Bùi Xuân Nhã
Cập nhật: 2/05/2015
Tự
do báo chí là một quyền của công dân
Con người từ khi sinh ra đời đã biết khóc biết cười,
biết phản ứng trước hoàn cảnh sống chung quanh. Tức là con người đã biết diễn đạt
tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của mình một cách trung thực mà không bị ngăn cản.
Từ đó theo thời gian, con người dần dà ý thức được cái quyền của mình trong cuộc
sống càng ngày càng có nhiều thay đổi: quyền được nói.
Cùng với đà tiến bộ của xã hội, đặc biệt là từ thế kỷ
20 trở đi, báo chí nói chung trở thành một phương tiện để mọi công dân thực hiện
quyền được nói, bằng cách lên tiếng một cách độc lập bên cạnh tiếng nói của nhà
cầm quyền. Tự do ngôn luận, tự do báo chí giờ đây được coi như quyền lực thứ tư
đứng sau ba quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp trong một quốc gia.
Ngày nay quyền tự do báo chí trở thành một quyền căn
bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận và
long trọng ghi vào hiến pháp. Nó cũng được Liên Hiệp Quốc bảo vệ qua Điều 19 của
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Tại Việt Nam, quyền tự do báo chí được minh định
trong điều 25 của Hiến pháp 2013 qui định: “công dân có quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí…” Quyền này cũng được cụ thể hóa trong Điểm 3, điều 6 Luật sửa đổi,
bổ sung Luật Báo chí đã ban hành.
Nhưng phải nói ngay rằng tự do báo chí cũng như bao
nhiêu quyền công dân căn bản khác ở Việt Nam, chỉ là thứ quyền tồn tại trên giấy
tờ. Hay nói khác chỉ là bánh vẽ!
Mới đây, ngày 24/4/2015, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng
Thông tin-Truyền thông, đã phát biểu trước một số cử tri xã Đại Đồng (Thạch Thất,
Hà Nội) nhằm bác bỏ những cáo buộc của các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế
giới cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí.
Ông Son khẳng định rằng: Việt Nam có nhân quyền và
báo chí ở Việt Nam tự do hơn họ (các nước phương Tây) rất nhiều. Ông Son còn dẫn
chứng thêm rằng: ‘Hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam
hiện nay; các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng phục vụ nhu cầu độc giả mọi
lứa tuổi”.
Đây là điều mà giới lãnh đạo Hà Nội luôn luôn khoe
khoang: Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình với
đội ngũ nhà báo lên tới 40.000 người! Theo ông Son, báo nhiều như thế, tất
nhiên Việt Nam có tự do báo chí hơn hẳn các nước khác!
Có điều ông Son cũng đã thừa nhận “báo chí là phương
tiện truyền thông của đảng, nhà nước” và trong 838 cơ quan báo chí đó, ông Son
xác định hoàn toàn không có một tờ báo tư nhân nào.
Rõ ràng là qua phát biểu của ông Son cho thấy là
lãnh đạo CSVN không hiểu thế nào là tự do báo chí. Ông Son và lãnh đạo CSVN chỉ
nghĩ rằng tự do báo chí chính là số lượng đông đảo của báo chí.
Đây là điều trái ngược với một quốc gia tự nhận là
“có tự do báo chí hơn nhiều nước khác”…Nếu đem so với thời thực dân Pháp đô hộ,
Sài Gòn trong chế độ thuộc địa, chính những người cộng sản cũng xuất bản báo mà
không cần xin phép trước căn cứ vào luật báo chí ở chính quốc, ban hành từ năm
1881 và áp dụng cho lãnh thổ Nam Kỳ.
CSVN
sử dụng báo chí như thế nào?
