Sunday, 6 December 2015

KHÙNG ĐIÊN VÀ XÚC PHẠM (Nguyễn Nhân Trí)





Chủ Nhật, ngày 06 tháng 12 năm 2015

Vụ thảm sát hơn 130 người vô tội ở Paris hôm thứ Sáu 13 tháng Mười Một vừa qua một lần nữa cho thấy những kẻ cực đoan Hồi Giáo không gớm tay ở bất cứ hình thức khủng bố nào. Ngoài sự phẫn nộ từ nhiều phía trong cộng đồng thế giới trước tai biến nầy, nhiều người còn bày tỏ nỗi lo ngại khi thấy rằng dường như nhà cầm quyền Tây Phương hiện nay không có phương cách nào hữu hiệu để đối phó với những tổ chức cực đoan Hồi Giáo.

Sự lo ngại trên liên quan đến một vấn đề ít khi được nói đến, nhất là nói đến một cách công khai và chính thức. Đó là việc làm sao để chống trả những kẻ địch chẳng những không sợ chết mà còn tự nguyện đón chào cái chết?


Thường muốn nhăn chận một chuyện gì người ta dùng đe dọa hay trừng phạt. Tuy nhiên hình phạt gì sẽ hiệu quả cho những kẻ không sợ hãi cái chết?

Chúng ta đang đứng trước những kẻ cuồng tín. Đây là những kẻ tin rằng nếu họ “chết như một tín đồ Hồi Giáo”, như chết khi chiến đấu cho danh nghĩa Allah – thí dụ như trong lúc tấn công những kẻ thù của Ngài – thì họ sẽ được lập tức đưa lên Thiên Đàng. Có những kẻ được thúc đẩy bởi niềm tin rằng phần thưởng của Allah gồm 72 nữ đồng trinh sẽ chờ đợi những kẻ tử vì đạo ở Thiên Đàng. Ngay những người thuộc diện trí thức (hay thực tế hơn) cũng tin rằng trách nhiệm và danh dự tối cao của một tín đồ Hồi Giáo là thực thi lời dạy của Allah và do đó sẵn sàng đánh đổi mạng sống họ để hoàn thành điều nầy.

Từ xưa đến nay trong chiến tranh, mục đích chính của mỗi bên là giết chết kẻ địch và tránh không bị kẻ địch giết chết. Đây là phản ứng sinh tồn tự nhiên của con người và quen thuộc trong truyền thống văn hóa và tâm lý nói chung của thế giới Tây Phương. Lần đầu tiên trong Thế Chiến Thứ Hai khi đứng trước những đoàn phi cơ Thần Phong của Hoàng Gia Nhật Bản, quân lực Đồng Minh đã sửng sốt và lúng túng không ít trước hiện tượng địch thủ không ngần ngại đổi mạng để lấy mạng. Ngày nay, một lần nữa thế giới Tây Phương đứng trước một kẻ thù có thái độ và hành vi cực đoan tương tự, tuy nhiên lần nầy không phải vì tiếng gọi tổ quốc mà là vì nhân danh thượng đế của họ.

Trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn, đặc công phá hoại của Việt Cộng không quan tâm đến việc thường dân vô tội có bị ảnh hưởng hay không khi họ đặt chất nổ ở những quán ăn, rạp hát quân lính Hòa Kỳ thường tụ hợp. Ai kém may mắn có mặt đúng lúc đúng chỗ thì sẽ mang họa lây mặc họ. Điểm khác biệt ngày nay là bọn khủng bố Hồi Giáo chẳng những không quan tâm mà còn không phân biệt bất cứ ai là mục tiêu của chúng. Tất cả mọi người kể cả phụ nữ trẻ em sinh sống trong xã hội Tây Phương đều là những “kẻ tà đạo” và dưới danh nghĩa Allah đều đáng bị tiêu diệt. Và chúng có vẻ như không từ bỏ bất cứ phương cách nào miễn là gây thiệt hại tối đa cho sinh mạng của những “kẻ tà đạo” trên.

Hầu như tất cả vũ khí quân sự xưa nay sử dụng đều với mục đích tước đoạt mạng sống quân địch. Nhưng nếu đối diện một kẻ địch vừa có thể gây thiệt hại lớn vừa không sợ chết thì thế giới Tây Phương phải làm gì? Đây là một câu hỏi đến nay dường như chưa có câu trả lời nào thực tế cả.

Gần đây, một số người ở Hoa Kỳ cho rằng họ có một giải pháp chúng ta đang tìm kiếm. Giải pháp trên không phải là một sáng kiến mới mẻ gì cả; theo họ, một tướng Mỹ đã sử dụng nó thành công trong khoảng năm 1911. Họ muốn nhắc đến câu chuyện xảy ra ở Phi Luật Tân liên quan đến Chuẩn Tướng đương thời John J Pershing, biệt danh “Black Jack”.

Chuyện kể rằng lúc đó tướng Pershing đang là Toàn Quyền chỉ huy lực lượng Mỹ đóng cứ tại Phi Luật Tân. Trong thời điểm trước khi Đệ Nhất Thế Chiến chính thức bùng nổ, các nhóm phản kháng Hồi Giáo trong vùng thường đột kích đồn trại Mỹ gây nhiều tổn thất nhân sự. Những phiến quân Hồi Giáo nầy rất lợi hại và cực kỳ can đảm không hề sợ chết. Tuy nhiên Pershing nghiên cứu và nhận biết rằng tín đồ Hồi Giáo xem thịt, da và máu heo là các thứ dơ bẩn. Họ không những kiêng cử không ăn mà nhiều người còn không dám chạm vào vì sợ bị ô uế lây, và do đó không được vào cửa Thiên Đàng. Ông biết được những người nầy tuy không sợ chết nhưng lại rất sợ bị cấm vào Thiên Đàng.

Khi lính của Pershing bắt được 50 phiến quân Hồi Giáo, ông ra lệnh xử tử tất cả, trừ một người. Sau khi trói 49 người nầy vào cột để chờ xử bắn, ông bảo lính của ông đem hai con heo còn sống ra cắt cổ trước mặt họ. Những viên đạn sắp được dùng để xử tử được nhúng vào máu heo trước khi lệnh xử bắn bắt đầu. Tất cả 49 người sắp bị bắn chết, lẫn người thứ 50 được tha chết, đều chứng kiến việc nầy. Ông Pershing nhận thấy những người sắp bị bắn biểu lộ một sự kinh hãi tột độ trước viễn ảnh sắp bị giết chết bởi các viên đạn tẩm máu heo vì tin rằng thay vì họ được vào Thiên Đàng thì sẽ bị đày xuống Địa Ngục mãi mãi. Sau khi bị bắn chết, tất cả 49 tử thi được bỏ chung vào một cái hố. Hai xác heo cũng được mổ bụng lấy ruột gan nội tạng ra đổ phủ đầy trên xác của các tử tù trước khi lấp đất lại.

Người thứ 50 sau khi bị chứng kiến toàn bộ những gì đã xảy ra đã được Pershing ra lệnh thả đi. Dĩ nhiên người nầy sẽ về tường thuật mọi việc lại cho các phiến quân khác. Chuyện kể rằng trong mấy mươi năm sau đó, quân đội Hoa Kỳ trú đóng ở Phi Luật Tân hầu như không còn bị bị phiến quân Hồi Giáo tấn công nữa.

Tôi xin nói ngay đây là một câu chuyện thuộc dạng “truyền thuyết” hơn là một sự kiện lịch sử vì nó chưa bao giờ được kiểm chứng hay được công nhận chính thức bởi quân lực Hoa Kỳ. Điều nầy vẫn không làm nhiều người cho nó chỉ là câu chuyện giả tưởng. Theo họ, trong lịch sử Hoa Kỳ, cũng như bất cứ quốc gia nào khác, nhiều sự kiện đã thật sự xảy ra nhưng không bao giờ được nhà cầm quyền xác nhận chính thức (trừ khi bất khả kháng). Một lý do là vì chúng có thể gây ra dư luận bất lợi cho chính phủ của họ.

Theo Tiến Sĩ Frank Vandiver của Đại Học Texas, tác giả quyển “Cuộc Đời của ‘Black Jack’ John J Pershing” thì đây chỉ là một câu chuyện giả tưởng. Theo ông, không có bằng chứng chính đáng gì cho thấy người Hồi Giáo tin rằng ăn hay đụng đến da thịt hay máu heo, v.v. thì sẽ lập tức bị cấm vào Thiên Đàng và bị vĩnh viễn lưu đày ở Địa Ngục.

