Sunday, 17 May 2015

Vũ điệu nào của sọt rác ? (Nguyễn Thị Từ Huy)





Sat, 05/16/2015 - 17:32 — nguyenthituhuy

Việt Nam hiện nay đang đối diện với rất nhiều thảm họa. Báo chí, lề phải, lề trái, đều đang ngày ngày phơi bày, theo cách của mình, các thảm họa đó. Cũng như nhiều người khác, tôi bị đặt vào trạng thái lo lắng và bất an mỗi khi nhận một thông tin mới về Việt Nam. Tuy vậy, không hiểu tại sao thông tin về vụ việc gạch tên 9 nhà văn tại Tp HCM vừa rồi khiến tôi bận tâm đến mức mất ngủ. Đến mức trong giấc mơ tôi nhìn thấy một nữ và một nam nhà văn trẻ mà tôi quen, hai gương mặt khả ái, cầm bút tay phải và cầm tờ danh sách tay trái. Và tôi hoảng hốt kêu lên : « Không phải là bạn đấy chứ ! Đừng là bạn nhé ! Bạn không làm việc đó nhé ! Phải vậy không, bạn không gạch tên những người đó, phải không ? » Dĩ nhiên tôi chẳng thể nào có được câu trả lời trong giấc mơ. Nhưng nhờ thế mà tôi biết tôi vẫn còn rất nặng nợ với văn chương.

Tôi bị thúc đẩy đến nỗi phải viết tiếp vài dòng về vụ việc này, để có thể ngủ được tối nay.

Không phải là tôi không băn khoăn khi gõ tay xuống bàn phím. Những dòng này có thể khiến cho tập thể hội viên HNVVN căm ghét tôi. Nhưng ngẫm ra thì chẳng ai có thể ghét tôi bằng chính tôi. Tôi ngày ngày căm ghét bản thân vì thấy mọi thứ suy tàn xung quanh mà chẳng làm được gì. Bao nhiêu người chết oan, bao nhiêu người bị đánh oan, bao nhiêu vụ án bất công, mất đất, mất đảo, mất truyền thống, quốc thể bị sỉ nhục… tôi chẳng làm được gì. Như thế chẳng phải là đáng ghét sao ? Chẳng ai có thể ghét tôi hơn bản thân tôi. Nếu có ai trên đời này căm ghét tôi nhất thì đó là chính tôi.

Vậy hãy cứ để cho người khác căm ghét tôi, và hãy nói ra những gì tôi nghĩ.

Chữ « Sọt rác » mà Dư Thị Hoàn dùng để định nghĩa HNVVN rồi đây sẽ đi vào lịch sử văn học. Có thể là chính tôi sẽ làm điều đó, sẽ đưa từ đó vào trong một cuốn lịch sử văn học của Việt Nam thời kỳ bi thảm này, mà nhất định tôi phải viết, khi nào tôi có thời gian cho nó.
Có thể sẽ có những người khác làm việc đó trước tôi, nhưng việc viết một cuốn lịch sử văn học là món nợ mà tôi phải trả cho văn chương, cho cái thứ đã làm nên quá khứ của tôi, và vẫn còn đang ám ảnh hiện tại của tôi. Cuốn lịch sử văn học ấy sẽ phải lột tả đúng những gì tôi nhìn thấy, sẽ phân tích đúng như những gì tôi nhận thức.

Trước hết, cuốn lịch sử văn học ấy sẽ phải chỉ ra được dòng chảy kháng cự, có khi âm thầm, nhưng mãnh liệt và liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác của những người bảo vệ nền văn học chân chính, trả cho họ vị trí xứng đáng của họ, cái vị trí mà hiện nay dòng chính đang tước đoạt của họ.

Sau đó,  cuốn sách sẽ mô tả và lý giải sự suy thoái của văn học dưới ách cai trị của hệ thống toàn trị cộng sản, sẽ đánh giá lại toàn bộ những gì đang làm nên diện mạo thống trị hiện nay trong nền văn học, sẽ không lảng tránh bất kỳ tên tuổi nào, dù là nhà văn hay nhà thơ hay nhà phê bình hay chủ tịch hội hay viện trưởng hay giáo sư đại học hay nhà giáo nhân dân, tóm lại là sẽ đặt « người nào, vật nào, chỗ nấy ».  

Việt Nam đang trong vòng xoáy của bạo lực, của bất công, của sự suy đồi đạo đức và sự điêu tàn về văn hóa ;  đang dần dần rơi vào vòng kiểm soát toàn diện của Trung Quốc. Thế hệ sau phải biết được nhà văn Việt Nam, trong cái sọt rác của mình, đã đóng góp vào quá trình vong thân, vong bản, vong quốc ấy như thế nào. Họ phải biết được dưới đế chế của Hữu Thỉnh và những người đội ông ta lên đầu trong suốt chừng đó năm, văn học và xã hội đã điêu tàn như thế nào. Đó cũng chính là món nợ mà tôi phải trả cho các thế hệ tương lai.
Trong cuốn lịch sử văn học đó, nhất định phải đặt đầu đề cho một chương là : « Đại hội bịch rác Việt Nam khóa IX ». Cái sọt rác làm nên bịch rác hay các bịch rác làm nên sọt rác ? Câu hỏi này các nhà văn của HNVVN sẽ trả lời như thế nào ? Tôi không biết, nhưng trong tư cách người nghiên cứu, tôi sẽ có câu trả lời riêng của mình.

Tôi nhắc lại rằng tôi biết rõ, trong đánh giá của các nhà văn vĩ đại xứ An nam xã hội chủ nghĩa, tôi chỉ là cái đinh rỉ. Nhưng một khi cái danh xưng « nhà văn » đã bị chính những người viết văn bôi cho nhem nhuốc đến như thế, đã bị chính những người viết văn sỉ nhục đến như thế, thì thà cứ làm cái đinh rỉ.

Giữa lúc quốc gia nguy biến này, chúng ta hãy chờ xem cái sọt rác sẽ nhảy vũ điệu nào trong đại hội của nó và những bịch rác sẽ khiêu vũ như thế nào trong cái sọt của chúng ?
Hãy chờ xem cái vũ hội toàn quốc  được tổ chức bằng tiền thuế của những người dân bị cướp đất, cướp nhà, bị đánh đập, phải bán mình làm nô lệ tình dục…, bằng tiền thuế của bố mẹ của những đứa bé phải chui túi ni lông hay đu cáp qua sông đi học...

Hãy chờ xem các « nhà văn » trong sọt rác nhảy những vũ điệu nào trên những xác ngư dân chết ngoài biển, trên những xác người vô tội chết trong đồn công an, trên những xác phụ nữ tự thiêu, trên những xác nông dân tự vẫn, trên nỗi bất hạnh của chính những đồng nghiệp nhà văn bị đuổi việc, bị bắt bớ, bị giam lỏng, bị tù đày…

Chờ xem…
Paris, 16/5/2015
Nguyễn Thị Từ Huy

*

Vài lời nói thêm:

Nhân một số bình luận của Hoàng Ngọc Tuấn trên facebook của Hoàng Ngọc Trâm, mà tôi cho là rất xác đáng, nếu nhìn từ logic riêng của Hoàng Ngọc Tuấn, tôi thấy cần phải giải thích cho rõ vì sao đối với tôi vụ gạch tên 9 nhà văn lại bộc lộ những ý nghĩa quan trọng.
Tôi ghi nhanh ở đây vài ý, sau này sẽ phát triển các phân tích để có thể thấy rõ hơn cách vận hành của hệ thống toàn trị, thông qua vụ việc này.

Nói như thế này thì sẽ rõ ràng hơn một chút : vụ gạch tên 9 nhà văn dưới sự chỉ đạo của Hữu Thỉnh.

Nghĩa là các nhà văn Tp HCM không tự nguyện gạch tên mấy người đó, mà họ làm việc ấy theo lệnh của Hữu Thỉnh. Bản chất vấn đề nằm ở đó. Họ là một thứ công cụ bị Hữu Thỉnh điều khiển.

Thực ra, Hữu Thỉnh có thể chỉ đạo đưa tên chín người đó ra khỏi danh sách, với cùng một lý do. Nhưng tại sao Hữu Thỉnh vẫn để tên họ trong danh sách và buộc các thành viên hội nhà văn ở Tp HCM gạch tên họ? Ta có thể thấy hai mục đích rõ ràng :

  1. Trừng phạt những người tham gia Văn đoàn độc lập.

  1. Buộc những người còn ở trong HNVVN, qua hành vi gạch tên, tự công nhận rằng họ chấp nhận vô điều kiện mệnh lệnh của Hữu Thỉnh, chấp nhận làm công cụ cho Hữu Thỉnh điều khiển. Dĩ nhiên, qua đó, Hữu Thỉnh có thể cảm nhận đầy đủ quyền lực vô biên của mình, và các « nhà văn »  cũng chính thức xác lập vị thế nô bộc của mình. Mà Hữu Thỉnh, như tất cả mọi người đều biết, chẳng có tài năng gì. Chẳng có tài năng gì mà có thể đạt tới một thứ quyền lực như thế, mà khiến cho gần cả ngàn « nhà văn » Việt Nam phải phục tùng như thế trong suốt chừng đó năm. Để thấy sự thảm hại đang ở mức nào.

Logic quyền lực – phục tùng này không chỉ đặc thù riêng của thiết chế HNVVN, nó là đặc thù của mọi thứ thiết chế tồn tại trong hệ thống toàn trị, nó chính là đặc trưng của hệ thống toàn trị.

Hệ thống toàn trị chỉ có thể sụp đổ khi các cá nhân từ chối phục tùng và từ chối vận hành theo logic của nó.

Trong vụ việc gạch tên có chỉ đạo này, chúng ta thấy, một khi mà các nhà văn còn công khai cái vai trò công cụ của mình, không chút ngượng ngùng, đến mức như thế, thì hệ thống toàn trị Việt Nam còn lâu lắm mới có thể sụp đổ. Và đồng thời ta cũng hiểu vì sao nó không thể (hoặc chưa thể) sụp đổ ở Việt Nam trong tương lai gần.







No comments:

Post a Comment

View My Stats