Saturday, 23 May 2015

Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định về khả năng đụng độ trên Biển Đông (Quốc Toản - GDVN)





Quốc Toản  -  GDVN
22/05/15 10:13

(GDVN) – Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động (phi pháp) trên Biển Đông, đã, đang trở thành mối nguy hiểm, đe dọa hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới.

LTS: Với hàng loạt các vấn đề liên quan đến những tranh chấp biển, đảo trong thời gian qua, có thể thấy, mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng vùng ảnh hưởng trên biển, biến Biển Đông trở thành “ao nhà” của họ…
Để làm rõ vấn đề này, hôm 21/5, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ. 

PV:  Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, biến các đảo chìm thành đảo nổi (thuộc chủ quyền của Việt Nam); đơn phương đưa ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Đây là những động thái bộc lộ quá rõ nhưng toan tính của họ, cụ thể:
Trung Quốc tiếp tục mục tiêu hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vị trí mà các năm 1956, 1974, 1988 họ đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa  và  một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Họ lợi dụng mọi cơ hội để tạo ra tình huống, giành lấy sự công nhận trên thực tế các quyền phi pháp trong các vùng biển thuộc các quyền chính đáng của các nước ven Biển Đông theo yêu sách “lưỡi bò”của họ.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc muốn từ những căn cứ này để cưỡng chiếm thêm các thực thể khác. Trong đó có cả các thực thể là những bãi cạn nằm trên thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông được xác định theo đúng UNCLOS 1982.
Trung Quốc đang quyết tâm biến các bãi cạn, rạn san hô, các bãi đá trở thanh các đảo đủ lớn. Ý định của họ nhằm tạo lợi thế pháp lý trong việc tính đến hiệu lực của chúng khi xác định phạm vi các vùng biển và thêm lục địa theo quy đinh của UNCLOS 1982.
Đó chính là âm mưu tìm cách biện minh cho sự tồn tại phi lý của yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc đang bị dư luận phê phán và lên án mạnh mẽ.
Cần phải nói thêm rằng, các bãi cạn đang được cải tạo nâng cấp còn là những căn cứ quân sự tấn công hết sức lợi hại, tạo ra thế trận tấn công “cài răng lược”.
Điều này trực tiếp đe dọa, khống chế, ngăn cản và có thể dễ bề tiêu diệt mọi căn cứ, cơ sở quốc phòng, kinh tế, dân sinh… của các lực lượng khác đang có mặt trên quần đảo này.
Việt Nam – những chủ nhân thật sự của quần đảo Trường Sa phải hết sức cảnh giác trước âm mưu nguy hiểm đó.
Các công trình được xây dựng trái phép ở đây còn là những cơ sở khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho mục đích kinh tế. Nó thực hiện theo dõi, khống chế, cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền, máy bay đi qua Biển Đông trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế.
Các công trình được xây cất ở đây cũng còn là những khu dịch vụ hậu cần không thể thiếu để Trung Quốc có điều kiện triển khai kế hoạch khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên trong các vùng biển và thềm lục địa. Đây là ý định mà từ lâu họ ấp ủ tham vọng “xí phần”, tranh giành, chiếm đoạt…
Cuối cùng, có thể thấy rõ, ý đồ thực hiện những mục tiêu nói trên thông qua việc cải tạo, xây dựng trên các thực thể này, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Mục tiêu biến Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường quốc tế…

