Saturday, 9 May 2015

Nguyễn Thuỵ Long – Thân phận ma trơi (Uyên Thao - DCVOnline)





Uyên Thao
Posted on May 9, 2015 by editor — 0 Comments

Năm 1987, sau khi ra khỏi tù và hết hạn quản chế, tôi bắt đầu gặp lại một số bạn cũ, phần đông do tình cờ, trừ vài người chủ động tìm tới, trong đó có Nguyễn Thụy Long.

Long tới nhà tôi vào dịp cuối năm để cho tôi một chiếc bánh chưng vì biết loại thực phẩm này nằm ngoài tầm tay tôi. Long cũng là người đã tìm gặp vợ con tôi khi anh ra khỏi tù và đã viết vào trong tù cho tôi mấy chữ: “Cứ yên tâm về vợ con mày. Tao đã tới nhà và rất mến phục bà xã mày”. Long viết mấy chữ đó trên bao thuốc Đà Lạt gửi cho tôi qua một người quen đi thăm nuôi chồng.

Sau khi tới cho tôi chiếc bánh chưng, Long biến mất.

Thỉnh thoảng nghe vài người nhắc tới cảnh lận đận của Long, tôi cũng chẳng lưu tâm, vì bản thân tôi đã dư loại chuyện này. Một thằng cháu phát biểu khi gặp lại tôi: “Những người như chú không thể bắt kịp xã hội hiện nay. Lúc này đừng nói chuyện lương tâm mà phải tìm ra cách cắn xé người khác, nếu còn muốn mở mặt với đời.” Tháng 4, 1975, thằng bé tròn mười bốn tuổi và khi nói với tôi câu đó, nó đã là một kẻ từng trải có mười hai năm đối mặt với cuộc sống của quê hương.

Rồi tôi lại gặp Long.

Nguyễn Thuỵ Long, Nguyễn Mạnh Đan, Uyên Thao (Sài Gòn, 1999).  Nguồn: UT

Sau nhiều năm trôi nổi mưu sinh, tôi trụ lại với một việc tương đối gần gũi sinh hoạt chữ nghĩa. Cái vốn ngoại ngữ lôm côm chữ còn chữ mất của tôi vẫn có người muốn dùng nên tôi được mướn dịch những bài báo ngoại quốc về cách trang điểm phấn son của nữ giới, cách xào nấu các món ăn, cách giao tế sao cho vừa lòng thiên hạ. Công xá không nhiều nhưng đủ giúp gia đình tôi tránh khỏi cảnh cơm ăn cách nhật như mấy năm đầu tôi ra khỏi tù. Việc làm này giúp tôi tiến thêm một bước là ngồi gõ máy thuê, tạo dịp cho bạn bè lui tới. Hai người thường gặp tôi là Thế Phong và Thanh Thương Hoàng, dù tôi đổi chỗ ở như cóc nhảy. Thanh Thương Hoàng tỏ ra ngán ngẩm cho cái thân phận “làm đầy tớ thiên hạ” của tôi như anh vẫn nói nên thỉnh thoảng ghé qua dắt tôi đi chích một mũi thuốc bổ, hoặc mua cho vợ tôi một con gà, một miếng thịt để “cũng có chất bồi dưỡng”. Thế Phong có lẽ ngậm ngùi trước cảnh mỗi buổi sáng tôi chỉ có một chén cháo trắng hoặc một chén cơm nguội nên lâu lâu lại bất ngờ xuất hiện thật sớm dắt tôi đi ăn phở.

Rồi một bữa, Long xuất hiện cùng Thế Phong. Anh đưa ra một xấp giấy, nói :
‒ Đánh giúp tao. Công xá bao nhiêu, tao thanh toán đủ.

Mấy ngày sau, Long trở lại một mình, lầm lì trao cho tôi một tập bản thảo. Anh ngồi xuống ghế nhấc cặp kính ra lau bằng mấy ngón tay. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhớ lại hơn mười năm trước, khi chúng tôi ở chung trại tù. Những ngày nghỉ lao động, tôi thường ngồi bên bàn cờ từ sáng sớm và gần như lần nào cũng vậy, tôi chưa chơi xong một ván, Long đã lù lù hiện ra hất hàm, nói cụt ngủn:
‒ Đi, mày !

