Monday, 14 December 2015

Khủng hoảng trung lưu (Nguyễn-Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, December 14, 2015 4:07:33 PM 

Hoa Kỳ và Trung Cộng đều có vấn đề với thành phần trung lưu

Giữa những giao động vì vụ khủng hố tại San Bernadino, ít ai chú ý đến một kết quả khảo sát do Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) công bố một ngày sau vụ khủng bố. Nội dung bản phúc trình là sự chuyển động chậm rãi và tai hại trong xã hội Hoa Kỳ: Sự co cụm liên tục của thành phần trung lưu kể từ 45 năm qua.

Khỏi đi vào chi tiết chuyên môn, như định nghĩa về “trung lưu” căn cứ trên lợi tức trung vị (nửa cao hơn bằng nửa thấp hơn) của một hộ gia đình, chúng ta được biết là năm 1971 có 61% dân số Mỹ thuộc thành phần trung lưu, ngày nay, tỉ lệ ấy chỉ còn là 50%. Một cách cụ thể thì có chừng 120 triệu người Mỹ ở tuổi trưởng thành đang sống trong các gia đình trung lưu, so với 70 triệu người thuộc gia đình nghèo và 50 triệu người thuộc loại giàu.

Bên dưới sự chuyển dịch chậm rãi ấy là hiện tượng khác.

Kể từ năm 1970 đến 2014, lợi tức của giới trung lưu có tăng (34%), mà chậm hơn đà gia tăng của giới thượng lưu (47%), nhưng vẫn khá hơn thành phần nghèo (chỉ tăng có 28%). Các nhà xã hội học nói đến một sự chuyển dịch chìm ở bên trong ba thành phần này: Sau nhiều năm thì một số người thuộc loại nghèo đã lên tới trình độ trung lưu và một số thành phần trung lưu có thể bước vào cõi thượng lưu, v.v... Nhưng chi tiết ấy không thể che giấu cảm tưởng phổ biến là xã hội Mỹ đang có triệu chứng bất công, với người giàu thì làm giàu nhanh hơn và người nghèo thì thua sút vì “giàu không kịp.”

Trong một năm “tiền tranh cử” (năm tới dân Mỹ mới đi bầu, vào ngày Thứ Ba mùng tám tháng 11), hiện tượng sa sút của thành phần trung lưu trở thành đề mục tranh cãi giữa các chuẩn ứng cử viên. Bài này không nói đến cuộc tranh luận ấy vì các chính trị gia thường để ý đến ấn tượng hơn giải pháp cho một vấn đề thuộc cơ cấu kinh tế, lặng lẽ xảy ra từ đã lâu. Bài này đề cập tới một khía cạnh nghiêm trọng hơn, ở ngoài môi trường tranh cử.

Đó là từ đã lâu, Hoa Kỳ đang trôi vào một cuộc khủng hoảng mà ít ai biết: Khủng hoảng của thành phần trung lưu.

Sáu bảy chục năm trước, trong thời “hậu chiến,” một gia đình có thể cảm thấy thoải mái khi chỉ một người đi làm cũng đủ nuôi cả gia đình. Ngày nay, thời “hậu công nghiệp,” hai vợ chồng đều đi cầy mà vẫn thấy chật vật, dù mức sống có cao hơn một hai thế hệ trước - xe hơi hay máy giặt ngày nay rẻ và tốt hơn hơn so với thời gian lao động cần thiết để thụ đắc các sản phẩm ấy. Họ thấy chật vật vì phải tiết kiệm nhiều mà vẫn khó tiến lên mức thịnh vượng cao hơn.

Với nhiều người, càng ngày càng đông, hình như ngày càng khó với tới “giấc mơ Hoa Kỳ.”
Nước Mỹ thanh bình và hùng mạnh được xây dựng trên một giấc mơ là người người đều sẽ thịnh vượng hơn. Khi kinh tế tăng trưởng thì giàu nghèo gì cũng đều khá hơn trước. Hy vọng “đi lên” tạo ra động lực lao động, cải tiến năng suất và giữ gìn sự ổn định xã hội để “ngày mai sẽ tươi sáng hơn ngày qua.” Ngày nay, khi một nửa dân số có tính chất quyết định cho sự ổn định ấy lại thấy tương lai chẳng thay đổi mà còn tệ hơn thì đấy là vấn đề.