Năm 2005 có một bích chương được dán lên tại tổng trụ sở của Đoàn Cảnh Vệ Quốc Gia California ở Sacramento. Bích chương nầy cổ động việc dùng đạn nhúng máu heo để bắn phiến quân Hồi Giáo. Bích chương nầy nhắc lại câu chuyện về tướng Pershing và nói: “Có thể lúc nầy là khi lịch sử cần phải tái diễn, có thể ở Iraq. Vấn đề là bây giờ tìm ở đâu ra một Black Jack Pershing?”
Đại diện các cộng đồng được cho là “thành phần ôn hòa” của Hồi Giáo đang sinh sống ở Hoa Kỳ, và các nhóm thân Hồi Giáo, đã lớn tiếng phản đối khi họ biết về bích chương nầy. Họ cho rằng ý tưởng dùng đạn nhúng máu heo để đối phó với phiến quân Hồi Giáo chỉ là một ý tưởng khùng điên. Hơn nữa nó còn xúc phạm đến niềm tin của Hồi Giáo cũng như đến cộng đồng Hồi Giáo.
Tôi cũng không nghĩ mọi người Hồi Giáo đều tin rằng chỉ cần chạm đến thịt hay máu heo, nhất là chỉ vì tai nạn hay bị cưỡng ép, thì sẽ bị cấm vào Thiên Đàng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng chúng ta đang nói về những kẻ cuồng tín với các niềm tin hoàn toàn phản lý luận ở các mức độ khó tưởng. Họ lý luận rằng nếu một kẻ thật sự tin chỉ cần tử vì đạo thì sẽ được lên Thiên Đàng nhận lãnh 72 trinh nữ thì tại sao kẻ đó cũng không thể tin rằng đụng chạm đến thịt hay máu heo sẽ bị cấm vào Thiên Đàng? Họ cho rằng nếu là khùng điên thì hai niềm tin đó đều khùng điên ngang nhau.

Có thể những người lính trẻ của Đoàn Cảnh Vệ Quốc Gia California đã dán lên bản bích chương trên vì họ, cũng như không ít người Mỹ khác, cảm thấy cần phải làm cái gì đó cần thiết và khả dĩ để đối ứng với mối hiểm họa đang đe dọa quốc gia họ. Có thể phương cách dùng đạn nhúng máu heo của họ có phần “nằm ngoài khuôn khổ thông thường”, chưa kể là không rõ sẽ hiệu quả bao nhiêu. Dù gì đi nữa, điều mà tôi thắc mắc ở đây là tại sao những “cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa” đã lớn tiếng phản đối rằng tờ bích chương xúc phạm đến tôn giáo và cộng đồng của họ.

Lý do tôi thắc mắc là vì tôi không nhớ thấy họ lớn tiếng phản đối khi các thành phần trong chính tôn giáo họ khủng bố giết hại thường dân vô tội. Và tôi cũng không nhớ thấy cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa nào lên tiếng chống đối những lần các nhóm cực đoan mang danh nghĩa Hồi Giáo biểu tình công khai tại thủ đô một số nước đòi hỏi quyền sử dụng luật Sharia thay vì luật lệ dân sự quốc gia, hay những lần chúng kêu gọi dùng bạo động để “tẩy rửa sạch nền văn hóa đồi trụy dơ bẩn Tây Phương”.

Tại sao các đại diện cộng đồng Hồi Giáo lại cho rằng cổ động việc dùng đạn nhúng máu heo là xúc phạm họ và tôn giáo họ? Tờ bích chương của Đoàn Cảnh Vệ Quốc Gia California nói rất rõ đây là một biện pháp dành cho bọn cuồng tín cực đoan phiến quân Bang Quốc Hồi Giáo. Bọn phiến quân Bang Quốc Hồi Giáo nầy trên lý thuyết không liên quan gì cả đến các cộng đồng dân sự Hồi Giáo hiện đang sinh sống ở những nước Tây Phương. Có người phân tích rằng việc các đại diện cộng đồng dân sự Hồi Giáo có cảm giác bị xúc phạm cho thấy trong tiềm thức họ cảm thấy có một mối liên hệ với chúng. Có lẽ họ tự đồng hóa họ với bọn cuồng tín trên phần nào là vì họ và chúng đều mang cùng tôn giáo chăng? Do đó khi những “người ngoài” (những kẻ ngoại đạo, những kẻ không-Hồi-Giáo) tấn công bọn phiến quân trên một khía cạnh liên quan đến tôn giáo thì họ cũng cảm thấy bị tấn công, bị xúc phạm, phần nào chăng?