Do độc quyền nắm trong tay một công cụ khổng lồ, nhà
cầm quyền CSVN đã dùng nó như một phương tiện trung thành sẵn sàng bóp chết mọi
biểu hiện tư tưởng trái chiều. Chiến thuật đánh hội đồng được sử dụng thường
xuyên để tiêu diệt những đối tượng hay những nhóm, những phong trào mà nhà nước
muốn họ im tiếng. Chẳng hạn gần đây trong sự kiện báo Người Cao Tuổi ở Hà Nội,
nhiều tờ báo được nhà nước bật đèn xanh đồng loạt cáo buộc tổng biên tập Kim Quốc
Hoa, trước khi ông này bị mất chức và truy tố ra tòa.
Một mặt đề cao tự do ngôn luận, tự do báo chí trong
dư luận trong ngoài nước khi có dịp, mặt khác nhà nước Việt Nam tỏ ra sợ hải những
tiếng nói ngược chiều từ một nền báo chí nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền.
Điều này được thể hiện trong chỉ thị số 37 trước đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng "Tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí: kiên quyết không để tư nhân
hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng,
chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng".
Nhiều lần, nhà nước CSVN khẳng định “báo chí là công
cụ của đảng” vì thế cho tới nay, người dân Việt Nam vẫn không có được tiếng nói
để bày tỏ ý kiến, hay sự suy nghĩ của mình trước tình hình đất nước. Lý do rất
đơn giản là báo chí tư nhân chưa được chấp nhận như một quyền lực thứ tư trong
nền chính trị Việt Nam hiện nay.
Dù vậy, trước sức áp đảo của truyền thông mạng xã hội,
mỗi facebooker, blogger là một ngòi bút hàng ngày công phá thành trì độc tài.
Ông Nguyễn Bắc Son cũng chỉ vớt vát lập lại những chủ trương cũ rích như tại Hội
nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức năm 2014 tại Hà Nội rằng “tư
nhân hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí” là điều nhà nước này không chấp nhận.
Chính vì lề lối sử dụng báo chí để bịt miệng dư luận
nên những tệ nạn xã hội thường là khu vực độc quyền cho những bài báo tô son
trét phấn lên gương mặt lem luốc của đảng và nhà nước. Nạn tham ô nhũng lạm
công khai từ trung ương tới địa phương diễn ra như một điều bình thường trong
xã hội với sự làm ngơ của báo chí lề phải. Là những người ăn lương nhà nước, họ
chọn sự an thân hơn sự phục vụ quần chúng. Thiếu sự quan sát, vạch trần của
truyền thông tự do, tham nhũng được bao che, dung dưỡng và trở thành món hàng
dành riêng cho Ủy ban phòng chống tham nhũng vô tích sự của một nhà nước mang bản
chất gian trá luôn che giấu sự thật, bưng bít dư luận.
CSVN
là một trong 10 nước đàn áp báo chí
Trong nhiều năm liền, do sự đàn áp liên tục những
người bất đồng chính kiến ôn hòa và bắt giam khép tội các bloggers hoạt động
trên mạng xã hội, Việt Nam luôn luôn bị xếp vào danh sách các nước đàn áp báo
chí nặng nề nhất. Mới đây, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ: Committee to
Protect Journalists) đưa CSVN vào danh sách 10 nước kiểm duyệt gắt gao nhất thế
giới, nơi mà hoạt động báo chí bị hạn chế nhiều nhất.
Theo CPJ, trên các báo chính thống hay còn gọi là
truyền thông quốc doanh, có nhiều chủ đề bị cấm đề cập như “hoạt động của các
nhà bất đồng chính kiến, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản hay vấn đề đòi hỏi
nhân quyền” và vấn đề dân oan bị cướp đoạt đất đai.
Ngoài ra, tổ chức này còn cho rằng các bloggers hay
các nhà báo độc lập viết về các vấn đề “nhạy cảm” khác như nạn tham nhũng trong
chính quyền, tình trạng bất công trong xã hội luôn luôn đối mặt với tình trạng
bị sách nhiễu nặng nề. Đó là các vụ hành hung theo kiểu côn đồ trên đường phố đối
với các nhà đấu tranh dân chủ, các tu sĩ tôn giáo. Ngoải ra, họ còn bị bắt bớ bừa
bãi, bị theo dõi và bị tống giam vô tội vạ.