Thuở đó Long có cái tên “Long mù” và được đám tù trẻ gọi là chú, là bố. Tới giờ này, tôi chưa tìm ra lý do khiến đám trẻ xưng hô với Long như vậy trong khi tất cả đều gọi tôi bằng anh, dù tôi hơn Long 5 tuổi. Long may mắn không rơi vào cùng đội với tôi và may mắn hơn là thỉnh thoảng vẫn được thăm nuôi nên ngày nghỉ có thể kéo tôi qua chỗ anh nhâm nhi vài hớp cà phê. Những dịp đó, Long thường rỉ rả với cách nói nhát gừng kể về những hoạt cảnh luôn hiện lên trong trí anh, lúc cửa phòng giam khóa lại vào buổi chiều. “Hơn sáu chục thằng tù lăn kềnh trên những tấm ván sần sùi vỗ bụng lạch bạch đua nhau đánh rắm tùm lum.” Anh nhăn mặt nhắc tới con vẹt ở trạm xá “chỉ biết nói độc hai tiếng khắc phục” và chấm dứt câu chuyện bằng một lời chửi thề. Tôi thường ngồi im, nghĩ đến cảm giác Long có. Long nói chậm, đôi lúc tựa hồ run giọng, nhưng cặp mắt lờ đờ của anh loé sáng từng chập.

Lúc trao xấp bản thảo cho tôi, mắt anh cũng chợt loé sáng như vậy. Rồi vẫn bằng cái giọng nhát gừng, anh nói:
‒ Bây giờ tao thấy chỉ có mình mày thôi, chỉ mình mày là hiểu về tao hơn hết, nên tao muốn mày viết cho tao một bài giới thiệu tập truyện này. Muốn viết thế nào thì viết.

Đề tài của chúng tôi tức khắc rời khỏi chữ nghĩa và như lệ thường, tôi ngồi nghe Long nói.
Anh kể những điều từng trải khi sống trong gian chuồng heo ở khu Tân Phú, rồi nhắc việc gặp một người bạn từ ngoại quốc về thấy cảnh sống của anh đã ngỏ lời muốn chăm sóc giúp đứa con nhỏ. Anh tả nỗi vui khi tưởng tượng đứa con trai được ăn no mặc ấm, được cắp sách tới trường, dù anh rất khổ sở vì phải xa nó. Thế rồi bất chợt anh chửi thề, mặt đổi sắc hầm hầm. Anh đưa cả hai cánh tay ra trước ngực như sắp lâm trận đấm đá, giọng trở nên khó nghe:
‒ Nếu là mày, tao chắc mày đã đấm vào mặt nó. Tao phải cố dằn, chỉ nhắc nó đừng bao giờ trở lại tìm tao nữa.

Thì ra sau phần mở đề bằng tình cũ nghĩa xưa, mấy hôm sau người bạn trở lại, đưa ra một tờ giấy viết sẵn bảo anh ký tên xác nhận tự nguyện cho con. Anh hậm hực kết luận:
‒ Nó chó má đến mức để trống tên người nhận nuôi đứa nhỏ. Nó đang làm cái trò buôn trẻ nít.

Tôi nghĩ Long còn may hơn tôi vì vẫn phát bẳn được. Từ lâu, bạn bè thường chê tôi không biết xã giao, lúc nào cũng lầm lầm lì lì, lời lẽ nói ra như đấm vào mặt người nghe. Nhưng lúc đó, tôi chỉ thấy mệt mỏi. Tôi không nổi cục được nữa. Mức độ chua xót và nhờm tởm đã biến tôi thành một kẻ dửng dưng.

Dù thế, trước mắt tôi vẫn bừng dậy hàng trăm mảnh đời, hàng trăm khuôn mặt mà tôi từng gặp. Tôi nhớ lại ngày 01/05/1975, tôi phải ráng sức nhấc bổng chiếc Honda để tránh lăn bánh qua xác một người lính Biệt Động Quân nằm úp ngang mặt đường trên cầu Thị Nghè trong lúc cả thành phố đỏ rực cờ! Một tuần sau đó, tôi bắt gặp một hình ảnh mới của thành phố Sài Gòn vừa đổi tên là những phụ nữ chùm khăn kín đầu, chân trần, quần xắn ngang đầu gối, rạp mình trên những chiếc xe ba gác chất đủ mọi thứ chổi cùn chiếu rách. Tại sao những phụ nữ kia lại gắn mình trên những chiếc yên ba gác? Họ đạp đi đâu, làm gì? Tôi không biết, nhưng người nào cũng ướt đẫm mồ hôi.