Và cũng có thể là vì trong tiềm thức họ cũng thông cảm và ít nhiều đồng tình với thái độ của chúng về việc cần “tẩy rửa sạch nền văn hóa đồi trụy dơ bẩn Tây Phương” chăng? Đây không phải là một phân tích hoàn toàn vô lý là vì hầu như tất cả người sùng tín đều mang một quan điểm chung cho rằng đạo đức tôn giáo của họ là chân chính, cao cả hơn hết; và những gì đi ngược lại đạo đức tôn giáo họ đều là sai trái, hư hoại. Vì nhiều lý do họ không, và không thể, công khai chủ trương “tẩy rửa sạch nền văn hóa đồi trụy dơ bẩn Tây Phương”. Tuy nhiên khi thấy có kẻ làm điều nầy thì họ không cảm thấy cần thiết để cực lực phản đối chúng chăng?

Cái mà tôi nhớ thấy về đại diện các cộng đồng Hồi Giáo là sau các cuộc khủng bố thì họ thường biện bạch rằng “Hồi Giáo thật ra là một tôn giáo hòa bình, không chủ trương giết chóc. Những kẻ khủng bố chỉ là thiểu số đã hiểu sai lời dạy của Allah.” (Đúng theo tâm lý “tôn giáo của tôi luôn luôn chân chính, đạo đức”).

Đây là một điều nữa mà tôi có vấn đề rất lớn. Luận điệu “Hồi Giáo không chủ trương giết chóc… Kinh Koran không hề dạy điều đó…” nói trắng ra, theo tôi, chỉ là hoặc những lời tự bịt mắt ru ngủ của những người muốn lẩn trốn trách nhiệm hoặc những lời nói láo. Tôi đã trích dẫn Kinh Koran để dẫn chứng rõ sự sai lầm của luận điệu nầy trong bài Những Hạt Cỏ Độc đăng trước đây không lâu trên Da Màu. Vấn đề của tôi quan tâm và muốn nhấn mạnh ở đây là ngay cả một số chính khách Tây Phương cũng công khai đồng tình với lập luận nầy. Có thể họ chỉ lập lại những lời người khác nói mà chưa từng đọc qua Kinh Koran (cũng như nhiều người Thiên Chúa Giáo chưa hề đọc qua Kinh Thánh) để tự tìm hiểu cho chính họ. Hoặc họ là những người dễ tin. Hoặc họ là những người chỉ thấy những gì họ muốn thấy. Hoặc họ là những người chủ trương “dĩ hòa vi quý”, với bất cứ giá nào. Theo tôi, những người ở vị thế như họ không chịu tìm hiểu rõ ràng trước khi tuyên bố lập trường như thế là một điều đáng trách và đáng lo ngại.

Tôi hiểu các nhà cầm quyền Tây Phương phải liên tục đương đầu với nhiều áp lực chính trị lẫn ngoại giao và văn hóa từ mọi phía. Họ không có sự tự do áp dụng những biện pháp đối phó, ngay cả nếu họ nghĩ rằng sẽ có hiệu quả, nếu các biện pháp đó bị xem là “có thể xúc phạm” đến các cộng đồng Hồi Giáo. Tĩnh từ “đúng đắn chính trị” (politically correct) là một từ xuất hiện trước nhất khi thiết kế hay đề cử những phương cách hành động gì. Nếu một chính sách, hay một phương án, có thể bị cho là “phản cảm” đối với một nhóm người nào đó, đặc biệt là nếu họ thuộc về một cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc, thì nó sẽ bị xem là không “đúng đắn chính trị” và sẽ bị dẹp sang một bên. Rất nhiều chính trị gia không muốn làm mất lòng cử tri vì họ thường xuyên nghĩ đến việc ai sẽ bỏ phiếu cho họ trong kỳ bầu cử sắp đến.

Tôi hiểu vô số thường dân Hồi Giáo, ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông hay ở trong xã hội Tây Phương, chỉ muốn được yên ổn sinh sống cuộc đời của họ một cách bình an, hiền hòa. Tôi hiểu đối phó với thảm họa Hồi Giáo cực đoan là một chuyện cực kỳ phức tạp. Tìm ra một biện pháp cân bằng để tiêu trừ thảm họa nầy đồng thời tránh thiệt hại cho người dân Hồi Giáo vô can là một việc hầu như bất khả thi. Dùng đạn nhuốm máu heo tuy có thể không phải là một phương cách hiệu nghiệm nhất để chống lại bọn phiến quân tàn ác nhưng ít ra nó không tệ hại bằng thái độ sợ sệt dư luận của những người cầm quyền Tây Phương không dám sử dụng những phương cách nghiêm khắc và dứt khoát cần thiết trong lúc nầy.