CPJ cũng nói CSVN đã “chặn nhiều trang web chỉ trích
chính phủ” cũng như sử dụng điều luật mơ hồ 258 trong Bộ Luật hình sự để truy tố
và tống giam các bloggers về tội gọi là “chống phá nhà nước”. Trong danh sách của
CPJ công bố hôm 27/4/2015, CSVN đứng vị trí thứ 6 trong 10 nước đứng đầu kiểm
duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới! Mặt khác, CPJ tố cáo CSVN nằm trong danh
sách các quốc gia bỏ tù nhiều ký giả nhất trên thế giới, ít nhất có 16 người
còn bị giam giữ trong năm 2013.
Cho dù CSVN đã từng phản bác các báo cáo tương tự của
CPJ là “thiếu khách quan”, và “không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam”; nhưng
trong thực tế Hà Nội đã không thể chối cãi về những sự thật đang diễn ra.
Mức độ tự do ngôn luận, tự do báo chí và tình trạng
nhân quyền ở mỗi quốc gia có mối tương quan mật thiết với nhau không thể tách rời.
Tình trạng tự do báo chí được ví như cái phong vũ biểu cho phép người ta đo lường
được tương đối chính xác mức độ tôn trọng nhân quyền của chế độ cầm quyền. Do vậy
tình hình nhân quyền Việt Nam dưới mắt các tổ chức nhân quyền quốc tế thường là
những cái nhìn bi quan hay nói khác đi là ngày một tồi tệ.
Mới đây Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights
Watch) vừa đưa ra một bản báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam
năm 2014. Theo đó, báo cáo cho biết Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ những người
ủng hộ dân chủ, phê bình chính quyền và nhiều vấn đề vi phạm nhân quyền khác. Đại
diện của Human Rights Watch là ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức này,
đã chỉ ra rằng Việt Nam đang sống trong một thế giới hiện đại nhưng với một hệ
thống chính trị cũ kỹ, một nhà nước độc đảng trong thế giới dân chủ đa đảng.
Nhà nước này lấy việc ngăn cấm quyền căn bản về tự do ngôn luận và tụ tập hợp
pháp là chính sách củng cố quyền thống trị lâu dài của mình.
Mặt khác, trong một phúc trình đặc biệt về nạn theo
dõi các hoạt động trên mạng nhân Ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet hôm 12
tháng 3, Hội Nhà báo Không biên giới RSF (Reporters sans frontières) cũng xếp
CSVN là một trong 5 nước “kẻ thù của internet”, chẳng những một mà trong nhiều
năm liền.
Theo phúc trình này, CSVN đã tiến hành việc theo dõi
có hệ thống các hoạt động trên mạng để thực hiện những vụ vi phạm nhân quyền
nghiêm trọng. Những hoạt động theo dõi của nước này nhắm vào những người bất đồng
chính kiến và đã gia tăng trong thời gian qua. CSVN cũng sử dụng những vụ tin tặc,
kể cả việc sử dụng mã độc nhắm vào những mạng lưới của họ. Có ít nhất 31 công
dân mạng ở Việt Nam đang bị cầm tù và các quán cà phê internet bị kiểm soát chặt
chẽ.
*
Hàng năm, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 3 Tháng 5 làm Ngày
Tự do Báo chí Thế giới để khuyến khích và xiển dương cuộc tranh đấu kiên trì của
các dân tộc nhằm đòi hỏi một quyền căn bản không thể bị tước đoạt bởi bất cứ
ai, và vì bất cứ lý do gì.
Ngày này cũng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người
về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhất là nhắc nhở các chính phủ về bổn phận
phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc
tế Nhân quyền. Nhưng cho tới nay - vì “báo chí là công cụ của đảng” - CSVN vẫn
tiếp tục đi ngược giòng lịch sử, vẫn xếp quyền tự do báo chí chung với “các thế
lực thù địch” và đặt vào tay lực lượng công an.
Bùi
Xuân Nhã
Ngày 1/5/2015
Ngày 1/5/2015
No comments:
Post a Comment