Tùy quan điểm chính trị, mỗi người có thể giải thích một cách hiện tượng sa sút này.
Nào là sự bóc lột của bọn thượng lưu, hay sự băng hoại của đơn vị gia đình với các bà mẹ một con, tỷ lệ ly dị gia tăng và số hộ gia đình có hai lợi tức có vẻ giảm dần, v.v.... Cách giải thích ấy thổi lên nhiều cuộc tranh luận trên chính trường, ai cũng tìm thấy trong đó tính chất hợp lý của quan điểm của mình: Như cánh tả đòi tái phân lợi tức của người giàu cho nhà nghèo để nâng mức tiêu thụ và sản xuất cho cả nền kinh tế, hoặc cánh hữu đòi giải phóng thị trường cho tự do hơn để kinh tế phát triển và nâng cao lợi tức của mọi người, v.v....

Điều ít ai chú ý là khi thành phần trung lưu Hoa Kỳ bị khủng hoảng như ngày nay, và đa số dân Mỹ (trung lưu và nghèo) đều không hài lòng với thực tại và ít tin tưởng vào tương lai thì chính là vị trí siêu cường của Hoa Kỳ mới bị suy yếu.

Ngày nay, người dân Mỹ có thể nhất thời hốt hoảng, giận dữ rồi tranh cãi về nạn khủng bố hay nhu cầu (hoặc nguy cơ) chiến tranh, nhưng bàng bạc bên trong vẫn là nỗi ưu tư của đa số về đời sống, về mức sống, về vật chất. Và thành phần trung lưu hết giữ vai trò tinh thần, là trụ cột cho sự tiến hóa của cả xã hội.

Tạo ảnh hưởng về tinh thần và cách sống cho xã hội là hai thành phần thiểu số “phi kinh tế.”

Người giàu có và tên tuổi (điển hình là nghệ sĩ Hollywood) thì ngợi ca tự do và sự phóng túng của xã hội. Ở cực bên kia là thiểu số bảo thủ, có khi thiên về tôn giáo, thì kêu gọi tăng cường kỷ cương gia đình hay đạo đức. Hai thành phần thiểu số ấy không mấy quan tâm đến hiện tượng trung lưu sa sút về kinh tế và mất tinh thần về tâm lý.

Hai thế hệ trước, việc Liên Bang Xô Viết phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957 đã gây hốt hoảng trong dư luận và chính giới, như một cơn điện giật khiến cả nước vùng dậy thi đua và đại thắng. Ngày nay, không siêu cường nào trên thế giới có thể gây hốt hoảng và phản ứng tranh đua về kỹ thuật và tổ chức sản xuất. Khủng bố Al-Qaeda hay ISIS vẫn còn đặc tính phi quốc gia và là một loại thách đố khác hơn là về trình độ khoa học kỹ thuật hay tổ chức sản xuất.

Nói tới siêu cường, tất nhiên người ta nhìn về Trung Cộng, một cường quốc đang lên và thách đố vai trò toàn cầu của nước Mỹ, trước hết ở tại Á Châu.

Theo định nghĩa của Bắc Kinh qua các báo cáo của Viện Khoa Học Xã Hội, Trung Cộng có hơn trăm triệu dân là thành phần trung lưu đã thoát khỏi hoàn cảnh “tiểu khang,” sống vừa đủ, của đa số còn lại. Tỉ lệ đó thật ra quá nhỏ, khoảng 10% dân số mà thôi. Họ sống tập trung ở thành thị, với giấc mơ là làm chủ căn nhà và cho con cái đi học, so với giấc mơ của đa số thôn dân là làm chủ một khoảnh đất canh tác hoặc có được việc làm ổn định và có hộ khẩu.

Nhưng thành phần trung lưu xứ này không là loại cột trụ có khả năng hướng dẫn dư luận qua các giá trị tinh thần cho xã hội cùng noi theo. Đấy là phần vụ của “thiếu số “ưu tú,” loại đảng viên trung và cao cấp trong một tổ chức chính trị độc quyền có gần 90 triệu đảng viên. Thiểu số này có mức sống cao hơn - nhờ chế độ tư bản thân tộc - và ảnh hưởng lớn hơn nhờ chế độ tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng.

