Monday 14 December 2015

LAN MAN QUANH CHUYỆN NHẠC VÀ NHẠC SĨ VIỆT KHANG (Thanh Tôn)





Thanh Tôn
Posted by adminbasam on 14/12/2015

Mấy hôm nay, tròn 4 năm tù, ngoài đời và trên mạng Fb đã nhắc nhiều về nhạc sĩ Việt Khang. Họ nhớ đến anh, chàng trai trẻ Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Tiền Giang, khen nhạc của anh, cảm phục sự dấn thân dũng cảm của anh… Đồng thời thương xót người mẹ già, người vợ trẻ và đứa con thơ dại của NS Việt Khang đã phải chịu nhiều mất mát, khổ đau vì bản án mà những người “hèn với giặc, ác với dân” đã trơ tráo xử một người yêu nước và thể hiện tình yêu quê hương đất nước qua nhạc như Việt Khang đến 4 năm tù giam cộng thêm 2 năm quản chế.

Đông đảo dân tình đang háo hức chờ đón ngày về của anh và mong ước sẽ có những đóng góp nào đó về tinh thần và cả vật chất cho anh và gia đình, sau khi anh đã “thân thể trong lao tù” đủ trọn 4 năm, không được bớt một ngày, dù đã có hàng chục tổ chức Ân xá, Nhân quyền quốc tế lên án bản án là phi lý nặng nề; đã có hàng trăm ngàn chữ ký của đồng bào kiến nghị giảm án và đã có hàng chục đợt xét đặc xá trôi qua…

Họ không bớt một ngày án cho anh vì họ “đánh giá lòng yêu nước của anh rất cao”, và vì anh đã không mảy may khuất phục nhận tội.

Trên Fb khi tôi viết: “NGƯỜI NHẠC SĨ ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT

Phạm Duy ư, Trịnh Công Sơn ư…

Vâng, có thể là có nhiều người trong đó có bạn, và cả tôi nữa, đã trả lời như thế trước 1975.
Còn bây giờ, với bạn không biết sao nhưng với tôi thì đã khác, người nhạc sĩ mà tôi yêu thích và kính trọng nhất chính là VIỆT KHANG!”

Và cũng khá bất ngờ, trong thời gian rất ngắn, mấy dòng cảm xúc ngắn nầy cũng đã nhận được một số lượng bạn vào like, comment… đồng cảm đạt mức kỷ lục với một Fb rất bình thường, có ít bạn, không nổi tiếng như Fb của tôi!

Và cũng là để khen các nhạc sĩ, trên Fb của Bọ Lập Nguyễn Quang Lập tôi đọc được một câu ta thán: “Đám nhà văn bây giờ lại phải ngửa mặt chờ bài cúa ông nhạc sĩ Tuấn Khanh, thế có nhục không, he he!” đại ý theo tôi hiểu thì nhà văn NQL tự trào là thấy nhục quá, vì đất nước đang có rất nhiều chuyện đáng viết, cần viết, nhưng không thấy các nhà văn viết, nên một nhà văn như ông đành phải chờ đọc các bài viết từ những người chuyên viết nhạc như là nhạc sĩ Tuấn Khanh!?

Theo tôi thì có thể là nhà văn NQL đã quá cảm xúc khi đọc được nhiều bài viết về thời sự và nhân tình thế thái quá hay gần đây của nhạc sĩ Tuấn Khanh, nên tự trào chua xót mà nói quá lên một chút vậy thôi, chứ bây giờ thì sự đau xót phẫn uất đã lan tràn, và không chỉ riêng các nhà văn được “độc quyền viết và yêu nước, ở tù” mà hầu như là trong toàn xã hội, bây giờ thì ở giới nào cũng đã có…

Đất nước chúng ta đang rơi vào thời kỳ hưng vong đau đớn chua xót đến lạ lùng; mà quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Nước Nam không thiếu người yêu nước, nên gần như bây giờ sự lên tiếng phản đối CS đã lan ra khắp toàn xã hội. Sự phản kháng bùng lên từ đảng viên quan chức lão thành, cựu chiến binh, đến chiến sĩ cán bộ CA, QĐ, đảng viên, quan chức đang tại chức, đến trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, luật sư, cha linh mục, đại đức thượng tọa, công nhân nông dân, dân oan, người Việt sống ở nước ngoài… Giới nào cũng có người phản ứng lên tiếng kiến nghị, phản đối, viết văn làm thơ viết báo, xuống đường biểu tình… bất chấp mọi bản án lao tù nặng nề mà giới nào cũng đã có người bị bắt bớ trấn áp khủng bố, bỏ tù!

