Tuesday, 22 December 2015

Hoa hậu Thế giới Canada được bạn bè làm lễ kỷ niệm và nâng cốc chúc mừng (Matthew Little, Epoch Times)





Matthew Little, Epoch Times 
Dịch giả: Phạm Duy
21 Tháng Mười Hai , 2015

Hoa hậu Anastasia Lâm được ủng hộ cho những nỗ lực thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới đối với sự can thiệp và đàn áp của nhà cầm quyền Trung Quốc.

TORONTO – Hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lâm sẽ không có mặt ở Trung Quốc để tham gia vòng chung kết Hoa hậu Thế giới tại thành phố Tam Á vào ngày thứ sáu tuần trước, nhưng điều đó không có nghĩa là cô sẽ không được tổ chức lễ kỷ niệm.

Cô Lâm đã được vinh danh tại một buổi tiệc chiêu đãi vào Thứ Ba ngày 15 tháng 12, tại đây cô đã nói chuyện với báo chí về việc bị ngăn cấm bởi đất nước nơi mình đã sinh ra, và về những nỗ lực của cô nhằm lên tiếng cho những hoàn cảnh khó khăn của người dân Trung Quốc, những người đã bị tước bỏ quyền cơ bản nhất – đó là quyền tín ngưỡng.

“Những người Trung Quốc như cha tôi đã sống toàn bộ cuộc đời họ trong sự sợ hãi. Họ đã trải qua cuộc thảm sát Thiên An Môn, họ đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa, và phải chứng kiến gia đình và bạn bè của mình bị đàn áp chỉ vì họ muốn được là chính mình”, cô Lâm nói với đám đông.

Cô Lâm cho biết sự trấn áp không ngừng ở Trung Quốc đã huỷ hoại tinh thần dân tộc, nhưng bất chấp tù tội và cường bạo, một số người vẫn cố gắng theo đuổi lý tưởng của mình.

“Họ đã cố gắng, nhưng lần nào cũng vậy phẩm giá của họ lại bị tước đi. Họ cố gắng một lần nữa và một lần nữa, và cho đến ngày hôm nay họ đã quên đi cái gọi là “có một tư tưởng tự do” nó như thế nào. Họ đã quên đi thế nào là niềm tin kiên định. Nhưng có rất nhiều người đã không chịu phó mặc”, cô nói.

Cô Lâm đã được khen ngợi trong các bài xã luận trên một số các tờ báo lớn nhất ở Canada và Hoa Kỳ vì những nỗ lực của cô trong việc lên tiếng cho các vấn đề như vậy, nhưng cô Lâm cho biết câu chuyện của cô chỉ là một câu chuyện nhỏ trong số rất nhiều những câu chuyện có ý nghĩa hơn.

Cô nhắc đến anh Paul Li, người cũng có mặt tại tiệc chiêu đãi, như một ví dụ. Cha của của anh Li, ông Lý Hiểu Ba, từng là một thẩm phán quận, nhưng ông đã bị kết án 8 năm tù vì vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông đã được thả vào năm 2012, để rồi bị bắt lại vì vẫn làm điều tương tự, và bị kết án 8 năm tù nữa vào tháng 4 năm nay.

Những nỗ lực của cô Lâm cũng đã giành được sự ủng hộ bởi rất nhiều tầng lớp người dân, bao gồm cả ông Clarence Eugene “Butch” Carter, người đã từng chơi cho đội bóng rổ LA Lakers, và sau đó làm huấn luyện viên cho đội Toronto Raptors.

Ông Carter nói ông đã tìm hiểu về cô Lâm và câu chuyện của cô làm ông rất cảm động.
“Đối với một ai đó còn trẻ mà gánh vác áp lực như thế này – họ cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người”, ông Carter nói.

Cô Lâm đã thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế sau khi tiết lộ cha cô, người đang sống ở Trung Quốc, đã bị đe dọa bởi các lực lượng an ninh Trung Quốc, vì họ muốn bịt miệng không cho con gái ông ủng hộ nhân quyền.

Nữ diễn viên và ca sĩ Arlene Duncan, người đóng vai chính là chủ quán ăn Fatima trong phim “Nhà thờ Hồi giáo nhỏ trên thảo nguyên” của hãng truyền hình CBC, nói rằng cô Lâm đang buộc phải theo đuổi sự nghiệp của mình trong áp lực vì đã chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc.

“Cô ấy luôn luôn phải dè chừng” cô Duncan nói. “Tôi không biết tôi có thể mạnh mẽ và điềm đạm như cô ấy được không nếu đặt tôi vào hoàn cảnh của cô ấy”.

Câu chuyện của cô Lâm đã làm cô Duncan và những người khác nhận thức được mối đe dọa chung đối với nhiều người dân Canada gốc Trung Quốc, những người đã công khai tố cáo những hành động bất lương ở đất nước mà họ đã được sinh ra. Ông Carter cho biết những sự bất lương ấy là phổ biến ở các nước có chế độ độc tài. Cô Duncan cho biết câu chuyện của cá nhân cô Lâm đã khiến cho một vấn đề tưởng chừng như xa xôi giờ đã trở nên xác thực.

“Nó đang phơi bày một cái gì đó mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nhận thức được nhiều hơn. Bởi vì ở đây chúng ta thật may mắn, chúng ta thật hạnh phúc khi sống ở đất nước này” cô Duncan nói.

“Bạn nghĩ rằng những người đó đã bỏ tất cả lại sau lưng nhưng họ còn có gia đình ở Trung Quốc – Chúng ta không biết nhiều về người dân Trung Quốc và không biết điều đó hàng ngày có tác động đến họ như thế nào”.

Sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh

Đối với nhà làm phim Leon Lee, một trong những người tổ chức buổi tiệc chiêu đãi cô Lâm, tất cả thực tế đó vốn dĩ quá quen thuộc. Anh Lee đã giành được một giải thưởng Peabody đầu năm nay cho bộ phim “Human Harvest” (Thu hoạch nhân thể), một bộ phim tài liệu của anh về vấn đề thu hoạch mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc. Anh Lee cũng là đạo diễn của bộ phim “Bleeding Edge” (Lưỡi dao rỉ máu), một bộ phim ly kỳ sắp được phát hành mà cô Lâm đóng vai chính.


Trong công việc của mình anh Lee liên tục phải đối mặt với sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc.

Lấy một ví dụ, một giám đốc liên hoan phim Los Angeles đã được viếng thăm bởi hai người đàn ông từ lãnh sự quán Trung Quốc, họ muốn xem những bộ phim Trung Quốc chiếu những gì. Giám đốc liên hoan phim đã phải lảng tránh khi họ cố gây áp lực, muốn ông bỏ không chiếu bộ phim “Thu hoạch nhân thể”, bằng cách nói rằng nó là một bộ phim của Canada, qua đó ông muốn ám chỉ rằng đó không phải là việc của lãnh sự quán Trung Quốc.
“Khi sản xuất phim ‘Lưỡi dao rỉ máu’, chúng tôi cũng đã gặp đủ các loại can thiệp”, anh Lee nói. “Một số diễn viên cuối cùng đã quyết định rút khỏi bộ phim, thậm chí sau khi họ đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận”.

Anh Lee cho biết trong trường hợp của liên hoan phim, vị giám đốc liên hoan phim sẵn sàng mở ra một cuộc họp báo nếu lãnh sự quán Trung Quốc gây áp lực để đưa bộ phim “Thu hoạch nhân thể” ra khỏi danh sách các phim trình chiếu trong liên loan. Cả anh Lee và người giám đốc đó đều thấy sự can thiệp của nhà cầm quyền Trung Quốc là một câu chuyện mà các phương tiện truyền thông sẽ quan tâm đến.

Đó là một kịch bản mà cô Lâm đã từng kinh qua và thu được hiệu quả lớn. Việc cô đăng quang ngôi Hoa hậu Thế giới Canada đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông còn nhiều hơn so với những gì mà toàn bộ cuộc thi trong nhiều năm qua có được, đó là nhờ vào những nỗ lực của Bắc Kinh để bịt miệng cô và ngăn chặn không cho cô tham gia vào cuộc thi hoa hậu Thế giới ở Tam Á.

Sự quan tâm của giới truyền thông cũng mang lại lợi ích cho anh Lee vì anh thấy được kết quả là bộ phim tương đối nhỏ của anh đã đạt được quảng bá quốc tế.

Đáng tiếc cho một số hãng phim lớn hơn, Trung Quốc là một thị trường phim quá béo bở, điều đó đã thôi thúc họ đến mức không thể cưỡng lại việc tự kiểm duyệt.

Trong tháng 10, Ủy ban Bình duyệt An ninh Kinh tế Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ đã trình bày chi tiết xu hướng tự kiểm duyệt trong một báo cáo có tựa đề “Đạo diễn bởi Hollywood, Biên tập bởi Trung Quốc: Sự kiểm duyệt và tác động của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các bộ phim trên toàn thế giới như thế nào”.

Một số bộ phim được sửa đổi, cắt đi những hành động xấu của chế độ Trung Quốc như phim “Red Dawn” (Bình minh đỏ), “World War Z” (Chiến tranh thế giới lần Z), hoặc ca ngợi chế độ Trung Quốc (như phim “2012”). Những hãng phim như Sony Picture bị cấm ở Trung Quốc vì đã tung ra những bộ phim với chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như “7 năm ở Tây Tạng,” và nam diễn viên chính của bộ phim là Brad Pitt cũng bị cấm.

Một số phim thậm chí đã thực hiện một số thay đổi vô hại, như cắt đi cảnh Vạn lý Trường thành đang bị phá hủy trong phim “Pixels” của Adam Sandler .

Anh Lee cho biết anh không ngạc nhiên khi các hãng phim lớn đang áp dụng việc tự kiểm duyệt khi xét đến yếu tố thị trường Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải cân nhắc đến chi phí, bao gồm cả việc phải làm vừa lòng một chế độ dám giết mổ chính người dân của mình.

“Rốt cuộc thì đó là một sự lựa chọn, liệu bạn có trung thành với lương tâm và đạo đức kinh doanh của chính bạn hay không, hay là bạn theo đuổi lợi nhuận bất chấp đến những gì đã xảy ra [ở Trung Quốc],” anh nói.

“Tôi nghĩ rằng đó là một sự lựa chọn cá nhân. Tôi không ở đây để phán xét bất cứ ai, nhưng bạn thực hiện sự lựa chọn của riêng bạn và cuối cùng bất cứ hậu quả nào đến với bạn sẽ là kết quả từ quyết định riêng của bạn”.

-------------------------

MATTHEW ROBERTSON, EPOCH TIMES / 4-12-2015
.
MATTHEW LITTLE, EPOCH TIMES / 29-11-2015
.
MATTHEW ROBERTSON & LIN YI, EPOCH TIMES / 28-11-2015
.
JOSHUA PHILIPP, EPOCH TIMES / 19-11-2015
.
MATTHEW ROBERTSON, EPOCH TIMES / 15-11-2015








No comments:

Post a Comment

View My Stats