Sunday 6 December 2015

“Dạy cho con tiếng nói thật thà …” (FB Nguyễn Văn Tuấn)






Sáng nay, tôi đọc được một bài viết hay(*) về tình trạng dạy sử ở nước ta, mà trong đó tác giả có trích câu ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: Dạy cho con tiếng nói thật thà. Ngày nay, chắc ít ai trong giới trẻ còn nhớ đến ca khúc "Gia tài của mẹ" này, vì có thời gian nó bị cấm [một cách vô lí]. Nhưng lời ca mà tác giả trích rất ư là thích hợp như một lời khuyên về dạy sử.

Tôi nhiều lần nhận xét là chương trình dạy sử (và văn học) hiện nay lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục. Chỉ cần lật vài trang sách giáo khoa sử bậc trung học, bất cứ của lớp nào, có thể thấy dễ dàng 3 đặc điểm chính là nội dung lệch lạc, dối trá, và một chiều.

Đặc điểm thứ nhất là nội dung quá lệch. Dành nhiều nội dung cho sử "cách mạng": Tôi không có con số cụ thể về tất cả sách, nhưng chỉ đếm các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp tú tài, những nội dung liên quan đến cách mạng chiếm gần 65% tổng nội dung. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định rằng: “Nói trắng ra, hiện nay người ta chán ghét học văn ,học sử là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu, mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị... Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác” (1). Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có nhận xét tương tự, ông nói rằng từ "tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930" (2). Tác giả Nguyễn Văn Nghệ nói thẳng sử hiện nay được dạy là "sử quốc doanh".

Đặc điểm thứ hai là dối trá. Những sự kiện không có thật được đưa vào sách sử và bắt học sinh phải học. Vụ Lê Văn Tám là một ví dụ tiêu biểu; dù sử gia đã lên tiếng, nhưng vẫn không chịu chỉnh sửa. Những sự kiện lịch sử được viết lại chệch hướng so với sự thật, và đó cũng là dối trá. Tiến sĩ Phạm Quốc Sử đã nói: "Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều 'vắc xin' để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí."

Đặc điểm thứ ba là thiếu khách quan. Ai cũng biết sử học là một môn khoa học xã hội, mà khoa học thì đòi hỏi tính khách quan. Nhưng sách sử hiện nay thì không khách quan, mà được soạn theo mô thức "ta thắng địch thua". Ngoài ra, nội dung thì được soạn một cách tích cực về "phe thắng cuộc", và bôi nhọ "phía bên kia" (dù phía bên kia cũng là đồng bào, anh em trong một nước). Một người trong cuộc, từng dạy sử ở đại học, là ông Hà Văn Thịnh nói: "Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp, Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được” (3).

Ông Hà Văn Tấn, một sử gia, nhận định rằng “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài í thức của chúng ta. [...] Các nhà sử học chúng ta thường tự coi là mác xít nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua” (4).

Do đó, có thể nói không ngoa rằng môn sử hiện nay không phải là sử học đúng nghĩa, mà nó là một sự tích hợp từ chính trị, tuyên truyền, và "tín sử" chỉ chiếm một phần nhỏ. Tôi muốn thêm rằng, các đặc điểm đề cập trên, chẳng những dạy sự dối trá cho cả mấy thế hệ người Việt, mà còn gây chia rẽ dân tộc một cách sâu sắc. Do đó, dù chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, nhưng sự chia rẽ, thậm chí thù hận, vẫn tồn tại trong lòng dân tộc, và điều đó làm cho đất nước khó mà lớn và mạnh được. Ngày xưa, khi sáng tác ca khúc "Gia tài của mẹ", có lẽ Trịnh Công Sơn không biết rằng những lời ca mang đậm tính nhân văn lại cũng là những lới khuyên về giáo dục rất hợp hiện nay:

Dạy cho con tiếng nói thật thà,
mẹ mong con chớ quên màu da,
con chớ quên màu da, nước Việt xưa.
Mẹ mong trông con mau bước về nhà,
mẹ mong con lũ con đường xa,
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

====

Ca khúc "Gia tài của mẹ" do chính Trịng Công Sơn trình bày:




(4) GS. Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học, đăng trên Tạp chí Tổ quốc tháng giêng năm 1988, In lại trong: Một số vấn đề lí luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007.









No comments:

Post a Comment

View My Stats