Saturday, 12 December 2015

CÓ “ĐẤU Đá” Ở TẬP ĐOÀN TRUYỀN THÔNG THANH NIÊN VÀ BÁO THANH NIÊN ? (FB Song Chi)






Khi còn ở VN, tôi từng có một thời gian khá dài làm việc cho báo Thanh Niên với tư cách phóng viên Ban Văn hóa Nghệ thuật. Hôm nay, bỗng đọc được những bài viết có liên quan đến ông Nguyễn Công Khế, Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, “xếp” cũ. Có vẻ như đang có một “trận đánh” nhằm vào ông Nguyễn Công Khế, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Thanh Nien Media Group Corporation-TNCorp) qua hàng loạt bài viết đăng trên trang nguyencongkhe.com của một cá nhân hay một nhóm người nào đó ký tên CLB Nhà báo trẻ. Và được đăng lại trên trang Anh Ba Sàm, Dân Luận…(Ví dụ “Nguyễn Công Khế và cú lừa 300 tỷ ngoạn mục!”, “Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt tập đoàn Thanh Niên như thế nào?” v.v…)

Sau đó lại có bài phản biện “Phản hồi bài viết bịa đặt về nhà báo Nguyễn Công Khế” đăng trên Dân Luận, ký tên CLB Những người quân tử, trong bài này cũng lại nhắc đến toàn những khuôn mặt “quen thuộc” của báo Thanh Niên như Lê Ngọc Thịnh (Tổng Biên Tập Báo Một Thế Giới), Nguyễn Quang Thông (Tổng Biên Tập đương nhiệm Báo Thanh Niên)…

Ở xa không rõ tình hình, chẳng biết hư thực, đúng sai thế nào, nhưng chắc lại là mâu thuẫn lợi ích với nhau thôi.

Tự dưng có một suy nghĩ: Trong một quốc gia mà giới nhà báo chưa thể tác nghiệp một cách hoàn toàn độc lập, báo chí chính thống chưa thể làm đúng được vai trò, chức năng của nó là chỉ nói lên sự thật và sự thật, không gì khác, thì internet với các trang báo độc lập, blog, trang mạng xã hội, đã trở thành kênh thay thế. Và không chỉ người dân bình thường cho tới những người hoạt động dân chủ sử dụng internet để đưa thông tin đầy đủ, phong phú, đa chiều đến với người đọc, giúp cho người đọc được khai tâm mở trí, mà nhiều người cũng sử dụng internet để đấu đá lẫn nhau vì lý do cá nhân hay chính trị. Nên mới có sự ra đời của những blog “Quan làm báo”, “Chân dung quyền lực” v.v… với những thông tin thật giả lẫn lộn để bôi nhọ, hạ bệ lẫn nhau giữa các phe nhóm trong đảng cộng sản. Còn bây giờ thì là blog nguyencongkhe để đánh Nguyễn Công Khế.

Ngược lại, trong một xã hội tự do dân chủ, với báo chí là một cơ quan độc lập với chính quyền, được xem là quyền lực thứ tư trong xã hội thì có lẽ người ta sẽ không cần cho ra đời (và cũng không có đất sống) cho những blog nặc danh với những bài báo nặc danh và người dân cũng không háo hức tìm đọc những thông tin được cho là “nội bộ” như vậy, vì nếu có bất cứ chuyện gì cần phải phanh phui trước công luận thì báo chí chính thức đã nhảy vào làm hết, điều tra hết và công khai thông tin rồi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats