Wednesday, 13 May 2015

Ngựa về ngược trong kết quả bầu cử ở Anh? (Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát / Người Việt
Friday, May 08, 2015 7:26:24 PM 

LONDON - Hôm Thứ Sáu, sau khi kết quả cuộc bầu cử ở Anh được xác nhận chính thức, đảng Bảo Thủ chiếm đa số trong Quốc Hội (331/650) và Thủ Tướng David Cameron tiếp tục nắm chính quyền. Đây là bất ngờ lớn đối với mọi người, do đã chịu ảnh hưởng của những thăm dò dư luận mà cuối cùng chứng tỏ là hoàn toàn sai.

Thủ Tướng David Cameron đã nhanh chóng bổ nhiệm một số bộ trưởng quan trọng tiếp tục giữ những chức vụ cũ trong nội các mới của ông. Đó là các ông  Philip Hammond - Ngoại Trưởng, Michael Fallon - Bộ Trưởng Quốc Phòng, George Osborne - Bộ Trưởng Ngân Khố và bà Theresa May - Bộ Trưởng Nội Vụ.

Vì đảng Bảo Thủ bây giờ không cần liên minh với một đảng khác hầu có đủ đa số để lập chính phủ, Thủ Tướng Cameron có thể toàn quyền chỉ định những nhân vật thân tín thế vào chỗ trống trong nội các trước kia do đảng viên Dân Chủ Tự Do, đảng liên minh cũ, nắm giữ.

Ông Cameron là Thủ Tướng thứ nhì của đảng Bảo Thủ giữ được chức vụ liên tiếp hai nhiệm kỳ 5 năm (2010-2020) kể từ thời bà Margaret Thatcher (1979-1990).

Công ty cá cược Ladbrokes cho biết một người không được tiết lộ danh tánh, trúng thưởng 240,000 bảng Anh ($370,000) vì đoán trúng kết quả bầu cử. Hôm 29  tháng 4, người này đặt 30,000 bảng Anh tại một văn phòng Ladbrokes ở Glasgow, Scotland, và Bảo Thủ thắng, dù ít người tin như thế và tỷ lệ cá cược lúc đó là 7/1.

Chiến thắng của đảng Bảo Thủ là bất ngờ lớn đối với dân chúng Anh vì họ vẫn cho rằng cuộc bầu cử năm nay sẽ hết sức ngang ngửa giữa hai đảng lớn: Bảo Thủ và Lao Động. Tất cả các thăm dò dư luận cử tri đều đưa ra dự đoán như vậy. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược vì đảng Bảo Thủ đại thắng, hơn đảng Lao Động gần 100 ghế.

Vì sao thăm dò lại hoàn toàn  sai như thế, và vì sao hội đồng thăm dò dư luận Anh (British Polling Council) đã phải cho mở cuộc điều tra nghiên cứu?

Thật ra đây không phải là chuyện xảy ra lần đầu. Trong cuộc bầu cử năm 1992, tất cả thăm dò dư luận đều dự đoán đảng Lao Động thắng, nhưng rồi cuối cùng đảng Bảo Thủ của John Major thắng rõ ràng hơn 7%. Từ đó đến nay kỹ thuật thăm dò dư luận đã cải tiến nhiều nhưng rồi lịch sử vẫn lập lại.

Theo tạp chí nghiên cứu The Conversation, trụ sở đặt tại Boston University’s College of Communication,  thì đây là lỗi lầm về phương pháp của các nhà thăm dò. Gần tới ngày bầu cử họ ít khi đánh giá để xác định lại ứng cử viên như thế nào mà chỉ căn cứ theo chiêu bài của đảng để đặt câu hỏi cho đối tượng thăm dò. Hậu quả của việc làm ấy là không bắt kịp những thay đổi chiến thuật về quyết định bỏ phiếu vào phút chót.

Thêm nữa sự gạn lọc giữa cử tri nào thật sự đi bầu với cử tri nói rằng sẽ đi bầu, rõ ràng là sai sót. Đối chiếu con số cử tri đi bỏ phiếu  với dự đoán số người đi bầu của các cơ quan thăm dò chứng tỏ điều này.

The Conservation cũng cho rằng thăm dò nguyên sơ không cho biết được những gì khác giữa kinh nghiệm quá khứ với quyết định cuối cùng của cử tri khi đánh dấu bầu chọn trên lá phiếu. Người ta biết rằng ở tình huống hoàn toàn riêng tư chỉ có một mình trong phòng phiếu, nhiều cử tri thường có khuynh hướng chọn ứng cử viên đương nhiệm, thay vì sự chọn lựa bằng lý luận khi trả lời câu hỏi của tổ chức thăm dò.

Thăm dò cử tri vừa bỏ phiếu xong (exit poll) cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên mức độ chính xác cũng tùy thuộc vào thời điểm và phương cách. Thăm dò bằng cách chặn hỏi trực tiếp cử tri khi vừa ra khỏi phòng phiếu đúng hơn là sau đó hỏi qua điện thoại hay online. Hai cách sau có thể sai không khác gì thăm dò sơ khởi. Tóm lại, thăm dò dư luận là việc thuộc về khoa học xã hội và căn cứ trên thống kê, nên hiểu rằng do rất nhiều yếu tố tác động, không bao giờ có thể đem lại kết quả chắc chắn như khoa học tự nhiên. 

Chiều Thứ Sáu, tất cả các lãnh tụ chính đảng Anh, thắng cũng như bại trong cuộc bầu cử vừa qua, đều hiện diện bên cạnh nhau ở buổi lễ đánh dấu 70 năm ngày chiến thắng Đức Quốc Xã, 8 tháng Năm, 1945, tổ chức tại đài kỷ niệm Cenotaph trung tâm London.

Lãnh tụ đảng Lao Động Ed Miliband, lãnh tụ đảng Dân Chủ Cấp Tiến Nick Clegg, và lãnh tụ đảng Độc Lập Nigel Farage từ chức lãnh đạo đảng sau thất bại này. Đảng Lao Động thất bại nặng nề nhất, chỉ chiếm được 232 ghế. Đảng Dân Chủ Cấp Tiến chỉ còn lại 8 ghế so với 57 ghế trước kia và đã ở vị trí liên minh với Bảo Thủ để tham gia chính phủ.

Trong khi đó đảng Dân Tộc Scotland (SNP = Scottish National Party) cũng đạt thắng lợi lớn, chiếm 56 ghế trong số 59 ghế dành cho Scotland trong quốc hội Liên Hiệp Vương Quốc Anh – Scotland, so với 4 ghế kỳ trước. SNP vẫn có chủ trương ly khai Scotland thành một quốc gia độc lập, tuy nhiên trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái (55% / 45%) cử tri Scotland không muốn ra khỏi Liên Hiệp.

Cá nhân nổi tiếng nhất trong cuộc bầu cử là một cô gái 20 tuổi, Mhairi Black, sinh viên đại học, đảng viên SNP đắc cử và trở thành Dân Biểu trẻ tuổi nhất trong Quốc Hội Anh kể từ Christopher Monck 13 tuổi, năm 1667.

Thắng lợi của đảng Bảo Thủ và Thủ Tướng Cameron tiếp tục cầm quyền là sự kiện tốt đẹp đối với Tổng Thống Obama vì bảo đảm Anh Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống IS và những vấn đề an ninh khác như Iran. Cũng nên biết rằng trong cuộc bầu cử, các cựu cố vấn của Tổng Thống Obama đã trợ lực cho cả hai bên. Cựu cố vấn chính trị David Axelrod làm việc cho Miliband và cựu giám đốc tranh cử Jim Messina cho Cameron.

Đối với nước Anh, hai vấn đề chính trị quan trọng mà người ta sẽ chờ đợi là sự ly khai của Scotland. Thủ Tướng Cameron có một đường lối uyển chuyển và khôn ngoan khi sau cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái và Scoland chọn ở lại trong Liên Hiệp, đã hứa hẹn sẽ dành cho Scotland nhiều quyền hạn hơn. Nhưng đại thắng trong bầu cử của SNP chứng tỏ rằng trào lưu dân tộc đang lên và với 56 ghế trong Quốc Hội Anh, Scotland sẽ có tầm tác động ảnh hưởng quan trọng.

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Cameron từng hứa hẹn nếu thắng cử sẽ cho tổ chức trưng cầu dân ý năm 2017 để dân Anh chọn có ở lại trong Liên Hiệp Âu Châu EU hay không. (HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats