01:17:pm 03/05/15
Hình
:
Tác giả mặc áo hoa (bên phải)
Khi tôi còn tại chức, tôi đã có dịp về An Giang – là
nơi có đông đảo bà con theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo của Đức thầy Huỳnh Phú
Sổ.
Chị Mai Thị Dung là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị
nhà cầm quyền bắt giam với mức án 11 năm (2005 – 2016) với tội danh “Gây rối trật
tự công cộng”. Nhà cầm quyền đã phóng thích chị ngày 17/4/2015, trước thời hạn
16 tháng.
Tôi đến tư gia của chị khi tiết trời đã vào hè. Vừa
bước chân vào nhà, một cơn mưa to ập xuống. Nghe có khách đến thăm, chị phải vất
vả nhờ chồng là anh Võ Văn Bửu dìu chầm chậm từ trong giường ra ngoài bàn tiếp
khách. Chị thật mừng rỡ khi có người đến thăm và chia sẻ những nghiệt ngã của
cuộc đời một người tù. Tôi hỏi chị đi lại khó khăn như thế này từ khi nào? Chị
cho biết: Trước khi bị bắt vào năm 2005, cả hai vợ chồng chị vẫn đủ sức khỏe đi
cuốc đất mướn để có tiền nuôi con, nuôi mẹ già.
Năm 2005 chị Mai Thị Dung bị nhà cầm quyền bắt giam
về tội hoạt động phát triển tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo của mình. Đến năm 2007,
thể lực của chị bắt đầu yếu đi vì có “sạn mật”, chị bắt đầu sút cân từ từ. Khi
yêu cầu trại giam cho đi điều trị, chị bị “Chúa Ngục” ép buộc phải nhận là mình
có tội mới được cho đi trị bệnh. Chị đã dõng dạc trả lời: “Quyền tự do tín ngưỡng
của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tôi hoạt động để phát triển cho
tôn giáo của mình không có gì vi phạm luật pháp. Tôi không có tội!”. Vì thế chị
đã không được “Chúa ngục” cho đi điều trị thuốc men kịp thời.
Chị phải nhiều lần tuyệt thực mới được cho đi khám
và chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa.
Ngôi nhà của mẹ con chị Dung
Thêm vào đó, chị bị chuyển đi nhiều trại từ phía Nam
ra đến trại giam Thanh Xuân Hà Nội – một nơi khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh
buốt thấu xương, mùa hè nóng như đổ lửa. Diện tích nhà tù chật hẹp, mỗi người bề
ngang chỉ được 0,6 mét, thiếu dưỡng khí, mất vệ sinh. Ăn uống thì hầu như không
đủ chất. Trong phòng giam thường có giam nhốt chung những người bị sida giai đoạn
cuối, thể lực họ rất yếu, không tự vệ sinh cho mình được. Vì lòng nhân đạo, chị
đã làm hộ lý bất đắc dĩ cho bạn tù bị sida. Khi họ tắt thở thì cả 2 tiếng đồng
hồ sau, trại giam vẫn chưa cho đem xác đi khỏi phòng để chống lây nhiễm. Cứ vậy,
cộng dồn nhiều thứ, chị đã bị phát thêm nhiều chứng bệnh. Năm 2007 cho đến nay,
cân nặng của chị chỉ còn 30 kg, bước đi đã không còn vững nữa. Hàng tháng, mỗi
khi thân nhân đến thăm tại trại giam thì chị phải được dìu ra phòng thăm gặp.
Thế nhưng “Chúa ngục” nhà tù Thanh Xuân vẫn nhẫn tâm đưa yêu sách với người tù lương tâm Mai Thị Dung: chị phải viết giấy nhận là có tội thì mới được cho đi chữa trị bệnh!
Chị vẫn dõng dạc tuyên bố: “Quyền tự do tín ngưỡng
của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tôi không vi phạm luật pháp. Tôi
không có tội”.
Kết quả, viên sạn mật của chị do không được chạy chữa
thuốc men kịp thời nay đã to đến 28 mm, và chị phát sinh nhiều bệnh khác như
suy tim, suy nhược thần kinh. Chân của chị không còn đứng vững được nữa!
Từ một người lúc chưa vào tù vẫn khoẻ mạnh, có sức lực
cuốc đất nuôi mẹ già, nuôi con, đến nay, sau 10 năm ngồi tù, thể lực của chị
Mai Thị Dung đã và đang bị tàn phá, có chiều hướng ngày càng xấu đi nếu tiếp tục
không được chạy chữa thuốc men kịp thời!
Cũng nhờ áp lực quốc tế và sự đấu tranh của những tổ
chức Dân sự xã hội trong nước, nhà cầm quyền đã phải trả tự do sớm cho chị vào
ngày 17/4/2015.
Một trong những quyền cơ bản của con người được quy
định tại Công Ước quốc tế về quyền con người là “Tự do tư tưởng và tín ngưỡng”,
thế nhưng những công dân của Việt Nam như chị Mai Thị Dung, như ông Nguyễn Văn
Lía, cùng nhiều tín đồ Hòa Hảo khác vẫn bị khép tội và bỏ tù khi họ thực hiện
quyền “tự do tín ngưỡng” của mình. Năm 2014 Việt Nam đã chính thức trở thành
thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam sẽ nói gì với thế
giới tình trạng vi phạm quyền tự do tín ngưỡng này?
Tôi đến thăm chị, chuyển đến chị sự ngưỡng mộ trước
một tín đồ Hòa Hảo đã dũng cảm bảo vệ tín ngưỡng của mình. Chia tay chị ra về,
tôi chúc chị cố gắng điều trị, sớm bình phục.
Xin gửi lời cám ơn đến cá nhân và các tổ chức quốc tế
đã đấu tranh cho tự do của chị Mai Thị Dung.
Sài Gòn ngày 30/4/2015
Ngô
Thị Hồng Lâm
(Tác giả gửi đăng)
No comments:
Post a Comment