Tuesday, 15 December 2015

‘Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ’ (Ngọc Lan/Người Việt)





Ngọc Lan/Người Việt
Monday, December 14, 2015 2:15:44 PM 

Ký ức tập thể, chặng đường 40 năm tại Hoa Kỳ

WESTMINSTER, Calif. (NV) - 73 bài viết, chia ra làm 12 phần, là những tâm tình, những câu chuyện thực của độc giả, là những trải nghiệm, nghiên cứu của nhà chuyên môn, là những phóng sự về cuộc đời, thân phận, sự vươn lên của người Mỹ gốc Việt, trải dài từ Bolsa - thủ phủ của người Việt tị nạn, lên miền Bắc Calif., qua đến Houston, vùng Nam và Trung Tây Hoa Kỳ, rồi ngược miền Đông Bắc, lại xuôi ra vùng đất Hạ... của phóng viên Người Việt.

Hình bìa tuyển tập “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ.” (Hình: Người Việt)

Tất cả, nằm chung lại, trong một quyển sách ngót nghét 700 trang, với nhan đề “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ” - một ấn bản mà nhật báo Người Việt đã dày công chuẩn bị trong suốt một năm qua để đưa đến tay mọi người trong những ngày cuối năm 2015 - ghi dấu trọn vẹn 40 năm cộng đồng Việt Nam có mặt và trưởng thành trên mảnh đất này, từ hoảng loạn, mất mát, đau thương đến đứng dậy, đi tới, tự tin, và kiêu hãnh.

***

Đôi khi chúng ta vẫn hay hỏi nhau, “Hiện có bao nhiêu người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ kể từ sau biến cố 1975?”
Ngót nghét 1 triệu 700 ngàn!
Một triệu 700 ngàn so với hơn 90 triệu người Việt đang sống tại quê nhà, là một con số không thấm vào đâu. Nhỏ, rất nhỏ.
Nhưng cộng đồng Việt với 1 triệu 700 ngàn con người đó trên đất Mỹ, đã đến, đã sống và đã lớn lên như thế nào trên mảnh đất này từ 40 năm qua, mới là điều đáng để mỗi chúng ta nghĩ về, ngẫm đến và tự hào.

Bạn, và tôi, và nhiều người khác nữa, đều là những người gốc Việt đang sống trên đất Mỹ, là công dân Mỹ, nhưng chúng ta không có cùng một hồi ức, không có cùng một đường đi để có mặt nơi này.

Chỉ duy nhất một điều - “Cộng đồng Việt trên đất Mỹ” - là chúng ta có, cùng nhau.
Và không ai khác hơn là bạn, là tôi, là chúng ta, mỗi người góp một mẫu chuyện của đời mình, để làm thành một hành trình 40 năm, có bạn, có tôi và có một triệu 700 ngàn người khác, để gọi là “Hành trình cộng đồng Việt trên đất Mỹ.”

***

40 năm rồi, có thể tôi không xem “cuộc chiến vẫn như mới hôm qua” theo cách của nhà báo Hà Giang, nhưng tôi và có thể là bạn, sẽ thấy lòng mình xao động khi cùng đọc “Tháng Tư năm ấy...” của tác giả Nguyễn Tất Đạt, một cựu sĩ quan tâm lý chiến. Tác giả viết: “Tháng Tư năm ấy, bên đây sông Sài Gòn, hay ngoài kia cảng Thủ Thiêm, giữa dòng người chen chúc gánh gồng gói to gói nhỏ cùng với lũ con thơ hì hà hì hục đẩy xô nhau để tìm đường lên tàu vượt xứ.
Tháng Tư năm ấy, người lính bại trận khoác áo civil nhẹ tênh trên mình, lòng trĩu nặng. Lặng lẽ đếm từng bước chân về, lối rộng thênh thang, mà bóng soi khập khiễng. Trưa Tháng Tư, hắn cứ ngỡ như ba mươi Tháng Chạp.”

Tôi và bạn, có thể không có hồi ức về cuộc di tản 1975, nhưng không vì thế mà cả bạn, cả tôi lại không chia sẻ được tâm trạng, nỗi niềm của tác giả Vũ Ngọc Bích qua những dòng ông viết trong bài “30 Tháng Tư, niềm đau khôn nguôi”: “Tôi thấy những khuôn mặt trầm lắng, đanh lai, những đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt tủi hờn vừa mới lau khô.
Ai ai đều ngậm ngùi trước cảnh gia đình tan tác, vợ xa chồng; cha mẹ xa con; anh chị em lưu lạc khắp bốn phương trời... Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn kể từ giờ phút nầy, tôi sẽ phải chấp nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai.”

Tôi và bạn, những đứa con “thuần chủng,” nhưng cả bạn và tôi, đều có thể nhận ra nước mắt mình vòng quanh khi nghe tâm sự của Lara Price - “một đứa con lai” - người cùng góp mặt làm nên “Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ”: “Khi suốt cuộc đời, bạn được người ta bảo rằng bạn chỉ là một đứa con lai, rằng bạn là kết quả mối tình giữa một cô gái điếm và người lính Mỹ, và chính vì thế mà bị bỏ rơi, thì câu chuyện đó sẽ mãi mãi ám ảnh bạn... Nhưng cho tới bây giờ thì tôi mới có đủ can đảm để tìm hiểu thế thôi, chưa dám đi xa hơn. Giả sử khi tìm được rồi, mà cha mẹ ruột vẫn không muốn đón nhận mình thì sao? Lúc đó, tôi sẽ cảm thấy thế nào?”