Và cũng chính vì do mọi biểu hiện yêu nước đều đã và vẫn đang bị đàn áp, khủng bố khốc liệt như vậy, nên cũng đã có nhiều người phải sử dụng các phương tiện kín đáo hơn thông qua các hình tượng văn học nghệ thuật y như là đất nước ta đang ở trong các giai đoạn thuộc địa mất nước, khi bọn thực dân còn cai trị…

Có một chuyện khá thú vị có được từ sự ủy nhiệm của một người thân, tôi xin được kể lại, dẫn chứng trường hợp của một nhạc sĩ. Anh cũng đã thông qua nhạc, nhưng đã chọn cách phản kháng kín đáo hơn, thông qua một bài hát cũng đang được khá nhiều người yêu thích và đang hát; đó là nhạc sĩ Đinh Miên Vũ với bài “Xin em đừng khóc vu quy”, mà trong đó, người phụ nữ đau khổ chính là hình tượng của người dân VN; bị cưỡng hôn, ép lên xe hoa với đảng CS sau khi CS cướp chính quyền; và người phụ nữ – ND, hứa sẽ quay về với người tình cũ là chế độ nhân bản Cộng hòa, mà chị vẫn nặng lòng thương yêu và mong đợi rồi sẽ hồi sinh, quay về…

Và đây là nguyên văn lời bài hát:

“XIN EM ĐỪNG KHÓC VU QUY
Đừng nhìn nhau chi mà hoen lệ bờ mi
Tình dù chưa phai không tránh được tự ly
Ai biết đời mai sau bao giờ, ai biết đâu ngờ
Tình hai chúng ta, lẽ nào phôi pha.

Xót xa từng kỷ niệm đầy vơi
Lòng mình muối xát sao không mặn người ơi
Trăng nước còn đây em đâu rồi ngăn cách phương trời
Hận tình khóc tang, trọn đời riêng mang.

Xe hoa đưa em lạnh ngỡ ngàng
Là đoàn xe tang tiễn hồn anh sang
Ngục tối đau thương, độc hành đêm trường
Điệp khúc yêu đương chỉ còn cung buồn não nùng.

Đớn đau từng tiếng lòng người ơi
Trời đày hai đứa ôm cách biệt hai nơi
Lau mắt rồi thôi xin ráng cười làm vui lòng người
Mình chờ kiếp sau, hẹn lại yêu nhau.

Bài “Xin Em Đừng Khóc Vu Quy” nầy, hiện có sẵn trên youtube, khá hay với giọng ca Quang Lê rất mượt mà tình cảm!

Trở lại với NS Việt Khang, ngoài 2 tác phẩm “Anh là ai” và “Việt Nam Tôi Đâu” rất được yêu thích trong cộng đồng người Việt khắp thế giới, Việt Khang còn có 2 bài đã được thu âm là “Bạn Thân” được trình bày bởi Đan Trường và “Bà Má Miền Tây” được trình bày bởi Lý Hải.

Việt Khang tranh đấu cho quyền làm chủ đất nước của người dân và vào năm 2011, trước việc nhà cầm quyền đàn áp những cuộc biểu tình của thanh niên SVHS chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam, anh sáng tác hai bài: “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”, sau đó tự trình diễn rồi để lên Youtube.

Bị bắt vào tháng 9/2011, cầm tù một thời gian, thả ra, rồi bị bắt lại vào tháng 12/2011. Ngày 30/10/2012, nhạc sĩ bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế, người bạn của ông, Trần Vũ Anh Bình, bị tuyên án 6 năm và 2 năm quản chế trong cùng phiên tòa về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự VN.

Bắt và tống giam nhạc sĩ VK vào tù là một bước mới, là đỉnh cao ô danh của sự chà đạp nhân quyền ở Việt Nam.

Tại phiên tòa, khi bị thẩm phán chất vấn là tự ý hay bị xúi giục sáng tác… Việt Khang đã trả lời anh sáng tác là do bức xúc, không bị ai xúi giục, và bởi vì bị cáo là người Việt Nam. Lời tự bào chữa trước tòa: “Bởi vì tôi là người Việt Nam” của Việt Khang đã xổ toẹt vào Cáo trạng của Viện Kiểm sát, vào bản án của chế độ; đã khiêu gợi được lòng yêu nước nơi những người còn thờ ơ bàng quan trước vận mệnh sinh tử của đất nước.

Việt Khang, qua hai bài hát “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu” để đời, và qua sự can trường bất khuất trong lao tù của mình… xứng đáng trở thành một trong vài nhạc sĩ VN, đang được nhiều người yêu thích nhất!





No comments:

Post a Comment

View My Stats