PV: Song song đó, Trung Quốc liên tục đưa ra các lý do nhằm thanh minh, bao biện cho các hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế, nhằm biến Biển Đông thành “nhà, vườn” của họ. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Những việc làm của Trung Quốc nói trên là đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các quy định của UNCLOS.
Tuy vậy, gần đây, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách thanh minh, biện bạch rằng họ có quyền làm như vậy vì đây là “nhà”, là “vườn” của họ; các nước khác cũng đang xây đảo trên Trường Sa…
Liệu những lập luận ngụy biện này của Trung Quốc có đứng vững được không? Tôi cho rằng nên tìm câu trả lời cho 2 câu hỏi sau đây:
Thứ 1: Quần đảo Trường Sa “là nhà, là vườn” của ai? 
Câu trả lời thật sự khách quan đúng đắn nhất dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành là: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bởi vì Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.
Việt Nam có đầy đủ các căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý đề chứng minh và bảo vệ cho chân lý này.
Còn Trung Quốc thì sao? Họ vẫn luôn luôn  khẳng định rằng quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa) thuộc chủ quyền của họ bởi vì có người từng cho rằng họ có “chủ quyền lịch sử”, có “danh nghĩa lịch sử” đối với các quần đảo này.
Thậm chí cả trong phạm vi khoảng 90% diện tích Biển Đông, đều nằm trong đường yêu sách “lưỡi bò” của họ. 
Quan điểm pháp lý này của Trung Quốc không đứng vững được trước ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Nhiều học giả quốc tế, thậm chí kể cả cả học giả Trung Quốc cũng đã phê phán, bác bỏ quan điểm này. 
Như vậy, rõ ràng là quần đảo Trường Sa không phải là “nhà”, là “vườn” của họ. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đoạt “nhà, vườn” của Việt Nam – đó là thực tế không thể chối cãi được.
Việc chiếm đóng và tiến hành xây dựng trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa  của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp, vi phạm chủ quyền quốc gia.
Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động phi pháp trong “nhà”, trong “vườn” của Việt Nam, chứ không phải là những hoạt đông bình thường trong “nhà”, trong “vườn” của họ!

PV: Có thể đánh đồng các hoạt động của Trung Quốc với các hoạt động của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa không, thưa ông? 
Tiến sĩ Trần Công Trục: Câu trả lời là không thể. Bởi vì:
Việt Nam là chủ nhân của quần đảo Trường Sa. Người Việt Nam đã từng sinh sống, xây dựng, cai quản, bảo vệ quần đảo này đã từ mấy trăm năm nay, ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Việc Việt Nam xây dựng nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh, quốc phòng trên đất của mình hoàn toàn là chuyện bình thường. Đây không phải là những hoạt động làm thay đổi hiện trạng, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng…
Còn Trung Quốc thì sao? Họ mới đánh chiếm một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo này từ năm 1988; việc tiếp tục xây dựng, tăng cường điều động binh lính xuống đóng giữ… biến bãi cạn thành đảo nổi phục vụ mục đích tấn công quân sự.
Trung Quốc tìm cách khống chế Biển Đông là không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam như đã phân tích ở trên, mà còn  phá vỡ cam kết được ghi nhận tại Điều 4 và Điều 5 của DOC (Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông).
Họ cố tình phá vỡ hiện trạng đúng theo tinh thần của tuyên bố chính trị này. Vì vậy không thể so sánh, đánh đồng với các hoạt đông chính đáng của Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng đụng độ trên Biển Đông giữa các nước có chung lợi ích, được luật pháp quốc tế thừa nhận?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Trung Quốc tăng cường lấn đảo, biển, Mỹ điều tàu chiến đến gần…Tình huống này nếu không kiểm soát được, thì khả năng đụng độ là rất cao. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục phớt lờ mọi thỏa thuận chính trị song phương hoặc đa phương.
Theo đó, Trung Quốc tiếp tục tìm cách liên minh hoặc chia rẽ, phân hóa nội bộ trong từng quốc gia hay trong các tổ chức khu vực, quốc tế để phục vụ cho chiến lược “khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông”.
Lịch sử nhân loại qua các cuộc chiến tranh tàn khốc cũng cho thấy nguyên nhân của mọi cuộc xung đột, chiến tranh, dù là nóng hay lạnh, cũng  đều bắt đầu bằng sự tranh giành vị thế, quyền lợi giữa các cường quốc.  
Tuy nhiên, xung đột, chiến tranh liệu có xảy ra hay không và vào lúc nào? Đó còn là cả một vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện, hoàn cảnh khách quan và chủ quan của các bên liên quan. 