Tôi đến đây bằng máy bay cách đây 10 năm. Bạn có thể cũng đến đây bằng máy bay cách đây 40 năm. Nhưng không vì thế mà cả bạn, cả tôi lại có thể thấy lòng mình bình thản khi đọc “Thuyền nhân ‘sống để kể lại,’” hay “Tôi vượt biên bằng đường bộ” của tác giả Kim Hà.

Vậy đó, mỗi người mỗi hồi ức, mỗi người mỗi đường đi, nhưng đặt chân đến đây, nơi bạn và tôi, và bao người khác gọi là “quê hương thứ hai” thì chúng ta lại có thêm hồi ức của những ngày đầu định cư, hồi ức làm quen với cuộc sống mới, vừa hụt hẫng, ngỡ ngàng, lẫn hân hoan, rộn rã, bên cạnh những vụng về, những ngờ nghệch, những chuyện cười ra nước mắt khi hòa nhập vào nền văn hóa mới.

“Naugatuck, những ngày mới đến” của Bùi Trung Chính, “Ngày đầu tạm cư nghe quốc ca VNCH” của Tố Nga, “Cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ” của Tô Vũ, “Ngày đầu ở trại tạm cư lo ở Mỹ không có gạo ăn” của Nam Phương, hay “Giấc mơ Mỹ của tôi” của An Nhiên... mang đến cho mỗi người những kỷ niệm, những nhớ nhung, những ước mơ... không thể nào quên.
Tôi nghĩ, bạn cũng sẽ như tôi, sẽ tự nhìn lại mình, cật vấn mình khi đọc tâm tình của tác giả Lệ Hoa Wilson qua bài “Không phải chốn tạm dung:” “Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước nầy, dân tộc nầy với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi nầy làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy.”

Cũng trong suy nghĩ “đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy,” chúng ta sẽ bắt gặp những gương mặt, những con người từ miền Nam tới miền Bắc Calif., từ Houston, Texas, đến Wiamauma, Homestead ở Florida, sang tận vùng Honolulu ở Hawaii... đã vun trồng, tưới xới cuộc đời mình, để bén rễ, đâm chồi và vươn lên thành cây cao bóng cả, thành cổ thụ xanh um trên mảnh đất này ra sao qua câu chuyện của những người Việt bỏ phố về quê nuôi gà ở Centerville, chuyện của chàng “Công Tử” bắt cua trên vịnh Galveston, chuyện của những người “mổ bò” ở Nebraska, chuyện người lái taxi ở Hawaii, chuyện triệu phú Ba Lẹ ở Honolulu, chuyện những người làm “nghề xe lunch” ở San Jose... do phóng viên Thiên An, Khôi Nguyên, Đỗ Zũng, Ngọc Lan thực hiện.

***

Bắt đầu bằng “Hồi ức những ngày cuối Tháng Tư, 1975”, đến “Hồi ức cuộc di tản 1975,” có cả “Hồi ức Babylift” - hồi ức của những đứa trẻ “con lai” được đưa ra khỏi miền Nam trong cơn hấp hối vào những ngày cuối Tháng Tư, 1975, tiếp theo với “Hồi ức hành trình vượt biên,” “Hồi ức những ngày đầu định cư và cuộc sống mới,” tuyển tập “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ” tiếp tục với “Tù nhân chính trị và H.O” trước khi điểm qua “Cộng đồng người Việt ở Nam ở California,” “Cộng đồng người Việt ở Bắc California,” “Cộng đồng người Việt Đông Bắc,” “Cộng đồng người Việt Houston - Nam và Trung Tây” và “Cộng đồng người Việt Hawaii” để cuối cùng khẳng định “Sức mạnh chính trị cộng đồng” ở các cấp.
Đó là 12 nội dung chính của tập sách nhiều người viết này.

Và yếu tố “nhiều người viết” đã góp phần mang lại sự đa dạng, sống động, mới mẻ cho tập sách, bên cạnh sự phong phú và sâu sắc về nội dung.

Như trong “Lời Tựa,” Thị Trưởng gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, Tạ Đức Trí, đã ghi: “Những chặng đường thử thách cộng đồng Việt đã đi qua, quá khứ tồn đọng trong ký ức và hiện tại được ghi nhận qua sự vươn lớn của nhiều thế hệ, tất cả đều được ghi lại qua nhiều bài viết giá trị của các cây viết và độc giả của nhật báo Người Việt. Hãy lật từng trang để nghiền ngẫm, để nếm, để cảm, để thấm những kinh nghiệm sinh tồn và hội nhập của người Việt mọi nơi, và hãy gìn giữ một cách trân quý những thành quả mà cộng đồng người Việt tỵ nạn đã và đang cống hiến cho đời.”

Vâng, đó là hành trình của bạn, của tôi, của một triệu 700 ngàn người Việt trên đất Mỹ đã đi trong 40 năm qua, để hôm nay nhìn lại, lần giở tập sách “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ,” mỗi người lại thấy mình đâu đó, của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

-----------------------

Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ
700 trang - 73 bài viết - 37 tác giả
20 trang số liệu thống kể về người Mỹ gốc Việt
Giá bán: $20 (cho đến ngày 15 Tháng Ba, 2016. Sau đó $28)

Bán tại:
Nhật Báo Người Việt: 14771 Moran St. Westminster, CA 92683. Tel: 714-892-9414
Amazon.com
NguoiVietShop.com
Nguoi-Viet.com

-----------------
Bài liên quan
·         Ký ức tập thể     December 14, 2015 

·         Xem lại những thước phim thời sự 40 năm   December 14, 2015 








No comments:

Post a Comment

View My Stats