Tuesday, 19 May 2015

Hội Nhà Báo Độc Lập VN công bố và gửi Dự Luật Biểu Tình đến Quốc hội. (Việt Nam Thời Báo)






Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - một tổ chức xã hội dân sự  ra đời vào tháng 7/2014 - đã khởi thảo Dự luật biểu tình từ tháng 2/2015 và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên mạng đến tháng 5/2015.

Dự luật biểu tình hoàn toàn không nằm ngoài hiến định: Hiến pháp Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2013 đã quy định biểu tình là một quyền của công dân. Cũng theo Hiến pháp, chính quyền không thể sử dụng các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền biểu tình của người dân.

Nhưng thực tế từ hiến pháp 1992 đến nay đã không có bất kỳ văn bản luật nào được ban hành dành cho quyền biểu tình của công dân. Nhà nước cũng thể hiện thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí khi nhiều lần hoãn lại việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội. Năm 2015 cũng có nhiều khả năng luật Biểu tình sẽ bị hoãn thêm một lần nữa.

Trong bối cảnh ấy, nhiều biểu thị chính đáng của các giai tầng chịu thiệt thòi như công nhân, nông dân, tiểu thương, nạn nhân môi trường… đã bị cô lập đến mức tối thiểu. Nhân quyền xuống dốc trầm trọng.
 
Trong bối cảnh ấy, Chính phủ không thể có cải cách thể chế nếu không bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền tự do biểu tình của công dân.

Nhằm góp phần giải quyết tình hình đặc biệt bức xúc trên, trong thời gian qua Hội Nhà báo độc lập VN đã cùng một nhóm luật sư, luật gia, chuyên gia tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật biểu tình, trên cơ sở tham khảo thông lệ, văn bản quốc tế và những điều kiện đặc thù của VN về biểu tình.

Quyền biểu tình rất đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho sự nghiệp dân chủ hóa ở VN, căn cứ vào Quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20); Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 24 về Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa ngày ngày 21 tháng 3 năm 2013.

Dự luật biểu tình sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên mạng Internet được công bố vào thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Việt Nam khóa VIII - tháng 5/2015. Dự luật này cũng được Hội Nhà báo độc lập VN gửi đến các cơ quan liên quan: Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM.  

-----------------

DỰ THẢO LUẬT BIỂU TÌNH

Lời nói đầu:

Theo Hiến pháp năm 2013, biểu tình là một quyền của công dân (Điều 25). Cũng theo hiến pháp, quyền công dân và quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật (Điều 14).

Như vậy, theo Hiến pháp, không thể sử dụng các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền biểu tình của người dân. Ngoài ra, các văn bản dưới luật, được áp dụng để điều chỉnh hành vi biểu tình từ trước đến nay, đã hết hiệu lực vào ngày 1-1-2014, ngày Hiến pháp năm 2013 chính thức có hiệu lực.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với một tình trạng pháp lý khá đặc biệt: Do các đạo luật tương ứng chưa kịp ban hành, nên quyền biểu tình và một số quyền khác được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, đang đương nhiên là những quyền không bị hạn chế.

Luật Biểu tình cần không chỉ cho người dân, mà còn cả cho chính quyền. Đối với người dân, luật là sự bảo đảm, sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình.

Đối với chính quyền, luật cung cấp các quyền năng, các công cụ pháp lý cần thiết cho việc điều chỉnh hành vi biểu tình. Với một đạo luật như vậy, vừa bảo đảm được quyền của người dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho cách hành xử của chính quyền.

A - Quan điểm soạn thảo

Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Điều 25 của Hiến pháp hiện hành quy định:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Mệnh đề “các quyền này do pháp luật quy định” khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế.

Cần hiểu “do pháp luật quy định” là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng, thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại.

Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, như đã hiến định.

Hiến pháp 2013 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ, hay Thủ tướng Chính phủ, ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.

