Saturday 23 May 2015

‘Tổng thư ký LHQ phải thúc đẩy nhân quyền Việt Nam’ (Trà Mi-VOA)





22.05.2015

Liên đoàn đại diện hàng trăm tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thúc đẩy chính phủ Hà Nội cải thiện nhân quyền nhân chuyến thăm của giới chức đứng đầu UN tới Việt Nam trong hai ngày 22 và 23/5.

Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH hôm nay cho VOA Việt ngữ biết FIDH đã gửi thỉnh nguyện thư tới Tổng thư ký Ban Ki-moon trước khi ông đặt chân tới Hà Nội. 

Ông Andrea Giorgetta:

“Chúng tôi chuyển thông điệp này thông qua văn phòng của mình ở thành phố New York và thỉnh nguyện thư hôm nay chắc đã nằm trong tay người phát ngôn của Tổng thư ký Ban. Trong thư, chúng tôi nêu rõ dù Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng không có mấy cơ hội để UN giao tiếp với chính phủ Hà Nội về vấn đề nhân quyền. Vì vậy, Tổng thư ký Ban nên nhân chuyến thăm lần này nêu vấn đề nhân quyền với các nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ Việt Nam. Trong vô số rất nhiều vấn đề nhân quyền của Việt Nam, chí ít ông Ban nên đề cập tới ba ưu tiên chính là yêu cầu Hà Nội hủy bỏ các điều luật mượn danh an ninh quốc gia để đàn áp nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm, và yêu cầu nhà nước Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu, hành hung, trấn áp những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.”

Trong thông cáo báo chí phổ biến một ngày trước chuyến thăm của ông Ban, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền đặc biệt bày tỏ quan ngại trước nạn công an bạo hành và tình trạng đàn áp-vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. 

FIDH tố cáo Hà Nội vẫn tiếp diễn sách nhiễu các bloggers và các nhà hoạt động nhân quyền, thường dùng công an thường phục và côn đồ tấn công giới bất đồng chính kiến, và giam cầm các nhà hoạt động dưới các điều luật mơ hồ trong bộ Luật Hình sự về “an ninh quốc gia”, như điều 88 tuyên truyền chống nhà nước và điều 258 lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.

Vẫn theo FIDH, tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị đe doạ nghiêm trọng thông qua Dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng với nội dung tăng cường siết chặt kiểm soát sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo. 

Trong thông cáo chung với FIDH, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, một thành viên trong Liên đoàn FIDH, cho rằng sắc luật này nhằm bịt miệng, khóa tay các cộng đồng tôn giáo độc lập, vi phạm trắng trợn nghĩa vụ của Việt Nam chiếu theo điều 18 của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị.
 
Giới hoạt động tại Việt Nam chia sẻ lời kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý tới tình trạng nhân quyền Việt Nam bằng cách lan truyền thỉnh nguyện qua các trang mạng xã hội. Trong số này có cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải với bức hình cầm biểu ngữ ‘Việt Nam chà đạp nhân quyền’ chào đón ông Ban Ki-moon mà anh cho biết đã chuyển tới đại diện ngoại giao các nước trước thềm chuyến thăm của ông Ban.

Anh Phạm Bá Hải: 

“Với tư cách điều phối viên Hội Cựu tù nhân lương tâm, tôi muốn nhắn tới ông rằng tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam hết sức nghiêm trọng. Chính quyền Việt Nam năm nay đã sử dụng bạo lực tấn công giới bất đồng chính kiến. Máu đã đổ. Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cần phải chú ý vấn đề này.”

Chưa rõ liệu yêu cầu này được đáp ứng ra sao, nhưng đại diện Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế tại Châu Á, Andrea Giorgetta, khuyến cáo rằng: 

“Sẽ là một sự bỏ lỡ cơ hội và đúng ra là đáng thất vọng nếu Tổng thư ký Ban không nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam lần này. Chúng tôi nghĩ rất cần thiết phải cho Hà Nội biết nhân quyền Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các tiêu chuẩn căn bản của thế giới và rằng cộng đồng quốc tế không bỏ quên các vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam. Dù ông Ban tới Việt Nam để thảo luận về vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu hay các vấn đề khác như Biển Đông, trong cương vị là quan chức hàng đầu của UN, ông Ban có nghĩa vụ phải gửi thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ tới Việt Nam về nhân quyền vì một trong những vai trò chính của Liên Hiệp Quốc là cổ võ cho nhân quyền trên toàn cầu. Tổng thư ký Ban Ki-moon phải vận dụng thẩm quyền đạo đức của Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hà Nội phải cấp bách giải quyết các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”

Tin AP hôm nay tường thuật rằng trong ngày đầu của chuyến công du, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thảo luận với Chủ tịch Trương Tấn Sang về các mối quan tâm liên quan tới an ninh khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông. 

Ông Ban Ki-moon được AP dẫn lời cho biết ông kiên quyết kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đối thoại và theo đúng luật quốc tế, tránh các hoạt động khiêu khích hay làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Theo truyền thông nhà nước, chuyến thăm của người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với UN và tăng cường tính hữu hiệu của các nguồn viện trợ Liên Hiệp Quốc trong việc thực thi Nghị trình Phát triển sau 2015, nhất là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. 

Hà Nội nói mối quan hệ giữa Việt Nam với UN ngày càng thắt chặt và rằng trong tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc từ năm 1977, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực tế trong các hoạt động của UN, kể cả vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an 2008-2009 và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 2013-2016.

Chiếc ghế của Hà Nội tại Hội đồng này là đề tài gây tranh cãi giữa các chỉ trích rằng Việt Nam là một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. 

Dù công nhận còn nhiều điều cần phải cải thiện, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội một mực phủ nhận các cáo buộc về chà đạp nhân quyền.





No comments:

Post a Comment

View My Stats