Đạn nhúng máu heo chỉ là một trong nhiều thí dụ cho thấy bề mặt đạo đức giả và thực chất hèn nhát của nhiều nhân vật và tổ chức chính trị trong giới cầm quyền của chúng ta về vấn đề nầy. Cái gọi là cuộc chiến tranh chống lại Hồi Giáo cực đoan là một mặt trận không có chiến tuyến. Các chiến trường đang diễn ra ở Trung Đông là những môi trường chiến tranh cực kỳ khó khăn cho quân đội Tây Phương. Bọn phiến quân thường không có những lực lượng cố định để đối đầu công khai trực diện. Chúng thường trà trộn lẫn lộn với dân chúng bản xứ nên rất khó biết ai là thù ai là bạn. Những vụ tấn công bằng khủng bố xảy ra ngay trong lòng những quốc gia Tây Phương hiện nay, thí dụ như ở Paris vừa qua, còn là những hoàn cảnh khó khăn hơn thập phần. Thế giới Tây Phương đang đứng trước một hiểm họa hiểm nghèo nếu không ai sớm có thái độ dứt khoát để thi hành những giải pháp hữu hiệu hơn những giải pháp đã và đang được sử dụng đến nay.

Ở một vài nước Âu Châu, các cộng đồng Hồi Giáo có dân số rất lớn. Họ có những khu vực sinh sống riêng rẻ. Ở Pháp chẳng hạn, có những khu vực mà ngay cả cảnh sát Pháp rất ngần ngại mỗi khi cần đi vào. Những cuộc biểu tình ủng hộ Bang Quốc Hồi Giáo đã nhiều lần xảy ra ở các nước khác bên ngoài Âu Châu, như ở Úc chẳng hạn. Nhà cầm quyền địa phương cho đến nay nói chung đã làm ngơ có lẽ vì không muốn bị xem là đàn áp tín ngưỡng hay kỳ thị chủng tộc. Và có nhiều người trong các cộng đồng Tây Phương vẫn tiếp tục mơ ngủ trong những giấc chiêm bao ngây thơ của họ rằng cứ dốc lòng tiếp tục bày tỏ lòng yêu thương và mở rộng vòng tay chào đón mọi người thì mọi người sẽ đáp ứng bằng lòng tôn trọng lẫn nhau và mọi việc sẽ dần dà tự giải quyết êm đẹp.

Cuộc tấn công ở Paris có lẽ đã làm một số người thức tỉnh phần nào. Nhiều chính phủ các nước Âu Châu lẫn Mỹ, Úc đang hối hả chỉnh đốn chính sách chống khủng bố của họ. Nhiều “biện pháp mạnh” cần thiết đang được cứu xét với hy vọng đáp ứng được nhu cầu cấp bách nầy. Tuy vậy, bức tường “đúng đắn chính trị” vẫn cần phải vượt qua trước khi các biện pháp trên có thể được biểu quyết.

Chúng ta cần phải bảo vệ cuộc sống an lành của dân chúng, kể cả những thường dân Hồi Giáo yêu chuộng hòa bình, của chúng ta. Bất cứ với giá nào. Đây là vì sự sống còn của chúng ta, của nền văn minh và đạo đức nhân loại, của cuộc sống tự do mà ông cha chúng ta đã qua bao nhiêu thế hệ bỏ mình chiến đấu để gìn giữ. Chúng ta đừng vì tư tưởng “đúng đắn chính trị” mà tự trói tay, chặt chân mình trong khi đương đầu với một kẻ địch không có quan niệm gì về tinh thần mã thượng hay ý định tuân theo bất cứ luật lệ giao tranh (rules of engagement) nào.

Tục ngữ Việt Nam có một câu có lẽ rất thích hợp cho hoàn cảnh hiện nay: “Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy.” Những giải pháp khùng điên và xúc phạm như đạn nhúng máu heo có lẽ chỉ là một dấu hiệu của thời cuộc và là một dạng áo giấy cần thiết chăng?




No comments:

Post a Comment

View My Stats