Tuesday, 5 May 2015

Nước Nga với Lễ Chiến Thắng cuộc chiến tranh vệ quốc (Hà Tường Cát//Người Việt)





Hà Tường Cát//Người Việt (tổng hợp)
Tuesday, May 05, 2015 2:48:06 PM 

Cuối tuần này, thế giới sẽ kỷ niệm 70 năm ngày Thế Chiến II kết thúc trên mặt trận Âu Châu, trong khi mặt trận Thái Bình Dương còn tiếp diễn thêm ba tháng sau mới dứt.

Quốc Xã Đức ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện khuya ngày 8 tháng 5 năm 1945 tại Berlin. Lúc đó đã sang ngày 9 tháng 5 ở Moscow, cho nên lễ kỷ niệm ở Nga là ngày 9 trong khi ở các nước phương Tây là ngày 8.

Qua 70 năm, những nhân vật chủ yếu của Thế Chiến II bây giờ đều đã chết và các chế độ độc đoán thời đó bây giờ cũng không còn tồn tại nữa.

Thế Chiến II là cuộc chiến tranh toàn cầu giữa hai phe gọi là Trục (Đức, Ý, Nhật,....) và Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, …). Giải thích theo cách của lý thuyết gia chiến tranh nổi tiếng thế kỷ 18,  Carl von Clausewitz, thì Thế Chiến II “không phải là sự tiếp nối của chính trị bằng những phương pháp khác” mà là “sự sử dụng bạo lực để buộc địch phải làm theo ý mình”.

Phe Trục là những chế độ độc tài, có mục tiêu chiếm đọat lãnh thổ, thuộc địa, quyền lợi kinh tế và thực hiện chính sách diệt chủng theo lý tưởng dân tộc ưu việt, cuối cùng thát bại không đạt được ý muốn.  Phe Đồng Minh bao gồm các quốc gia không cùng ý thức hệ, và không nhắm mục tiêu chung nào khác ngoài sự tự vệ, cuối cùng thắng trận vì ngăn cản được địch thực hiện ý muốn.

Sau chiến tranh,  khu vực Tây Đức do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng, dần dần được trả lại chủ quyền và hình thành một chế độ dân chủ tự do. Đông Đức do Liên Xô chiếm đóng đi theo đường lối cộng sản.

Ngày nay Tổng Thống liên bang Nga Vladimir Putin nhìn nhận rằng chủ nghĩa cộng sản độc đoán là mù quáng và nước Nga đã từ bỏ hẳn chính sách kinh tế hoạch định để theo đường lối kinh tế thị trường. Tuy vậy ông coi sự tan rã của Liên Bang Xô Viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20, và có hậu quả tác động làm tổn thương đến lòng tự ái dân tộc Nga.

Putin hiểu rất rõ là không thể nào tái lập chế độ ấy, nhưng mưu đồ chính trị và chủ trương của ông là cố gắng tái lập vị thế đại cường quốc, hồi phục huy hoàng quá khứ bằng sự làm sống dậy niềm kiêu hãnh và tinh thần dân tộc Nga.

Ngày lễ Chiến Thắng bao giờ cũng được long trọng tổ chức ở Nga hơn tất cả mọi quốc gia khác. Trước hết, Nga là đất nước bị trực tiếp xâm lăng, chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất về nhân mạng, và tài sản trong gần 4 năm chiến tranh. Bốn triệu quân Đức trong chiến dịch Barbaroussa vượt biên giới mở cuộc tấn công vào ngày Hạ Chí, 22 tháng 6 năm 1941, trong vòng 3 tháng đã đánh chiếm một lãnh thổ rộng lớn nhưng không vào được thủ đô Moscow và thành phố Leningrad.

Những trận chiến kinh hoàng, lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới diễn ra trên đất Nga, tập trung hàng trăm sư đoàn, nhiều ngàn chiến xa, trọng pháo, hàng triệu binh sĩ mỗi bên. Tầm mức một số trận đánh ấy vượt xa trận được nói đến nhiều là D-Day, cuộc đổ bộ 150,000 quân đồng minh lên bờ biên Normandie ngày 6 tháng 6 năm 1944.

Kế đó quân đội Đức Quốc Xã đã bị cầm chân vì sự kháng cự của Hồng Quân và nhân dân Liên Xô, một phần nhờ vào thời tiết khắc nghiệt và đường tiếp liệu khó khăn. Sau hai năm, quân đội Đức mất thế chủ động, bị đẩy lùi dần về nước. Cuối cùng Hồng Quân đánh chiếm Berlin, đồng thời ở mặt trận phía Tây liên quân Mỹ, Anh, Pháp cũng đã tiến qua biên giới vào đất Đức và sự đầu hàng vô điều kiện của Quốc Xã Đức là kết cục không thể tránh khỏi.
Chính quyền thời cộng sản mỗi năm đều tổ chức ngày lễ Chiến Thắng để đề cao thành tích lãnh đạo cuộc kháng chiến gian khổ và hào hùng, được gọi là cuộc chiến tranh vệ quốc, đi đến thành công. Theo những tài liệu khó có thể hoàn toàn chính xác, trong cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã, ước lượng mỗi bên mất khoảng 5 triệu binh sĩ và tổn thất về thường dân của Liên Xô từ 20 đến 30 triệu ngưới.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ngày lễ này không còn giữ được tầm vóc lớn lao nữa, một phần cũng vì tình hình kinh tế xã hội yếu kém. Nhưng năm nay, nhân dấu mốc thời gian 70 năm, trong hoàn cảnh thời sự quốc tế và nước Nga, chính quyền Putin có nhiều mục tiêu để tổ chức lớn ngày lễ Chiến Thắng 9 tháng 5.

Theo truyền thống từ thời Liên Xô, cuộc diễn hành tại Công Trường Đỏ ở Moscow bao giờ cũng bao gồm hai thành phần: diễn hành quần chúng và diễn binh.  Cuộc diễn hành quần chúng được coi là sẽ thuận lợi trong tình hình tinh thần dân tộc Nga cùng với uy tín của ông Putin đang lên từ vụ khủng hoảng Ukraine.

Thời Chiến Tranh Lạnh, các cuộc diễn binh ở Công Trường Đỏ là cơ hội để phô diễn sức mạnh quân sự của Liên Xô qua những vũ khí mới, hỏa tiễn chiến lược có thể mang đầu đạn hạt nhân. Bây giờ, mọi người đều hiểu rằng nguy cơ xảy ra một cuộc đại chiến coi như  không thể có và sự trình diễn những loại vũ khí răn đe chỉ mang tính cách nguyên tắc và hình thức tượng trưng.

Theo dự đoán của các quan sát viên, trong cuộc diễn binh sắp tới, Nga sẽ chỉ chú trọng đến các vũ khí chiến thuật và đặc biệt là phô diễn thành quả canh tân hóa quân đội Nga. Đây là điểm thiết yếu đối với Tổng Thống Putin sau 15 năm nắm chính quyền. Ông cần chứng tỏ với nhân dân Nga, hơn là với thế giới về thành quả này, để chứng tỏ khả năng và xây dựng uy tín của mình. Khi Putin kế vị Boris Yeltsin năm 1999, quân đội Nga là một lực lượng rã rời như đã tỏ lộ trong cuộc chiến tranh ở Chechnya lần thứ nhất. Đến nay, qua những  triển khai lực lương trong vụ khủng hoảng Ukraine, người ta nhận ra là những đơn vị quân đội Nga hoàn toàn khác hẳn và có thể đảm nhiệm nhiều sứ mạng với những mục tiêu và trong hoàn cảnh điều kiện khác nhau.

Mặt khác, giới thiệu những vũ khí chiến thuật mới cũng là để thu hút khách hàng ngoại quốc, vì xuất cảng là mục tiêu hàng đầu của ngành kỹ nghệ quốc phòng và Nga hiện nay vẫn ở trong số các nước xuất cảng vũ khí đứng hàng nhất nhì trên thế giới cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Theo RIA Novosti, kim ngạch xuất cảng vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga năm 2013 là $13 tỷ, với dự kiến sẽ giữ vững ở mức này ít nhất cho đến năm 2016.

Trong lần diễn tập cuối cùng đêm Thứ Hai vừa qua chuẩn bị cho ngày diễn hành chính thức vào cuối tuần, lần đầu tiên chiến xa T-14 Armata được đưa ra trước công chúng tại công trường Đỏ. Đây là loại xe tăng thế hệ mới, vừa được  đưa vào sản xuất năm ngoái và do đó mang danh số T-14, giống như các xe tăng T-41, T-58 trước kia sản xuất từ 1941 hay 1958  đã thấy trong quân đội Trung Quốc và Bắc Việt.

Tương đương với xe tăng chiến đấu M1A1 của Mỹ, T-14 Armata nặng 57 tấn, vũ khí chính là một đại bác 125 mm nạp và nhắm bắn tự động. Đặc điểm của T-14 là chỉ cần 2 người điều khiển, trưởng xa ngồi cạnh người lái trước pháo tháp chứ không phải trong pháo tháp và quan sát đủ 360 đô bằng camera. Armata có hệ thống chống mìn và phòng thủ chủ động Afganit với khả năng chặn đứng nhiều loại hỏa lực như đạn, hỏa tiễn  chống tăng và sự tấn công bởi trực thăng chiến đấu.

Nhũng loại vũ khí khác sẽ thấy trong cuộc diễn hành là các loại hỏa tiễn chiến lược, hỏa tiễn chiến thuật tầm trung Iskander, hệ thống hỏa tiễn pòng không s-400,..., tất cả đều đặt trên xe di động. Những kiểu máy bay chiến đấu mới nhất của Sukhoi bao gồm Sukhoi Su-47 cánh chữ V ngược về phía trước, và Sukhoi PAK FA, MiG và oanh tạc cơ Tu-160 Blackjack cùng với trực thăng các loại sẽ xuất hiện trong màn phi diễn.

Do vụ khủng hoảng Ukraine, các nhà lãnh đạo Tây Phương  không tham dự ngày lễ Chiến Thắng ở Moscow. Truyền thông Nga nói rằng sẽ có 25 nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới hiện diện trong đó có Hy Lạp, Czech, Cyprus, Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Ấn Độ ...Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un khước từ vào giờ chót nêu lý do bận việc nội bộ.

 Nếu không có gì thay đồi  vào phút cuối, Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel, không đến Moscow dự lễ ngày 9 tháng 5 nhưng như đã dự tính, ngày hôm sau sẽ tới đặt vòng hoa tại Mồ Chiến Sĩ Vô Danh trước điện Kremlin. 






No comments:

Post a Comment

View My Stats