Cầu xa lộ (cầu Tân Cảng, nay là cầu Sài Gòn).  Nguồn: planic.org.vn

Tôi chỉ trở lại Sài Gòn hơn mười năm sau nữa và hình ảnh đầu tiên của buổi tái hội là một người đàn ông cụt cả hai cánh tay loay hoay len lỏi giữa bến xe mới lập gần cầu xa lộ. Tôi đang ngơ ngác nhìn quanh thì ông ta chìa phần cánh tay còn lại cho người đứng kế bên tôi. Ông ta bán vé số bằng cách buộc những tấm vé lên đầu cánh tay bị mất ngang cùi chỏ. Tôi thắc mắc không hiểu ông ta thực hiện việc mua bán những tấm vé số cài trên mấy sợi thung quấn quanh khúc tay còn lại ra sao, vì cánh tay kia của ông ta cụt sát vai. Đang chờ để được thấy thì tôi bắt gặp ánh mắt lạnh như băng của người được mời mua đáp lại cái nhìn khẩn nài của ông ta. Phản ứng duy nhất của tôi là lật đật quay đi để tránh gây thất vọng cho ông ta, vì chắc chắn tôi sẽ là khách mời kế tiếp. Bộ quần áo phát cho những tên tù được thả chỉ đủ đổi lấy tấm vé xe đưa tôi về đây và tôi còn chưa tính xong khoảng đường cuốc bộ vào thành phố. Trong bóng tối chập choạng lúc ngày tàn, tôi bước đi với ý nghĩ hỗn loạn về cảnh sống của con người và về cái cách con người nhìn nhau.

Sau hơn mười năm cách biệt, tôi đã gặp lại Sài Gòn, nhưng là một Sài Gòn xa lạ, thảm não, lạnh lùng. Tôi thấy mình lạc lõng, bơ vơ và nổi da gà khi nghĩ tới ngày mai.

Cảm giác này bừng sống lại khi tôi đọc truyện Nguyễn Thụy Long. Bóng tối chụp xuống và tôi cứ lòng vòng giữa một vùng nhầy nhụa, hôi thối với tâm trạng căng thẳng. Không một tia sáng nhỏ loé lên, không một điểm tựa cho tôi bám víu. Trong tối tăm ngột ngạt, tôi chỉ thấy ở khắp nơi những con người khô đét như cây khô, nổi bật hai hố mắt với cái nhìn đờ đẫn vô hồn. Những con người này khi thì bám lấy nhau, khi lại nhào vào nhau như một bầy chó đói giành mồi trên lớp bùn đen quánh của con kinh len lách dưới những cây cầu thành phố, trên những đống rác ruồi nhặng bay như ong vỡ tổ ở các góc đường Trương Minh Giảng, Nguyễn Thiện Thuật…và giữa những nghĩa địa đang bị đào xới lổn nhổn gạch ván, nồng nặc xú uế.

Tôi không xua nổi hình ảnh từng đám đông bu quanh những tấm ni lông đựng các lóng xương nhám nhúa nặng mùi mới vét lên từ lòng mộ, dưới cái nắng như đổ lửa, vừa quơ múa tay chân đe dọa lũ chó đói lởn vởn xung quanh vừa ồn ào ngã giá một tấm bia, một chiếc túi nhựa bọc xác, một sợi dây lưng chưa mục của người chết… Đó cũng là thế giới văn chương của Nguyễn Thụy Long, thế giới văn chương không có gió mát, áo màu, không có những nụ cười e ấp. Ngay cả lời ca cất lên ở đây cũng chỉ là âm vang ai oán khơi nguồn cho những dòng nước mắt, những cảm giác nhức nhối.

Chính Nguyễn Thụy Long đã tâm sự là vẫn mong có những tác phẩm đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát cho người đọc, nhưng biết làm sao, khi văn chương không thể tách rời cuộc sống? Hơn một lần tôi nghe Long nói về điều này, rồi anh nhấc cặp kính ra, đưa mấy ngón tay lên mắt. Có thể anh chỉ làm cử chỉ day cho con mắt đỡ ngứa, nhưng tôi luôn nghĩ anh đang cố chặn một dòng nước mắt. Cuộc sống hàng ngày của Long, của tôi, của những người đang có mặt ở đây đã bó tay người cầm bút khi muốn vẽ một cảnh ấm áp, hiền hòa. Đối diện với sự thảm khốc vì bị đọa đầy chỉ là sự tàn nhẫn vì háo hức “mở mặt với đời”. Từ những ổ phế liệu sặc sụa hôi thối trong vùng Tân Phú, Bình Hưng Hòa tới những tòa nhà cao ngất giữa trung tâm thành phố luôn sáng loá ánh đèn xanh đỏ tím vàng, khó tìm thấy thứ gì khác, ngoài những trái tim quắt queo vì roi đòn của thực tế hoặc vì những mê loạn của bản thân.

Tôi lại nhớ vẻ mặt hãi hùng của một người tù K.3 vào dịp cả nước chào mừng một ngày kỷ niệm lớn. Người tù là một nhà sư được gọi bằng cái tên thật Nguyễn Tiến Khánh đã đưa cả hai tay lên che mặt không nhìn phần đồ ăn đặc biệt nhân dịp này, do trại giam tặng cho tù, là ba miếng thịt heo kho lớn cỡ ngón tay cái. Vừa bưng mặt quay đi, Nguyễn Tiến Khánh vừa la thất thanh: “Không, không ăn được! Máu đó, máu đó!”.

Tiếng kêu hốt hoảng của Nguyễn Tiến Khánh luôn vang lên trong đầu tôi hai chục năm nay khi tôi nghĩ đến thực tế xung quanh. Tôi không dập nổi ý nghĩ bên cạnh những con người đang cạn máu vì mọi lý do, là những kẻ say sưa uống máu đồng loại. Bằng mọi cách, trò uống máu diễn ra dưới trăm ngàn hình thức với nhịp độ tiếp nối không ngừng và quê hương chúng ta dường như càng lúc càng vắng bóng người. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh một thiếu phụ sang trọng đi bên chồng với nụ cười thỏa mãn và ánh mắt kiêu kỳ ngó xéo trên đầu một kẻ mạt rệp ngồi lọt giữa đống xương bò heo trâu chó… nhớp nhúa chất cao như đụn rạ trên mặt nền xi măng nóng hầm hập ở một góc nhà kho bên chợ Cây Thị. Kẻ mạt rệp đó là tôi đang chùi rửa những lóng xương cho một cơ sở chế biến thức ăn gia súc để có bữa cơm trưa.

Dán mắt vào những lóng xương nhầy nhụa hôi thối, tôi nhớ tới nét mặt kinh hoàng của vợ tôi khi kể lại cách vượt lên của một thiếu phụ. Chị ta đã dắt đứa con gái gần năm tuổi ra mé sông vắng dìm cho chết, thả xác trôi theo dòng để trở thành người phụ nữ “cô đơn” như lời chị ta mô tả với người đàn ông đang theo đuổi mình. Tôi thấy câu nói của thằng cháu chưa diễn tả được bao nhiêu, khi nghĩ tới những người biết rõ chuyện đó, kể cả những người nhìn tận mắt nhưng không có hành vi nào khác một thoáng hoảng hồn rồi lật đật bỏ chạy, miệng ngậm chặt như bị xiên lình. Người ta đã quen với nếp sống hồn ai nấy giữ, xác ai nấy lo.
Tôi đang sống ở đâu và giữa bầy lũ nào đây?

Một hình ảnh khác bỗng hiện lên. Đó là hình ảnh con chó xác xơ với khung sườn nổi u như nắm que củi, chạy xiêu vẹo quanh mấy ngọn đồi ngoài vòng rào trại tù, ráng sức chồm táp mấy con cào cào. Đám tù trong đội tôi đều biết con chó. Nhiều tay đã mơ có thể bỏ nó vào nồi. Riêng một tay tù trẻ sau nhiều ngày quan sát chợt lên tiếng chửi đổng:
‒ Mẹ kiếp, tới cái mức cứt cho chó ăn cũng không còn!

Đúng là con chó đói lắm, nhưng đã hơn một lần tôi bắt gặp nó nằm dài dưới gốc xoài bên đường, dạng háng cho hai con chó con rúc nhay những cái vú teo nhách như giẻ rách. Nó không kiếm nổi “cứt để ăn” và nó chỉ là chó, nhưng nó không cắn xé con và vẫn cố nuôi con bằng cái thân xác héo tàn.

Tôi đang nghĩ gì đây?

Dường như tôi chẳng nghĩ gì mà chỉ tự nhiên gợi lại những hình ảnh nằm trong ký ức.

Nguyễn Thụy Long đã vẽ lại thế giới đó của chúng tôi với nguyên màu sắc cho thấy không ít kẻ đã bằng lòng xóa tiêu cái mức nhân tính còn sót lại, vì sự tồn tại của nó ở nơi đây chỉ có tác động cào xé tan nát thêm con tim đã tan nát trăm bề. Dễ gì sống với tim óc con người giữa bầy thú đói!

Nhưng, Long không chỉ vẽ lại mà vật vã vô vọng giữa thế giới đó. Qua từng dòng, từng chữ của Long, tôi luôn bắt gặp nét giễu cợt, lời lẽ bông lông bất cần mọi sự, nhưng chập chờn ẩn hiện ở phía sau là nỗi đau xé ruột và tiếng than nghẹn uất.