Trong cả nước, họ mới thật sự là “thượng lưu” về cả tinh thần lẫn vật chất.

Chính là sự chọn lựa của họ - thành phần đảng viên và trí thức của đảng - mới định hướng cho xã hội. Và khác với xã hội Hoa Kỳ, cái định hướng ấy thiên về tinh thần, về vai trò chính đáng của đảng và về uy thế chính đáng không kém của quốc gia sau hơn một thế kỷ bị xâm lăng.

Nhiều nhà xã hội học thuộc cánh tả thì tin là với sự gia tăng ngày càng mạnh về lượng và phẩm, thành phần trung lưu Trung Cộng dần dần tạo ra sự chuyển hóa chính trị, khiến xứ này sẽ tôn trọng kỷ cương và luật lệ có đặc tính bình đẳng hơn. Và từ đó tiến tới chế độ dân chủ.

Hiện tượng ấy có xảy ra trong các xã hội Tây phương hoặc nhiều nơi khác, nhưng bất khả tại Trung Cộng.

Thứ nhất, giai tầng trung lưu chưa đủ đông và có quá ít ảnh hưởng so với kẻ cầm chịch là đảng và giới thượng lưu màu hồng - xin miễn nói đến tư bản đỏ. Thứ hai, trong xã hội Trung Cộng, vai trò của luật pháp không quan trọng bằng quan hệ. Có quan hệ tốt thì vẫn vượt được luật. Và quan hệ ấy dựa trên chữ “tín.” Dân Mỹ thì tin vào luật, dân Tầu thì tin vào người.

Thí dụ như đầu năm nay, Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương kỳ 4 của Khóa 18 nhấn mạnh đến yêu cầu cải cách pháp lệnh. Nhưng kết quả chưa thể là một chế độ pháp luật công khai minh bạch và áp dụng đồng đều cho mọi người vì “có luật thì chúng ta vẫn lách.” Người dân tin nhau hơn là tin một đệ tam nhân, của nhà nước, có thể giải quyết mâu thuẫn của họ. Vì vậy, chiến dịch diệt trừ tham nhũng không đạt kết quả là thanh lọc bộ máy hành chánh công quyền cho liêm chính hơn với luật lệ rõ rệt hơn. Nó chỉ là thanh trừng chính trị nhằm tranh đoạt quyền bính. Và còn gây phản tác dụng là làm bộ máy nhà nước bị tê liệt.
Khi ấy, hoạt liệu hay chất bôi trơn, để tạo ra chuyển động vẫn là quan hệ và chữ “tín.” Tham nhũng tiếp tục nảy sinh từ đó ngay giữa chiến dịch diệt trừ tham nhũng!

Trung Cộng không thể lên hàng siêu cường với một định nghĩa lệch lạc như vậy về chữ tín.
Và thứ ba, khi tinh thần quốc gia dân tộc được đề cao, thành một chủ nghĩa Mao-ít mới, Trung Cộng chẳng thể và cũng chẳng muốn tiến tới chế độ dân chủ. Dân chủ là khi cái đảng đại diện của toàn dân làm chủ đất đai và lãnh hải của xứ khác.

Khi so sánh hai xã hội Hoa Kỳ và Trung Cộng, chúng ta đều có thể nói tới sự khủng hoảng của thành phần trung lưu, những người biết điều và tích cực nhất. Nhưng, vụ khủng hoảng tại Hoa Kỳ lại là một cám dỗ cho Trung Cộng.

Đâm ra, miền Tây của Thái Bình Dương đang có Trung Cộng ca bản Đông Phương Hồng. Miền Đông Thái Bình Dương thì có Hoa Kỳ đang bải hoải và chẳng làm được gì cho Âu Châu trong sự hoảng loạn và phân hóa của Tây phương.

Có lẽ chúng ta phải đợi một vụ Sputnik nữa thì mới thấy nước Mỹ tỉnh thức. Chỉ mong rằng Sputnik “Made in China” không rơi lên đầu dân Việt. Mong thôi, mà nghi quá!



No comments:

Post a Comment

View My Stats