PV: Các nước lớn, đặc biệt là Chính phủ Mỹ đang tìm cách đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc, đồng thời sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc (sẽ hiện diện quân sự ở Biển Đông). Ông đánh giá thế nào về vai trò của các nước lớn trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Không còn nghi ngờ gì nữa, dư luận quốc tế và hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ, đã thấy rõ sự nguy hiểm và phi pháp của những công trình mà Trung Quốc đã và đang xây cất.
Trung Quốc đã, đang mở rộng, bằng việc bồi đắp trên các bãi cạn, rạn san hô, trở thành các đảo nhân tạo to lớn trong khu vực quần đảo Trường Sa. Xây các đường băng sân bay, các công trình quân sự, các khu dịch vụ kinh tế, kỹ thuật, hậu cần.
Đây trở thành mối hiểm họa hiện hữu, hội đủ các điều kiện để trước mắt là khống chế và cản trở việc thông thương qua lại của tàu thuyền, máy bay các nước hoạt động qua Biển Đông; sớm khống chế toàn diện, tiến tới độc chiếm Biển Đông theo đúng kịch bản mà Trung Quốc đã ôm ấp từ lâu.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc không thể chỉ dùng lời lẽ ngoại giao chung chung để thuyết phục, gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ ý đồ của mình?
Có lẽ đã đến lúc phải có hành động mạnh mẽ hơn, phải sử dụng đến sức mạnh để đối trọng với những gì Trung Quốc đã, đang vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới?
Đã đến lúc Mỹ cần phải thực hiện một cách thực sự nghĩa vụ của mình trước các đồng minh trong khu vực đang bị xâm hại.
Chính sách xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ đã đến lúc không phải chỉ dừng lại bởi những tuyên bố ngoại giao chung chung và tình trạng “ỡm ờ về chiến lược”.
Có lẽ đã đến lúc Mỹ phải đi vào hành động thực chất nếu họ không muốn bị tước ngôi vị trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc?
Phải chăng vì Mỹ đã sai lầm trong việc tiếp tục chính sách trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong Biển Đông, bất chấp sự thật đúng sai?. Vì lợi ích của riêng mình, Mỹ đã rút khỏi khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á –Thái Bình Dương nói chung?
Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc nắm lấy để thực hiện các bước tiến mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa yêu sách của họ trong Biển Đông như hiện nay. Việc này đặt Mỹ vào tình thế bất lợi, buộc họ phải điều chỉnh, thay đổi chính sách của mình.
Nhưng nếu Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích an ninh an toàn hàng hải của riêng mình không thôi thì có lẽ chỉ là giải quyết được “cái ngọn” của vấn đề, thậm chí có thể được hiểu đây chỉ là cái cớ để Mỹ quay lại Biển Đông, chứ không phải là đã quan tâm giải quyết “tận gốc” của vấn đề phức tạp hiện nay.
Vì vậy, nên chăng  đã đến lúc mọi tranh chấp muốn giải quyết triệt để thì chỉ có thể bắt đầu từ gốc, không phải là từ ngọn?
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới là gốc rễ của vấn đề cần được quan tâm giải quyết một cách minh bạch, dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý vẫn là thích hợp nhất so với biện pháp quân sự.
Bởi vì, hòa bình luôn luôn là nguyện vọng tha thiết nhất của nhân loại.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cũng đã từng cảnh báo rằng đã có lúc thế giới  đang đứng bên miệng hố chiến tranh bởi những tranh chấp gay gắt giữa các thế lực mang đậm màu sắc chính trị, quân sự, sắc tộc và tôn giáo. 
Tại thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn đó. Các liên minh, các phe phái đối nghịch nhau trên phạm vi thế giới đã có mầm mống xuất hiện tại một số điểm nóng.
Biển Đông là một trong số điểm nóng đó. Có thể nói đây là thời khắc mà mọi ứng xử đều hết sức thận trọng, phải đặt lợi ích chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới lên trên hết.
Không nên “đổ thêm dầu vào lửa”! Cách ứng xử thích hợp nhất là phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác phân biệt rõ đúng sai.
Bất kể là ai, dù đó là Mỹ hay Trung Quốc nếu hành xử không theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của mình thì kiên quyết phản đối đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)




No comments:

Post a Comment

View My Stats