần gũi : lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và khát vọng tự do. Trong suy ngẫm của tôi về tâm thế Việt Nam, cả ba điều thiêng liêng ấy như một kiểu “tam vị nhất thể”, chạm đến cái đó là chạm vào điều ẩn sâu trong tâm hồn Việt Nam và rồi có sức lan truyền rất mãnh liệt. Nhưng đâu chỉ Việt Nam, riêng người Việt Nam, mà là của tất cả mọi người đang sống trên trái đất này. Có thể nói lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và khát vọng tự do là cấu thành bẩm sinh của bất kỳ con người nào nếu người đó có một dân tộc, được sinh ra từ một đất nước.

Bỗng nhớ đến những tứ thơ của Louis Aragon, nhà thơ Pháp từng viết trong những ngày đen tối của Paris dưới ách chiếm đóng của Hít le “Giữa hồi phản phúc/ Tối đen tù ngục/ Suối đã đục dòng/ Chỉ lệ còn trong” rồi gay gắt đòi hỏi “Phân rõ trắng đen, phân rõ chính tà/ Phải xứng danh Tổ quốc chúng ta” để rồi thiết tha giục giã “Những gì ta yêu phải cứu thoát ra/ Tự mình ta, tự mình ta”. [Bài Marche Francaise. Tố Hữu dịch là Hành khúc].

Chính âm hưởng của câu thơ Aragon gợi trong tôi cảm hứng để mạnh dạn trả lời câu hỏi của Philip khi nhà ngoại giao Anh chân thành và cẩn trọng đặt ra “liệu ông có dự báo được kết quả cuộc đấu tranh nhằm tạo ra một bước đột phá trong tiến trình dân chủ hoá đất nước mà các ông đang dấn thân như ông vừa cho tôi biết”?

Tôi đáp “Vâng, nhưng trước hêt xin nói là tôi không muốn dùng khái niệm dự báo, thưa ông, tôi muốn khẳng định niềm tin không lay chuyển vào sức cuộn chảy quyết liệt của dòng sông cuộc sống đang dâng trào qua những con thác để dồn vào những khúc ngoặt quyết định. Lịch sử của dân tộc tôi dạy cho tôi điều ấy. Có những điều đã biết và có những điều chưa biết, nhưng giữa chúng là cánh cửa dẫn tới nhận thức và niềm tin mà tôi có. Và tôi tin chắc rằng, sản phẩm của sự lạc quan và niềm tin luôn là một hằng số”. Làm sao có thể sống mà không hy vọng? Philip cười hiền hoà “tôi tiếc là thời gian của chúng ta quá hạn hẹp, nhưng tôi hứa là sẽ còn trở lại thăm ông để tiếp nối câu chuyện thú vị còn dở dang này”.

Cũng chính âm hưởng của câu thơ trên làm bật dậy câu tôi đáp lời ông Đại sứ Mỹ Ted Osius khi ông bắt tay chào từ biệt sau buổi trò chuyện cởi mở để nói với tôi: “ông là một người dũng cảm”. “Không, thưa ông Đại sứ”, tôi đáp, “cảm ơn về lời động viên, nhưng xin thưa với ông rằng có nhiều, rất nhiều người dũng cảm gấp trăm lần điều mà ông vừa động viên tôi. Chính họ mới đang mạnh mẽ góp phần tạo ra bước đột phá mà tôi mong đợi. Còn riêng tôi, chỉ xin được nói một câu của chính một người Mỹ: “Tôi tồn tại như tôi hiện hữu, thế đủ rồi”.

Ông Đại sứ vừa đi vừa vẫy tay chào chắc chưa kịp nhớ ra câu tôi vừa nói là của nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất đến thơ ca Mỹ trong suốt một thế kỷ, Walt Whitman. Đây là câu trích trong tập thơ “Bài hát chính tôi” [Song of Myself] mà dịch giả, nhà thơ Hoàng Hưng vừa tặng tôi. Nguyên văn như sau: “I exist as I am, that is enough”.

Nhưng không sao, có thể ông không kịp nghe xuất xứ một câu nói nhưng quan trọng hơn, tôi hy vọng ông hiểu được khát vọng mãnh liệt của nhân dân chúng tôi để bằng trọng trách của mình, ông góp phần đẩy nhanh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, một nhân tố quan trọng góp phần tạo ra bước ngoặt của sức cuộn chảy của dòng sông cuộc sống đã có dấu hiệu tràn bờ mà tôi chỉ là một giọt nước trong dòng chảy ấy.

Vâng, đúng vậy, cuộc sống đang lừng lững đi tới.

T.L (Tác giả gửi BVB)

-------------
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 20:07 








No comments:

Post a Comment

View My Stats