B - Nội dung nguyên tắc của dự thảo Luật Biểu tình (lần 2)

+ Từ quy định của Hiến pháp 2013, các Điều 6, 25, 28, có thể rút ra những nguyên tắc cho soạn thảo dự Luật Biểu tình như sau:

1. Biểu tình là quyền của công dân, đồng thời khẳng định nghĩa vụ của nhà nước phải tạo điều kiện để người dân được thực hiện quyền biểu tình.

2. Phạm vi bảo vệ của quyền này là tất cả người Việt Nam, được hiểu là những người có quốc tịch Việt Nam, không phụ thuộc vào độ tuổi.

3. Ôn hòa và không sử dụng vũ khí là điều kiện bắt buộc đối với một cuộc biểu tình.

4. Người biểu tình chỉ cần đăng ký theo thủ tục, trình tự pháp luật quy định.

5. Trách nhiệm của cơ quan công quyền là tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền biểu tình.

+ Nội dung của dự Luật Biểu tình sẽ đề cập đến bốn nội dung chính: những quy định chung; quyền nghĩa vụ của những người tham gia biểu tình; quyền và nghĩa vụ của cảnh sát và xử lý vi phạm.

1. Nội dung biểu tình về nguyên tắc là không bị giới hạn. Người biểu tình có thể biểu tình về bất cứ vấn đề gì thuộc phạm vi của quyền tự do ngôn luận.

Các trường hợp cấm biểu tình:

- Chống lại trật tự dân chủ tự do;

- Nhằm mục đích kêu gọi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán một đảng chính trị nào đó (ở Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp).

- Ủng hộ một đảng phái đã được Tòa án Hiến pháp tuyên bố là đảng vi hiến và cấm hoạt động;

- Tụ họp những hội mà theo Luật về Hội (hiện nay Việt Nam chưa có Luật về Hội) đã cấm hoạt động.

- Miệt thị, công kích cá nhân, vi phạm quyền nhân thân, cản trợ quyền ngôn luận, cản trợ tự do đi lại, tự do cư trú.

Ngoài ra, người tham gia biểu tình không được sử dụng vũ khí, hay công cụ có tính bạo lực nào nhằm mục đích gây tổn thương, hoặc làm thiệt hại tài sản của người khác hay tài sản công;không được mặc những trang phục, hoặc sử dụng những biểu tượng có tính chất thù địch về mặt chính trị.

Những người tham gia biểu tình cần có chung ít nhất một mục đích. “Một cuộc biểu tình có mục đích chung”, được hiểu là nhiều người cùng tham gia thể hiện chính kiến của mình trong quan hệ với trật tự dân chủ của nhà nước. Những sự kiện do tư nhân tổ chức mang tính giải trí, văn hóa không được gọi là biểu tình.

Về số lượng người tham gia biểu tình sẽ không quy định rõ số lượng tối thiểu người tham gia biểu tình là bao nhiêu.

2. Quyền và nghĩa vụ của đoàn biểu tình.

Bất cứ ai biểu tình ở ngoài trời, cần tiến hành thông báo cho cơ quan có thẩm quyền chậm nhất trước 48 giờ (tương tự như thủ tục hành chính về tổ chức họp báo), trong đó phải nêu rõ: ai là trưởng đoàn, các thông tin về biểu tình và chịu trách nhiệm về cuộc biểu tình. Việc sử dụng các biểu ngữ nội dung gì phải được thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền về việc biểu tình.

Như vậy, biểu tình không có nghĩa vụ phải xin phép, mà chỉ cần thông báo.

Đoàn biểu tình chỉ cần công bố rõ thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình, còn việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông ra sao là thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của “người trưởng đoàn”, theo đó, cuộc biểu tình nào cũng phải có một người trưởng đoàn, đây sẽ là người tổ chức tiến hành và chịu trách nhiệm về cuộc biểu tình. Người trưởng đoàn sẽ chịu trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình phải diễn ra một cách ôn hòa, không vũ khí.

Trong quá trình biểu tình, trưởng đoàn có quyền dừng hoặc chấm dứt biểu tình bất cứ lúc nào, có thể tước quyền biểu tình của bất cứ ai có hành động gây rối, hoặc không tuân theo chỉ đạo của trưởng đoàn.

Người bị trưởng đoàn mời rời khỏi đoàn biểu tình, phải có nghĩa vụ rời khỏi đoàn biểu tình ngay lập tức, cảnh sát sẽ hỗ trợ trưởng đoàn thực hiện đúng nhiệm vụ trong trường hợp người bị mời rời khỏi không tuân theo yêu cầu của trưởng đoàn biểu tình.

Người trưởng đoàn có thể cử ra một số người trợ giúp biểu tình từ thành viên của đoàn biểu tình đó. Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm thông báo cho cảnh sát về những người trợ giúp biểu tình này.

3. Quyền và nghĩa vụ của cảnh sát.

Cơ quan có thẩm quyền có thể cấm biểu tình, hoặc đồng ý biểu tình có điều kiện khi tại thời điểm chuẩn bị tiến hành biểu tình, hoặc đang biểu tình có những căn cứ rõ ràng cho thấy việc biểu tình là gây nguy hiểm trực tiếp cho “trật tự chung”.

Thuật ngữ “trật tự chung”, về vấn đề này, khi áp dụng vào trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào những tiêu chuẩn định lượng, như: phải có đủ cơ sở pháp lý, có đủ bằng chứng thực tế xác minh, các biện pháp áp dụng phải tương xứng với hành vi vi phạm...

Ngay khi tuyên bố giải tán biểu tình, tất cả các thành viên lập tức phải rời khỏi nơi biểu tình. Trong quá trình biểu tình, không chỉ trưởng đoàn biểu tình, mà cảnh sát cũng có thể yêu cầu người không tuân thủ các quy định về Luật Biểu tình ra khỏi đoàn biểu tình.

4. Xử lý vi phạm.
Nhằm đảm bảo trật tự và an toàn cho hoạt động biểu tình, phải quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật biểu tình.

Yêu cầu xác định rõ chế tài đối với bất kỳ ai, kể cả người thi hành công vụ xâm phạm quyền tự do biểu tình hiến định của người dân.

C - Dự thảo Luật Biểu tình (lần 2)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013; Quốc hội ban hành Luật Biểu tình;

Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của quyền tự do biểu tình.

Chương I: Những quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Luật Biểu tình quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người biểu tình. Luật Biểu tình tương đồng với các Hiệp ước, Công ước quốc tế về quyền con người, quyền dân sự chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Điều 2. Quyền biểu tình      

1. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa và không vũ khí, hung khí; không lợi dụng cuộc biểu tình để gây rối an ninh công cộng; tuân thủ những quy định của địa phương về âm thanh, ánh sáng, và môi sinh công cộng.

2. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thực hiện quyền biểu tình.

3. Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi một đạo luật của Quốc hội. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này.

4. Việc đình công của các doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức dân sự - xã hội, tổ chức tôn giáo, công dân Việt Nam.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biểu tình: là hành vi mang tính tự nguyện để biểu thị sự đồng tình, hoặc không đồng tình, hoặc phản đối về một sự kiện, một vấn đề cụ thể nào đó.

2. Quyền biểu tình: gắn với quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, quyền thân thể.

3. Quyền tự do ngôn luận: là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Tự do ngôn luận phải tuân thủ nguyên tắc không được xúc phạm, miệt thị nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...

4. Vũ khí: là những vật dụng được chế tạo nhằm để sát thương.

5. Hung khí: là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt), hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm, hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.

6. Nghĩa vụ thông báo: Trước khi diễn ra cuộc biểu tình, người giữ vai trò trưởng đoàn có trách nhiệm thông báo tất cả nội dung của cuộc biểu tình sẽ diễn ra đến cơ quan công quyền.

7. Ôn hòa: Không cố tình xâm phạm trái phép vào các tuyến giao thông, các tòa nhà hành chính, không phỉ báng, không có những kích động bạo lực, không có hành vi tự hủy hoại sức khỏe tập thể thông qua tuyệt thực trong quá trình biểu tình.

8. Kiểm soát biểu tình: là vẫn giữ được các cam kết như ban đầu giữa đoàn biểu tình và phía nhân viên công quyền từ lúc bắt đầu, đến khi kết thúc.

9. Giá trị tự do cơ bản: Những giá trị phổ quát về nhân quyền, dân chủ như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền ứng cử, bầu cử,…

10. Công trình công ích nhà nước: là các công trình công cộng liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của quốc gia như: nhà máy thủy điện, nhà máy nước, nhà máy nguyên tử.

11. Các biện pháp giải tán biểu tình khác: là những biện pháp không mang tính bạo lực, ở đây có thể sử dụng đối thoại, đàm phán qua trung gian nhằm ngăn ngừa sự leo thang xung đột và dẫn đến bạo lực, ngay cả khi áp dụng biện pháp cứng rắn trong trường hợp cần thiết thì cũng không sử dụng các công cụ hỗ trợ có khả năng làm tổn thương thân thể, sức khỏe, tính mạng của người tham gia biểu tình.

Chương II: Tổ chức hoạt động biểu tình

Điều 5. Các trường hợp cấm biểu tình


1. Chống lại trật tự dân chủ tự do.

2. Nhằm mục đích kêu gọi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán một đảng chính trị nào đó (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).

3. Ủng hộ một đảng phái đã được Tòa án Hiến pháp tuyên bố là đảng vi hiến và cấm hoạt động (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).

4. Tụ họp những hội mà theo Luật về Hội (hiện nay Việt Nam chưa có Luật về Hội) đã cấm hoạt động.

5. Nhằm gây rối trật tự công cộng, an ninh xã hội, gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến các dịch vụ công; tiến hành tấn công lực lượng an ninh, hoặc gây những nguy hiểm cho các cá nhân, cộng đồng.

6. Tiến hành biểu tình đồng thời với địa điểm đang diễn ra cuộc đình công của người lao động.

7. Tiến hành biểu tình với vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, các loại phương tiện khác gây nguy hiểm đến cá nhân, tài sản cá nhân, tài sản của các tổ chức dân sự, doanh nghiệp, tài sản công.

8. Miệt thị, công kích cá nhân, vi phạm quyền nhân thân, cản trợ quyền ngôn luận, cản trợ tự do đi lại, tự do cư trú.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của đoàn biểu tình

1. Quyền của đoàn biểu tình

a) Yêu cầu cảnh sát đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình tiến hành biểu tình. Trong đó, có đảm bảo tài sản công và tài sản cá nhân.

b) Chụp ảnh, quay video, nhằm thông tin hoặc tìm kiếm sự ủng hộ cho đoàn biểu tình.

c) Được giám sát bởi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, truyền thông, báo chí độc lập trong nước và quốc tế.

d) Phối hợp với cơ quan công quyền dừng hoạt động biểu tình bất kỳ lúc nào, hoặc tiến hành tước quyền biểu tình với mọi đối tượng có hành vi gây rối trong đoàn.

2. Nghĩa vụ của đoàn biểu tình

a) Tùy vào yêu cầu mục đích nội dung biểu tình, thời gian thông báo gửi ủy ban nhân dân tại địa phương - nơi sẽ diễn ra cuộc biểu tình, về nội dung biểu tình, từ 12 giờ đến tối đa là 48 giờ trước khi cuộc biểu tình diễn ra.