Thằng lưu manh cố lột cái quần của con điếm đứng đường ế khách, thằng đàn ông què giò uốn bẻ chân tay đứa con sơ sinh cho thành dị dạng để tạo một “cục vàng” trong nghề ăn mày, tay cán bộ cách mạng nhiệt tình không chịu nổi một bà già còm cõi thờ tấm hình đứa con trai vốn là lính Ngụy đã chết từ lâu… trở thành cơn vật vã với thực tế và chữ nghĩa của Long, làm dấy lên những day dứt khó tả nổi về cuộc sống, về con người, nỗi day dứt do tuyệt vọng pha lẫn hờn oán, xót thương.

Tại sao Long phải vật vã đau đớn để dấy lên nỗi day dứt như vậy?

Từ lâu, tôi thường nghĩ mỗi người có mặt trên đời đều gắn chặt vào một nghiệp dĩ. Long cũng thế thôi. Anh ra đời với điều kiện bẩm sinh không thể xa rời nghiệp dĩ văn chương. Cái không may của anh là phải sống trong thời kỳ con người bị bóp nghẹt, bị ngược đãi, bị biến dạng thành hoang thú. Ai còn ý thức mình đang là người mà thoát khỏi bị dằn vặt khi đối mặt với những mưu tính, những hành vi, những xu hướng tước đoạt mọi điều kiện tối thiểu để tồn tại của con người?

Có phải tôi đang biện bạch cho thái độ sáng tác của Long trước thói quen chẻ xác văn chương theo những ý nghĩ chủ quan?

Người ta sẽ soi mọi màu kính lên tác phẩm của Long để thấy là vàng, là đỏ, là trắng, là đen. Người ta sẽ ban cho nó những cái tên hiện thực, tượng trưng hoặc gì gì đó để chứng tỏ trí tuệ của mình. Người ta sẽ xưng tụng nó là tiếng nói chính nghĩa, là văn chương phản kháng hoặc kết án nó là đồi trụy, phản động, đi ngược khuôn vàng thước ngọc của văn nghệ cách mạng để biểu dương “ý chí đấu tranh hừng hực lửa”…?

Tôi thấy những trò đó chẳng đáng gì trước thực tế mà cây bút trong tay Nguyễn Thụy Long ghi lại. Những trò đó cùng những con người đó cũng như tất cả những kẻ đang thét mưa gọi gió, những kẻ đang lăng xăng đồng hóa với chính nghĩa đều chẳng đáng gì trước cơn dãy dụa hiện nay của con người. Khi xã hội như cỗ xe đang lao xuống vực thẳm thì chẳng loại người nào, chẳng vấn đề nào trên xe lớn hơn một hạt bụi.

Chắc chắn Long chẳng cần biện bạch và cũng chẳng cần ai biện bạch giùm. Anh bị cột vào nghiệp văn chương và chỉ cố làm phần nào công việc của mình trong ý thức và trong cả nỗi đau về cái thân phận nạn nhân đang bị xô xuống đáy vực. Đúng như Long vẫn nói, dù tha thiết mong muốn, anh không thể viết khác. Vì, văn chương không thể tách rời thực tế và thực tế bao giờ cũng là thực tế không thể đổi trắng thay đen bằng bất kể cách nào, bởi bất kể lý do nào.

Thêm nữa, chắc chắn anh cũng không nghĩ ngợi mảy may về màu sắc văn chương và không có một giây so đo về mức độ Việt Nam tính, thế giới tính hay giai cấp tính, cách mạng tính trong tác phẩm của mình. Điều đó chỉ cần thiết cho trò chơi chữ nghĩa vì những lý do nằm ngoài đòi hỏi của văn chương chứ chẳng ăn nhập gì tới việc sáng tác văn chương. Long đã viết bằng cảm xúc của một nạn nhân bị dập vùi, viết về những thân phận bị dập vùi và viết bằng ý tình chân thật của một con người chưa biến dạng. Có lẽ Long cũng chẳng mưu cầu điều gì ở tác phẩm của mình ngoài hy vọng khơi gợi một nỗi đồng cảm nơi tất cả những người còn là người đang có mặt trong cuộc sống, bất kể là ai và bất kể ở nơi đâu.

Riêng tôi, để chấm dứt những ý nghĩ lan man dấy lên khi đọc truyện của Long, tôi mong không bao giờ còn phải gặp những thân phận ma trơi, những bà mẹ sương sa, không bao giờ còn phải nghe Diêm Vương phán “mọi hình phạt lóc thịt lột da, chặt đầu cắt cổ, đun nấu trong vạc dầu nơi địa ngục đều không sánh nổi với việc trả bị cáo về làm người trên trần thế.”

Sài Gòn tháng 6, 1999

Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats