Saturday 9 May 2015

Người H.Mong và mùa tháng Tư (Nhóm phóng viên RFA)





Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015-05-08

Với cộng đồng người H.Mong, cho đến thời điểm hiện nay, vua Vàng A Tưởng, một lãnh đạo tinh thần và vương quyền của người H.Mong vẫn là nhân vật vĩ đại nhất đối với họ. Mặc dù vị vua này phải lưu vong và qua đời trên đất khách nhưng ông luôn hiện diện trong tâm trí của đại đa số bà con H.mong từ người già đến trẻ em. Và với người H.mong, cái mốc 30 tháng 4 là mốc thời gian đáng sợ nhất đối với họ, bởi từ lúc đó, họ phải xa một lãnh đạo tối thượng và lãnh đạo của họ phải lưu vong để rồi chết nơi đất khách quê người.

Hướng về Vua Vàng A Tưởng

Một người H.Mong tên Hạt, sống ở Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ:“Giải phóng Sài Gòn thì có gì thay đổi đâu, làm gì có giải phóng Sài Gòn. Bà con Hmong từ ngày đó đến giờ có gì thay đổi đâu. Chắc là giống bài hát tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô chứ gì. Có gì thay đổi đâu, trước đây còn có đất để sống, giờ thì bị chèn ép nhiều, rừng bị hẹp rồi, làm nhà cũng không có đất mà làm chứ đừng nói là có rẫy để làm. Thôi, đó là chuyện của người ta, mình không có biết đâu.”

Theo ông Hạt, mặc dù vị vua của ông đã xa cách dân chúng quá lâu, thời gian nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng lòng thương nhớ của nhiều thế hệ H.Mong chưa từng gặp mặt ngài vẫn nguyên vẹn, hình ảnh vị vua vì dân tộc, vì công cuộc tự trị của người H.Mong và đặc biệt là vì tự do, văn minh cho người H.Mong vẫn sống mãi trong lòng dân tộc H.Mong.

Mặc dù chính sách tuyên truyền của nhà nước hiện tại xếp đức vua của ông vào diện phản động với cái tên nghe hết sức tệ hại như Phỉ Vàng Pao nhưng đó chỉ là chuyện tuyên truyền, bởi người H.Mong, cũng giống như bao dân tộc khác trên thế giới này, có niềm tin riêng của mình. Và niềm tin này dựa trên viễn cảnh tương lai dân tộc thông qua chính sách và nhiệt tâm của người lãnh đạo dân tộc.

Có chăng thì vua Vàng A Tưởng là phản động trong cái nhìn của đảng Cộng sản nhưng với dân tộc H.Mong, ông là người yêu nước, yêu giống nòi. Ông đã hy sinh cả quãng đời trai trẻ và hy sinh không ngưng nghỉ cho sự tồn vong, độc lập và tiến bộ của người H.Mong. Ông cũng là người nêu cao tinh thần tự trị của người H.Mong trước nạn xâm thực và đồng hóa của người Kinh thông qua chính sách của nhà nước.

Đương nhiên, người H.Mong không ghét bỏ người Kinh, xem người Kinh là anh em một nhà. Nhưng văn hóa, tập tục cũng như nhịp điệu kinh tế mỗi dân tộc có những đặc thù riêng. Nếu mang toàn bộ thói quen của người Kinh áp đặt lên người H.Mong, đẩy dần người H.Mong về phía rừng già và đất đai của người H.Mong bao đời nay trở nên eo hẹp, con người đói khổ thì đó không phải là ý tốt. Và điều đó hoàn toàn trái với mong muốn của người H.Mong.

Dường như nhìn thấy trước điều này nên vua Vàng A Tưởng đã nhiều lần thực hiện giấc mơ tự trị của người H.Mong nhưng không thành công. Giấc mơ tự trị của ông chạm phải bức tường đồng hóa trong chính sách vĩ mô của nhà cầm quyền Hà Nội thời bấy giờ. Và đến giờ phút cuối, ông phải đào thoát khỏi quê hương cùng đoàn người H.Mong để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ, để chí ít những người này không phải bị mang họ Hồ hoặc họ Phạm hay họ Tôn nào đó. Với ông, người H.Mong có tổ tiên và bản quán riêng, điều này bất khả xâm phạm.

Và với ông Hạt, cái điều mà ông vẫn nghe nhan nhản trên các loa phát thanh về ngày chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam, ngày kỉ niệm quân đội nhân dân Việt Nam húc xe tăng làm đổ cổng Dinh Độc Lập ở Sài Gòn là cái ngày đáng sợ nhất, gia tộc, cộng đồng người H.Mong phải lội băng rừng, vượt suối một lần nữa để trốn khỏi trận cuồng phong này.
Mãi từ lần đào thoát của vua vàng A Tưởng và lần đào thoát của đông đúc người H.Mong vào thập niên 1980 đến nay với ông Hạt là một cuộc chia ly dài dậm dặc, không có ngày trở về. Và cũng từ đó đến nay, đời sống dân bản H.Mong ngày càng tăm tối. Những gia đình giữ nếp cũ tăm tối đã đành, những gia đình cố gắng hòa nhập đời sống mới lại càng tăm tối hơn.

Những chuyện chỉ có sau 1975

Một bạn trẻ người H.Mong tên Trân, sống ở Sinmacai, Lào Cai, buồn bã chia sẻ: “Cờ hoa rực rỡ, nhiều cờ lắm chứ, từ trong bản ra ngoài bản luôn đó. Cán bộ thì đến hôm nay vẫn nhậu, họ rủ nhau ăn uống no nê thôi. 30 tháng 4 là ngày gì mà giờ này cán bộ còn nhậu, trong bản ngoài bản thì treo cờ nhiều lắm. To lắm, lớn lắm, cán bộ nhậu cả mấy ngày rồi, họ không đi làm, mấy cô trong bản cũng đi luôn, buồn lắm!”

Theo Trân, ngày 30 tháng 4 đối với cô không hề có ý nghĩa nào. Bởi cái ngày gọi là “thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam” mà người ta vẫn nói trên các loa phát thanh không những không làm cho các dân tộc thiểu số Tây Bắc khá hơn mà còn làm cho đời sống núi rừng trở nên tệ hại hơn.

Công nghiệp du lịch đã đẩy rất nhiều thanh niên H.Mong đến chỗ sa đọa, đớn hèn. Đàn ông thì rượu chè be bét, không lo học cái chữ mà chỉ suốt ngày vào rừng bẫy chim, bẫy gà rừng, lấy mật ong để xuống chợ bán. Còn phụ nữ thì chỉ lo tìm cách lân la bán hàng rong, hàng lưu niệm và cố gắng học tiếng Anh với hy vọng kiếm được tấm chồng Tây để đổi đời.

Tất cả những hiện tượng này quá xa lạ với người thiểu số nói chung. Càng ngày, người H.Mong càng đánh mất sự trong sáng, hồn nhiên của mình. Thay vào đó là sự toán tính và đôi khi rắp tâm trả thù những ai từng lừa bịp họ. Với cô, cả việc chạy theo đời sống mới và cố thủ trong mối thù bị xâm phạm bản sắc đều là nguy cơ dẫn đến tụt hậu và diệt vong.
Điều đáng sợ nhất đối với người H.Mong là hiện tại, đã có nhiều cô gái H.Mong chấp nhận làm gái điếm để bán mình làm giàu. Người Kinh khi nói về các cô gái điếm H.Mong thường dùng hai chữ “gà mọi” hoặc “chơi mọi” để giễu cợt, khinh khi.

Điều này vô hình trung xúc phạm đến lòng tự trọng cũng như lòng tự ái của chị em phụ nữ H.Mong. Và chuyện này chỉ mới xuất hiện kể từ khi ngành du lịch đặt chân lên các bản làng, biến người trong các bản làng trở thành một loại động vật cổ sơ trong ống kính của khách du lịch bằng một chính sách mang tầm vĩ mô.

Với tri thức của một người từng học đại học và với nỗi trăn trở của một thanh niên dân tộc thiểu số, chị Trân cảm thấy dân tộc mình bị đối đãi quá tệ bạc, bị lợi dụng và xâm phạm nhân phẩm một cách trắng trợn.

Tại sao đường vào các bản làng H.Mong lại bị nhà nước rào chắn và bán vé? Số tiền bán vé này dùng để làm gì? Và nhà nước xem người H.Mong là loại động vật nào khi họ bán vé vào bản làng ngang với giá vé vào sở thú? Tại sao người H.Mong dần bị đẩy vào quá khứ tăm tối?

Hỏi cũng là trả lời, Trân nói rằng khi nào ngày 30 tháng 4 còn được ca ngợi như một kỳ tích lịch sử, lúc đó mọi sự phân biệt đối xử vẫn còn là bóng đêm và người H.Mong cũng là một trong những nạn nhân bị vấp ngã dưới bóng đêm của thù hận, phân biệt đối xử tê hại này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

-------------------

Cùng thể loại :










No comments:

Post a Comment

View My Stats