Nội dung văn bản bao gồm: thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm bắt đầu và kết thúc (bao gồm tuyến đường tuần hành nếu có), số lượng người tham gia, mục đích của việc biểu tình, nội dung âm thanh và biểu ngữ, cường độ âm thanh.

b) Những người tổ chức biểu tình có trách nhiệm hợp tác với lực lượng cảnh sát nhằm đảm bảo diễn biến biểu tình theo hướng ôn hòa.

c) Những người tổ chức biểu tình có trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình phải diễn ra một cách ôn hòa.

d) Không sử dụng những hình ảnh, biểu tượng gây hiểu lầm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người, có tính chất thù địch về mặt chính trị trên trang phục, băng-rôn, khẩu hiệu.

e) Không mặc những trang phục, hoặc sử dụng những biểu tượng có tính chất kích động bạo lực hoặc kỳ thị.

f) Ban tổ chức cuộc biểu tình có nghĩa vụ tổ chức biểu tình đúng thời gian thông báo, số lượng người tham gia.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền

1. Quyền của cơ quan công quyền

a) Có thể cấm biểu tình khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy biểu tình không tuân thủ đầy đủ các quy định theo luật biểu tình. Thông báo điều này cho đoàn biểu tình tối thiểu 6 giờ trước khi biểu tình dự kiến diễn ra.

b) Có thể giải tán biểu tình khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy quá trình biểu tình đã bị mất kiểm soát từ phía người tổ chức biểu tình. Thông báo điều này cho những người tổ chức biểu tình và yêu cầu được hợp tác.

c) Ngay khi tuyên bố giải tán biểu tình, tất cả các thành viên lập tức phải rời khỏi nơi biểu tình. Trong quá trình biểu tình, không chỉ những người tổ chức biểu tình mà cảnh sát cũng có thể yêu cầu người không tuân thủ các quy định về Luật Biểu tình ra khỏi đoàn biểu tình.

d) Tiến hành tạm giữ hành chính một cá nhân hay một vài cá nhân được cho là gây nguy hiểm trực tiếp cho “trật tự biểu tình”, và được phép yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân, thông qua sự đồng ý các quan điểm chung với những người tổ chức biểu tình.

e) Được phép sử dụng các biện pháp khác ngoài lời kêu gọi nhằm giải tán biểu tình, trong trường hợp lệnh giải tán được ban ra. Các biện pháp này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

2. Nghĩa vụ của cơ quan công quyền

a) Thực hiện mọi biện pháp để tạo môi trường thuận lợi nhất cho đoàn biểu tình. Trong đó đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, trẻ vị thành niên được bày tỏ quan điểm của mình. Đảm bảo tài sản cá nhân, tài sản công trong tiến trình giám sát biểu tình.

b) Loại bỏ hoặc tìm cách loại bỏ sự phân biệt đối xử trong quá trình biểu tình (sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, thể trạng).

c) Bảo vệ đoàn biểu tình khỏi sự đe dọa hoặc quấy rối vật lý, các hành vi khiêu khích, bạo lực từ bên ngoài. Tạo điều kiện cho những tổ chức nhân quyền, báo chí giám sát, báo cáo về cuộc biểu tình ôn hòa.

d) Giải trình trách nhiệm và buộc đối mặt với trách nhiệm dân sự, hình sự nếu quá trình can thiệp vào cuộc biểu tình có sử dụng biện pháp vũ lực quá mức hoặc bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức quy định.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

2. Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với công dân vì lý do tham gia các cuộc biểu tình.

3. Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động của người tham gia biểu tình.

4. Trường hợp đã có tuyên bố cấm biểu tình, hoặc có lệnh giải tán biểu tình đã được công bố, người nào tiếp tục tiến hành cuộc biểu tình, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra mà sẽ bị xử lý tương ứng với các quy định pháp luật liên quan.

Chương III. Xử lý vi phạm

Điều 9. Xử lý vi phạm


Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quyền biểu tình, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IV. Điều khoản thi hành

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực từ…,

2. Việc thực hiện Luật này không chờ đợi vào văn bản hướng dẫn dưới luật, nếu như các văn bản này được ban hành không đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Biểu tình.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …, kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm 201...
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI





No comments:

Post a Comment

View My Stats