Saturday, 23 May 2015

Liệu căng thẳng Mỹ Trung sẽ diễn ra cuộc chiến tranh chớp nhoáng? (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-05-21

Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nổi một cách trái phép trong vùng biển tranh chấp với các nước đã khiến Hoa kỳ xem xét lại chính sách quân sự của mình nhằm buộc Trung Quốc phải ứng xử có trách nhiệm tại Biển Đông có gây nên một cuộc chiến chớp nhoáng giữa hai nước hay không ?

Đầu tháng 4 năm 2015 Trung Quốc công khai cải tạo lại các bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa và tuyên bố rằng việc bồi đắp các đảo này vì chúng thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh. Giới quan sát quân sự đánh giá rằng bên cạnh ý đồ dùng 7 nơi này khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông, đây còn là công trình nhằm biến chúng thành những tàu sân bay không thể đánh chìm, nó là tấm đệm để chiến đấu cơ Trung Quốc dùng làm nơi chuyển tiếp tấn công các tàu chiến hay khu vực vượt khỏi tầm bay như Việt Nam hay Philippines.

Mưu đồ xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông

Ngày 8 tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo hoạt động bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa của Trung Quốc và khẳng định sự nghi ngờ rằng Bắc Kinh muốn thiết lập các căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Sau đó hãng tin Reuters cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã yêu cầu xem xét việc điều động máy bay hải quân giám sát các đảo nhân tạo này, đồng thời nếu cần có thể điều tàu quân sự tiến vào trong phạm vi 12 hải lý tại 7 bãi đá Trung Quốc đang xây dựng.

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho  rằng Bắc Kinh đang xây dựng một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông.

Quan sát các động thái nguy hiểm và có tính toán của Bắc Kinh, ngày 30 tháng 4, chuyên gia David Archibald thuộc Viện Chính trị Thế giới (IWP) có trụ sở tại Washington đã viết trên American Thinker bài nhận định có tên “7 lý do Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh vào năm 2017”(1)

Đối với Nhật Bản để phát động cuộc chiến tại vùng Biển Hoa Đông, David Archibald cho rằng ngày nay các chương trình truyền hình hằng đêm tại Trung Quốc đều nhắc đi nhắc lại cuộc xâm lăng của Nhật là cách chuẩn bị lòng căm thù của dân chúng Trung Quốc để phát động cuộc chiến tranh với Nhật Bản.

Bài viết cũng nhấn mạnh ở điểm Trung Quốc có thái độ tự phụ vì một nền kinh tế mạnh nhưng trong diễn biến gần đây kinh tế nước này đang có nguy cơ vỡ bong bóng hàng loạt cũng là lý do Bắc Kinh gây hấn với láng giềng, mạnh miệng với Mỹ nhằm thách thức một cuộc chiến tranh mới để tự bào chữa thất bại kinh tế trước khi nó sụp đổ.

David Archibald đưa ra một thực tế nữa cho thấy Trung Quốc tự coi mình là trung tâm của thế giới và hoàn toàn nhìn qua lăng kính lợi ích của riêng mình. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc không thể chấp nhận được những điều không diễn ra theo cách mà nước này muốn.
Cái muốn ấy không gì khác hơn là dầu hỏa tại Biển Đông nơi có trữ lượng khổng lồ có thể biến Trung Quốc thành cường quốc số 1 trong thế kỷ tới.

Có hay không một cuộc chiến Biển Đông?

Ông Việt Phương, thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với kinh nghiệm sau hơn nửa thế kỷ theo chân ông Đồng trên chính trường, cho biết nhận xét của mình:

-Không thể, không thể nào. Cả hai bên đều không muốn, cả loài người đều không muốn. Không có điều kiện để mà đánh nhau đâu, hăm dọa nhau thế thôi. Cái gọi là Biển Đông là đứng về Việt Nam mà nói còn đứng về Philippines thì họ gọi chính thức tên của cái biển ấy là Biển Tây chứ không phải là Biển Đông đâu. Có 7 nước có chủ quyền ở đấy chứ không phải một mình hoặc là Việt Nam hay Trung Quốc đâu. Nơi ấy là nơi chở 2/3 hành khách và các thứ hàng hóa của thế giới, cái anh Tập Cận Bình bảo là của tao đấy, tao có cái lưỡi bò 90% ở Biển Đông là nó nói bậy nói láo, ai cũng biết thế rồi.

Sau khi Ngoại trưởng John Kerry thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng xây dựng và phát triển những cơ sở bất hợp pháp trên Biển Đông, ngày 19 tháng 5, ông Jim Talent một cựu Thượng Nghị sĩ Mỹ viết một bài đăng trên National Review (2) kêu gọi chính phủ Mỹ phải thực tế hơn trước hành động của Bắc Kinh vì theo ông nếu Mỹ tiếp tục dùng chính sách ngoại giao thì chưa đủ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Tim Talent cũng nhấn mạnh sự quyết đoán của Trung Quốc khi nước này luôn coi thường Luật pháp quốc tế, Trung Quốc không hề tin vào  trật tự thế giới và từ đó họ luôn mang tâm thế của kẻ mạnh đương nhiên phải được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông Tim Talent nhận định, một nhà ngoại giao như ông John Kerry mà vẫn không thuyết phục được Bắc Kinh từ bỏ chính sách bá quyền nước lớn thì Mỹ cần phải xem xét lại toàn bộ các chính sách của mình đối với Trung Quốc, bao gồm cả các giải pháp quân sự.

Mặc dù chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng mối quan hệ của hai nước vẫn ổn định nhưng việc khăng khăng giữ quan điểm Biển Đông thuộc sở hữu của Trung Quốc không thể làm Mỹ yên tâm khi nước này giữ vững lập trường quay trở lại châu Á Thái bình dương của mình.

Nhìn từ Việt Nam, mặc dù Ngoại trưởng John Kerry thất bại trong việc thuyết phục Bắc Kinh và Jim Talent cho rằng Mỹ phải có những biện pháp quân sự nhưng Đại tá Phạm Xuân phương, từng công tác nhiều năm trong Cục Chính trị cho rằng biện pháp ngoại giao vẫn sẽ được hai bên tiếp tục nhằm tránh cuộc chiến tranh chớp nhoáng:

-Thực ra lúc này không phải là lúc chiến tranh chớp nhoáng nhanh chóng được tôi thấy trong thời đại hiện nay còn nhiểu cách nói chuyện với nhau chán. Thực ra mà nói thì Mỹ cũng có những cái nguyên tắc của họ.

Từ nhận định này Đại tá Phạm Xuân Phương cho rằng chính Việt Nam cũng phải thay đổi chính sách của mình cho phù hợp với đối sách hiện nay nhằm tự bảo vệ mình:

-Đối với Trung Quốc chúng ta phải bớt chân phương đi một chút. Trong đối sách với Trung Quốc chúng ta chân phương quá, chúng ta hiền lành quá. Một đối thủ một đối tác như thế có lẽ không chân phương được. Phải học cái cách đánh dứ. Đối sách thì tùy tình hình có lúc thể này có lúc thế khác nhưng chúng ta phải học lối chơi cao thủ hơn. Chúng ta đừng tự gò mình trong bất kỳ một công thức nào cả. Trong trường hợp nào đó mà có một nước thứ ba mà họ giang tay với mình thì tại sao mình từ chối chằng hạn?

Năm ngoái khi Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Hoa kỳ đã lên tiếng công khai phản đối. Năm nay hành động này đang được lập lại và phải chăng đây sẽ là cơ hội cho Mỹ mạnh tay hơn? TS Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên Khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho biết nhận xét của ông:

-Tôi nghĩ chuyện căng thẳng thì nó sẽ có xu hướng gia tăng nhưng mà xảy ra chiến tranh chớp nhoáng hay là xung đột chớp nhoáng thì tôi nghĩ là khó xảy ra ít nhất là trong tương lai gần, tại vì mỗi bên họ vẫn cần một môi trường ổn định, hòa bình hơn là xảy ra các xung đột trực tiếp. Hai bên mặc dù có những mâu thuẫn về lợi ích nhưng cái mâu thuẫn này nó chưa đủ lớn để có thể đưa cả hai bên vào một cuộc chiến.
Cái xu hướng lâu dài thì mâu thuẫn và những cạnh tranh quyền lợi giữa hai nước càng ngày càng gia tăng nhưng sẽ có những cao trào và cũng sẽ có những bước điều chỉnh đế cho nó lắng xuống và giống như những cơn sóng nhỏ nó sẽ khó vượt qua giới hạn để xảy ra các cuộc xung đột.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng mặc dù cố kềm chế để tìm cái lợi trong tình trạng ổn định nhưng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc cứ tiếp tục thử thách sự kềm chế này.



Tin, bài liên quan






No comments:

Post a Comment

View My Stats